5 chữ tâm để phát triển văn hóa đọc

Lê Thu Hiền| 28/04/2020 15:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Các nhiệm vụ và các công việc cần triển khai để thực hiện chỉ tiêu của Đề án phát triển văn hóa đọc còn nhiều khó khăn và thách thức

Ngày 15 tháng 3 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nhìn lại gần ba năm qua, với việc thực hiện Đề án, hoạt động thư viện đã có nhiều khởi sắc và đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Nhân dịp Ngày Sách Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).

5 chữ tâm để phát triển văn hóa đọc  - Ảnh 1.

TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ VHTTDL.

Văn hóa đọc trong cộng đồng được nâng lên một tầm cao mới 

PV : Thưa bà, sau 3 năm thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đã đạt được những kết quả như thế nào? 

TS. Vũ Dương Thúy Ngà: Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn; vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. 

Đến nay, đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ: Công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh. Tại một số địa phương, ngành thư viện đã chủ động các phương tiện thông tin đại chúng có chuyên mục thường kỳ về văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc. Nhìn chung, các thư viện đã tích cực đẩy mạnh việc xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc cho người sử dụng. Phong trào đọc tại nhiều địa phương và bộ ngành đã có sự khởi sắc. Các hoạt động kỷ niệm nhân ngày sách Việt Nam đã được tổ chức rộng khắp và có chiều sâu. Nhiều hoạt động khuyến đọc đã có sự liên kết phối hợp chặt chẽ giữa ngành thư viện với ngành giáo dục và xuất bản. Các tài liệu dành cho thiếu nhi, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số đã được các thư viện quan tâm hơn. Ngoài sách chữ nổi, sách nói đã được các thư viện tỉnh, thành phố và một số nhà hảo tâm hình thành để tạo điều kiện cho người khiếm thị thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin và tri thức.

5 chữ tâm để phát triển văn hóa đọc  - Ảnh 2.

Thư viện lưu động

Công tác xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan cần thiết, góp phần tạo môi trường đọc thuận lợi; xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư cho phát triển văn hóa đọc đã được chú trọng. Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện ngày 21 tháng 11 năm 2019. Công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thư viện đang được triển khai. Mạng lưới thư viện cả nước đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động để phục vụ bạn đọc ngày một tốt hơn. Năm 2019, theo số liệu thống kê, lượt bạn đọc đến thư viện công cộng (trong cả nước) và thư viện trường phổ thông (của 30 tỉnh, thành phố) ước tính đạt hơn 100 triệu; tổng lượt sách báo phục vụ của các thư viện này đạt hơn 180 triệu lượt. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, các doanh nghiệp và cơ sở khác hoạt động trong lĩnh vực phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm đã tích cực tham gia phát triển văn hóa đọc. Điển hình, Dự án trang bị Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện Ánh sáng tri thức do Vụ Thư viện - Bộ VHTTDL phối hợp với Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup thực hiện. 

Trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2019, Bộ VHTTDL và Tập đoàn Vingroup đã trao tặng 44 xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ cộng đồng cho 44 thư viện tỉnh/thành trong cả nước. Mỗi xe được trang bị sách in, sách nói, máy tính máy chủ và các trang thiết bị khác. Nhờ đó năng lực phục vụ cộng đồng được nâng lên. Bên cạnh đó, hàng chục vạn bản sách từ các nguồn xã hội hóa đã được tăng cường cho các thư viện, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nhiều thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng mới được thành lập tăng cường cho phục vụ nhân dân ở cơ sở. Bên cạnh đó, Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên cũng đồng hành trong nhiều chương trình hỗ trợ hàng trăm nghìn bản sách cho các thư viện và cộng đồng trong những năm qua.

Kết nối tình yêu thương và tri thức

PV: Để đạt được những kết quả như vậy, Bộ VHTTDL đã đẩy mạnh những công tác gì thưa bà?

TS. Vũ Dương Thúy Ngà: Để đạt kết quả đã nêu, trước hết là nhờ Bộ VHTTDL đã xây dựng được kế hoạch cụ thể trong 3 năm, xác định được nhiệm vụ trọng tâm trong từng năm và xây dựng các văn bản hướng dẫn các thư viện triển khai Đề án hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tăng cường các chương trình phối hợp công tác với các Bộ ngành, tổ chức khác như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyển thông, Bộ Công An, Hội Người mù Việt Nam, các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ. Đồng thời, Bộ VHTTDL đã đẩy mạnh công tác vận động xã hội hóa. Đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia đồng hành với các chương trình phát triển văn hóa đọc của Bộ VHTTDL và của các Bộ, ngành, địa phương.

Năm qua và năm 2020, một số chương trình được tổ chức như chương trình "Cùng bạn đọc sách Nâng tầm trí tuệ Việt", chương trình "Hành trình Ánh sáng trí thức và mùa xuân" chẳng hạn.

Chương trình "Cùng bạn đọc sách Nâng tầm trí tuệ Việt" tuy thực hiện thời gian không dài nhưng đã huy động được nhiều sách báo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, khích lệ sự tương thân tương ái trong việc giúp đỡ những người khuyết tật có cơ hội và điều kiện tiếp cận thông tin và tri thức. Nhờ có sự chung tay của các tổ chức cá nhân, chúng tôi đã tổ chức được nhiều hoạt động khuyến đọc, truyền cảm hứng cho người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống. 

Chương trình "Hành trình Ánh sáng trí thức và mùa xuân" do Vụ Thư viện phối hợp với Quỹ Thiện tâm thực hiện  nhằm  thúc đẩy phát triển văn hoá đọc và tạo ra một không khí vui tươi, sôi nổi, thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên tại các địa phương tham gia. Chương trình "Hành trình Ánh sáng trí thức và mùa xuân" gắn với lễ hội và phong tục của các địa phương nhằm thúc đẩy phát triển văn hoá đọc tại các địa phương, đồng thời tạo ra một không khí vui tươi, sôi nổi, thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên tại các địa phương tham gia khi Tết đến Xuân về. 

Nội dung của chương  trình bao gồm các hoạt động: Triển lãm, trưng bày sách, báo chào mừng Xuân mới, mừng Đảng quang vinh và các hoạt động bổ trợ như: Khám phá trí thức (Ai nhanh có thưởng); Rung chuông vàng; Viết cảm nhận về sách, báo; Cuộc thi giới thiệu về cuốn sách em yêu; Giao lưu với diễn giả; Giáo dục kỹ năng sống; Chiếu phim; Ca múa nhạc: Mừng Đảng, mừng Xuân mới...

5 chữ tâm để phát triển văn hóa đọc  - Ảnh 3.

Thi vẽ tranh "Cảm nhận cuae em"

Đồng thời còn có cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được tổ chức hàng năm. Cuộc thi dành cho học sinh và sinh viên trên toàn quốc nhằm khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với thanh thiếu niên nhi đồng. Từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên, một yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Thông qua Cuộc thi khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc nâng cao nội lực của người Việt Nam, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong việc tiếp cận với thông tin và tri thức góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Năm 2019, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã thu hút hơn 536.557 học sinh, sinh viên với gần 4.400 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và học viện tham gia. Cuộc thi đã có những thành công bước đầu và thu hút sự quan tâm đến văn hóa đọc không chỉ đối với học sinh, sinh viên mà còn cả các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh.

5 chữ tâm để phát triển văn hóa đọc  - Ảnh 4.

Không gian thư viện

Trong thời gian qua, các thư viện trong cả nước, đặc biệt là thư viện công cộng đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động để Phát huy vai trò là thiết chế giáo dục ngoài nhà trường. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, học sinh, sinh viên cả nước đã được cho nghỉ học. Để hỗ trợ cho bạn đọc, đặc biệt là học sinh, sinh viên có thể sử dụng thời gian rảnh rỗi vào việc học tập, nghiên cứu và giải trí, các thư viện công cộng đã thúc đẩy nhiều dịch vụ thân thiện và hữu ích: tăng cường cho mượn sách, phục vụ trực tuyến. Tại nhiều địa phương, thư viện được xem là một trong những địa chỉ lý tưởng được nhiều phụ huynh có con nhỏ, các em học sinh và sinh viên yêu thích lựa chọn.

Cùng với việc xây dựng môi trường đọc sách trong lành và an toàn, một số thư viện tỉnh còn tăng cường hoạt động thú vị dành cho bạn đọc trong mùa dịch: giáo dục kỹ năng sống, tổ chức hướng dẫn khéo tay hay làm. Tại phòng thiếu nhi, các em được nhân viên thư viện hoặc thầy cô cộng tác viên của thư viện hướng dẫn cách làm hoa, ghép mô hình bằng que kem, kết cườm, vẽ tranh theo sách… Việc tích cực vận động cơ thể cũng là một trong những cách hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nhìn chung lượng bạn đọc đến các thư viện trong thời gian qua có giảm nhưng lượng bạn đọc đến mượn sách thì tăng lên. Thư viện cũng đã tăng cường số lượng sách cho mượn mỗi lượt nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Từ nhận thức thư viện và một thiết chế giáo dục ngoài nhà trường có vốn tài liệu phong phú và là môi trường an toàn, nhiều gia đình đã cho con em đến thư viện thay vì để con trẻ ở nhà. Với những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo vệ sinh, thư viện công cộng đã được coi là điểm đến an toàn, nơi các em có thể lựa chọn những sách cuốn sách hay để đọc và tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức... 

Chung tay xây dựng nét đẹp Văn hóa đọc

PV : Với nhiều công tác, hoạt động được triển khai thực hiện như vậy thì có gặp những khó khăn gì không thưa bà?

TS. Vũ Dương Thúy Ngà: Những kết quả như đã nêu là đáng kể, tuy nhiên đến năm 2020 là thời điểm kết thúc giai đoạn một thực hiện Đề án (từ 2017-2020), còn có khoảng cách giữa những gì thực hiện được với các chỉ tiêu đặt ra. Hệ thống thư viện công cộng các cấp và thư viện trường học còn có nhiều khó khăn:

Nhận thức của các cấp lãnh đạo tại một số địa phương, bộ, ngành, của một số cán bộ, công chức, viên chức và của nhân dân về vai trò của văn hóa đọc chưa đúng và  đầy đủ;

Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho thư viện còn rất hạn chế, đặc biệt là các thư viện cơ sở. Đầu tư cho phát triển vốn tài liệu trong các thư viện nhìn chung chưa đảm bảo. Một bộ phận người dân, đặc biệt là viên chức, thanh thiếu niên còn thờ ơ với việc đọc. Xây dựng và hình thành một thói quen, đặc biệt là thói quen đọc là một quá trình lâu dài không thể thực hiện được trong một thời gian một vài năm;

Vốn tài liệu trong các thư viện công cộng không theo kịp với sự phát triển dân số, điều đó dẫn tới tỷ lệ sách bình quân trên đầu người dân khi kết thúc giai đoạn một tăng không đáng kể so với năm 2017. Năm 2019 tổng số bản sách trong hệ thống thư viện công cộng gần 44 triệu bản, bình quân số bản sách/đầu người là 0.45 bản, một con số còn rất xa so với chỉ tiêu 01 bản sách/đầu người vào năm 2020...

PV: Xin bà cho biết, trong thời gian tới Bộ VHTTDL có những giải pháp nào để phát triển văn hóa đọc? 

TS. Vũ Dương Thúy Ngà: Thời gian tới, để thực hiện thành công Đề án, các thư viện trong cả nước cần rà soát các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra cùng với các chỉ tiêu mà địa phương đã xác định trong kế hoạch triển khai Đề án, trên cơ sở đó chú trọng các giải pháp với các biện pháp cụ thể sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, cộng đồng và mọi người về vai trò của việc đọc. 

Hai là, Chú trọng hình thành thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc cho bạn đọc trong tất cả các loại hình thư viện.

Ba là, Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường nguồn lực, thu hút sự quan tâm hỗ trợ của tổ chức, cá nhân cho hoạt động thư viện. 

Bốn là, Nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới thư viện, đổi mới phương thức phục vụ tại thư viện và ngoài thư viện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, thúc đẩy cung cấp dịch vụ trên không gian mạng cho người sử dụng mọi nơi mọi lúc.

Để góp phần thực hiện thành công Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, có năm chữ TÂM toàn ngành thư viện cần hết lòng thực hiện:

Thực tâm: tránh hình thức, thực hiện Đề án mang tính phong trào.

Thiện tâm: thực hiện nhiệm vụ với tâm trong sáng, vì một cộng đồng thích đọc sách và có hiểu biết.

Quyết tâm: nỗ lực cố gắng thực hiện bằng được các chỉ tiêu đặt ra dù có nhiều khó khăn, trở ngại.

Tận tâm: tận tụy, hết lòng tâm huyết, cố gắng hết sức, dốc hết sức lực. 

Đồng tâm: vận động thu hút sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Các nhiệm vụ và các công việc cần triển khai để thực hiện chỉ tiêu của Đề án phát triển văn hóa đọc còn nhiều, trong khi thời gian và điều kiện có hạn. Còn nhiều khó khăn và thách thức đặt ra, thêm vào đó tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp, vì thế các thư viện cần phát huy sự sáng tạo để thúc đẩy các hoạt động để phục vụ cộng đồng an toàn và hiệu quả. 

PV: Trân trọng cảm ơn bà !

(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
5 chữ tâm để phát triển văn hóa đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO