AI phát triển rộng rãi ở Việt Nam với những tác động rõ rệt, tích cực

Gia Bách| 17/07/2020 17:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau thời gian bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, Forbes Việt Nam tổ chức Tech Summit 2020 với chủ đề “Khám phá kho báu Midas” vào ngày 16/7/2020, tại TP. Hồ Chí Minh, mở đầu cho chuỗi sự kiện trong năm 2020.

Hội nghị lần thứ 2 có sự tham gia của gần 500 khách là các nhà đầu tư mạo hiểm, giám đốc công nghệ (CIO), đại diện cộng đồng khởi nghiệp trong nước và bạn đọc của Forbes Việt Nam.

Tech Summit 2020 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà khôi phục và tìm cơ hội phát triển sau khi bị gián đoạn hoạt động kinh doanh do COVID-19.

Là quốc gia hơn 96 triệu dân, phần lớn là giới trẻ, Việt Nam đang bắt nhịp với các xu hướng công nghệ mới như IoT, AI, 5G… trong kỷ nguyên Internet. Trong đó, dữ liệu trở thành nguồn tài nguyên giá trị nếu doanh nghiệp, tổ chức khám phá, và biết cách khai thác để liên tục tạo ra sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tech Summit 2020 với chủ đề “Khám phá kho báu Midas” - Ảnh 1.

Các diễn giả là các giám đốc công nghệ, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực AI, dữ liệu lớn, IoT,… trình bày các nội dung bao quát, cũng như chuyên sâu về xu hướng công nghệ đang nổi lên trên thế giới

Tại sự kiện, các diễn giả là các giám đốc công nghệ, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, IoT,… đã trình bày các nội dung bao quát, cũng như chuyên sâu về xu hướng công nghệ đang nổi lên trên thế giới. Đặc biệt, một số chia sẻ về thực tiễn nghiên cứu, ứng dụng về AI, dữ liệu lớn tại các tổ chức, doanh nghiệp trong nước cho thấy khả năng nắm bắt, triển khai nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến tại Việt Nam.

Các diễn giả cũng dành phần lớn thời gian để thảo luận và trả lời các câu hỏi về các nội dung liên quan đến phát triển sản phẩm, dịch vụ, mở rộng hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số (chuyển đổi số) và phân tích dữ liệu, những nội dung sát sườn đang được các doanh nghiệp hàng đầu sử dụng để phát triển kinh doanh, theo kịp sự thay đổi hành vi tiêu dùng.

Máy móc và con người

Tại Tech Summit 2020, đáng chú ý là bài phát biểu có chủ đề "Máy và người" do ông Đào Đức Minh, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI trình bày.

Theo ông Minh: "AI đang được phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua và đạt được nhiều thành quả lớn trong cuộc sống cũng như nhiều lĩnh vực kinh doanh, từ tài chính đến chăm sóc sức khỏe, giải trí, mua sắm… Ba mảng đang được ứng dụng AI nhiều và thành công nhất là hình ảnh, ngôn ngữ và lập trình ngôn ngữ tư duy (Neuro Linguistic Programming - NLP). AI được dự báo sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong 10 năm tới, đóng góp 15,7 ngàn tỉ USD vào năm 2030".

Tech Summit 2020 với chủ đề “Khám phá kho báu Midas” - Ảnh 2.

Ông Đào Đức Minh: Con người cộng hưởng với máy móc chứ không phải đối đầu

Có một hiểu lầm phổ biến: nhiều người nghĩ AI ở đây để thay thế con người, nhưng vẫn còn một quãng đường rất xa để công nghệ này có thể thay thế con người. Thay vào đó, nó sẽ hỗ trợ con người, tự động hóa các tác vụ cơ bản nhằm nâng cao năng suất làm việc. "Đây là thời điểm dịch chuyển: Con người cộng hưởng với máy móc chứ không phải đối đầu. Hai bên nên nâng tầm lẫn nhau," ông Minh cho biết

Theo đó, với những tác vụ quen thuộc: con người sẽ được máy móc thay thế, con người chỉ giám sát và kiểm soát chúng. Còn với những tác vụ mang tính phức tạp và sáng tạo, đây chính là "vùng an toàn": máy móc chỉ giúp con người làm việc hiệu quả hơn, giúp họ có thêm thời gian để suy nghĩ và sáng tạo. Đồng thời, vẫn có sự tồn tại của một khoảng không ở giữa, được gọi là khoảng "cùng tồn tại": máy móc và người hỗ trợ lẫn nhau để tối ưu hóa hiệu quả cuối cùng.

Ông Minh cũng lý giải và làm rõ một hiểu nhầm phổ biến khác, rằng AI tuy hấp dẫn và thú vị nhưng người Việt Nam không làm được AI ở cấp độ quốc tế. Theo ông, thực tế AI được phát triển rộng rãi ở Việt Nam với những tác động rõ rệt và tích cực. Và vẫn có những bài toán nếu không phải người Việt Nam tự giải thì không ai giải được, và người Việt còn có khả năng giải được tốt hơn những người ngoài kia.

Giám đốc điều hành VinBDI viện dẫn việc ứng dụng công nghệ AI tại viện này. Đơn cử như VinDr, giải pháp toàn diện ứng dụng AI cho bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, vừa được chính thức chạy thử nghiệm ở ba bệnh viện là Vinmec Times city, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào ngày 19/6 vừa qua. Mục đích giúp tăng mức chuẩn xác trong chẩn đoán bệnh, từ đó chi phí chẩn đoán giảm thiểu vì k phụ thuộc 100% vào con người. Đây là 1 trong 4 dự án nghiên cứu tại VinBigData. Các dự án khác bao gồm Xử lý ngôn ngữ và tiếng nói, Thị giác máy tính và Y sinh tính toán.

Để ứng dụng AI, theo ông Minh, điều kiện tiên quyết là phải có một lượng dữ liệu đủ lớn, tin cậy, dễ tiếp cận và phải được gắn nhãn rõ ràng. Tổ chức, doanh nghiệp cũng phải có mô hình hiệu quả để ứng dụng công nghệ mới này, cùng với hệ tầng phần cứng cao cấp. Quan trọng hơn, họ cũng phải có chiến lược tốt trong cả kinh doanh lẫn sản xuất, nhờ đó khi nhìn thấy một ứng dụng AI mới đánh giá được nó có phù hợp với công việc kinh doanh của mình hay không. Các vấn đề còn lại là pháp lý, thủ tục…

"Yếu tố cuối cùng và quan trọng nhất chính là con người, là đối tượng tạo ra và sử dụng AI hiệu quả nhất. AI không thể phát huy hiệu quả nếu con người không sẵn sàng sử dụng nó," ông Minh khẳng định.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
AI phát triển rộng rãi ở Việt Nam với những tác động rõ rệt, tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO