AMM-53: Khẳng định sức mạnh ngoại giao bảo vệ an ninh, hòa bình

Trọng Thành| 18/09/2020 14:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Diễn ra vừa qua trong 4 ngày (từ 9 đến 12/9) tại Hà Nội, Việt Nam với cương vị là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020 đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và các hội nghị liên quan qua hình thức trực tuyến.

Vai trò quan trọng của ASEAN trong tiến trình thúc đẩy, duy trì hòa bình, ổn định biển Đông

Có thể nói, những mục tiêu đặt ra trước Hội nghị của Chủ tịch ASEAN 2020 cũng như các nước thành viên và đối tác đều cơ bản đạt được với sự nhất trí cao. AMM-53 đã thống nhất ra thông cáo chung tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác nội khối cùng các đối tác, với 19 hội nghị cấp bộ trưởng và các phiên họp, 42 văn kiện quan trọng được thông qua, thống nhất thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao cũng như những quyết tâm, sự đồng thuận của ASEAN trong việc chuyển tới thế giới tiếng nói của khối đối với các vấn đề nội bộ, việc xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như quan điểm của ASEAN đối với các vấn đề khu vực và trên thế giới.

Trong số những thành công quan trọng đó, AMM-53 lần này ghi nhận sự tích cực của các nhà lãnh đạo, các Bộ trưởng Ngoại giao của của 28 đoàn, các Hiệp hội và gần 20 vị đồng cấp ở 4 châu lục trên thế giới đã tìm được tiếng nói chung cũng như khẳng định nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Đây là lợi ích chung của tất cả các quốc gia, không chỉ riêng ở Việt Nam, khu vực ASEAN mà nay ảnh hưởng trên phạm vi rộng có tính toàn cầu.

AMM-53: Nơi sức mạnh ngoại giao bảo vệ an ninh, hòa bình, chủ quyền Biển Đông - Ảnh 1.

Việt Nam luôn khẳng định quan điểm nhất quán bảo vệ chủ quyền biển, đảo tổ quốc đúng trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Một trong những vấn đề nổi bật, được bàn thảo tại AMM-53, chính là vấn đề liên quan tới hòa bình và an ninh ở biển Đông, bởi đây là chủ đề nóng, luôn tiềm ẩn những diễn biến nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh biển các quốc gia khu vực, toàn thế giới.

Trước những lo ngại, thực trạng trên, tại cuộc họp ngày 10/9 trong khuôn khổ ASEAN 53, Ngoại trưởng Micheal Pompeo nhấn mạnh, Mỹ tái khẳng định lập trường và khuyến khích các nước ASEAN đoàn kết, thống nhất duy trì quan điểm chung về hòa bình ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

"Mỹ đánh giá cao vai trò chủ động của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt trong điều phối các nỗ lực khu vực cùng với các đối tác ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Mỹ khẳng định việc cam kết xây dựng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ vì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và hợp tác cùng có lợi" - Ngoại trưởng Mỹ Micheal Pompeo khẳng định [1].

Cũng liên quan những vấn đề về biển Đông, trong khuôn khổ cuộc họp ASEAN 53, Giám đốc Hội đồng Chính sách quốc tế, chuyên gia cao cấp của Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Canada, ông Jonathan Berkshire Miller, nhận định: Là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam trở thành cầu nối gắn kết với ASEAN, cũng như với các đối tác đối thoại của khối này.

Ông đánh giá cao vai trò của Việt Nam khi phải tiếp tục điều hòa mối quan hệ với Trung Quốc, đồng thời nỗ lực củng cố quan hệ đối tác trong ASEAN và rộng hơn là tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. "Sự lãnh đạo đúng nguyên tắc và kiên quyết của Việt Nam đã tạo bước tiến trong việc giải quyết các vấn đề dường như khá hóc búa liên quan đến biển Đông", ông Miller nhấn mạnh [2].

Với tư cách nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, tại cuộc họp ngày 10/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao Mỹ ủng hộ ASEAN xây dựng cộng đồng, phát huy vai trò trung tâm trong duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

"Các bên tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hóa, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982", Phó Thủ tướng nhấn mạnh lập trường nguyên tắc của ASEAN [3].

Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế

Những năm qua, quán triệt và thực hiện quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Việt Nam đã triển khai tổng thể các hoạt động nhằm quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, bảo vệ các lợi ích quốc gia trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, góp phần củng cố sự đoàn kết, nhất trí trong ASEAN, gìn giữ, phát triển các mối quan hệ đối ngoại với các nước, các tổ chức quốc tế, nêu cao chính nghĩa, tạo thế và lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng, nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn xác định, biển, đảo là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Việt Nam, một đất nước có truyền thống yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam giải quyết các tranh chấp đó trên nguyên tắc coi trọng hòa bình, trên con đường ngoại giao đa phương, song phương để các quốc gia trong khu vực, trên thế giới hiểu rõ vấn đề trên biển Đông, kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam tăng cường các kênh ngoại giao: ngoại giao chính thức,ngoại giao nhân dân, ngoại giao học giả, thúc đẩy việc sớm hoàn tất xây dựng, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC)…

Cũng trên cơ sở sự ủng hộ tích từ các nước thời gian qua, có thể nói, giờ đây, việc thực hiện và đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông thực sự không chỉ là vấn đề đơn lẻ của một quốc gia, mà trở thành trách nhiệm, nghĩa vụ chính đáng của đa quốc gia, qua hội nghị AMM-53, một lần nữa khẳng định tiếng nói chung của các Bộ trưởng về việc cần thiết phải: Tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hóa, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực ở biển Đông; thượng tôn pháp luật giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng đồng nhất quan điểm, nhấn nhấn mạnh tới việc luật pháp quốc tế cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cần phải được thực hiện đầy đủ và hiệu quả ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi sớm hoàn tất xây dựng COC hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Như vậy, thành công của AMM 53 và các hội nghị liên quan trên nhiều nội dung, lĩnh vực đã thể hiện rõ vai trò chủ động, tích cực của nước chủ nhà Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên, xây dựng ASEAN ngày càng vững mạnh và quan trọng hơn qua AMM-53, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán bảo vệ chủ quyền biển, đảo tổ quốc đúng trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

1.https://anninhthudo.vn/my-tai-khang-dinh-lap-truong-ve-hoa-binh-on-dinh-an-ninh-tu-do-hang-hai-tren-bien-dong-post443944.antd

2.https://www.vietnamplus.vn/thuc-day-cong-dong-asean-dong-thuan-va-doan-ket-voi-cac-doi-tac/663728.vnp

3.https://www.vietnamplus.vn/thuc-day-cong-dong-asean-dong-thuan-va-doan-ket-voi-cac-doi-tac/663728.vnp

4.https://nguoidothi.net.vn/bien-dong-tuyen-bo-cua-my-phu-hop-lap-truong-cua-viet-nam-24402.html

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
AMM-53: Khẳng định sức mạnh ngoại giao bảo vệ an ninh, hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO