An toàn bức xạ vô tuyến điện, tương thích điện từ đang được quan tâm nhiều hơn

Tuấn Trần| 22/09/2020 21:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Hội thảo về an toàn bức xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ đã được Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam phối hợp cùng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT tổ chức vào ngày 22/9/2020 tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội thảo đã tập trung vào các nội dung: tiêu chuẩn và qui định về tương thích điện từ và an toàn bức xạ điện từ, nghiên cứu về an toàn bức xạ điện từ ở Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế về vấn đề an toàn bức xạ điện từ, đo thử tương thích điện từ đối với các thiết bị điện, điện tử gia dụng và thiết bị ICT, kinh nghiệm xử lý về an toàn bức xạ điện từ đối với trạm thông tin di động và trạm phát sóng phát thanh - truyền hình, kinh nghiệm xử lý nhiễu do không tương thích điện từ.

 - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo

Kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ làm thay đổi các khái niệm căn bản của kinh tế, xã hội. Máy móc thiết bị điện tử trở nên ngày càng thông minh, hiểu được mệnh lệnh của con người, có khả năng hoạt động độc lập và kết nối vạn vật. Các lĩnh vực vật lý và lĩnh vực số, lĩnh vực kinh tế vật chất và kinh tế số đang hòa nhập lại.

Chính sự bùng nổ về số lượng và đa dạng của các loại máy móc, thiết bị điện tử cùng với mật độ sử dụng chúng ngày càng nhiều dẫn đến vấn đề tương thích điện từ - an toàn bức xạ điện từ ngày càng được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là ở các khía cạnh liên quan đến sức khỏe con người.

Ảnh hưởng của bức xạ điện từ tới sức khỏe con người

Tại hội thảo, TS. Tạ Sơn Xuất, Viện Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Các nghiên cứu về ảnh hưởng của bức xạ điện từ đến sức khỏe con người luôn được chú trọng. Tuy nhiên, đến nay, đây vẫn là chủ đề đang được thảo luận với nhiều ý kiến trái chiều trong giới khoa học toàn thế giới".

Ảnh hưởng của bức xạ điện từ lên các tế bào sống phụ thuộc vào công suất và tần số của bức xạ. Đối với bức xạ tần số thấp, các hiệu ứng được hiểu rõ nhất là những hiệu ứng tăng nhiệt khi bức xạ được hấp thụ. Đối với các hiệu ứng nhiệt này, tần số rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cường độ bức xạ và sự xâm nhập vào con người (ví dụ, sóng vi sóng xâm nhập tốt hơn sóng hồng ngoại).

Có một số nghiên cứu cho rằng, không có bằng chứng trực tiếp về tác động nguy hiểm của sóng tần số thấp đối với sức khỏe con người.

Vẫn theo TS. Tạ Sơn Xuất: "Chúng ta chấp nhận rộng rãi rằng các trường hợp tần số thấp quá yếu để gây sinh nhiệt và do đó không thể có tác dụng sinh học. Các nghiên cứu ở cấp độ tế bào, sử dụng tần số cao hơn chứng minh các tác dụng không mong muốn. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, tại các dải tần của sóng điện từ khác nhau không cho thấy bất kỳ sự tồn tại DNA nào trên các dòng tế bào khác nhau. Ví dụ, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không có bằng chứng liên quan đến tác động gây đột biến trực tiếp của tín hiệu tần số vô tuyến trên các tế bào".

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cũng có nhiều nghiên cứu đưa ra các nhận định trái ngược về tác động sinh hóa hoặc tế bào của trường điện từ. Các tác giả đã chỉ ra, các trường điện từ tĩnh hoặc tần số rất thấp có thể dẫn đến các hiệu ứng sinh học liên quan đến sự phân bố các ion. Hơn nữa nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng tác động sinh học của từ trường có thể xâm nhập vào các mô sâu hơn.

Sóng điện từ với tần số rất cao có tác dụng nhiệt và không nhiệt đối với các hệ thống sinh học. Hiệu ứng sinh nhiệt này chủ yếu liên quan đến cường độ sóng điện từ, được biểu thị bằng tốc độ hấp thụ riêng (SAR).

SAR dùng để đo lượng năng lượng tần số vô tuyến được cơ thể hấp thụ khi sử dụng điện thoại di động. Uỷ ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại phải đảm bảo rằng điện thoại của họ phải tuân thủ giới hạn SAR để đảm bảo an toàn. Bất kỳ điện thoại di động nào ở hoặc dưới các mức SAR này đều là điện thoại an toàn. Giới hạn của FCC cho mức SAR là 1.6 W/kg.

Một ví dụ khác, theo TS. Tạ Sơn Xuất: "Mặc dù lò vi sóng được thiết kế an toàn cao, dẫu vậy khi sử dụng, cần để ý tránh tác động không mong muốn. Do lò sử dụng sóng điện từ có tần số dao động trùng với tần số cộng hưởng của nhiều phân tử chất hữu cơ có trong sinh vật và trong thực phẩm, dẫn đến các phân tử hữu cơ hấp thụ vi sóng mạnh, từ đó phân tử protein bị biến tính trước khi nhiệt phát làm chín. Người sử dụng cần giữ khoảng cách 1m trở lên so với thiết bị hay lò vi sóng vì các màn chắn không thể chắn hết được sóng. Vi sóng dư sẽ tác động lên mô của chúng ta".

Các biện pháp để đảm bảo an toàn bức xạ điện từ ở Việt Nam

Ở Việt Nam, nghiên cứu về an toàn bức xạ điện từ cho các thiết bị điện tử đã và đang nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài các qui định về luật pháp, do các cơ quan chức năng của bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành... mà theo TS. Tạ Sơn Xuất "nhiều tiêu chuẩn còn cao hơn thế giới".

Nằm trong xu thế chung của thế giới, các nhà khoa học Việt Nam đã và đang theo đuổi nhiều phương pháp khác nhau để đảm báo tính tương thích điện từ - an toàn bức xạ điện từ. Như một ví dụ tiêu biểu, trong bài báo khoa học của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Điện lực đã đề xuất một giải pháp dựa vào sự kết hợp giữa bọc kim loại và ước lượng khoảng cách giữa mạch điện thành phần của hệ thống.

Giải pháp nói trên được đánh giá bằng phần mềm mô phỏng trường điện từ CST và máy phân tích EMxpertEHX. Kết quả mô phỏng cho thấy, khi sử dụng phương pháp tương thích điện từ đề xuất, bức xạ điện từ giảm 39,1 dB tại tần số 500 MHz. Kết quả đo ở máy phân tích mạng, bức xạ điện từ giảm 25 - 30 dB.

Ngoài ra tương thích điện từ còn được đưa vào trong chương trình giảng dạy của một số trường đại học, tiêu biểu trong đó là Viện Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Cuối cùng, cho đến hiện nay, vấn đề bức xạ điện từ và sức khỏe con người vẫn tồn tại hai luồng tranh luận đối lập nhau: có ảnh hưởng và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, trên thế giới đã có nhiều kết quả nghiên cứu và chính sách cho tương thích điện từ - an toàn bức xạ điện từ. Ở Việt Nam, các qui chuẩn về mức công suất bức xạ cho biết bị vô tuyến đã được công bố thông qua các thông tư liên tịch và các nghiên cứu liên quan được đặc biệt chú trọng trong những năm gần đây.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
An toàn bức xạ vô tuyến điện, tương thích điện từ đang được quan tâm nhiều hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO