Bắc Giang đẩy mạnh khai thác phát triển văn hóa du lịch tâm linh, sinh thái

Đỗ Thêu| 01/05/2020 17:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Bắc Giang là vùng đất cổ có bề dày trầm tích lịch sử, văn hoá với hơn 2.230 di tích trải khắp các địa bàn, trong đó có nhiều di sản có giá trị được UNESCO công nhận, nhiều di tích quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể… Đây chính là vốn quý đang được địa phương đẩy mạnh đầu tư, khai thác phát triển du lịch văn hóa, tâm linh.

Hai di tích nổi bật

Trong hệ thống dày đặc các di tích trên địa bàn tỉnh, nổi bật phải kể đến chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - một trung tâm phật giáo thời Trần. Chùa Vĩnh Nghiêm, còn được gọi là chùa Đức La, là một ngôi chùa cổ tại làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang là ngôi chùa cổ, nơi lưu giữ lại bộ mộc bản gốc duy nhất của Phật phái Trúc lâm. Đã được UNESCO trao Bằng công nhận 3000 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu ký ức thế giới

Bắc Giang đẩy mạnh khai thác phát triển văn hóa du lịch tâm linh - Ảnh 1.

Chùa Vĩnh Nghiêm - Một trung tâm phật giáo thời Trần nằm trên địa bàn huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang

Tương tuyền chùa Vĩnh Nghiêm được khởi dựng vào thời Lý (thế kỷ XI). Cuối thế kỷ XIII, (1010-1028) Phật hoàng Trần Nhân Tông cho mở mang, xây dựng nơi đây thành trung tâm Phật giáo lớn của thời Trần, đổi tên chùa là Vĩnh Nghiêm, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. 

Với vai trò là một trong chốn tổ của thiền phái, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô kiến trúc bề thế, nhiều hạng mục, mang tính quy chuẩn, mẫu mực của kiến trúc chùa tháp truyền thống. Đây là ngôi chùa cổ có kiến trúc giàu bản sắc Phật Việt nhất mà không ngôi chùa nào trong vùng có được, xứng danh là một "đại danh lam cổ tự".

Cùng với chù Vĩnh Nghiêm, trong hệ thống di tích văn hóa tâm linh, không thể không nhắc tới miền đất thiêng Tây Yên Tử là một phần của dãy núi Yên Tử hùng vĩ, huyền bí và vô cùng linh thiêng.

Tây Yên Tử là một hệ thống các khu di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh thuộc sườn phía Tây và phía Bắc của dãy núi Yên Tử hùng vĩ, thuộc địa bàn của tỉnh Bắc Giang. Nơi đây hiện vẫn lưu giữ và bảo tồn được rất nhiều những chùa tháp, di tích có liên quan đến nguồn gốc hình thành của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vào thời nhà Trần. 

Quần thể di tích danh thắng Yên Tử cũng đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản của thế giới vào năm 2017.

Bắc Giang đẩy mạnh khai thác phát triển văn hóa du lịch tâm linh - Ảnh 2.

Tây Yên Tử hiện vẫn lưu giữ và bảo tồn được rất nhiều những chùa tháp, di tích có liên quan đến nguồn gốc hình thành của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vào thời nhà Trần

Liên quan tới vùng đất Tây Yên tử linh thiêng, Hoàng thượng Phúc Điền, một vị cao tăng nổi tiếng thời Nguyễn đã từng ghi lại trong sách sử như sau: Vua Trần Nhân Tông là người luôn có tư tưởng mưu cầu hạnh phúc lâu dài cho dân tộc, vì vậy, ngài đã chọn con đường đi tu để từ đó xây dựng nên thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng, một dòng thiền thuần Việt, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

Khi đi, nhà vua đi qua chùa Đông Tháp (một ngôi chùa thuộc xã Cẩm Lý, Lục Nam, Bắc Giang), sư trụ trì ở đây thấy phong thái khác thường mới mời vào chùa. Kết hợp sử liệu với các nghiên cứu thực tế hiện nay hoàn toàn có thể khẳng định con đường trước đây nhà vua đến với Yên Tử chính là từ phía Tây sang phía Đông. Không chỉ Phật hoàng Trần Nhân Tông mà từ thế kỷ XI cho đến thế kỷ XIII, đã có nhiều nhà sư chọn con đường lên Yên Tử từ phía Tây để tu hành, dựng chùa, xây tháp, phát đạo…

Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện trên chiều dài con đường từ Đông sang Tây Yên Tử còn lưu giữ nhiều dấu tích của Phật hoàng để lại. Sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, các tổ đệ nhị là Pháp Loa, đệ tam là Huyền Quang cũng đi theo con đường này để thực hiện các nhiệm vụ phật sự của giáo hội phật giáo Trúc Lâm đặt ra trước giáo pháp và dân tộc.

"Về phía giáo hội, chúng tôi mong sự quan tâm giúp đỡ của các địa phương để cùng nhau phục hồi các giá trị di tích tâm linh của Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại. Hiện, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã lữu giữ được nhiều cứ liệu di tích quan trọng, có giá trị, đó là núi Bụt, chùa Kim Quy, hệ thống am vãi… Chúng tôi căn cứ vào các phế tích cũ để phục hồi, giáo hội sẽ thực hiện nhiệm vụ xã hội hóa, thực hiện các dự án tỉnh phê duyệt, làm theo đúng Luật Di sản, để giữ gìn và bảo tồn phát huy giá trị của di sản, tâm linh" - Thượng tọa chia sẻ…

Đẩy mạnh khai thác các di tích văn hoá, lịch sử, di sản phi vật thể

Nhằm khai thác nguồn tài nguyên nhân văn phong phú, tỉnh Bắc Giang đã có chủ trương đẩy mạnh khai thác các di tích văn hóa lịch sử, di sản phi vật thể để phục vụ phát triển du lịch. Theo đó ngày 30/3/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 44 về việc phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Bắc Giang phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch quy mô mang tầm quốc gia.

Từ chủ trương này, thời gian qua Bắc Giang đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực như: đẩy nhanh công tác quy hoạch, đầu tư tôn tạo di tích, phục hồi các giá trị di sản đồng thời tuyên truyền quảng bá điểm đến, tăng cường công tác xúc tiến liên kết du lịch...

Trong gần 5 năm qua, Bắc Giang đã hoàn thành các quy hoạch như: Bảo tồn tổng thể hệ thống di tích và danh thắng Tây Yên Tử, Quy hoạch khu du lịch Suối Mỡ, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Am Vãi, di tích quốc gia đặc biệt Hệ thống những điểm khởi nghĩa Yên Thế...

Bằng các nguồn vốn của nhà nước từ Chương trình mục tiêu, tỉnh đã tiến hành đầu tư tôn tạo các di tích có giá trị như chùa Bổ Đà, đình Lỗ Hạnh, chùa Vĩnh Nghiêm, đầu tư hạ tầng tại các điểm du lịch Suối Mỡ, đường vào chùa Bổ Đà, mở rộng và cải tạo đường tỉnh 293 (đây được xác định là con đường tâm linh). Đường tỉnh 293 nối từ thành phố Bắc Giang đến thị trấn Thanh Sơn huyện Sơn Động và các tuyến nhánh đến chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Đồng thuộc Tây Yên Tử đã được triển khai thực hiện. Đây là con đường mở ra hướng phát triển thuận lợi cho du lịch Bắc Giang.

Đồng thời, tỉnh Bắc Giang cũng tăng cường liên kết xây dựng sản phẩm tour, tuyến du lịch về công tác liên kết, mời gọi đầu tư. Căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Bắc Giang tập trung xây dựng hai loại hình sản phẩm du lịch chính, đó là "Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa - tín ngưỡng". 

Đồng thời Bắc Giang đang khảo sát, xây dựng một số dự án phục vụ phát triển du lịch sinh thái như: dự án phát triển du lịch cộng đồng, dự án khu du lịch sinh thái - tín ngường Đồng Thông, dự án xây dựng thiền viện Trúc Lâm - Phượng Hoàng tại Yên Dũng, tiếp tục đầu tư hạ tầng khu du lịch Suối Mỡ huyện Lục Nam, khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch qua miền Quan họ, tour du lịch làng nghề dọc tuyến du lịch bờ Bắc sông Cầu... thành một chuỗi các điểm du lịch văn hóa, tâm linh kết nối với các tỉnh lân cận...

Với tầm nhìn xa chiến lược, tỉnh Bắc Giang đã và đang từng bước vững chắc tập trung nguồn lực, hoàn thiện các điều kiện cần và đủ để đưa thế mạnh về du lịch tâm linh trở thành mũi nhọn kinh tế hiệu quả của địa phương.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang đẩy mạnh khai thác phát triển văn hóa du lịch tâm linh, sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO