Bạc Liêu tăng cường xúc tiến đầu tư để phát triển bền vững

TH| 31/01/2018 10:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 30/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị chuyên đề về xúc tiến đầu tư đầu tiên được tỉnh Bạc Liêu tổ chức sau hơn 20 năm tái lập tỉnh.

Với chủ đề “Khơi dậy tiềm năng - Phát triển bền vững”, Hội nghị thu hút khoảng 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, gồm lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại; hiệp hội doanh nghiệp của một số nước tại Việt Nam; các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là Hội nghị xúc tiến đầu tư thứ 2 tổ chức trong năm 2018 của cả nước (sau Phú Yên vừa tổ chức ngày 19/1) và là Hội nghị đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong năm nay.

Tại Hội nghị, đại diện tỉnh Bạc Liêu đã trao chứng nhận đầu tư cho 10 dự án và cấp giấy phép đầu tư hơn 20 dự án với tổng mức đầu tư lên đến trên 110.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo có số vốn đăng ký đầu tư lên đến trên 81.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị chuyên đề về xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ vui mừng về kết quả phát triển Bạc Liêu thời gian qua khi tăng trưởng liên tục năm sau cao hơn năm trước trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. Điểm nổi bật, điểm sáng là mô hình phát triển của tỉnh đã bắt đầu dựa trên lợi thế so sánh của địa phương, dựa trên ứng dụng công nghệ và có sự tương tác mạnh mẽ, chặt chẽ giữa nông nghiệp, năng lượng và môi trường theo hướng bền vững. Thủ tướng đánh giá cao việc Bạc Liêu xin rút dự án nhiệt điện than ra khỏi Quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII, thể hiện sự quyết liệt mà không phải tỉnh nào cũng dám làm.

“Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho tôi biết, chúng ta chỉ cần chưa đến 800.000 ha đất, chúng ta có thể tạo ra một giá trị trên 10 tỷ USD và chúng ta cũng có thể trở thành một nước đứng đầu về sản xuất tôm của thế giới trong thời gian tới nếu quyết liệt tổ chức thực hiện. Điều đó đặt ra cho Bạc Liêu, Cà Mau và một số tỉnh khác”, Thủ tướng lấy ví dụ về ngành tôm và nhấn mạnh nếu không có khát vọng đưa tỉnh đi lên, cứ bình bình thì không bao giờ có sự phát triển của một đất nước, một dân tộc.

Nhắc đến thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch U23 châu Á, Thủ tướng cho rằng, đó là ý chí, khát vọng của người Việt Nam và mong muốn Bạc Liêu có ý chí cùng với Trung ương thực hiện giấc mơ đưa Bạc Liêu vươn lên, vươn xa. Nếu biết khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà gắn với xu hướng công nghệ mới, tỉnh Bạc Liêu hoàn toàn có thể trở thành viên ngọc xanh bên bờ biển của Tổ quốc.

Thủ tướng cho rằng, dựa trên lợi thế so sánh, Bạc Liêu cần hướng tới phát triển xanh với 4 trụ cột là nông nghiệp với lúa chất lượng cao, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản, trọng tâm là con tôm; phát triển năng lượng tái tạo; công nghệ chế biến, du lịch dịch vụ.

Tầm nhìn và định hướng của Bạc Liêu cần kết hợp chặt chẽ với vùng ĐBSCL và TP.Hồ Chí Minh; cần xóa bỏ tư duy cục bộ, địa giới hành chính; cần liên kết 4 tỉnh trong vùng, giữa Bạc Liêu với Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau. Bạc Liêu cần trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm cả nước, cả giống, chế biến thức ăn, chế biến sâu, chế phẩm… Đặc biệt là cần áp dụng mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi tôm và nuôi trồng thủy sản. Muốn vậy, tỉnh phải bảo đảm giữ được nền tảng sản xuất sạch, ứng dụng khoa học công nghệ giữ được chất lượng nguồn nước thông qua quy trình kiểm soát chặt chẽ trong nuôi tôm. Phát triển cụm ngành chuỗi giá trị tôm khép kín, chủ động kiểm soát chất lượng và giảm giá thành, cùng với đó là xử lý nghiêm tình trạng phá hoại thương hiệu tôm của Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng Bạc Liêu cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là dịch vụ logistic, chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ nuôi trồng, thu gom, chế biến tôm. Và điều quan trọng nữa là phải xử lý tốt quy hoạch vùng nguyên liệu và cần có biện pháp chủ động hơn nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Từ lợi thế phát triển du lịch, Thủ tướng nhấn mạnh: “Bạc Liêu phải có chiến lược phát triển du lịch có tầm cỡ, suy nghĩ kỹ xem nhằm vào phân khúc thị trường nào. Cần xây dựng hệ sinh thái du lịch sống động, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là dịch vụ vui chơi giải trí và khách sạn”.

Vấn đề nữa là muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải đảm bảo nguồn nhân lực có kỹ năng, thu hút công nghệ tiên tiến cũng như giữ gìn tốt môi trường.

Để thu hút đầu tư, nhất là thu hút các nhà đầu tư lớn vào Bạc Liêu, Thủ tướng cho rằng tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng động, tính minh bạch, đào tạo nhân lực. Cải cách hành chính ở Bạc Liêu phải hòa vào dòng cải cách hành chính cả nước, hướng tới các tiêu chuẩn của OECD về môi trường đầu tư. Tỉnh cần phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, thúc đẩy khởi nghiệp trong thanh niên ở Bạc Liêu. Cùng với đó là thu hút những “sếu đầu đàn”, doanh nghiệp lớn đến Bạc Liêu.

Thủ tướng tiếp xúc các doanh nghiệp

Trước đông đảo doanh nghiệp, Thủ tướng lưu ý, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và quan tâm đến người lao động. Thủ tướng khẳng định các cơ quan chức năng cần cương quyết thu hồi những dự án đã cấp nhưng không chịu làm, để nhường lại cho các nhà đầu tư khác.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bạc Liêu tăng cường xúc tiến đầu tư để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO