Bác sĩ Vũ Hán: Bệnh huyết áp cao làm tăng tỉ lệ tử vong do COVID-19,tái dương tính với virus là "vô lí"

Tất Đạt| 10/03/2020 13:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Bệnh nhân bị huyết áp cao dường như có tỉ lệ tử vong do virus corona cao hơn các bệnh nhân khác - một bác sĩ chuyên khoa tại Vũ Hán, Trung Quốc chia sẻ.

Mặc dù chưa có nghiên cứu nào được công bố lí giải cho vấn đề này, nhưng các bác sĩ làm việc tại Vũ Hán - nơi dịch bệnh xuất hiện lần đầu tiên và bùng phát mạnh nhất - đã nhận thấy các bệnh nhân có sẵn các bệnh lý nền khác thường dễ có nguy cơ rơi vào tình trạng nguy kịch và tử vong hơn những người khác.

Trong số 170 bệnh nhân tử vong vào hồi tháng 1 tại Vũ Hán, gần nửa trong số họ bị huyết áp cao.

"Đây là tỉ lệ rất cao," Du Bin, trưởng khoa chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Đại học Y Bắc Kinh, trả lời trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg. Ông là một trong những bác sĩ hàng đầu được cử tới Vũ Hán 2 tháng trước để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân tại đây.

"Từ những gì tôi được các đồng nghiệp chia sẻ và từ dữ liệu mà tôi tự thu thập, trong số các bệnh lý nền, huyết áp cao là yếu tố rất nguy hiểm," ông Du nói. "Mặc dù chưa có nghiên cứu nào được công bố về vấn đề này, chúng tôi tin rằng huyết áp cao có thể được coi là nguyên nhân quan trọng khiến sức khỏe bệnh nhân nhanh chóng giảm sút, dẫn tới tiên lượng xấu".

Giữa lúc dịch bệnh đang bắt đầu lây lan nhanh chóng tại châu Âu và Mỹ, khiến các quốc gia như Italy rơi vào khủng hoảng, các bác sĩ trên khắp thế giới đang cố gắng điều trị triệt để và ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát. Chỉ trong vòng 3 tháng, hơn 108.000 người trên thế giới đã nhiễm virus corona. 

Hiểu rõ về bệnh và xác định được các bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao là điều rất cần thiết để tối ưu hóa việc điều trị cho người bệnh. Nghiên cứu và thống kê số lượng bệnh nhân tại Trung Quốc có thể đem lại nguồn dữ liệu quý để ứng phó với bệnh dịch. COVID-19 khiến 6% số bệnh nhân nguy kịch và tình trạng sức khỏe người bệnh có thể xấu đi rất nhanh.

“Chúng ta cần chăm sóc đặc biệt đối với các bệnh nhân lớn tuổi và những người bị huyết áp cao. Đây là những trường hợp cần được tập trung điều trị nhất," bác sĩ Du nói. 

Ngoài yếu tố về huyết áp, bác sĩ Du còn chỉ ra những điều cần chú ý khác trong quá trình chữa trị: 

Điều trị triệt để đường hô hấp của bệnh nhân

Bác sĩ Du nói các bác sĩ không nên do dự khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng nặng về đường hô hấp, bởi người bệnh có thể rất nhanh chóng bị suy nội tạng. Điều đó có nghĩa rằng các bác sĩ cần nhanh chóng áp dụng biện pháp thông khí xâm lấn - đưa ống thở vào họng bệnh nhân hoặc thực hiện thủ thuật mở khí quản - khi mức oxy trong máu không thể được cải thienj bằng các biện pháp ít xâm lấn hơn.

Gần 1 nửa trong số các bệnh nhân buộc phải can thiệp xâm lấn tử vong, nhưng hầu hết các trường hợp hồi phục đều là những người được can thiệp xâm lấn từ sớm - bác sĩ Du cho hay.

"Bệnh nhân cần được thông khí xâm lấn càng sớm càng tốt, không có lí do gì để trì hoãn cả".

Các bác sĩ chuyên khoa hô hấp là những nhân sự y tế quan trọng nhất trong quá trình điều trị các bệnh nhân nguy kịch vì COVID-19 bởi họ có nhiều kiến thức và có thể điều chỉnh mức độ thông khí xâm lấn để phù hợp với tình trạng bệnh nhân.

Không có “thuốc thần”

Hiện tại, ngày càng nhiều người quan tâm tới việc phát triển các loại thuốc để điều trị virus. Hàng tỉ USD đã được đầu tư để các công ty y dược nghiên cứu và thử nghiệm thuốc đặc trị. Tuy nhiên bác sĩ Du nói chỉ riêng thuốc men sẽ không đủ để cứu sống người bệnh, đặc biệt là những người trong tình trạng nguy kịch.

Cũng theo bác sĩ Du, trong dịch SARS cách đây 17 năm, hầu hết các bệnh nhân được chữa trị khỏi mà không cần thuốc chống virus. Và ngoài ra, các loại thuốc kháng sinh cũng không hoàn toàn giúp ngăn chặn được các trường hợp tử vong do nhiễm trùng.

“Khi bị nhiễm virus, chúng ta đều hi vọng rằng có một loại thuốc tiêu diệt được virus và thay đổi tình trạng của người bệnh. Nhưng không có loại thuốc nào thần kì như vậy cả”.

Thay vào đó, sự chăm sóc của các bác sĩ chuyên khoa và y tá mới đóng vai trò then chốt trong quá trình điều trị.

Nguy cơ tái dương tính

Các báo cáo gần đây cho hay, việc một số bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện sau đó dương tính trở lại với COVID-19 –thậm chí còn tử vong – đã khiến nhiều người lo ngại rằng virus có thể tái xuất trên cơ thể người bệnh. 

Bác sĩ Du cho biết việc các bệnh nhân bị tái dương tính trong vòng vài ngày sau khi xuất viện “là vô lí về mặt lý thuyết” bởi kháng thể trong máu của họ không thể biến mất nhanh như vậy được. 

“Điều chúng ta cần lưu ý về các ca tái dương tính là sự chính xác của kết quả âm tính khi xuất viện,” bác sĩ nói. Ví dụ, các mẫu xét nghiệm lấy từ các vị trí khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau bởi virus có thể không tập trung tại cùng một nơi.

Ngoài ra, các bộ xét nghiệm từ các nhà sản xuất khác nhau cũng có sai số với các kết quả cuối cùng.

Ảnh hưởng đối với phụ nữ có thai, trẻ em

Phụ nữ có thai và trẻ em dường như không chịu nhiều ảnh hưởng xấu do virus corona. Điều này trái ngược với các virus khác như bệnh cúm.

“Từ những gì chúng tôi quan sát được, phụ nữ có thai dường như không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus corona. Với bệnh cúm, việc mang thai là yếu tố nguy hiểm có thể dẫn tới triệu chứng nghiêm trọng và dẫn tới hậu quả xấu, nhưng trường hợp này thì không,” bác sĩ nói.

Trẻ em nhiễm virus corona dường như chỉ có một số triệu chứng nhẹ. Bác sĩ Du cho biết chưa chứng kiến trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi nào phải được chăm sóc đặc biệt hoặc nguy kịch.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ Vũ Hán: Bệnh huyết áp cao làm tăng tỉ lệ tử vong do COVID-19,tái dương tính với virus là "vô lí"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO