Báo Thái Lan: Việt Nam thể hiện vai trò dẫn dắt ASEAN trong kỷ nguyên hậu Covid-19

Ánh Dương| 22/06/2020 08:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau hơn 5 tháng chiến đấu với đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo ASEAN đã sẵn sàng cho Hội nghị Cấp cao lần thứ 36 vào ngày 26/6 tới đây, sau 10 tuần trì hoãn. Để chuẩn bị cho Hội nghị sắp tới, các quan chức cấp cao đang tập hợp một loạt các kế hoạch hành động nhằm giúp tất cả các nước thành viên ASEAN bứt phá trong kỷ nguyên hậu Covid-19.

Thời gian tới, khi việc phong tỏa được nới lỏng hoặc dỡ bỏ trong từng quốc gia thành viên ASEAN, toàn bộ khu vực sẽ bước vào tình trạng được gọi là "bình thường mới" và cũng sẽ có những thay đổi liên tục.

Tăng cường năng lực ứng phó với Covid-19

Kể từ khi đại dịch bùng phát vào cuối tháng 1, các thành viên ASEAN đã tổ chức 20 cuộc họp trực tuyến với các đối tác nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sẽ được xem xét và thông qua tại Hội nghị cấp cao sắp tới. Theo đó, 5 vấn đề được tập trung ưu tiên là: tăng cường năng lực trong việc ngăn chặn và kiểm soát Covid-19; bảo vệ người dân trước đại dịch; giảm thiểu tác động xã hội của Covid-19; củng cố quan hệ giữa ASEAN với các đối tác nhằm ứng phó với Covid-19; và phát triển kế hoạch phục hồi sau đại dịch.

Việt Nam thể hiện vai trò dẫn dắt ASEAN trong kỷ nguyên hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Đại dịch bùng phát, các thành viên ASEAN đã tổ chức các cuộc họp thông qua hình thức trực tuyến. (Ảnh: Antv.gov.vn)

Liên quan đến việc xây dựng năng lực sẵn sàng ứng phó với virus SARS-CoV-2 trong khối ASEAN, một danh sách dài những vấn đề mà hội nghị cấp cao sắp tới sẽ phải quyết định.

Trước hết là cách vận hành Quỹ ứng phó với Covid-19 theo đề xuất của Thái Lan, đã được phê duyệt vào tháng 4/2020. Các nhà lãnh đạo ASEAN vẫn đang nghiên cứu các điều khoản tham chiếu và phân bổ các quỹ. Từ cuối tháng 1, nhiều dự án được tài trợ bởi các đối tác bị trì hoãn do đại dịch. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã khuyến nghị sử dụng các quỹ hợp tác này cho các ưu tiên cấp bách khác liên quan đến các nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19. ASEAN phải quyết định có nên góp tối thiểu 10% số tiền còn lại của Quỹ phát triển ASEAN hay không. Đồng thời, ASEAN cũng đang kêu gọi sự đóng góp tự nguyện từ các đối tác đối thoại.

Một lĩnh vực khác cũng rất quan trọng đó là sự chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn giữa các thành viên ASEAN. Mỗi quốc gia có những cách thức khác nhau trong việc ứng phó với dịch bệnh, do đó, mọi điều chỉnh về chính sách ảnh hưởng đến quốc gia, khu vực hoặc quốc tế cần phải được chia sẻ kịp thời giữa các nước thành viên.

Trong thời điểm này, các nước ASEAN vẫn cần nâng cao mức độ sẵn sàng chuẩn bị cho các tình huống y tế công cộng khẩn cấp trong tương lai.

Ngoài ra, để tăng tốc độ truyền dữ liệu, đặc biệt là thông tin sức khỏe thiết yếu trong đại dịch, ASEAN cũng cần cải thiện năng lực về y tế điện tử và các vấn đề liên quan khác như việc sử dụng dữ liệu lớn để dự báo về tỷ lệ lây nhiễm cũng như các phương pháp để phân loại và chẩn đoán bệnh nhân.

Do đó, với sự phát triển của công nghệ số trong thế giới hậu Covid-19, các thành viên ASEAN cần tăng cường đẩy mạnh hợp tác an ninh mạng.

Việc xây dựng một nhóm chuyên gia phối hợp với nhau nhằm nâng cao kiến thức và năng lực ứng phó của khu vực về các bệnh truyền nhiễm cũng là một vấn đề rất quan trọng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên ngành như Mạng lưới Trung tâm vận hành trong tình huống khẩn cấp ASEAN, Trung tâm Đánh giá và Trao đổi thông tin về Rủi ro ASEAN, Trung tâm ảo BioDiaspora của ASEAN (ABVC) và Trung tâm điều phối ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (Trung tâm AHA) phải được cung cấp đủ nguồn lực để đánh giá về các bệnh truyền nhiễm mới.

Tại Hội nghị sắp tới, các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận và đưa ra quyết định về việc xây dựng Bộ quy trình vận hành tiêu chuẩn của ASEAN (SOP) cho các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Một số thành viên ASEAN đã đề nghị thành lập Kho dự trữ vật tư y tế của khu vực để hỗ trợ nhu cầu các quốc gia thành viên trong các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng.

Nhằm tăng cường bảo hộ công dân ở các nước thứ ba, ASEAN cần phải nâng cao năng lực phối hợp giữa các mạng lưới của các thành viên bất cứ khi nào hoặc bất cứ nơi nào người dân gặp rắc rối, đặc biệt là trong các tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cũng như xung đột chính trị.

Với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN phải giải quyết những tác động tiêu cực đến từ tin tức giả và thông tin sai lệch. Trong tương lai gần, các nhà lãnh đạo phụ trách lĩnh vực thông tin có thể đưa ra một bộ hướng dẫn chung nhằm chuẩn hóa việc chia sẻ thông tin cũng như tạo ra một nền tảng chung để xác minh và chia sẻ những thông tin chính xác.

Đẩy mạnh phục hồi kinh tế

Giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội của Covid-19 được coi là một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia thành viên trong khối đang gặp phải. Nhiệm vụ trước mắt là đảm bảo duy trì các mạng lưới logistic hiện tại đang hoạt động để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, thị trường ASEAN phải luôn để mở cho thương mại và đầu tư. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng cần đưa ra một tuyên bố đặc biệt để thể hiện cam kết chung nhằm duy trì cho chuỗi cung ứng mở và hạn chế những biện pháp có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại.

Chặng đường dài vẫn còn phía trước, ASEAN phải gắn bó với nhau để giảm thiểu các tác động tiềm tàng do suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như những tác động khác. Để làm được như vậy, các quốc gia thành viên cần tăng cường đa dạng hóa thương mại và đầu tư trong nội khối ASEAN.

Ngoài ra, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMES) như một động lực kinh tế trong khu vực, do đó, cần hỗ trợ tối đa để trao quyền cho lĩnh vực này.

Đại dịch bùng phát, ASEAN cũng nên xem xét việc thúc đẩy sản xuất, buôn bán các vật tư và thiết bị y tế cần thiết để ứng phó với dịch Covid-19.

Đối với các đối tác đối thoại, ASEAN cần tiếp tục củng cố các mối quan hệ cũng như hạn chế các rào cản thương mại mới và không cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng hàng hóa và dịch vụ đến và đi từ khu vực, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, vật tư và thiết bị y tế. ASEAN cũng sẽ tái khẳng định rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực sẽ được ký kết vào tháng 11 tới.

Là một phần trong kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19, các thành viên ASEAN cần phải chia sẻ đánh giá sau sự cố toàn khu vực và những bài học rút ra càng sớm càng tốt. Đồng thời, ASEAN cũng cần thăm dò quá trình dần dần dỡ bỏ những hạn chế tạm thời trong nội khối về đi lại với những đảm bảo phù hợp.

Việt Nam thể hiện vai trò dẫn dắt ASEAN trong kỷ nguyên hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN triển khai nhiều biện pháp và kế hoạch hành động nhằm chủ động ngăn chặn và ứng phó với đại dịch. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Với những kinh nghiệm thực tiễn trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19, vấn đề xử lý các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong tương lai có thể sẽ được đưa vào kế hoạch chi tiết của ASEAN để tăng cường năng lực ứng phó tổng thể khi cuộc sống của 654 triệu người dân bị đe dọa.

Covid-19 bùng phát là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống đại dịch trên cương vị Chủ tịch ASEAN cũng như nâng cao được vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Năm 2020 là kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, Hội nghị sắp tới sẽ là một khởi đầu mới của một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

Cho đến nay, Việt Nam đã rất chú trọng vào nỗ lực tập thể của khối để chống lại Covid-19 và cách phục hồi sau sự suy thoái kinh tế cũng như kết nối khu vực bị gián đoạn. Việt Nam cũng rất mong muốn chia sẻ kinh nghiệm trong việc xử lý Covid-19 tại Hội nghị cấp cao sắp tới.

Trong suốt chiều dài lịch sử 53 năm phát triển, không quá lời khi nói rằng hậu đại dịch Covid-19, ASEAN sẽ nổi lên như một khối đoàn kết, thống nhất và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo Thái Lan: Việt Nam thể hiện vai trò dẫn dắt ASEAN trong kỷ nguyên hậu Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO