Bình yên nơi đảo xa

03/11/2015 20:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Lần đầu đến với quần đảo Trường Sa thân yêu, trong tôi cũng như nhiều người khác trong Đoàn công tác số 9 không khỏi bâng khuâng, khó tả. Và khi đặt chân lên những hòn đảo, tận mắt nhìn thấy hình hài từng hòn đảo, được chứng kiến sự “thay da đổi thịt” về mọi mặt của quân và dân trên các đảo, mỗi thành viên trong đoàn đều không giấu được niềm vui. Song, điều tôi ấn tượng nhất đó là sự bình yên, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp trên mỗi hòn đảo…

Cây xanh trên đảo Trường Sa

Những cây cổ thụ rợp bóng mát trên đảo Nam Yết

Những hòn đảo mộng mơ…

Tàu Trường Sa số hiệu 571 (Hải đội 411 – Vùng 4 Hải quân) đã đưa Đoàn công tác số 9 xuất phát từ Thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đến xã đảo anh hùng Song Tử Tây vào buổi sáng đầy nắng và gió. Hòn đảo chìm đầu tiên Đoàn công tác đặt chân đến là đảo chìm Đá Nam. Đảo tuy nhỏ nhưng bộ đội ở đây sinh hoạt rất gọn gàng, sạch sẽ. Cái gì các anh cũng làm đẹp được. Từ mắc áo, giường nằm, chăn màn, giày tất… đến chậu rau, cây cảnh, vật nuôi… tất cả đều được tính toán một cách chuẩn xác.

Tiếp đến, Đoàn tới đảo Song Tử Tây, đây là một trong ba xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa và là đảo có vĩ độ địa lý cao nhất so với các đảo nằm trong quần đảo Trường Sa. Đảo Song Tử Tây có hình bầu dục, lòng đảo trũng xung quanh, đứng từ xa nhìn đảo như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương. Màu xanh của cỏ - cây hòa quyện với màu xanh của biển tạo nên màu xanh thanh bình, quyến rũ. Hình như biển cả đã bao dung, ưu ái ban tặng cho con người nơi đây hương vị ngọt ngào, chân chất của đất liền như muốn bù lại những con sóng mạnh dội vào không ngớt… cho nên điều kiện trên đảo khá thuận lợi, nuôi được bò, lợn, gà, vịt, trồng được nhiều rau xanh các loại tươi tốt bốn mùa.

Cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi nhất trên đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn thăm hỏi, động viên người dân trên đảo Trường Sa

Trên đảo, bên cạnh các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, còn có các hộ dân sinh sống, có các công trình dân sự, văn hóa tâm linh, trạm khí tượng thủy văn (thuộc khu vực Nam Trung bộ). Đồng thời, trên đảo có âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn và là địa chỉ an toàn cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ, có trạm dịch vụ sửa chữa, cung cấp dầu diezen, nước ngọt cho tàu cá của ngư dân với giá bán bằng giá trong đất liền.

Đảo Sơn Ca có hình bầu dục, hẹp ngang với diện tích hiện nay khoảng 6ha. Trên đảo có nhiều cây cối xanh tốt, có nhiều cây sống lâu năm lá xum xuê, rợp bóng mát rất thích nghi với điều kiện sinh sống của loài chim sơn ca. Do nhu cầu bản năng, chim sơn ca thường đến đây làm tổ, nuôi con và sinh sống nên người ta đặt tên cho đảo là Sơn Ca.

Có thể nói, cùng với đảo Song Tử Tây, đảo Sơn Ca là một trong hai đảo có thảm thực vật khá phong phú, đa dạng về chủng loại, song nhiều hơn cả là cây bàng vuông, cây sồi, cây phi lao, rau muống biển và một số loài cỏ thân mềm có nguồn gốc tự nhiên và do cán bộ, chiến sĩ mang từ đất liền ra đảo, lâu ngày phù hợp với điều kiện thời tiết, thiên nhiên của đảo nên phát triển tốt, xanh mát quanh năm. Xung quanh đảo, biển có nhiều loài ốc, cá, hải sâm và nhiều loài cá quý như: cá chim, cá thu, cá ngừ, cá mú và một số loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao.

Đảo Trường Sa – hòn đảo được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa” nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa Biển Đông. Đảo Trường Sa ở tọa độ 08038,8’N và 111055,1’E, nằm ở phía Nam và là đảo lớn của quần đảo Trường Sa, có hình dáng gần như một tam giác vuông, mặt đảo bằng phẳng, thuận tiện cho việc sinh hoạt của quân và dân trên đảo. Thực vật sống trên đảo phong phú, xung quanh đảo có nhiều loài ốc, cá, hải sâm… Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú, có giá trị kinh tế cao, thu hút nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận…

Đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa) là Trung tâm hành chính của huyện đảo, trên đảo có các công trình như: nhà đèn, nhà dân, khu di tích tâm linh, nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ… Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh bão. Nhiều năm qua, ngư dân nhiều tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận và một số địa phương ven biển Nam Bộ mỗi khi xa bờ, ra khơi bất ngờ có bão, giông, đau ốm, bệnh tật phần nhiều đã đến đảo Trường Sa tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm và rau xanh…

Anh Huỳnh Duy Khánh – thuyền viên tàu cá QNg 95555 (thôn Cù Lao - xã Bình Chánh - huyện Bình Sơn - tỉnh Quảng Ngãi) tâm sự: Trong chuyến biển vừa qua, khi đang đánh bắt cá cùng các thuyền viên trên tàu tại vùng biển Trường Sa, không may tôi bị cái đinh đâm vào tay, vết thương nhiễm trùng nặng được các thuyền viên trên tàu đưa đến bệnh xá đảo Trường Sa nhờ các y, bác sỹ cứu chữa trị kịp thời nên chỉ sau 20 ngày vết thương của tô đã ổn định và trở về với công việc thường ngày.

Ngư dân Huỳnh Như Khánh bùi ngùi: Tôi thực sự cảm phục và biết ơn tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết lòng vì nhân dân của y, bác sỹ trên đảo Trường Sa. Các anh không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cùng các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ trên đảo, mà còn là nơi bình yên, là điểm tựa vững chắc của bà con ngư dân đang lao động, sản xuất trên vùng biển chủ quyền của đất nước. Nhờ có sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của các anh, bà con ngư dân rất yên tâm đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Ngoài vẻ đẹp mộng mơ của những hòn đảo kể trên, một điều rất dễ nhận thấy là ở khắp các đảo (đảo chìm và đảo nổi) mà Đoàn công tác đã tới thăm, làm việc đã và đang thay đổi từng ngày. Cảnh quan, doanh trại khang trang, sạch đẹp, chính quy, xanh mát với hệ thống nhà ở, nhà làm việc; nơi hội họp, sinh hoạt, học tập, nhà bếp, vườn rau xanh, cây cảnh, cây bóng mát, bến cảng… giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo có cuộc sống vật chất, tinh thần phong phú, vui tươi và thanh bình.

Các thế hệ người Việt phải có trách nhiệm bảo vệ

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Trưởng Đoàn công tác khẳng định: Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, biển đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt. Bằng máu xương, công sức, mồ hôi và nước mắt, các thế hệ người Việt Nam đã liên tục xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên các vùng biển và hải đảo Việt Nam, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do vậy, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh từ trái tim, trí tuệ của mỗi người dân Việt Nam.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn thăm hỏi, động viên gia đình trẻ trên đảo Song Tử Tây

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Chúng ta nhớ ơn các thế hệ người dân Việt Nam đã đổ mồ hôi và xương máu để xác lập, thực thi và bảo vệ biển, đảo. Xương máu và thân thể của nhiều anh hùng, liệt sĩ đã hòa mình cùng sóng biển quê hương, nhưng tên tuổi và tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các anh là những thiên sử anh hùng, bất diệt, khí phách sáng ngời của các anh đã làm kẻ thù phải khiếp sợ. Chúng ta nguyện mãi mãi tiếp bước xứng đáng niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, nguyên Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân nhấn mạnh: Thời gian gần đây, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông có những diễn biến phức tạp, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh đó, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn thấu hiểu giá trị thiêng liêng về chủ quyền, biển, đảo của Tổ quốc; trân trọng và tôn vinh những cống hiến to lớn của các thế hệ đi trước đối với quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Hải quân nhân dân Việt Nam phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo và mối quan hệ hữu nghị, tốt đẹp với các nước trong khu vực, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Các hộ dân sinh sống trong ngôi nhà khang trang trên đảo Trường Sa

Với Trung tá Nguyễn Văn Tuấn - Chính trị viên đảo Trường Sa quả quyết: Chúng tôi - những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam luôn ý thức rõ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là bất khả xâm phạm. Phát huy truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng” của lực lượng Hải Quân nhân dân Việt Nam, các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phong trào hành động cách mạnh, cống hiến tài năng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau giờ làm việc, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa chơi môn bóng chuyền rèn luyện sức khỏe

Đồng đội giúp nhau làm đẹp một..."góc con người"

Chiến sĩ Phan Văn Hiếu (phân đội 1 - chiến đấu 1, đảo Nam Yết - Lữ đoàn 146 Hải quân) cho biết: Em rất vui mừng khi được đứng trong hàng ngũ lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, một môi trường rèn luyện bản lĩnh và ý chí chiến đấu. Bản thân em ý thức rất rõ phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, thực hành tiết kiệm, chấp hành kỷ luật; luôn chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bình yên nơi đảo xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO