Bộ Công Thương đẩy mạnh ứng dụng CNTT cải cách TTHC, chuyển đổi số quốc gia

Trường Thanh| 12/11/2020 15:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ Công Thương là một trong những bộ đi đầu về ứng dụng CNTT và đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), chuyển đổi số quốc gia.

Đi đầu trong cắt giảm, đơn giản hóa, thủ tục hành chính

Là một trong những bộ đi đầu trong cắt giảm, đơn giản hóa, thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách kiểm tra chuyên ngành, Bộ Công Thương đã rà soát, cắt giảm 880/1216 điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm 1051/1891 mã HS, đạt tỷ lệ 56%.

Bộ cũng tích cực triển khai đánh giá tác động các quy định về TTHC trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng các TTHC trước khi ban hành. Những kết quả trên của Bộ Công Thương góp phần vào cải thiện Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam theo công bố của Ngân hàng thế giới.

Bên cạnh đó, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Bộ Công Thương đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, số đơn vị đầu mối thuộc Bộ giảm từ 35 đơn vị (30 đơn vị hành chính, 5 đơn vị sự nghiệp) xuống 30 đơn vị (26 đơn vị hành chính, 4 đơn vị sự nghiệp); số lượng phòng giảm từ 197 phòng xuống 125 phòng (giảm 72 phòng). Trong quá trình rà soát lại cơ cấu tổ chức của các đơn vị, tiếp tục cắt giảm thêm 02 phòng của Thanh tra Bộ.

Bộ đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hệ thống cơ quan thương vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập, đủ điều kiện hoạt động trong môi trường quốc tế; xây dựng Quy chế thí điểm thi tuyển chức danh Lãnh đạo của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2020.

Chương trình tổng thể CCHC của Bộ Công Thương chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực - Ảnh 1.

Bộ Công Thương đã rà soát, cắt giảm 880/1216 điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm 1051/1891 mã HS, đạt tỷ lệ 56%. Ảnh: HT

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng là một trong những Bộ đi đầu về ứng dụng CNTT và đẩy mạnh xây dựng CPĐT. Bộ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT và triển khai đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Cụ thể, Bộ đã ban hành Kiến trúc CPĐT; có 206/295 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 được triển khai (DVCTT mức độ 3 là 144, DVCTT mức độ 4 là 62), trong đó đã tích hợp 129/206 DVCTT mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG); đồng thời, tích cực tham gia Cơ chế một cửa Quốc gia (đã kết nối 11 DVCTT) và Cơ chế một cửa ASEAN.

Kết quả trên đã minh chứng, công tác cải cách hành chính, TTHC, ứng dụng CNTT...  được Bộ Công Thương triển khai đồng bộ và đạt được những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Chuyển đổi số để hỗ trợ xuất khẩu nhanh hơn, kịp thời hơn

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau đó, Bộ Công Thương đã chính thức khởi động tiến trình chuyển đổi số của Bộ với việc thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án "Chuyển đổi số Bộ Công Thương". Theo đó, xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bộ Công Thương đã áp dụng chuyển đổi số, điện tử hoá để tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển.

Tuy nhiên, để bắt đầu quá trình này điều cần thiết là sự đổi mới tư duy, sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước, DN sản xuất và đơn vị tư vấn, cung cấp giải pháp. Chuyển đổi số thành công thì các lĩnh vực mà ngành Công Thương đang quản lý sẽ có được sự hỗ trợ tích cực rất lớn.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu cũng như các DN, đặc biệt trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn. Bộ Công Thương đã áp dụng ứng dụng CNTT từ rất sớm để cải cách TTHC nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Điển hình là Hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử eCoSys của Bộ Công Thương cho phép thương nhân xuất khẩu nộp chứng từ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) trực tuyến.

Nhờ đó, quá trình chuyển đổi số, điện tử hoá trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý TTHC. Từ đó, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian giải quyết các hồ sơ, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. 

Chuyển đổi số giúp các DN làm chủ công nghệ

Theo các chuyên gia, kinh tế số đang dần dần trở thành con đường chủ đạo của phát triển kinh tế nên DN cần thay đổi cách làm việc, thay đổi mô hình kinh doanh với công nghệ mới. Bởi, nếu DN không chuyển mình, ứng dụng chuyển đổi số sẽ đi chệch xu hướng mới và điều này chắc chắn sẽ tụt hậu, mất lợi thế cạnh tranh cho DN cả ở sân nhà và sân chơi toàn cầu.

Hơn nữa, một trong những lợi ích quan trọng khác mà chuyển đổi số mang lại cho xuất nhập khẩu Việt Nam đó là việc bảo vệ và phát triển các chỉ dẫn địa lý.

Theo giới phân tích, trong mắt người tiêu dùng nước ngoài, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là một khái niệm mới nên cần được bảo vệ để đấu tranh với những hàng hóa giả mạo khác đang trôi nổi trên thị trường. Chính vì vậy, thay vì hình thức truyền miệng như trước kia thì trực tuyến thông qua các khả năng lan truyền thông tin có hiệu quả rất lớn trong thời đại số.

Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ giúp các DN Việt Nam, nhất là DN vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Theo dự kiến, xu hướng xuất khẩu trực tuyến có thể sẽ chạm ngưỡng 1.000 tỷ USD trong năm nay, nhất là khi đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Đáng lưu ý, hoạt động xuất nhập khẩu còn liên quan tới nhiều vấn đề khác gắn chặt với ứng dụng CNTT và truyền thông với thu thập và xử lý dữ liệu sản phẩm. Chẳng hạn như vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hoá xuất khẩu.

Vì vậy, DN cần chú ý tới ba yếu tố cơ bản là nền tảng số, dữ liệu số và website tương thích với thiết bị di động khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số.

Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng TMĐT.

Đồng thời, Bộ đang khẩn trương hoàn tất kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, tăng cường đối thoại, trao đổi với cộng đồng DN nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công Thương đẩy mạnh ứng dụng CNTT cải cách TTHC, chuyển đổi số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO