Bộ TT&TT từng bước khẳng định vai trò dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam

TH| 16/11/2020 15:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Đề án chuyển đổi số quốc gia vừa được Chính phủ phê duyệt, Bộ TT&TT giữ một vai trò vô cùng quan trọng, vừa chủ trì tổ chức thực hiện chương trình, vừa đôn đốc, giám sát việc triển khai các nhiệm vụ trong Đề án. Trên thực tế, ngay từ trước khi đề án được phê duyệt, Bộ TT&TT đã từng bước khẳng định vai trò dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số của mình với những hành động cụ thể.

100% các địa phương hoàn thành xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong năm 2020

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến quản lý nhà nước quý II/2020 với 63 Sở TT&TT trên cả nước, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong năm nay là thúc đẩy để 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu. 100% hệ thống thông tin của bộ, ngành và các tỉnh có bảo vệ 4 lớp.

Đặc biệt, Bộ trưởng cũng yêu cầu 100% các địa phương phải xây dựng xong chiến lược chuyển đổi số ngay trong năm 2020. Để đảm bảo tiến độ, Bộ trưởng cũng đề nghị Giám đốc Sở TT&TT tại các địa phương và cơ quan chuyên trách CNTT của các Bộ phải thường xuyên liên hệ với Bộ TT&TT để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Để thúc đẩy ứng dụng CNTT ở các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng cho biết các Sở TT&TT, các Cục CNTT có trách nhiệm tác động người đứng đầu để thúc đẩy ứng dụng. Cơ quan chuyên trách ứng dụng CNTT phải dùng công nghệ để giải quyết các bài toán khó của mình. Theo đó, cơ quan chuyên trách nên đặt đề bài để các doanh nghiệp công nghệ xử lý, đồng thời phải tăng cường dùng các nền tảng do Việt Nam thực hiện.

Các Sở TT&TT nên khuyến nghị tỉnh xây dựng chương trình chuyển đổi số của tỉnh. Cục Tin học hóa sẽ ban hành mẫu hướng dẫn cho các sở. Các bộ, ngành cũng phải xây dựng chiến lược chuyển đổi số của ngành mình. Các cơ quan chuyên trách CNTT của các bộ/ngành cần phải là đơn vị chủ trì xây dựng. Trong quý III, các bộ phải xây dựng xong chiến lược này.

Với sự vào cuộc quyết liệt đó, đến nay một số Bộ, ngành đã xây dựng xong chiến lược chuyển đổi số cho giai đoạn 2020 - 2025, điển hình như Bộ Xây dựng. Nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi cũng đã sớm phê duyệt để triển khai đề án chuyển đổi số của mình.

Công bố bộ chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, bộ và quốc gia

Không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi số, Bộ TT&TT còn được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng bộ chỉ số chuyển đổi số. Chỉ trong một thời gian ngắn, mới đây, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT ngày 12/10/2020 phê duyệt Đề án “Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia – DTI).

Đề án hướng tới mục tiêu xác định bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm của các bộ, tỉnh và cả nước trong quá trình triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đối tượng áp dụng Đề án là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ chỉ số do Bộ TT&TT công bố được cấu trúc theo 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ tiêu chính là (1) chuyển đổi nhận thức, (2) kiến tạo thể chế, (3) phát triển hạ tầng và nền tảng số, (4) đánh giá về thông tin và dữ liệu số, (5) hoạt động chuyển đổi số, (6) an toàn, an ninh mạng, (7) đào tạo và phát triển nhân lực. Mỗi chỉ số chính có những chỉ số thành phần khác nhau và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí.

Từ năm 2021, Bộ TT&TT sẽ sử dụng bộ chỉ số chuyển đổi số này để theo dõi, đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Đây được xem là một bước tiến quan trọng nhằm tạo một thước đo chung để giúp các bộ, ngành, địa phương bám vào trong quá trình chuyển đổi số, đảm bảo việc chuyển đổi số đồng bộ, đúng định hướng.

Ra mắt mã địa chỉ bưu chính: Bước tiến giúp đẩy nhanh xây dựng CPĐT

Trước đó, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ ra mắt nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode – một yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử.

Nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode có khả năng "số hóa", định vị chính xác vị trí địa chỉ của khách hàng chính là lời giải cho bài toán tối ưu hóa việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ người gửi đến người nhận của các doanh nghiệp bưu chính, vận tải, logistics, thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bộ TT&TT từng bước khẳng định vai trò dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu nhấn nút ra mắt nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode

Vpostcode cũng cho phép người dùng như tra cứu tạo mã, định vị, chia sẻ mã địa chỉ, tìm đường, quản lý thông tin địa điểm…; Cập nhật, làm giàu các thông tin dữ liệu địa chỉ cho mình và cộng đồng, giúp cho việc tìm kiếm địa chỉ nhanh chóng, thuận tiện; Có thể dễ dàng tích hợp vào các nền tảng ứng dụng khác để gia tăng trải nghiệm trong việc tạo và sử dụng mã địa chỉ.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước sử dụng mã địa chỉ bưu chính giữ vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, xây dựng Chính phủ điện tử thông qua việc được tích hợp với các ứng dụng, phần mềm, nền tảng số để thực hiện các công tác quản lý đô thị, y tế, xã hội, dịch vụ công trực tuyến…

Có thể nói, với những hành động cụ thể và các kết quả bước đầu của mình, Bộ TT&TT, với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính về chuyển đổi số quốc gia, đang khẳng định vai dẫn dắt và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TT&TT từng bước khẳng định vai trò dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO