VMIC cải thiện năng suất và chất lượng bằng robot cộng tác

Minh Thiện| 17/10/2019 08:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Công ty cổ phần công nghiệp ô tô Vinacomin (VMIC) thuộc tập đoàn Vinacomin của nhà nước đã tích hợp robot cộng tác để nâng cao năng suất và chất lượng đầu ra, tăng 50-60% đơn hàng

Áp dụng robot ngày càng nhiều tại Việt Nam

Việc áp dụng robot đang có chỗ đứng tại Việt Nam. Theo Liên đoàn Robot quốc tế, Việt Nam đứng thứ 18 trên toàn cầu về hoạt động robot. Năm ngoái, Việt Nam ước tính có khoảng 13.782 robot, tăng 13% so với con số 12.200 của năm 2017. Ngành công nghiệp điện tử vẫn là nguồn sử dụng lớn nhất với 42% số robot được lắp đặt vào năm ngoái, tiếp theo là ngành ô tô với 12%.

Công ty Cổ phần Công nghiệp ô tô Vinacomin (VMIC) trụ sở tại Quảng Ninh - một công ty con của Tập đoàn Vinacomin, hoạt động trong lĩnh vực khai thác than và khoáng sản - là một trong những nhà máy thuộc sở hữu nhà nước đầu tiên áp dụng cobot vào trong sản xuất.

Universal Robots (UR), nhà sản xuất robot cộng tác (cobot), đang giúp VMIC sẵn sàng cho kế hoạch phát triển tương lai với việc áp dụng cobot trong quy trình sản xuất. VMIC đã nhận thấy năng suất tăng từ 2 - 3 lần cùng với chất lượng sản phẩm được cải thiện đáng kể, góp phần nâng các đơn đặt hàng lên đến 50% tới 60%.

Ông Darrell Adams, Giám đốc khu vực Đông Nam Á & Châu Đại Dương của công ty Universal Robots cho biết: “Các cobot vẫn tiếp tục đưa ra nhiều lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp ở Đông Nam Á trong việc cải tiến quy trình sản xuất và duy trì tính cạnh tranh. VMIC là một ví dụ điển hình cho việc tự động hoá các quy trình vốn phụ thuộc rất nhiều vào thủ công với những cải thiện đáng kể trong năng suất cũng như chất lượng đầu ra của sản phẩm.”

Ông Darrell Adams, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương của công ty UR

“UR hiện đang giúp đỡ các doanh nghiệp như VMIC đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang công nghệ sản xuất thông minh hơn và tăng trưởng bền vững. Chúng ta đang chứng kiến việc áp dụng công nghệ cobot rộng rãi hơn tại Việt Nam khi mà các công ty nhận ra tiềm năng to lớn của công nghệ tự động hoá. Ngoài ngành công nghiệp khai thác, cobot còn được triển khai trong nhiều lĩnh vực khác nhau như là ô tô, điện tử, dệt may, giày dép và công nghiệp chế biến thực phẩm”, ông Darrell chia sẻ thêm.

Các cobot UR10 được triển khai tại VMIC

Các quy trình sản xuất thủ công chiếm chủ yếu tại VMIC, nơi sản xuất các bộ phận cho xe khai thác mỏ. Việc phụ thuộc vào lao động tay chân này khiến năng suất không cao, chất lượng không đồng nhất, khiến cho đơn đặt hàng thấp và ảnh hưởng đến thu nhập của công nhân. Nhận ra sự quan trọng của công nghệ tự động hoá, công ty đã tiến hành triển khai hai cobot UR10 để đảm nhiệm việc lắp ráp và tự động hóa sản xuất.

Ông Darrell Adams và lãnh đạo VMIC tại khu vực xưởng lắp ráp ô tô của VMIC

VMIC đã liên hệ với nhà tích hợp hệ thống tự động hóa địa phương Vnstar Automation JSC (Vnstar) - một đối tác của Servo Dynamics Engineering (Servo), nhà phân phối của UR tại Việt Nam - để tự động hóa các quy trình của mình.

Ông Kelly Kao, Giám đốc công ty Servo Dynamics Engineering cho biết. “Mặc dù không rành về vận dụng robot , đội ngũ kỹ sư VMIC đã triển khai thành công các cobot chỉ trong vòng 1 tháng sau khi trải qua 3 ngày đào tạo lý thuyết và 2 ngày trải nghiệm thực tiễn với đội ngũ của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động và kịp thời đáp ứng các hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo không có nhiều gián đoạn trong quy trình làm việc”.

Cobot UR10 được triển khai tại VMIC

Các tính năng an toàn tiên tiến của các cobot cho phép nhân viên làm việc cùng một cách an toàn, không có rào cản. Doanh nghiệp cũng không cần phải thay đổi không gian làm việc, tiết kiệm chi phí trong khi cải thiện năng suất.

Ông Phạm Xuân Phi, Tổng Giám đốc của VMIC cho biết: “Kể từ khi sử dụng cobot, năng suất của chúng tôi đã tăng gấp 2 - 3 lần và chất lượng sản phẩm rất ổn định. Điều này đã giúp gia tăng đơn đặt hàng cho công ty lên tới 50% - 60%, và theo đó tăng thu nhập cho người lao động. Tỷ suất hoàn vốn (ROI) tại Việt Nam cho đầu tư robot thường rơi vào sáu đến tám năm, nhưng chúng tôi dự kiến sẽ hoàn vốn trong vòng 1 hoặc 2 năm”.

“Nhờ các robot UR10, nhà máy cần ít công nhân hơn, cho phép công ty phân công các nhiệm vụ đặc biệt hơn, gia tăng sự hài lòng và giảm nguy cơ tai nạn làm việc cho công nhân", ông Xuân Phi cho biết thêm.

Trong vài năm tới, VMIC đặt mục tiêu bổ sung thêm 3 - 5 cobot UR nữa để tự động hóa nhiều quy trình hơn trong các nhà máy của mình.

Việt Nam là thị trường trọng điểm của UR khi nhu cầu tự động hóa tăng cao. Thị trường tự động hóa và kiểm soát tại Việt Nam được ước tính trị giá 184,5 triệu USD vào năm 2021, theo Frost và Sullivan. Kể từ khi gia nhập thị trường vào năm 2016, UR đã tăng gấp đôi mạng lưới các nhà phân phối và tích hợp hệ thống, tại cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
VMIC cải thiện năng suất và chất lượng bằng robot cộng tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO