Cách xử lý khi các tài khoản mạng bị tấn công

Hoàng Linh| 21/07/2020 15:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Đôi khi tài khoản Facebook, Google, Netflix của bạn bị xâm phạm. Bạn cần phải làm gì khi gặp phải sự cố này.

Mọi người đều có nguy cơ bị tội phạm mạng, tin tặc đe dọa và đánh cắp thông tin cá nhân, nhưng nguy cơ này đối với mỗi người lại khác nhau.

Cách xử lý khi các tài khoản mạng bị tấn công - Ảnh 1.

Một người bình thường có thể sẽ phải đối mặt với các mối đe dọa tinh vi ít hơn so với một chính trị gia, nhà hoạt động hoặc CEO cấp cao. Những người nổi tiếng có thể bị nhắm mục tiêu bằng các email lừa đảo (phishing) để đánh cắp thông tin bí mật từ các công ty hoặc một số tiền lớn. Bạn bè và gia đình của bạn có thể sẽ phải đối mặt với các mối đe dọa khác nhau: từ những người bạn biết đang tìm cách trả thù, hoặc nhiều khả năng từ các nhóm tội phạm sử dụng các công cụ tự động để đánh cắp thông tin xác thực.

Jake Moore, một chuyên gia an ninh mạng tại Eset, một công ty bảo mật Internet cho biết: "Tất cả chúng ta đều nghĩ không dễ bị ảnh hưởng bởi tấn công phi kỹ thuật (social engineering) hoặc các loại tấn công mạng khác, nhưng sự thật là ngay cả những người có nhận thức đầy đủ vẫn bị cuốn vào những trò gian lận trực tuyến có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng. Nhiều người thậm chí thừa nhận họ không nhấp vào email lừa đảo nhưng vẫn có thể trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo trực tuyến".

Hiểu về các mối đe dọa là chìa khóa để giải quyết vấn đề trên. Trong khi Facebook, Twitter, Instagram và các mạng xã hội khác thường không lưu trữ chi tiết thẻ tín dụng của bạn thì lại có những rủi ro khác. Khi các tài khoản này bị tấn công, tin tặc có thể sử dụng chúng để đăng tải các tin nhắn lừa đảo, quấy rối hoặc phỉ báng ai đó.

Cũng theo Moore, việc phát hiện ra mình bị tấn công là một nhiệm vụ khá phức tạp. Vì vậy, tốt hơn là bạn nên chủ động ngăn chặn điều đó xảy ra.

Dưới đây là các bước nhằm phát hiện và xử lý khi tài khoản mạng của bạn bị tấn công.

Phát hiện hành vi bất thường

Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bạn đã bị tấn công là có gì đó thay đổi. Bạn có thể không truy cập được vào tài khoản Google của mình bằng tên người dùng và mật khẩu thông thường hoặc có một giao dịch mua sắm đáng ngờ trong tài khoản ngân hàng của mình. Đây là những dấu hiệu khá rõ ràng rằng bạn đã bị xâm phạm theo một cách nào đó.

Tuy nhiên, trước khi bất kỳ tài khoản nào của bạn bị xâm phạm, có thể có các dấu hiệu cảnh báo, ví dụ như cảnh báo ai đó đang cố gắng đăng nhập vào tài khoản của bạn, Facebook và Google sẽ gửi thông báo và email cho bạn về việc này.

Những xâm phạm có thể bao gồm số điện thoại, mật khẩu, chi tiết thẻ tín dụng và thông tin cá nhân khác. Việc sử dụng các ứng dụng thông báo xâm phạm có thể giúp bạn đối phó với việc này. Trình kiểm tra danh tính của Haveibeenpwned và F-Secure sẽ cho bạn biết về các xâm phạm dữ liệu cũ, đồng thời cảnh báo bạn về các trường hợp mới khi thông tin chi tiết của bạn bị quét trong các tài khoản bị xâm nhập.

Lấy lại quyền kiểm soát

Một khi tài khoản của bạn bị tấn công, việc giành lại quyền kiểm soát tài khoản là không hề đơn giản. Hãy cảnh giác khi có email thông báo bạn đã bị xâm phạm để xử lý việc thực thi pháp luật.

Theo đó, trước hết, bạn nên liên lạc với công ty sở hữu tài khoản của bạn. Mỗi công ty sẽ có chính sách, quy trình và các bước phục hồi riêng đối với các tài khoản bị xâm nhập - những điều này có thể dễ dàng tìm thấy khi thực hiện tìm kiếm trên mạng (Công cụ phục hồi tài khoản bị xâm phạm của Facebook, GoogleNetflix).

Khi khôi phục tài khoản trực tuyến bị xâm nhập, bạn có thể thực hiện các bước khác nhau tùy thuộc vào việc bạn vẫn có thể truy cập hay không. Nếu bạn có thể truy cập vào tài khoản, các công ty sẽ thường hỏi tài khoản đã bị xâm phạm như thế nào và cung cấp các đề xuất về các bước cần thực hiện.

Nếu có thể truy cập vào mạng, bạn có thể sẽ được yêu cầu cung cấp thêm thông tin về cách sử dụng tài khoản (mật khẩu trước đó, địa chỉ email, câu hỏi bảo mật và hơn thế nữa). Nếu một người hoặc một nhóm tuyên bố đã truy cập vào tài khoản của bạn và nhắn tin cho bạn về điều đó, bạn không nên nhấp vào bất kỳ liên kết nào chúng gửi vì đây có thể là khiếu nại giả mạo.

Khôi phục tài khoản thông qua công ty sở hữu tài khoản là bước đầu tiên để lấy lại quyền kiểm soát. Bạn nên đảm bảo rằng tất cả các ứng dụng và phần mềm bạn sử dụng (trên điện thoại và máy tính để bàn) được cập nhật.

Ngoài ra, bạn nên thay đổi mật khẩu của các tài khoản khác nếu sử dụng cùng một mật khẩu và thông báo với những người liên quan có thể bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công. Chẳng hạn, nếu tin nhắn đã được gửi từ tài khoản Instagram của bạn hoặc bạn buộc phải tạo một tài khoản truyền thông xã hội hoàn toàn mới, bạn cần cho bạn bè và gia đình biết các chi tiết về tài khoản mới hoặc giải thích những thông điệp ngẫu nhiên về việc này.

Đồng thời, bạn cần báo cáo về vụ tấn công cho các cơ quan thực thi pháp luật. Tại Vương quốc Anh, bạn có thể gửi thông tin chi tiết về tội phạm mạng và hành vi trộm cắp danh tính đến ActionFraud. Các trường hợp quấy rối có thể được báo cáo cho cảnh sát.

Tăng cường bảo mật

Cách tốt nhất để giảm thiểu khả năng bị tấn công là hạn chế bề mặt tấn công. Bảo mật máy tính và mạng càng tốt, bạn càng ít bị xâm phạm.

Cách xử lý khi các tài khoản mạng bị tấn công - Ảnh 2.

Theo Moore, nếu tài khoản của bạn đã bị xâm phạm một lần và bị tấn công bởi một nhóm có tổ chức, thì có nhiều khả năng bạn sẽ bị nhắm mục tiêu trở lại.

Eva Galperin, Giám đốc an ninh mạng tại Electronic Frontier Foundation đã từng cho biết: Khi bạn đang suy nghĩ về sự hiện diện trực tuyến của mình, bạn nên tính đến số lượng thông tin mà bạn chủ động đưa ra bên ngoài. Những gì tôi muốn nói là: hãy Google cá nhân, tự giới hạn mình, làm cho truy cập thông tin về bạn trở nên khó khăn hơn".

"Khi bạn đăng ảnh lên Instagram, hoặc đăng bài lên Facebook, hoặc tweet gì đó về vị trí của mình, mọi người có thể lấy nội dung đó, đặt nó vào một bối cảnh khác và đột nhiên bạn bị lừa".

Trên thực tế, có rất nhiều biện pháp để bảo vệ các tài khoản trực tuyến. Mọi người nên sử dụng trình quản lý mật khẩu để tạo và giữ mật khẩu mạnh, riêng biệt. Không nên sử dụng cùng một mật khẩu trên nhiều trang web, ngay cả khi bạn nhận thấy nguy cơ bị tấn công là thấp.

Nếu bạn đã bị tấn công trên một tài khoản thì đây sẽ là động lực bạn cần kiểm tra các tài khoản trực tuyến khác bạn sử dụng: cập nhật mật khẩu và kiểm tra cài đặt bảo mật. Khi cập nhật tài khoản, bạn cũng nên cố gắng sử dụng các câu hỏi bảo mật phức tạp nếu có thể. Các câu trả lời nên là một cái gì đó mà chỉ bạn biết.

Cũng như trình quản lý mật khẩu, xác thực đa yếu tố (MFA) nên được sử dụng. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo mật tài khoản của bạn khỏi tin tặc. Loại MFA phổ biến nhất là xác thực hai yếu tố trong đó một phần thông tin khác được yêu cầu khi đăng nhập vào một dịch vụ. Thông thường nhất đây là tin nhắn SMS, ứng dụng xác thực hoặc khóa bảo mật vật lý. Danh sách các trang web và ứng dụng hỗ trợ 2FA có thể được tìm thấy ở đây.

Đối với những người có mức độ bị đe dọa cao, có thể thực hiện một số bước bổ sung. Để tăng tính riêng tư và ẩn danh trực tuyến, bạn có thể sử dụng chương trình Bảo vệ Nâng cao của Google, VPN hoặc Tor.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cách xử lý khi các tài khoản mạng bị tấn công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO