Cần thay đổi mạnh mẽ tư duy cán bộ trong cải cách hành chính

Duy Phạm| 03/06/2020 11:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Không thể phủ nhận, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã có một bước tiến dài trong cải cách hành chính (CCHC), khi nhiều giải pháp được áp dụng, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN). Song cũng phải khẳng định, chừng đó là chưa đủ và vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân về sự cải cách có tính đột phá, hướng đến một nền hành chính phục vụ, thuận tiện nhất cho tổ chức và công dân.

Người dân phải được đặt vào vị trí trung tâm

Theo đánh giá của Phòng Kiểm soát Thủ tục hành chính Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự đem đến sự hài lòng cho người dân, DN; TTHC đòi hỏi quá nhiều giấy tờ, gây phiền hà cho nhân dân. Nhất là tinh thần trách nhiệm, ý thức tuân thủ kỷ luật của cán bộ, công chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TTHC chưa cao, nhiều TTHC bị kéo dài thời gian như lĩnh vực đất đai, chính sách.

Xuất phát từ thực trạng trên, tỉnh Nghệ An đã rà soát, cải tiến rất nhiều TTHC, từ đất đai, cấp phép kinh doanh, hay các TTHC liên quan đến đời sống cá nhân, hộ gia đình, DN. Dẫu vậy, người dân cũng còn những vấn đề thật sự chưa hài lòng và mong muốn tỉnh tiếp tục cải cách hơn nữa. Trước hết, đó là tư duy cung cấp dịch vụ hành chính cần thay đổi, từ tư duy ban phát, xin - cho sang tư duy phục vụ người dân, tức là xem người dân là đối tượng phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, chứ không phải là người phải đi năn nỉ công chức.

Cần thay đổi mạnh mẽ tư duy trong cải cách hành chính - Ảnh 1.

Triển khai áp dụng lấy số thứ tự tự động tại bộ phận một cửa tỉnh Nghệ An. (Ảnh: TTXVN)

Đã nhiều năm nay, người dân thành phố Vinh tỉnh Nghệ An quen với việc giải quyết TTHC trên mạng thông tin điện tử của thành phố tại nhà hoặc trên điện thoại di động. Để phục vụ tầng lớp nhân dân có trình độ và hiểu biết về CCHC như vậy, đội ngũ cán bộ tại bộ phận một cửa phải luôn chủ động trong công việc vì nếu để xảy ra sai sót, ngay lập tức, người dân sẽ gửi thông tin phản ánh trên cổng thông tin điện tử trong đó nêu đích danh cán bộ xử lý công việc chưa tốt.

Tuy trình độ dân trí của người dân ở khu vực thành thị được nâng lên rõ rệt nhưng vẫn có những người chưa sử dụng thành thạo CNTT vào giải quyết TTHC. Họ là những người lớn tuổi hoặc một số người ở nông thôn ra thành thị để giải quyết những công việc thuộc thẩm quyền hành chính cấp tỉnh vì vậy nhiều ban, ngành đã chủ động cắt cử riêng đội ngũ cán bộ hướng dẫn những trường hợp như vậy.

Chị Võ Thị Thu Hiền, Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, cho biết: "Đoàn viên thanh niên chúng tôi thành lập tổ hướng dẫn sẵn sàng giúp người dân các bước làm thủ tục cần thiết để họ hoàn tất được TTHC mà không gặp trở ngại gì. Bộ phận hỗ trợ này trực tất cả các giờ hành chính nên người dân có thể đến giao dịch bất cứ lúc nào".

Có thể nhận thấy tại tỉnh Nghệ An khi người dân được đặt vào vị trí trung tâm và hướng tới đối tượng được phục vụ trong dịch vụ hành chính công thì hiệu quả hành chính đã được nâng lên rõ rệt.

Tại tỉnh Quảng Ninh, địa phương đứng đầu cả nước về CCHC thì ngoài cách làm như tỉnh Nghệ An, Quảng Ninh đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng song song nâng cao chất lượng cán bộ. Số hóa hồ sơ và giải quyết TTHC trên môi trường mạng tại TP. Uông Bí đã và đang tạo nhiều thuận lợi cho cộng đồng DN trên địa bàn. 

Đối với Công ty Cổ phần Than Vàng Danh thì cải cách giải quyết nhanh gọn TTHC, chính là tạo thêm cơ hội cho DN tìm thêm được nhiều cơ hội đầu tư mới. Ông Dương Đình Toại, Trưởng phòng Đầu tư - Môi trường, Công ty CP Than Vàng Danh (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, trước kia việc giải quyết TTHC chưa có những quy định rõ ràng như bây giờ, DN phải ra nhiều phòng ban liên quan và tiếp xúc rất nhiều với các sở ban ngành, nhưng hiện nay chỉ cần kiểm tra và giải quyết trên mạng là được, việc này khiến DN rất phấn khởi vì giải quyết vấn đề về thời gian cũng chính là giải quyết vấn đề tiền bạc cho DN.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ hành chính công hướng tới phục vụ nhân dân, TP. Uông Bí tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện lắp camera giám sát hoạt động của cán bộ, viên chức ltiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính tại bộ phận một cửa. Việc truyền hình ảnh hoạt động của bộ phận một cửa về phòng làm việc của Chánh Văn phòng UBND các cấp giúp lãnh đạo phụ trách CCHC có thể vừa làm việc vừa quan sát được hoạt động của bộ phận này, xử lý những phát sinh trong công việc kịp thời.

Việc triển khai ứng dụng CNTT trong giải quyết và giám sát công việc đã tạo nên sự thay đổi lớn trong cung cách làm việc của cán bộ công chức. Chất lượng giải quyết TTHC của trung tâm hành chính công và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả của các cấp vì thế đã được nâng lên. Tình trạng làm việc quan liêu, sách nhiễu gần như được loại bỏ hoàn toàn.

"Khi tôi đến làm việc với cán bộ phường Thanh Sơn, từ lãnh đạo cho đến cấp dưới đều trả lời tôi đến nơi đến chốn. Tôi hỏi đến đâu thì cán bộ trả lời đến đấy, chỉ cho tôi từng bước, làm gì, giải quyết vấn đề từ A-Z" – bà Hoàng Thị Sính, phường Thanh Sơn, TP. Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

DN hưởng lợi từ ứng dụng khoa học công nghệ trong CCHC

Nỗ lực CCHC, xây dựng chính quyền điện tử không chỉ được ghi nhận ở các địa phương, mà ở các Bộ, ban, ngành cũng đã có nhiều thay đổi nhằm phục vụ DN một cách tốt nhất.

Hiện tại, các TTHC của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vẫn đang được triển khai giải quyết ở cấp độ 3. Tuy nhiên, Bộ KH&CN tiến hành rà soát, đánh giá để lựa chọn TTHC sẽ tiếp tục giải quyết ở cấp độ 3, TTHC sẽ được giải quyết ở cấp độ 4 và TTHC được thực hiện tại bộ phận một cửa. Đồng thời, cũng đang tiến hành rà soát, chỉnh sửa phần mềm và nâng cấp phần mềm dịch vụ công trực tuyến này lên cấp độ 4. Với việc cắt giảm các TTHC, thời gian thực hiện kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu rút xuống còn 1 ngày sẽ tiết kiệm cho DN liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc lĩnh vực KHCN tiết kiệm gần 900 tỷ đồng mỗi năm.

Phòng Quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Đo lường chất lượng không còn tình trạng hồ sơ giấy tờ ngập đầu, mọi TTHC được giải quyết nhanh hơn rất nhiều từ khi ứng dụng CNTT vào xử lý công việc.

Bà Trần Minh Thanh - Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, trước đây nộp hồ sơ giấy, thì việc trao đổi thông tin, sửa đổi thông tin phải mất thời gian dài cho cơ quan quản lý Nhà nước và DN, nhưng bây giờ trong vòng 24 giờ hồ sơ đã được giải quyết. Vượt so với yêu cầu của ASAN 4 là 90 giờ.

Cần thay đổi mạnh mẽ tư duy trong cải cách hành chính - Ảnh 2.

Ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. (Ảnh: Báo CAND)

Để phục vụ tốt hơn nữa cho người dân và DN, Bộ KH&CN đã có 6 TTHC được thực hiện trên cơ chế một cửa quốc gia. Hệ thống phần mềm đã đáp ứng được yêu cầu cho các đối tượng tham gia, đó là DN được phép đăng ký, thực hiện hồ sơ kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu trên cơ chế một cửa quốc gia; cơ quan kiểm tra cũng xử lý công việc trên hệ thống này để ra thông báo kết quả kiểm tra về chất lượng hàng hóa nhập khẩu; cơ quan hải quan trên cơ sở kết quả đó sẽ quyết định việc thông quan với loại hàng hóa. Do các cơ quan và DN cùng tham gia thực hiện vận hành và kết nối liên thông để xử lý công việc trên hệ thống một cửa quốc gia nên hiệu quả rất cao.

Mặc dù, những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị, bộ, ban, ngành đã có những nỗ lực vượt bậc trong CCHC, nhiều giải pháp được đưa ra, tạo thuận lợi cho người dân và DN, nhưng để thuận tiện nhất cho tổ chức và công dân, bên cạnh ứng dụng KHCN trong CCHC, cắt giảm thủ tục không cần thiết, giảm thời gian chờ đợi, đi lại thì các Bộ, ngành và địa phương phải cần chú trọng và thay đổi mạnh mẽ hơn nữa tư duy từ quản lý sang phục vụ nhân dân.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần thay đổi mạnh mẽ tư duy cán bộ trong cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO