Chính sách giảm nghèo cần tính tới yếu tố thiên tai và biến đổi khí hậu

Minh Anh| 17/06/2020 14:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Gần 2 thập kỷ tiến hành giảm nghèo, tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 60% (1990) xuống còn dưới 4% năm 2020. Bên cạnh những thành tựu, công tác giảm nghèo vẫn đang đối mặt với những thách thức do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Vậy chính sách giảm nghèo giai đoạn mới có được lồng ghép với yếu tố thiên tai và biến đổi khí hậu?

Giảm nghèo đối diện thách thức chưa từng có

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu cơ bản nhưng công tác giảm nghèo của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức vô cùng lớn. Một trong những thách thức lớn đó là thiên tai, dịch bệnh.

Ông Nguyễn Trần Lâm - Chuyên gia giảm nghèo (Trung tâm phát triển cộng đồng) cho rằng, với người nghèo, thì việc thiên tại dịch bệnh có thể khiến họ rơi vào cảnh đói nghèo, cùng cực hơn. Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh, mạnh, mức độ thích ứng, di chuyển của người nghèo cũng khó khăn hơn. Đa phần người nghèo, cận nghèo đều làm công việc phi chính thức nên họ khó có khả năng tiếp cận cơ hội để thoát nghèo.

Chính sách giảm nghèo cần tính tới yếu tố thiên tai và biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trần Lâm -Chuyên gia giảm nghèo (Trung tâm Phát triển cộng đồng)

Thêm vào đó, bối cảnh xã hội lại có sự phân hóa - giàu nghèo, bất bình đẳng ngày càng rõ rệt. Đó không chỉ là vấn đề bất bình đẳng về kinh tế mà nó còn là sự bất bình đẳng về cơ hội và tiếng nói.

Để giải quyết vấn đề này, ông Lâm cho rằng ngoài việc hoàn thiện, sửa đổi chính sách giảm nghèo, cần phải có giải pháp để đưa chính sách vào cuộc sống.

Thứ nhất, cần tăng cường sự tham gia của người nghèo trong việc lập kế hoạch, giám sát. Thứ 2, tăng cơ hội tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm và tăng cường cả tiếng nói của người nghèo trong việc thiết kế chính sách, lập kế hoạch và triển khai, giám sát. Thứ 3, cần phải mạnh tay, xử lý dứt điểm các sai phạm, tham nhũng cán bộ từ thôn, xã, huyện... trong quá trình thực hiện giảm nghèo. Chỉ khi làm tốt những vấn đề trên thì hoạt động giảm nghèo mới tạo được sự bứt phá trong giai đoạn mới".

Phải lồng ghép thực hiện chính sách giảm nghèo

Ông Nguyễn Trọng Đàm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho rằng, Việt Nam quốc gia nhiệt đới gió mùa nên thường xuyên chịu tác động của thiên tai, lũ lụt và biến đổi khí hậu. Năm nay, Việt Nam lại hứng chịu tác động kép vì cùng lúc phải chịu thiên tai, hạn mặn, mưa đá và cả dịch bệnh Covid -19.

"Điều này đã và đang gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nói chung và quá trình giảm nghèo nói riêng. Nhiều nơi, nhiều người nghèo phải khó khăn lắm mới thoát được nghèo, nhưng chỉ sau trận mưa đá, sau trận lũ lụt hay hạn mặn, dịch bệnh... là lại tái nghèo. Thậm chí, có cả những người có mức sống trung bình cũng rơi vào vòng quay của đói nghèo" - ông Đàm nói.

 Hậu quả đã nhìn thấy nhưng vấn đề giảm nghèo trước tác động của thiên tai, dịch bệnh... vẫn chưa được đưa vào thiết kế chính sách giảm nghèo. Đây là điểm hạn chế, khiến chúng ta chưa có những chính sách vĩ mô, can thiệp chủ động về vấn đề này.

Cần phải lồng ghép vấn đề kiểm soát thiên tai, dịch bệnh biến đổi khí hậu trong các chính sách giảm nghèo. Từ đó có các phương án xử lý, không bị động khi gặp sự cố khiến các thành tựu giảm nghèo bị xóa sổ.

Chính sách giảm nghèo cần tính tới yếu tố thiên tai và biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Huy Dũng - Chuyên gia cao cấp về quản lý thiên tai Ngân hàng Thế giới. Ảnh: MA

Còn ông Nguyễn Huy Dũng - Chuyên gia cao cấp về quản lý thiên tai của Ngân hàng Thế giới thì cho rằng tình hình thiên tai, lũ lụt, hạn mặn, mưa đá, đặc biệt là dịch Covid - 19 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp nhằm ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, thậm chí là giải pháp hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài để giảm nghèo bền vững thì chính sách việc làm, phát triển kinh tế vẫn là chính sách trụ cột.

Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn khi mà có tới 2/3 dân số Việt Nam sống ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào khó khăn - nơi có tỷ lệ người nghèo đói cao nhất. Đa phần trong số này là lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp, lao động di cư tự do - thường là những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các tác động cực đoan của thời tiết, dịch bệnh.

Chính sách giảm nghèo cần tính tới yếu tố thiên tai và biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Người nghèo cần được tham gia hoạch định chính sách. Ảnh: Phạm Trọng Nghĩa

"Một mặt, do kế sinh nhai bị mất hoặc thiệt hại nghiêm trọng. Mặt khác, thiên tai làm thay đổi tiêu cực về nguồn cung lương thực và có thể bóp méo giá cả hàng hóa và cản trở phân phối lương thực, gây ảnh hưởng bất lợi đến khả năng phục hồi sau thiên tai vốn đã rất thấp của người nghèo, cuối cùng là gia tăng đói nghèo. Rất nhiều hộ gia đình nông thôn đã bị tái nghèo sau mỗi đợt thiên tai" - ông Dũng nhận định.

Vấn đề hiện giờ là ngoài tập trung xác định giảm nghèo ở vùng lõi, vùng đặc biệt khó khăn, cần chú trọng hơn tới việc thiết kế chính sách giảm nghèo có chú trọng ưu tiên tới vấn đề kiểm soát thiên tai, dịch bệnh. Một số tổ chức phi Chính phủ đã và đang hỗ trợ Việt Nam rất tốt trong việc giảm nghèo dựa vào kiểm soát tác động của thiên tai, dịch bệnh.

Ông Nguyễn Trọng Đàm - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chính sách giảm nghèo cần tính tới yếu tố thiên tai và biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO