Chung tay xây dựng Chính phủ điện tử

TH| 29/12/2019 10:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung LGSP trong quý I/2020

Theo lãnh đạo Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), trong Quý I hoặc Quý II/2020, Cục Tin học hóa sẽ cùng triển khai nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cho các bộ, ngành địa phương vào quý I hoặc quý II năm nay nhằm gỡ nút thắt trong vấn đề dữ liệu trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Nhiều vướng mắc trong xây dựng cơ sở dữ liệu ở địa phương

Về các vướng mức trong quá trình xây dựng kho dữ liệu dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền điện tử tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ TT&TT, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết vấn đề lớn ở nhiều địa phương hiện nay chính là việc liên thông dữ liệu. "Từ khi TP.HCM triển khai chính quyền điện tử thành phố, tôi thấy một số khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như các ứng dụng của thành phố", bà Trinh cho biết.

Chia sẻ từ lãnh đạo Sở TT&TT TP.HCM, khi triển khai thực tiễn cho thấy vấn đề liên thông dữ liệu theo chiều dọc và chiều ngang ở địa phương đều đang có nhiều vướng mắc. Trong đó, rào cản lớn nhất mà các đơn vị địa phương gặp phải là do các quy định của ngành hiện nay không chia sẻ cho các ngành khác được.

"Chúng ta đều biết giá trị của hệ thống thông tin là dữ liệu chứ không phải phần mềm và các giải pháp. Nhưng trong một thời gian dài, TP.HCM đã gặp các vấn đề liên quan đến dữ liệu do các dữ liệu liên thông kết nối hiện nay không có tính kế thừa và bị cát cứ, không thể liên thông", bà Trinh cho hay. 

Trong khi đó, theo đánh giá của ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa: “Nguyên nhân ảnh hưởng đến việc cát cứ và không liên thông dữ liệu đó là do tư duy mong muốn sở hữu”.

"Nếu coi dữ liệu là tài sản cá nhân, tổ chức thì ai cũng muốn sở hữu và không muốn chia sẻ nếu không mang lại lợi ích cho mình. Câu hỏi đặt ra: Ai là sở hữu của dữ liệu, ai được quyền truy xuất và khai thác dữ liệu và sử dụng nó cho mục đích gì?", ông Công Anh cho biết.

Vấn đề thứ 2 hiện nay được lãnh đạo Cục Tin học Hóa nhắc đến đó là còn thiếu các quy định về quản trị dữ liệu và thiếu vắng cả các nền tảng chia sẻ dữ liệu dùng chung. “Hiện nay tại các bộ ngành, địa phương, nền tảng chia sẻ dữ liệu dùng chung đang triển khai chậm”, ông Đỗ Công Anh nhận xét.

Sẽ triển khai nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu dùng chung trong năm 2020

Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, xây dựng dữ liệu tập trung hay phân tán là vấn đề mà TP.HCM gặp phải khi xây dựng nền tảng dữ liệu. "TP.HCM đã từng thử nghiệm cả việc xây dựng tập trung và phân tán nhưng cả hai lần đều không đạt được mục tiêu mong muốn. Có một bài toán đặt ra đó là bỏ hết toàn bộ hệ thống cũ và xây dựng, chuẩn hóa một hệ thống mới hay là tận dụng các hệ thống cũ", Bà Trinh nói. Đồng thời, nữ Phó Giám đốc Sở TT&TT chia sẻ: "TP.HCM đã chọn con đường đó là xây dựng nền tảng để tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu hiện hữu và từ đó chuẩn hóa thành kho dữ liệu dùng chung. TP.HCM tận dụng được hệ thống nào tốt và quy hoạch lại các hệ thống khác".

Chia sẻ kinh nghiệm, bà Trinh cho biết: TP.HCM đã dành 1 năm để xây dựng được kiến trúc dữ liệu thành phố. Trong đó xác định rõ những dữ liệu nào được ưu tiên nguồn lực để các đơn vị xây dựng. Chẳng hạn liên quan đến cơ sở dữ liệu hộ tịch và dân cư. Theo chia sẻ,  TP.HCM đã đầu tư khoảng 500 tỷ đồng cho hai nguồn dữ liệu này. Cơ sở dữ liệu được tạo lập từ TP.HCM được đồng bộ và liên thông kết nối với dữ liệu hộ tịch quốc gia của Bộ Tư pháp thông qua hai nền tảng cơ bản của thành phố và Bộ TT&TT. Theo đó, cơ sở dữ liệu hộ tịch của TP.HCM sẽ hoàn thành vào tháng 6/2020. Với hệ thống dữ liệu này, TP.HCM sẽ có được 2/3 thông tin cơ bản liên quan đến người dân.

Cũng vào cuối tháng 11, lãnh đạo UBND TP.HCM đã ký quyết định quy định cơ chế sử dụng kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Trong đó, xác định dữ liệu là tài sản của chính quyền thành phố và dữ liệu này quyết định sẽ được chia sẻ, dùng chung của các cơ quan quản lý Nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của các bên cung cấp, sử dụng. "Các quy định này mặc dù mới được đưa vào sử dụng nhưng đã tạo được một bước tiến rất lớn về tư tưởng và chính sách. Các cán bộ hiểu rất rõ hiện nay chúng ta có trách nhiệm sử dụng dữ liệu cho đúng và các cơ quan, ban ngành tại thành phố phải sử dụng dữ liệu để chia sẻ dữ liệu này cho kho dữ liệu dùng chung cũng như trách nhiệm chia sẻ dữ liệu của mình. Thành phố cũng đặt vấn đề về liên thông kết nối dữ liệu. Cụ thể, TP.HCM đã đầu tư rất nhiều để làm sao bảo đảm nền tảng chia sẻ kết nối và nền tảng này đóng vai trò kết nối được các hệ thống thống thông tin chung của thành phố với nhau", bà Võ Thị Trung Trinh cho biết.

Cũng theo chia sẻ của đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT): Dữ liệu đang tồn tại các cấp, các ngành nhưng tính công khai, minh bạch thế nào cần phải được đặt ra, và giải pháp đó là xây dựng Cổng dữ liệu. Trong thời gian qua, Cục Tin học hóa đã phối hợp và hỗ trợ các cơ quan chuyên trách CNTT của các bộ, ngành địa phương để hỗ trợ các đơn vị này triển khai thử nghiệm nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP. Vị này cũng cho hay, Cục Tin học hóa sẽ cùng triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu này cho các bộ, ngành địa phương trong quý I hoặc quý II/2020.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chung tay xây dựng Chính phủ điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO