Cổng thông tin trở thành cầu nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp

Hữu Trọng| 15/11/2019 11:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian qua, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước là chủ trương của Trung ương được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt .

Ở Hậu Giang, việc ứng dụng CNTT đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính. Qua đó, cung cấp thông tin kịp thời phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Ngày 25/4/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khảo sát, tổng hợp tình hình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên phạm vi cả nước và đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018, Hậu Giang xếp hạng 27/63 so với tỉnh, thành phố về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước, tăng 32 bậc so với năm 2017 (năm 2017, Hậu Giang xếp hạng 59/63). Trên cơ sở xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm phát triển ứng dụng CNTT ngay trong hoạt động nội bộ cơ quan nhà nước. Theo đó, việc gửi nhận văn bản điện tử trong các cơ quan hành chính nhà nước thông qua phần mềm Quản lý văn bản cho tất cả các sở, ngành tỉnh và địa phương. Cụ thể, 36 đơn vị cấp tỉnh, 99 đơn vị cấp huyện, 76 đơn vị cấp xã đã áp dụng phần mềm Quản lý văn bản với số lượng người sử dụng hơn 4.500 tài khoản. Các đơn vị đã khai thác có hiệu quả các tính năng của phần mềm như ký số trực tuyến, tìm kiếm, tiếp nhận xử lý văn bản đến, tạo lập, phát hành văn bản đi, gửi nhận văn bản liên thông với văn phòng chính phủ … giúp việc tra cứu, khai thác văn bản được thuận lợi, nhanh chóng, rút ngắn thời gian xử lý công việc hàng ngày của các cơ quan, góp phần cải cách hành chính. Hiện tại, phần mềm quản lý văn bản đã kết nối với trục liên thông văn bản của Chính phủ và đã thực hiện gửi nhận văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ.

Với mục tiêu cung cấp thông tin phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang được đưa vào sử dụng năm 2005 đến nay đã phát huy hiệu quả, trở thành cầu nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp cũng như góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính thống cho người dân, tạo sự đồng thuận, nâng cao tính công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Cổng cũng đã triển khai cho gần 50 đơn vị trong Tỉnh sử dụng. 

Song song đó, về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Hậu Giang luôn ở thứ hạng cao so với các tỉnh, thành phố. Hạng mục Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xếp hạng 29/63 (năm 2017, xếp hạng 33/63). Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được triển khai đến tất cả các sở, ngành tỉnh và địa phương với 102 đơn vị sử dụng. Trên phần mềm hiện tại đã cập nhật 1930 thủ tục hành chính thuộc danh mục các thủ tục hành chính của các đơn vị trong tỉnh. Trong đó, hệ thống đã cung cấp 1.399 thủ tục mức độ 2, 422 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 109 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Mặc khác, hệ thống hiện đã kết nối với hệ thống tin nhắn SMS của VNPT để thực hiện thông báo tình trạng tiếp nhận và trả kết quả cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống cũng đã kết nối với hệ thống phần mềm Điều tin của Bưu điện Trung ương để thực hiện dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp khi có yêu cầu.

Với những kết quả đạt được, thời gian tới, Hậu Giang sẽ xây dựng cơ chế ưu tiên đầu tư các hạng mục quan trọng trong Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh đã được phê duyệt cũng như xây dựng các chính sách khuyết khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng các dịch vụ công, các dịch vụ thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có cơ chế thu hút những chuyên gia về công nghệ thông tin (đặc biệt là các chuyên gia về an toàn thông tin mạng) về làm việc tại tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin tại tỉnh Hậu Giang. Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai một số công nghệ mới (IoT, BolckChain, AI, Bigdata) trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng hàng hóa.

Tính đến 31/12/2018, hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến đã tiếp nhận và cập nhật được 64.786 hồ sơ, đã giải quyết là 60.903 hồ sơ, trong đó: giải quyết trước hạn là 45.249, đúng hạn là 11.391, đạt tỷ lệ 94,28%. Đầu năm 2019 đến hết tháng 24/9/2019, hệ thống đã tiếp nhận hơn 111.500 hồ sơ, đã giải quyết 108.200 hồ sơ, trong đó: giải quyết đúng hạn là 105.600 hồ sơ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cổng thông tin trở thành cầu nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO