Covid-19 và cơ hội chuyển đổi số ngành xuất bản

Minh Tuấn| 24/04/2020 21:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Hàng năm, nhân kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4 thường diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đọc trên khắp cả nước, trong đó điểm nhấn là Hội sách do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Theo kế hoạch năm nay, Bộ Thông Tin và Truyền thông sẽ tổ chức Hội sách tại Bắc Ninh, quy tụ giới xuất bản cả nước. Nhưng, trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, Hội sách đã không thể diễn ra vào tháng 4 như dự kiến mà chuyển sang hình thức online.

Covid-19 và cơ hội chuyển đổi số ngành xuất bản - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội sách mừng Ngày sách Việt Nam 2019. Ảnh; Hoàng Đông

Vượt qua thách thức

Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2020, hoạt động xuất bản nói chung, mà trước hết thị trường phát hành sách truyền thống, dựa chủ yếu vào hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Doanh thu các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh, nhất là ở 02 thị trường lớn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết các đơn vị phát hành sách lớn như Fahasha, Phương Nam, Nhân Văn, Tiền Phong, Tân Việt, Công ty Đường sách Nguyễn Văn Bình... và các công ty sách, nhà sách tham gia liên kết xuất bản như Alphabooks, Thái Hà Book, Nhã Nam, Đinh Tị, Đông A... doanh thu giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ và dự kiến tiếp tục giảm sâu trong tháng 4 năm 2020.

Mặt khác, các nước lớn có thị trường bản quyền tiềm năng lại đang căng mình đối phó với đại dịch Covid, buộc nhiều công ty phải đóng cửa, hủy hợp đồng cũng tác động không nhỏ đến thị trường mua bán bản quyền của nhiều đơn vị trong nước, ảnh hưởng nhất định nguồn cung bản thảo. Các hoạt động liên quan nhập khẩu nguyên liệu in xuất bản phẩm cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, chi phí thuê lao động, thuê mặt bằng của các đơn vị phát hành, công ty sách trở thành gánh nặng lớn, trong điều kiện đơn vị sụt giảm hoặc không có doanh thu. Tất cả tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành sách. Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, 3 tháng đầu năm, lượng nộp lưu chiểu giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng do dịch Covid 19, việc hủy Hội sách mùa xuân TP.HCM (2 năm tổ chức một lần) vào đầu năm 2020 và nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm khác dự kiến diễn ra trong dịp Ngày sách Việt Nam 21/4 năm nay cũng làm các nhà xuất bản, các công ty sách, nhà sách, các đơn vị phát hành mất nguồn thu lớn.

Ông Phạm Minh Thuận, thành viên Ban tổ chức (BTC) Hội sách TPHCM thừa nhận với báo chí rằng: "Đúng là hội sách bây giờ cần phải có sự thay đổi về cách thức tổ chức cũng như về các chương trình, những nội dung hoạt động trong hội sách phù hợp với giai đoạn công nghệ phát triển rất mạnh và cũng đã có rất nhiều nội dung, ứng dụng trong xuất bản".

Trong tình hình hiện nay, nhiều đơn vị phải chuyển mình để vượt qua khó khăn như hội sách giảm giá do Tiki tổ chức bắt đầu từ ngày 2 đến 31-3, với nhiều mức giảm giá được chia theo các khung thời gian khác nhau. Hội sách có sự đồng hành của một số đơn vị như: Nhã Nam (giảm 40%), Tao Đàn (giảm 45%), Alphabooks (giảm 70%), Azbooks (giảm 80%). Diễn ra đồng thời với Tiki là hội sách Fahasa Online 2020 được thực hiện từ ngày 2 đến 29-3.

Thực tế cho thấy rằng, trong điều kiện hạn chế tụ tập đông người để phòng tránh dịch Covid-19, nhiều bạn đọc tìm lựa chọn hình thức mua sách qua mạng giúp kênh phát hành sách online tăng mạnh.

Nắm bắt được nhu cầu đọc, nhiều đơn vị cũng đã xuất bản nhiều đầu sách mới và có những hoạt động tặng sách miễn phí đến độc giả trong mùa dịch. Công ty Sách Omega Việt Nam (Omega+) đã trao tặng 200 cuốn sách "Hệ miễn dịch - Khám phá cơ chế tự phòng chữa bệnh của cơ thể người" cho người dân Thành phố Đà Nẵng. Nhà xuất bản Trẻ đã tổ chức tuần lễ vàng "Mừng sinh nhật Nhà xuất bản Trẻ" với gần 1.000 quà tặng và phát hành các ấn phẩm thiếu nhi mới dành cho trẻ em trong thời gian nghỉ học dài ngày. Saigon Books đã nhanh chóng mua bản quyền và xuất bản cuốn sách "Dịch COVID-19: Hiểu rõ và phòng ngừa đúng cách" đồng thời tặng 100.000 cuốn được phát hành miễn phí nhằm mục đích giúp tất cả người dân Việt Nam biết cách tự bảo vệ và phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Theo ghi nhận của Tiki, đơn vị lớn nhất trong bán sách online hiện nay trong hai tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng mặt hàng sách tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 5 mảng sách bán chạy nhất là: Sách văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Đặc biệt, 2 loại sách có mức độ tăng trưởng đáng ghi nhận trong 2 tháng đầu năm nay so với cùng thời điểm năm ngoái là sách y học (tăng gấp 2.7 lần) và sách thường thức gia đình (tăng gấp 2 lần).

Một số đơn vị khác như Fahasa, Alphabooks, Nhã Nam, Thái Hà book đều ghi nhận sự tăng trưởng này với mức từ 20-30%, một số đơn vị như Phương Nam tăng trên 70%. Sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách online ít nhiều bù đắp một phần doanh thu cho các đơn vị, giúp cho các đơn vị có thêm cơ hội duy trì hoạt động.

Cùng thị trường sách online, thị trường sách điện tử cũng tăng mạnh. Theo Waka (đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử), doanh thu tăng khoảng 20-30% trong tháng 2. Cuối tháng 2, lượng user truy cập vượt trên 15.000 trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể. Số thư viện mua account tăng. Việc huy động kinh phí để tổ chức xuất bản sách in truyền thống (với sự phối hợp với các nhà xuất bản, nhà sách) sau khi xuất bản phiên bản điện tử thuận lợi hơn. Việc thí điểm bán lưu niệm và các vật phẩm văn hóa khác qua fan club cũng có nhiều thuận lợi, mở ra nguồn doanh thu mới ngoài sách.

Nhà xuất bản Văn học, trong thời điểm dịp này cũng nâng cấp hệ thống trang thông tin điện tử của mình, hoàn thiện thủ tục, chính sách về thương mại điện tử để phục vụ độc giả. Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học cho biết, nắm bắt được xu thế khó khăn của ngành xuất bản, nhà xuất bản đã phải khẩn trương chuyển đổi phương thức kinh doanh để phục vụ độc giả. Hiện, NXB đang triển khai việc phân phối kênh bán sách in qua online với hình thức cho độc giả đọc thử trước một phần rồi mới đặt mua và giao hàng tại nhà.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho rằng đây là cơ hội cho ngành xuất bản, mở ra một hướng mới cho phát triển thị trường sách trong xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ông cũng tin rằng đây là cơ hội lớn đối với việc chuyển đổi số cho hoạt động xuất bản.

Thời cơ và thách thức

Lý giải về những nguyên nhân chuyển dịch phương thức mua sắm và phương thức kinh doanh, sản xuất của ngành xuất bản trong thời điểm có những tác động tiêu cực hiện nay, theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đây cũng là những thời cơ mới cho cho hoạt động xuất bản nếu biết tận dụng.

Việc giảm nhịp điệu sống qua việc giảm giao thương và các hoạt động sản xuất - kinh doanh, các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời; hạn chế việc đi lại, tăng thời gian ở nhà của một bộ phận lớn người dân khiến cho cơ hội để người dân tiếp cận sách tăng, thúc đẩy hoạt động đọc tích cực. Đây chính là thời cơ hiếm có để tận dụng, xây dựng thói quen đọc sách, nhân tố quan trọng nhất để phát triển văn hóa đọc. Thực tế, dù số lượng sách bán giảm nhưng một số mảng sách hay, nhiều giá trị, kén độc giả đã bán chạy hơn, với đối tượng đọc đa dạng hơn như các tác phẩm văn học kinh điển, sách nghiên cứu triết học, kinh tế, lịch sử, tôn giáo, văn hóa....

Khi thị trường và phương thức kinh doanh truyền thống gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng tìm kiếm thị trường và phương thức kinh doanh mới. Một số doanh nghiệp trước đây chưa quan tâm đến phát hành online buộc phải chuyển hướng, phát triển mạng lưới bán hàng online nhằm đối phó với sự sụt giảm thị trường như Fahasa, Phương Nam, Thái Hà book.... Một số doanh nghiệp khác tuy đã chú ý đến phát hành sách online nhưng còn phụ thuộc chủ yếu vào đối tác nay nhận thấy sẽ phải chủ động hơn nữa trong xây dựng kênh bán sách online của riêng mình, phát triển mảng sách điện tử, từ đó làm phong phú thị trường sách, hạn chế cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tính liên kết trong hệ thống theo đó sẽ chặt chẽ hơn, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cũng giống như nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác, trên một phương diện nhất định, nếu có điều tiết phù hợp của Nhà nước, những khó khăn do dịch Covid 19 mang lại như một thử thách để qua đó sàng lọc, loại bỏ những đơn vị kém năng lực, thiếu tầm nhìn, thiếu khả năng thích nghi, từ đó qui hoạch một cách tự nhiên toàn bộ hệ thống, làm cho thị trường phát triển lành mạnh hơn.

Ông Nguyễn Nguyên cũng cho rằng mặc dù có những thời cơ trên, song thách thức vẫn là cơ bản.

Với qui mô, tiềm lực của toàn ngành còn nhỏ bé, những khó khăn trước mắt do thị trường bán sách truyền thống bị thu hẹp và đặc biệt khó khăn lâu dài khi sức mua giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp, hệ lụy từ việc mất việc làm của một bộ phận người lao động trong thời gian tới, sẽ làm ngành xuất bản nói chung, doanh nghiệp phát hành, nhà sách đối mặt với nguy cơ dừng hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu phát triển văn hóa đọc.

Sự tăng trưởng mạnh của thị trường phát hành sách online chưa đủ bù đắp được sự tụt giảm sâu của thị trường phát hành sách truyền thống do phát hành sách truyền thống vẫn chiếm trên 50% thị phần ở hầu hết các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp chuyên phát hành sách online).

Bên cạnh đó, do bị động, không có sự chuẩn bị trước nên ngay cả những đơn vị có nguồn lực thì việc chuyển dịch sang kênh phát hành online gặp nhiều khó khăn, kết quả hạn chế. Theo Waka, hiện đầu tư 01 app để bán sách có thể từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng với app này cần duy trì đội ngũ đủ kỹ năng vận hành chuyên nghiệp, giúp tăng tỉ lệ người truy cập và sử dụng. Ngoài ra để phát huy hiệu quả, việc xây dựng các sàn bán sách độc lập chi phí khá cao, không đa dạng hóa nguồn thu, khó đem lại kết quả.

Trong khi đó, hiện nay chiết khấu thị trường sách online cũng rất cao. Hiện với Tiki, tỉ lệ này dao động từ 40-60% giá bìa. Do là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trong hệ thống phát hành online hiện nay nên việc đưa sách vào hệ thống phát hành này với một số đơn vị, nhất là những đơn vị chưa có thương hiệu mạnh gặp nhiều khó khăn; khó duy trì quan hệ kinh tế bình đẳng cần thiết.

Việc chuyển từ thị trường sách truyền thống sang thị trường sách điện tử là một thời cơ mở ra trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên để tận dụng thời cơ này cũng còn nhiều khó khăn. Việc phát triển thị trường sách điện tử cần một thời gian tương đối dài với sự hỗ trợ rất tích cực của nhà nước.

Ví dụ Hàn Quốc cần quãng thời gian 5-7 năm với sự hỗ trợ, kích cầu của Nhà nước qua cơ chế tài trợ giá. Với Việt Nam, sách điện tử chưa được các nhà xuất bản, nhà sách mặn mà quan tâm. Lý do chính là doanh thu còn thấp, nguy cơ xâm hại bản quyền cao. Hiện Waka có khoảng 10.000 tên sách, khoảng trên 15.000 user. Doanh thu trung bình khoảng 600-650 triệu/tháng nhưng số lượng các đối tác tham gia xuất bản điện tử ngày càng giảm. Hiện thị trường sách điện tử phái sinh từ sách đã in chỉ chiếm khoảng 1-3% doanh thu. 80% đến từ khai thác sách nước ngoài (chủ yếu sách Trung Quốc với mảng sách ngôn tình, kiếm hiệp). Phần còn lại đến từ các dịch vụ xuất bản, thương mại khác. Nhà nước cần có các chính sách để khắc phục khó khăn và tâm lý lo ngại này, tạo sự kết nối giữa các đơn vị xuất bản và phát hành sách điện tử.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, nhân sự kiện Hội sách Online lần này Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ có chính sách hỗ trợ miễn phí vận chuyển 40.000 đơn hàng, giảm 30% giá cước đối với 60.000 đơn hàng và tính giá ưu đãi với các đơn hàng còn lại.

Hội sách Online - Chuyển đổi số ngành xuất bản

Đến nay, vì dịch Covid-19, Hội sách trực tiếp được hủy nên các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông lại bắt tay vào công việc với cách tiếp cận mới. Hội sách online là cơ hội lớn, góp phần cùng chính phủ và cả nước thực hiện nhanh việc chuyển đổi số. Trong lúc này, việc tạo ra các ứng dụng công nghệ số, đưa hội sách online cũng như nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị xuất bản lên môi trường số là rất quan trọng và khẩn trương.

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đây là thời điểm thêm một sàn giao dịch sách, giúp cho đa dạng hóa cái kênh để bạn đọc có thêm sự lựa chọn. Hội sách Online được sự hỗ trợ của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và sự ủng hộ của các nhà xuất bản thì sẽ giúp cho giá sách sẽ được giảm ở mức độ hợp lý. Tại Hội sách này, tất cả các đầu sách giảm tối thiểu 25%.

Điểm đặc biệt của Hội sách Online không chỉ giới thiệu sách mà còn tổ chức nhiều hoạt động sự kiện online như tạo diễn đàn với sự tham gia của nhóm các nhà lãnh đạo, khoa học, tác giả, doanh nhân, người nổi tiếng và chính những người làm sách giới thiệu những cuốn sách giá trị. Đây chính là điểm nhấn của Hội sách Online lần này.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In, Phát hành cũng chia sẻ về ý nghĩa quan trọng của Hội sách Online trong hoàn cảnh khó khăn này đó chính là cung cấp sách đến cho độc giả sử dụng hữu ích nhất thời gian để phòng chống dịch bệnh, nâng cao trí tuệ, nâng cao ý thức đấu tranh phòng chống dịch bệnh. Hỗ trợ lại chính cho các nhà xuất bản trong việc có thêm kênh phân phối cung cấp sách cho bạn đọc, kênh để vượt qua khó khăn hiện nay.

Hội sách Online khai mạc ngày 19/4. Đây là lần đầu tiên tổ chức Hội sách Online quy mô lớn nên không tránh khỏi các bất cập. Tuy nhiên, nếu được ủng hộ và đồng hành rộng rãi, đây sẽ là thời cơ cho ngành xuất bản và văn hóa đọc.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Covid-19 và cơ hội chuyển đổi số ngành xuất bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO