Đảm bảo bí mật thông tin, nguyên tắc bao trùm của chế định hòa giải

Trọng Thành| 26/05/2020 10:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, nhiều nội dung quan trọng đã được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến, trong số đó phải kể đến một nội dung quan trọng của việc bảo mật thông tin trong dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Đảm bí mật thông tin, nguyên tắc bao trùm của chế định hòa giải

Vừa qua, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Sau phần thảo luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình đã có phần báo cáo giải trình trước Quốc hội về một số nội dung ĐBQH đặt ra tại phiên thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, việc hòa giải, đối thoại chính là việc tác động lên các bên tranh chấp, khơi dậy lòng vị tha, sự cao thượng, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, trách nhiệm, đặc biệt là bên đi kiện, chia sẻ khó khăn với bên bị đơn, đi đến sự thống nhất giữa hai bên, cho ra một kết quả, hiệu quả tốt nhất.

Đảm bảo bí mật thông tin, nguyên tắc bao trùm chế định hòa giải - Ảnh 1.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng bảo mật thông tin trong hoạt động hòa giải là rất quan trọng - Ảnh: Quochoi.vn

Do vậy, nguyên tắc các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật, không được ghi âm, ghi hình, biên bản, tiết lộ thông tin, trừ khi có sự đồng ý của bên đã cung cấp thông tin.

"Các Hòa giải viên phải giữ bí mật cho cho các đương sự, các Thẩm phán cũng không được biết về những nội dung chia sẻ này. Do vậy, đảm bí mật thông tin của hòa giải là là nguyên tắc cao nhất bao trùm chế định này", Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chánh án cho biết dự thảo luật hòa giải, đối thoại tại Toàn án lần này sẽ linh hoạt hơn, không bắt buộc Hòa giải viên trong quá trình làm việc với các bên đương sự phải tiến hành tại trụ sở Tòa án mà có thể thực hiện ở ngoài trụ sở Tòa án.

Tạo nền tảng pháp lý cho cơ chế hòa giải.

Theo dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có bố cục gồm 4 Chương, 42 Điều, quy định về phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất cho rằng, việc xây dựng dự thảo Luật sẽ tạo nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án, giúp khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện nay.

Ngoài ra, đáng chú ý, tại phiên họp, một số đại biểu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin trong hoạt động hòa giải, đối thoại; đề nghị dự thảo Luật bổ sung thêm quy định về trách nhiệm bồi thường đối với hòa giải viên khi để xảy ra vi phạm trong bảo mật.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao những ý kiến góp ý sôi nổi, thẳng thắn và cụ thể của các đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật. Phó Chủ tịch yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để báo cáo Quốc hội trước khi xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

Như vậy, việc xác định bảo mật thông tin là một nguyên tắc luật định là quan điểm tiến bộ. Bởi hiện nay việc hòa giải tại Tòa án chỉ được quy định tại một số điều trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và nguyên tắc hòa giải còn khá sơ sài, chưa đề cập được vấn đề bảo mật thông tin.

Do vậy, trong thời gian tới, nếu dự thảo Luật được thông qua thì việc hòa giải tại Tòa án sẽ chính thức được luật hóa, có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể điều chỉnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo bí mật thông tin, nguyên tắc bao trùm của chế định hòa giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO