Để những trưởng thành nơi con trẻ được tự nhiên hơn

Thuý Hạnh| 01/04/2020 11:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Cuốn sách "Những đứa trẻ chín ép" của nhà giáo dục, nhà tâm lý học người Mỹ David Elkind sẽ khiến nhiều độc giả sẽ có cái nhìn khách quan hơn về việc con trẻ quanh mình đã buộc phải lớn lên bất đắc dĩ như thế nào và điều này sẽ mang đến những hậu quả ra sao.

Trong cuốn sách, David Elkind lý giải tại sao chúng ta lại đang ngày càng hối thúc con trẻ trưởng thành nhanh hơn. Và việc hối thúc đó sẽ để lại những hậu quả như thế nào lên tâm trí, nhận thức và cảm xúc của trẻ.

Cuộc cách mạng CNTT đã tạo ra những biến đổi vượt bậc với xã hội nói chung và trẻ em với gia đình nói riêng. Vì vây, cả xã hội hối thúc và bị hối thúc, quay cuồng trong định mức và hạn chót. Chúng ta luôn đặt ra mục tiêu: làm nhanh hơn, khẩn trương hơn. 

Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận: Sự hối thúc của chúng ta đi kèm với sự thiếu kiên nhẫn. Vì sao? Vì việc hối thúc phản ánh các giá trị văn hóa, ví dụ như văn hóa đúng giờ, quan niệm về những Siêu nhi đồng trưởng thành về tất cả các phương diện nhận thức, cảm xúc và viện đến các giá trị đó người ta sẽ biện hộ cho việc hối thúc trẻ.

Việc hối thúc diễn ra đối với cả thai nhi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, tới thanh thiếu niên. Ví dụ như, với thai nhi là các chương trình và thiết bị được thiết kế để tạo ra các mô thức âm thanh cho chúng lần đầu tiên được trải nghiệm một quy trình học tập có trình tự. 

Với trẻ sơ sinh là những chương trình "lapware" giúp trẻ bước đầu làm quen đầy hứng khởi với sự biến đổi diễn ra trên màn hình. Với trẻ nhỏ là các chương trình truyền hình, các trò chơi điện tử. 

Thay vì chơi ngoài trời chúng sẽ ngồi lỳ trong nhà, dán mắt vào màn hình. Trẻ đã không còn được nhìn nhận từ một mối quan tâm nào mang tính an sinh, mà bị coi như một đối tượng người tiêu dùng, người ta chỉ nhìn chúng từ góc độ động cơ lợi nhuận. Tuổi thơ đã bị thương mại hóa.

Hơn bao giờ hết, các bậc cha mẹ đang chịu áp lực phải sắp xếp quá nhiều hoạt động vào thời gian biểu của trẻ, trong đó có thể có những hoạt động không phù hợp với độ tuổi. Vì họ sợ nếu không làm vậy, con họ sẽ bị tụt hậu. Cộng thêm các áp lực thi cử ngày càng gia tăng. 

Để những trưởng thành nơi con trẻ được tự nhiên hơn - Ảnh 1.

Cuốn sách thay đổi suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh, người lớn về sự trưởng thành của con trẻ

Trong cuốn sách này chúng ta sẽ bắt gặp những đứa trẻ đáng thương phải gồng mình lên trước các áp lực học hành, trước nạn bắt nạt học đường, phải cố để tỏ ra hoàn hảo, hay thậm chí để trở thành "chị Thanh Tâm" cho những ông bố, bà mẹ của chúng. 

Chúng ta thường cho rằng trẻ không có cảm xúc giống như mình, điều đó vô hình trung làm gia tăng áp lực hối thúc của chúng ta lên trẻ. Khi chúng ta vội vã, chúng ta đôi khi quên mất rằng cần phải đối xử lịch sự và quan tâm đến cảm xúc của trẻ. Những điều đó sẽ khiến suy nghĩ của trẻ về lòng tin, lòng tốt, sự an toàn và nhân từ khoan dung của thế giới này bị tổn hại.

 Và không may thay trẻ em không thể cải thiện tình trạng của chính mình. Chúng không thể kêu đòi quyền lợi cho bản thân. Chúng chỉ có thể nổi loạn, trở nên bướng bỉnh, "bất kham", trốn học, bỏ học, gây gổ, đánh nhau, thậm chí rơi vào các tệ nạn như sử dụng chất gây nghiện, tham gia vào các hoạt động có nguy cơ rủi ro cao như đua xe, phóng nhanh vượt ẩu v.v.

Vậy, người lớn chúng ta có thể làm gì? Thay vì bị cuốn vào cái guồng của cuộc cách mạng CNTT, chúng ta hãy thử tách mình ra, tìm kiếm trong đó những gì có lợi cho trẻ. Ví dụ như việc thiết kế các chương trình máy tính phù hợp với năng lực và phong cách học tập khác nhau ở từng trẻ, sẽ đáp ứng được những điểm khác biệt cá nhân theo những cách mà sách giáo khoa không làm được. 

Thay vì để con trẻ dán mắt vào màn hình, hãy trò chuyện với chúng, hát cho chúng nghe, chơi cùng chúng với sự quan tâm trìu mến. Thay vì biến chúng thành những người bạn bất đắc dĩ để trút bầu tâm sự về những lo lắng âu lo của bản thân, chúng ta nên thành thật hơn trong việc tách biệt các nỗi lo của mình, và thận trọng hơn để không áp đặt thêm những căng thẳng thông qua việc phóng chiếu những lo lắng ấy lên trẻ.

Và đừng quên quyền được vui chơi của trẻ, vì "xét cho cùng một tuổi thơ đầy vui chơi là quyền cơ bản nhất của trẻ em". Trẻ con cần thời gian. Cũng như trái cây cần nắng, gió. Đủ nắng, đủ gió, đủ yêu thương cây sẽ cho trái ngọt.

Tác giả cuốn sách David Elkind sinh năm 1931 là nhà tâm lý học và nhà giáo dục người Mỹ. Các công trình của ông tập trung vào nghiên cứu nhận thức, tri giác và sự phát triển về mặt xã hội ở trẻ em và thanh thiếu niên, cũng như những nguyên nhân và tác động của những áp lực căng thẳng lên chúng. 

Ngoài cuốn sách này, ông còn nhiều nghiên cứu nổi tiếng khác về lĩnh vực này như: Tái phát kiến tuổi thơ (Reinventing childhood), Tất cả đều trưởng thành và không có chốn nào để đi (All grow up and no place to go) v.v.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Để những trưởng thành nơi con trẻ được tự nhiên hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO