Đến năm 2025, 100% hồ sơ, tài liệu của Bảo hiểm xã hội sẽ được số hóa

Trường Thanh| 04/06/2020 21:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông (ICT-index) Việt Nam”, Bộ TT&TT đã đánh giá Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trong ba năm liên tiếp (2017, 2018, 2019) là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và xếp hạng hai trong Bảng xếp hạng chung khối bộ, ngành có dịch vụ công.

Đến năm 2025, 100% hồ sơ, tài liệu của ngành sẽ được số hóa

Theo BHXH Việt Nam, hơn 02 năm qua, song song với việc lưu trữ hồ sơ giấy của hàng triệu người thụ hưởng BHXH trên cả nước, Trung tâm lưu trữ BHXH có thêm kho lưu trữ hồ sơ điện tử. Nhờ vậy, BHXH 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH cấp huyện được khai thác, sử dụng.

Đáng chú ý, đến nay tất cả dữ liệu nghiệp vụ của ngành Bảo hiểm đều được liên thông, kết nối và đồng bộ bảo đảm việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ trên các phần mềm CNTT. Nhờ đó, không chỉ thời gian tra cứu thông tin mà thời gian đóng nộp BHXH cho các doanh nghiệp (DN) cũng được rút gắn.

Bảo hiểm xã hội triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến - Ảnh 1.

Ðến nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống Chính phủ điện tử thông suốt trong toàn ngành. Ảnh: Đức Anh.

Theo thống kê, tổng số đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH thực hiện giao dịch điện tử là trên 337.000 đơn vị, chiếm trên 50% tổng số đơn vị sử dụng lao động. Mục tiêu đến năm 2025, 100% hồ sơ, tài liệu của ngành sẽ được số hóa.

Cũng theo BHXH Việt Nam, nhờ đồng bộ công tác ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ, thời gian qua thực sự đã làm thay đổi nhận thức, chuyển biến cơ bản cách thức quản lý, làm việc, giao dịch của lãnh đạo và cán bộ BHXH với người dân và DN.

Hoàn thành việc cấp mã số định danh BHXH cho 97 triệu người dân

Theo BHXH Việt Nam, giao dịch điện tử không chỉ góp phần giảm tải áp lực giải quyết hồ sơ, thủ tục cho cơ quan BHXH mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các cá nhân, tổ chức, DN. Nhiều trường hợp, thẻ  bảo hiểm y tế (BHYT) bị nhầm lẫn, người tham gia chỉ cần thực hiện gửi thông tin qua giao dịch điện tử, cán bộ BHXH sẽ tiếp nhận, xử lý, giải quyết rất nhanh gọn. Vì vậy, các thủ tục được đơn giản hóa, DN không cần trực tiếp đến cơ quan BHXH.

Đặc biệt, trong thời gian ứng phó với dịch Covid-19, ngành BHXH đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, nhất là trong lĩnh vực khám chữa bệnh, BHYT; hỗ trợ người dân, người lao động, DN trong khai báo y tế điện tử, đóng nộp BHXH, BHYT.

BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, thủ tục hành chính (TTHC) trong việc tham gia và giải quyết các quyền lợi về BHXH, BHYT ngày càng được cải tiến, rút gọn. Từ 263 thủ tục vào năm 2012 được giảm xuống còn 27 thủ tục vào năm 2019. Có trên 90% đơn vị, DN thực hiện kê khai đóng BHXH qua mạng internet.

Thời gian thực hiện TTHC trong giao dịch với các DN, cá nhân tham gia BHXH, BHYT được rút ngắn từ 335 giờ/năm xuống còn 147 giờ/năm. Số thời gian đi lại, chờ đợi tiết kiệm được lên tới hơn 3 triệu giờ/năm.

Ðến nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống Chính phủ điện tử thông suốt trong toàn ngành, hoàn thành việc cấp mã số định danh BHXH cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia BHYT. Hiện có 18 dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4.

BHXH Việt Nam đẩy mạnh thanh toán điện tử

Trước đó, BHXH Việt Nam cho biết, năm 2020, đơn vị sẽ tăng cường đẩy mạnh ứng dụng CNTT và kết nối, khai thác các cơ sở dữ liệu (CSDL); thúc đẩy thanh toán điện tử và đảm bảo các điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4.

Theo đó, BHXH Việt Nam đã giao Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với các vụ, ban liên quan rà soát, đơn giản hóa hồ sơ, quy trình, TTHC thuộc các lĩnh vực BHXH, BHYT, thu, sổ thẻ, chi trả các chế độ BHXH; rà soát cơ sở pháp lý thực hiện phương thức thanh toán điện tử và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản điều chỉnh phù hợp (được thực hiện trong quý I và II/2020).

Trên cơ sở số dịch vụ công của ngành, BHXH xác định tổng số DVCTT, mức độ của từng dịch vụ công và xây dựng lộ trình thực hiện dịch vụ công mức độ 4 triển khai trong năm 2020 và năm 2021, nhằm đạt mục tiêu tối thiểu 70% số dịch vụ công mức độ 4 năm 2020; 85% số dịch vụ công mức độ 4 năm 2021).

Bên cạnh đó, BHXH cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, kết hợp với các giải pháp vận động, khuyến khích người dân thực hiện DVCTT, nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Năm 2020 và các năm tiếp theo, ngành Bảo hiểm sẽ triển khai các giải pháp bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng CNTT; thực hiện giao dịch điện tử đối với cá nhân, tổ chức trên các lĩnh vực BHXH, BHYT.

Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng triển khai các DVCTT theo từng TTHC; từng bước thực hiện thanh toán điện tử bắt buộc; triển khai các giải pháp bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng CNTT; triển khai giao dịch điện tử đối với cá nhân, tổ chức trên các lĩnh vực BHXH, BHYT bằng nhiều phương tiện trực tuyến khác nhau; hoàn thiện hệ thống thu nộp, chi trả BHXH điện tử.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đến năm 2025, 100% hồ sơ, tài liệu của Bảo hiểm xã hội sẽ được số hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO