Đổi mới cách thức quản lý, đặt báo chí vào vị trí trung tâm của hệ sinh thái truyền thông

Nguyễn Thanh Lâm| 10/08/2020 10:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov (Anh), khi điều tra mức độ tín nhiệm của công chúng về đưa tin trong đại dịch COVID-19, đã đưa ra nhận định: Việt Nam là quốc gia có mức tín nhiệm truyền thông cao nhất với 89% số người Việt Nam được hỏi tin tưởng vào truyền thông trong nước. Điều này cho thấy cùng với nỗ lực chung của cả nước, lĩnh vực báo chí - truyền thông đã làm được những việc hết sức đáng tự hào.

Báo chí chính thống khẳng định vai trò

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cách thế giới vận hành, cách chúng ta nhìn nhận quá khứ, hiện tại và tương lai. Đến bây giờ chúng ta không còn ở trong cú sốc của những ngày đầu nhưng suy nghĩ làm sao sống tiếp ảnh hưởng tất cả các ngành, trong đó có "binh chủng" báo chí, tuyên truyền của ngành TT&TT.

Trong COVID-19, chúng ta thấy rõ xu hướng xã hội chuyển nhiều hơn một phần cuộc sống lên không gian số. Chúng ta xem nhiều nội dung online, học hành trực tuyến và đọc tin tức nhiều hơn. Đây là dịp báo chí chính thống cũng như các "binh chủng truyền thông" của nhà nước một lần nữa phát huy vai trò chủ đạo vô cùng quan trọng Việc người dân xem tin tức nhiều hơn cũng khiến cho thông tin chính thống có một vai trò quyết định trong việc tạo sự đồng thuận trong xã hội, truyền đạt nhanh những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống dịch, đóng góp vào kết quả tích cực trong phòng chống dịch bệnh thời gian qua.

Đổi mới cách thức quản lý, đặt báo chí vào vị trí trung tâm của hệ sinh thái truyền thông - Ảnh 1.

Chúng ta cũng thấy rõ đại dịch COVID-19 một lần nữa đã đặt vai trò của báo chí chính thống là vị trí trung tâm trong một "binh chủng" rộng lớn của các phương tiện truyền thông mới và cũ, từ báo chí chính thống đến thông tin cơ sở, cho đến hệ thống thông tin điện tử, mạng xã hội trong và ngoài nước. Đặc biệt là mạng xã hội trong nước và những hình thức nhắn tin, nhạc chuông, nhạc chờ. Trong tất cả binh chủng của TT&TT có thể thấy vị trí của báo chí có vai trò vô cùng rõ nét.

Tuy nhiên, COVID-19 cũng cho thấy rõ hơn một nghịch lý trong công tác quản lý báo chí. Đó là, trong khi báo chí phát huy vai trò lớn như vậy, được Đảng, Nhà nước và cả xã hội công nhận như vậy nhưng cũng là lúc doanh thu đến từ quảng cáo, báo chí là sụt giảm. Rất nhiều cơ quan báo chí chứng kiến doanh thu quý I, II là giảm đến 70% và dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, giảm sâu sang quý III và hết năm nay.

Rất nhiều cơ quan báo chí hiện nay không còn nguồn lực để đầu tư cho phát triển, và vào lúc xã hội cần báo chí nhất thì bài toán nguồn lực là bài toán vô cùng nan giải. Điều này dẫn đến rất nhiều suy nghĩ là những người làm báo tử tế liệu có sống được không? Ai sẽ giải quyết bài toán này để cho báo chí tử tế sống được để phục vụ xã hội và nếu báo chí mà phải sống bằng mọi cách, kể cả cách không tử tế thì xã hội được gì và mất gì?

Đặt báo chí vào vị trí trung tâm trong định hướng dư luận

Nhận thức rõ những thách thức, khó khăn của báo chí, trong 2 năm qua, đặc biệt cuối năm và đến nửa đầu năm nay, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ TT&TT, cách nhìn, cách quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí - truyền thông đã được mạnh dạn đổi mới để tạo ra bước chuyển giữa cách làm cũ và cách làm mới. Cách làm cũ tức là từ xưa đến nay chúng ta chỉ tập trung vào quản lý nội dung thông tin và ít chú ý đến vấn đề kinh tế báo chí. Chúng ta nêu nhiệm vụ báo chí phải làm như là nhiệm vụ chính trị nhưng chưa giải quyết được bài toán biện chứng là nguồn lực đâu để báo chí phát triển.

Vấn đề nữa là chúng ta chưa nhìn nhận báo chí truyền thống trong mối quan hệ tổng quan hệ sinh thái truyền thông để thấy hiện nay có rất nhiều phương thức truyền thông mới đang cạnh tranh miếng bánh quảng cáo, sự quan tâm, chú ý của công luận đối với các cơ quan báo chí và vô hình chung kéo theo những khó khăn cho báo chí. Công tác quản lý báo chí theo lối cũ cũng nặng định tính hơn là định lượng, không có số liệu bảo đảm, nặng về mục tiêu quản lý, nhẹ về định hướng phát triển, không giải quyết được một cách rốt ráo bài toán phát triển.

Alber Einstein đã nói: "Thật khờ dại khi cứ đi làm lại cách cũ mà mong chờ kết quả mới". Chính vì thế, cách làm mới với sự chỉ đạo của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ TT&TT là muốn quản lý được lĩnh vực này thì phải nhìn thấy được, đo đếm được và đặt báo chí vào vị trí trung tâm, không phải là độc tôn duy nhất như ngày xưa nữa nhưng vai trò trung tâm định hướng dư luận vẫn là chủ đạo để kéo theo "binh chủng" truyền thông rộng lớn hơn cùng định hướng để tạo sự đồng thuận xã hội.

Kinh tế báo chí phải được coi là yếu tố quyết định thành công của quy hoạch báo chí nói riêng cũng như công tác quản lý nhà nước về báo chí nói chung. Ở đây Nhà nước cóthêm một vai trò (đã có nhưng bây giờ cần phải được khắc hoạ rõ nét hơn) đó là Nhà nước không phải chỉ là thực thể quản lý báo chí, điều hành xã hội mà Nhà nước phải là khách hàng lớn của báo chí để giúp cho báo chí phát triển, đẩy nhanh quá trình tự chủ của các cơ quan báo chí.

Báo chí và cuộc đua bằng 0

Chúng ta cũng buộc phải thừa nhận rằng bức tranh báo chí bên cạnh những mảng vô cùng xán lạn, tích cực mà vừa qua trong dịp kỷ niệm 90 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam vừa qua xã hội cũng đã nhìn nhận, đánh giá rất khách quan, công bằng thì cũng còn có rất nhiều vấn đề nhức nhối do nhiều yếu tố. Nạn đánh đấm, sách nhiễu, xâm phạm đời tư, xúc phạm danh dự trong làng báo với nạn nhân là các cá nhân thường là lãnh đạo, doanh nghiệp, địa phương, các bộ ngành; Nạn sao chép vi phạm bản quyền nội dung, hình ảnh trong làng báo đã đến mức báo động; Nạn "làm báo" thông qua các trang thông tin điện tử, thông qua mạng xã hội; Lập mạng xã hội ra không phải để cạnh tranh với Facebook, Google, hay để tạo những hệ sinh thái Việt mà là để đi đánh đấm DN, cá nhân, tổ chức.

Đổi mới cách thức quản lý, đặt báo chí vào vị trí trung tâm của hệ sinh thái truyền thông - Ảnh 2.

Nạn báo hoá tạp chí, hoạt động sai tôn chỉ mục đích; Tình trạng câu "view", khoán "view" trên báo chí điện tử hiện đang đồng hoá toàn bộ nền báo chí. Chúng ta bị những thuật toán trên không gian mạng để giúp tăng lưu lượng (traffic), tìm kiếm dễ dàng hơn thao túng, cho nên có những từ khoá được dùng một cách dễ dãi, lặp đi lặp lại. Cùng với đó, chúng ta thấy có rất nhiều bài báo viết theo cùng một kiểu vì viết theo kiểu đó có vẻ như có nhiều "view" hơn nhưng cái giá phải trả cho việc có nhiều "view" hơn về mặt kinh tế là cái giá của "view" trên báo chí điện tử của Việt Nam rẻ nhất thế giới khi cùng nội dung người đọc có thể đọc trên 1 triệu trang chính thống, trang ăn cắp, trang ngoài luồng. Do vậy, giá quảng cáo chia cho một "view" đó với nội dung đó rất rẻ và cả làng báo câu view một cách kém chất lượng đang kéo nhau đi về một cuộc đua bằng 0 và doanh số quảng cáo trên mạng càng ngày càng ít đi.

Hiện nay, doanh số quảng cáo, kể cả nhà nước đặt hàng của cả toàn bộ nền báo chí cách mạng của chúng ta, bao gồm cả phát thanh truyền hình, báo chí điện tử, báo chí in không bằng doanh thu của Facebook tại thị trường Việt Nam trong một năm. Chúng ta cũng thấy những xu hướng câu "view" hiện nay đẩy những vấn đề rất lớn làm xáo trộn xã hội, xuất phát từ xu hướng câu view, giật tít 1 chiều và đẩy cạnh tranh nhau về tốc độ chứ không phải cạnh tranh nhau về chất lượng thông tin và kiểm chứng chứng thông tin.

Tất cả những việc trên có một phần nguyên nhân đến từ bức tranh xám về kinh tế báo chí. Hiện nay, rất nhiều toà soạn, phóng viên cũng phải làm kinh tế như làm báo, khoán "view" thì mới chấm nhuận bút, khoán bài PR, khoán hợp đồng truyền thông, lương và thu nhập đến từ đó luôn. Doanh thu "đen" đến từ phần đăng bài, gỡ bài, rồi báo điện tử giành giật những miếng bánh quảng cáo chất lượng thấp, quảng cáo vi phạm pháp luật qua các hệ thống quảng cáo xuyên biên giới như Google Adsense, Mgid… trong khi đó bước chuyển về đặt hàng báo chí, kinh tế báo chí có sự đặt hàng của Nhà nước thì cũng chưa đạt được tốc độ và quy mô như dự kiến, mong muốn.

Chúng ta cũng khó khăn trong việc xây dựng, áp dụng các đơn giá. Chúng ta bị giới hạn bởi quan điểm là hoàn thành các nhiệm vụ tuyên truyền chính trị thiết yếu, không đặt hàng các chương trình giải trí mà cũng có tính chất định hướng xã hội nhưng rất quan trọng. Tiếp theo là việc coi đơn vị báo chí là đơn vị sự nghiệp báo chí có thu và khi có lãi phải nộp thuế cũng bộc lộ rất nhiều bất cập cho nên báo chí không còn nguồn lực để phát triển.

Đối với truyền hình, bức tranh cũng như vậy. Năm nay là năm mà doanh thu quảng cáo trên các đài truyền hình sẽ giảm tới con số hàng ngàn tỷ đồng. Nếu chỉ lấy con số của 3 đài truyền hình lớn có doanh thu quảng cáo lớn là VTV, Đài truyền hinh Vĩnh Long và đài truyền hình TP. HCM, con số doanh thu quảng cáo bị giảm sẽ là hơn 1000 tỷ đồng. Năm ngoái, VTV đã hụt thu 400 tỷ đồng so với kế hoạch.

Năm nay, các "binh chủng" chủ lực và là những cơ quan truyền thông lớn của quốc gia sẽ đứng trước mối lo như vậy. Cùng với đó, những chương trình quảng cáo, giải trí thu hút người xem cũng có xu hướng chuyển dần lên không gian mạng. Những chương trình biểu diễn, giải trí, làm phim bây giờ cũng không nhất thiết phải phát trên truyền hình nữa mà phát trên không gian mạng. Tất cả những vấn đề này cộng thêm rất nhiều khó khăn của báo chí.

Quy hoạch báo chí đúng kế hoạch, lộ trình

Công tác quy hoạch báo chí theo đúng kế hoạch, lộ trình mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cho đến giờ này phải khẳng định là giữ được đúng tiến độ. Tất cả các cơ quan báo thuộc các hội đã và đang thực hiện chuyển đổi thành công sang mô hình mới là hoạt động mô hình tạp chí. Hiện chỉ còn lác đác 1 vài hội đang khó khăn trong việc làm hồ sơ chưa đúng, cũng như khó khăn trong việc tìm lãnh đạo cơ quan báo chí, đáp ứng đủ yêu cầu. Tuy nhiên, việc này cũng không phải là vấn đề lớn.

Đối với việc sắp xếp các cơ quan báo chí thuộc địa phương và thuộc các bộ ngành thì hạn chót là đến cuối năm 2020 phải xong nhưng Bộ TT&TT đang đặt ra hạn chót là ngày 30/9 là cơ bản xong. Hai thành phố lớn nhất cả nước có nhiều cơ quan báo chí là Hà Nội và TP. HCM cũng đã ban hành những kế hoạch chuyển đổi, sắp xếp lại những cơ quan báo chí rất là rõ ràng.

Về địa phương, có hơn 20 địa phương phải thực hiện chuyển đổi, sắp xếp thì cũng không phải là vấn đề khó khăn bởi vì số lượng báo chí ở các địa phương còn lại không lớn. Sức ép từ quy hoạch báo chí cho thấy rõ sự cần thiết, không cần thiết phải duy trì sự tồn tại của nhiều cơ quan báo chí, rất nhiều địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình thậm chí đóng cửa một số cơ quan báo chí.

Về một vấn đề quan trọng nữa là rà soát lại các tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí, đặc biệt là ở khối tạp chí các hội, vừa qua có nhiều sai phạm và nhiều biểu hiện báo hoá, biến tướng, hoạt động sai tôn chỉ, mục đích. Theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, Cục Báo chí đã rà soát, nhận được hồ sơ xin cấp phép lại của các cơ quan báo chí thuộc các tổ chức hội đặc biệt, khu vực được quan tâm là các tạp chí thuộc các hội xã hội nghề nghiệp. Hiện nay, trong tổng số 90 hội (có 60 hội nghề nghiệp), Cục Báo chí đã nhận được 72 hồ sơ và sẽ tập trung xử lý lại khâu cấp phép để quy định rõ tôn chỉ mục đích của các tạp chí ở nhóm này, để tránh hiểu lầm, lệch lạc.

Quản lý báo chí: Phân cấp mạnh cho địa phương

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, cùng chung tay thực hiện quy hoạch báo chí, đảm bảo để báo chí hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, ngăn chặn các sai phạm.

Bộ TT&TT đã có văn bản khuyến nghị các địa phương, cơ quan hành chính nhà nước việc cân nhắc việc cung cấp thông tin hoặc không cung cấp thông tin trong trường hợp các cơ quan báo chí đi tìm hiểu nội dung thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan đó.

Hiện nay, tôn chỉ mục đích của tất cả hơn 800 cơ quan báo chí trong cả nước được cập nhật lên Cổng thông tin điện tử của Bộ, để cả xã hội cùng tham gia giám sát. Bộ TT&TT cũng sẽ lập đoàn kiểm tra đột xuất đối với một số tạp chí, đặc biệt là các tạp chí điện tử có dấu hiệu "báo hóa", hoạt động sai tôn chỉ mục đích, có biểu hiện nhũng nhiễu doanh nghiệp, tổ chức, lợi dụng tự do báo chí để hoạt động trái pháp luật.

Một điểm mới nữa là công tác quản lý nhà nước về báo chí sẽ tăng mạnh quyền quản lý cho các địa phương

Cụ thể, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ sửa Nghị định 159 về xử phạt trong lĩnh vực báo chí xuất bản, mở rộng thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với báo chí Trung ương cho các địa phương. Nghị định mới dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian sắp tới, khi đó, Sở TT&TT các địa phương sẽ có quyền xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí đối với các cơ quan báo chí Trung ương hoặc của các thành phố khác, địa phương khác, nếu như đưa thông tin sai sự thật về các vấn đề của địa phương mình.

Bên cạnh đó, có thể mở rộng cả những hành vi xử phạt vi phạm tôn chỉ mục đích. Không phải đến khi bài báo được lên khuôn và đăng mà ngay từ hành vi lãnh đạo cơ quan báo chí ký giấy giới thiệu cho phóng viên đi tìm hiểu vấn đề không nằm trong tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.

Với công tác cấp đổi thẻ nhà báo, song song với việc ứng dụng công nghệ, Bộ TT&TT cũng dự định trao quyền cho địa phương trong một cơ chế phối hợp. Nghĩa là, Bộ sẽ tham vấn ý kiến các địa phương với những hồ sơ cấp mới, đổi thẻ nhà báo của địa phương, kể cả với các phóng viên đăng ký hoạt động thường trú tại địa phương.

Bộ TT&TT sẽ có phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Tổng cục Thuế để kiểm tra số Sổ BHXH, mã số thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo không có chuyện có cơ quan báo chí hoạt động theo hình thức 3 "không": không sổ BHXH, không lương, không hợp đồng lao động. Việc này một mặt nhằm bảovệ những người làm báo chân chính, mặt khác cũng loại bỏ tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí.

Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ sửa Thông tư 48 theo hướng quy định rõ ràng hơn về hồ sơ, thủ tục, mẫu biểu xin cấp phép (cấp phép lại) hoạt động báo chí, đặc biệt yêu cầu làm rõ tính chuyên sâu, chuyên ngành của Tạp chí (in và điện tử) so với các báo. Một nội dung công tác lớn nữa là trong năm nay, Bộ TT&TT sẽ hoàn thành việc trình Chính phủ đánh giá quá trình hơn 3 năm thực hiện Luật Báo chí để đề xuất Chính phủ trình Quốc hội đưa vào chương trình làm việc khóa sau của Quốc hội nội dung sửa đổi Luật Báo chí.

Chuyển đổi số và thúc đẩy báo chí phát triển

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo đẩy mạnh Chuyển đổi số và tìm kiếm các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực báo chí theo hai hướng chính: Bộ và những DN công nghệ có thể hỗ trợ rút ngắn khoảng cách, thời gian đối với các cơ quan báo chí chưa có điều kiện chuyển đổi số bằng việc sử dụng nền tảng số chung, các cơ quan này có thể dùng nền tảng đó tăng cường khả năng phát hành những thông tin chính thống đến ngay được với người đọc; Thông qua việc chiếm lĩnh không gian số, không gian mạng để tìm ra, phát hiện những mô hình kinh tế mới, tạo ra nguồn thu mới cho báo chí trong bối cảnh báo chí phải vật lộn với việc suy giảm nguồn thu do rất nhiều nguyên nhân.

Bộ TT&TT cũng đang có những kế hoạch được đưa ra để lấy ý kiến để làm sao có thể thu phí đọc báo điện tử? Làm sao thay đổi thói quen "xem miễn phí"? Viết thế nào để "bán được"? Xu thế thanh toán qua điện thoại di động (Mobile Money) có giúp giải quyết vấn đề này không?

Bộ TT&TT đã chỉ đạo làm việc với Google, Facebook - những nền tảng mạng xã hội hiện nay có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ thúc đẩy, ưu tiên những thông tin của báo chí chính thống đến với người đọc một cách ưu tiên hơn. Qua đó cũng thúc đẩy lưu lượng và doanh thu cho báo chí chính thống.

Những vấn đề khác như thúc đẩy doanh thu ngoài mặt báo, thay đổi nhận thức về cơ chế tài chính cho báo chí, sửa đổi quy định pháp luật hiện nay để tạo cho báo chí có một thương hiệu, tư thế mới về pháp lý để làm sao có điều kiện dành toàn bộ nguồn thu, nguồn lực đến từ báo chí để tái đầu tư cho phát triển cũng sẽ được tiếp tục quan tâm.

Sắp tới về kinh tế báo chí sẽ có những bước chuyển biến mới. Hiện nay, cụ thể, trước mắt hỗ trợ khó khăn cho báo chí thì đã có Nghị quyết 84 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn kinh tế - xã hội, đẩy mạnh SXKD hậu COVID-19, trong đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn cấp bách cho báo chí thông qua việc đặt hàng báo chí một số nhiệm vụ thông tin tuyên truyền thiết yếu từ nguồn ngân sách trung ương. Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Tài chính để trình Chính phủ một gói đặt hàng báo chí 120 tỷ đồng, trong đó 90 tỷ đồng dự kiến dành cho báo in, báo điện tử, tạp chí in, tạp chí điện tử và 30 tỷ đồng cho PTTH.

Về nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ đặt hàng báo chí, Bộ TT&TT cũng đã có công văn đề nghị các địa phương xem xét và các tháng 6, 7 là thời gian cho việc xây dựng kế hoạch năm sau thì mạnh dạn đề xuất đưa thêm nguồn kinh phí địa phương đặt hàng báo chí để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bộ cũng sắp trình Chính phủ đề án về tăng cường hiệu quả thông tin tuyên truyền thiết yếu, thông qua việc đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực báo chí, xuất bản để từ đó làm cơ sở cho nhiều giải pháp căn cơ, lâu dài đối với kinh tế báo chí và khẳng định một lần nữa vai trò và vị thế của nhà nước với tư cách là khách hàng lớn của báo chí.

(Bài đăng ấn phẩm in tạp chí TT&TT Số 7+8 Tháng 8/2020)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới cách thức quản lý, đặt báo chí vào vị trí trung tâm của hệ sinh thái truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO