Đưa Luật Giao dịch điện tử vào thực tế trong lĩnh vực tài chính

Kim Hoa (Bộ tài chính)| 12/06/2020 08:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Tổng cục Thuế đang xây dựng kế hoạch triển khai nâng cấp các thủ tục hành chính về hoàn thuế, miễn giảm, ưu đãi, khấu trừ thuế theo các Hiệp ước, Hiệp định về thuế lên dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, dự kiến hoàn thành triển khai trong năm 2020. Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ áp dụng giải pháp sử dụng chữ ký số tương tự như quy trình nộp hồ sơ khai thuế hiện tại.

Xây dựng hành lang pháp lý

Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết về Chính phủ điện tử, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính cải tiến mạnh mẽ quy trình, thủ tục hành chính về thuế, hải quan, kho bạc thông qua áp dụng giao dịch điện tử (GDĐT). Các nhiệm vụ này đã được đưa vào các chương trình hành động, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm và kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020 của ngành Tài chính.

Năm 2018, Bộ Tài chính ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính theo Quyết định số 2445/QĐ-BTC ngày 28/12/2018. Năm 2019, Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 theo Quyết định số 844/QĐ-BTC ngày 21/5/2019.

Đưa Luật Giao dịch điện tử vào thực tế trong lĩnh vực tài chính - Ảnh 1.

Bộ Tài chính cũng đã tích hợp quy định về áp dụng GDĐT trong một số luật chuyên ngành do Bộ chịu trách nhiệm dự thảo. Cụ thể, Luật Hải quan năm 2014 quy định về việc áp dụng GDĐT để thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Luật Kế toán năm 2015 quy định về chứng từ điện tử và sử dụng chữ ký điện tử trên chứng từ điện tử. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định về hệ thống GDĐT về tài sản công. Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định về áp dụng GDĐT trong lĩnh vực thuế. Việc quy định về áp dụng GDĐT trong Luật chuyên ngành tạo cơ sở pháp lý vững chắc và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển, ứng dụng GDĐT.

Bộ Tài chính đã tổ chức nghiên cứu Luật GDĐT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật GDĐT, làm căn cứ xây dựng các Luật chuyên ngành có nội dung áp dụng GDĐT, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn về GDĐT trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính, các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về áp dụng GDĐT trên các cổng thông tin điện tử, các tạp chí chuyên ngành của Bộ; chỉ đạo bằng văn bản về việc triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, chương trình hành động của Bộ Tài chính về triển khai Chính phủ điện tử, GDĐT.

Sau khi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được ban hành, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, đồng thời xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn về giao dịch điện tử trong các lĩnh vực do Bộ Tài chính quản lý. Các văn bản này đều đã được điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế để phù hợp với nhu cầu của thực tiễn.

Đối với quy định chung về áp dụng GDĐT trong hoạt động tài chính, Bộ Tài chính đã lần lượt xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định sau: Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính (đã hết hiệu lực). Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 21/11/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2007/NĐ-CP (đã hết hiệu lực). Nghị định số 165/2018/ NĐ-CP ngày 24/12/2018 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Về quy định áp dụng GDĐT trong các chuyên ngành cụ thể, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định:

Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan (có quy định về thủ tục hải quan điện tử); Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP.

Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm (có quy định về bán sản phẩm bảo hiểm thông qua GDĐT).

Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (có quy định về việc sử dụng thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan để thực hiện các thủ tục về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu).

Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán (có quy định về việc sử dụng chứng từ điện tử; lưu trữ chứng từ kế toán trên các phương tiện điện tử).

Đưa Luật Giao dịch điện tử vào thực tế trong lĩnh vực tài chính - Ảnh 2.

Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ theo Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 (bao gồm quy định về hóa đơn điện tử), thay thế Nghị định 119/2018/ NĐ-CP; dự kiến trình Chính phủ trong năm 2020.

Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước (có quy định về thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức GDĐT).

Để hướng dẫn triển khai GDĐT, Bộ Tài chính đã xây dựng, ban hành các thông tư hướng dẫn chung và riêng theo từng lĩnh vực: thuế, hải quan, chứng khoán, kho bạc.

Hoạt động triển khai GDĐT của Bộ Tài chính được thực hiện theo các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về GDĐT do Nhà nước quy định, bao gồm: Thông tư số 06/2015/TT-BTTTT ngày 23/3/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Thông tư số 16/2019/TT-BTTTT ngày 05/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa; Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 ban hành danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, các hoạt động kết nối, trao đổi dữ liệu giữa doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước có thủ tục hành chính liên thông (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường,.. ), các tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước, các tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trong lĩnh vực thuế với cơ quan thuế; giữa doanh nghiệp với cơ quan hải quan đều phải thực hiện theo các tiêu chuẩn quy định tại pháp luật chuyên ngành.

Phát triển hạ tầng công nghệ

Từ năm 2007, Bộ Tài chính đã hoàn thành thiết lập mạng diện rộng kết nối tất cả các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (hệ thống Hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính) để phục vụ triển khai GDĐT giữa các đơn vị thuộc Bộ. Các đơn vị thuộc Bộ thiết lập kết nối với các cơ quan, tổ chức thông qua Mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ, hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính, kết nối mạng trực tiếp hoặc thông qua Internet.

Kết nối giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan, tổ chức được thực hiện thông qua các giải pháp kỹ thuật: Database Link (hiện tại ít sử dụng). Web Service (sử dụng phổ biến). Trục tích hợp trao đổi dữ liệu (sử dụng phổ biến).

Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ đã trang bị các giải pháp bảo đảm an toàn cơ bản (tường lửa mạng, phòng chống mã độc) và một số giải pháp nâng cao (tường lửa ứng dụng, phòng chống tấn công từ chối dịch vụ, bảo vệ truy cập web, bảo vệ email...). Từ năm 2018, Bộ Tài chính đã ban hành Quy chế An toàn thông tin mạng theo Quyết định số 201/QĐ-BTC ngày 12/02/2018 và tổ chức triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin theo các quy định của Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật này.

Hàng năm, Bộ Tài chính đều dành ngân sách để đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin cho cán bộ tin học của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ. Nhờ vậy, cán bộ tin học của Bộ Tài chính thường xuyên được cập nhật, nâng cao kiến thức về CNTT nói chung và GDĐT nói riêng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Chính phủ quyết liệt tinh giản biên chế, chế độ tuyển dụng và đãi ngộ của Nhà nước cũng không thích hợp để thu hút, giữ chân nhân lực giỏi trong lĩnh vực CNTT, việc phát triển đội ngũ chuyên gia về triển khai ứng dụng và phát triển GDĐT rất khó khăn. Khó khăn này đang được Bộ Tài chính giải quyết theo hướng khai thác sự hỗ trợ của các chuyên gia từ bên ngoài (thông qua dịch vụ tư vấn, dịch vụ CNTT).

Công tác triển khai GDĐT trong thực tế

GDĐT đã được Bộ Tài chính áp dụng từ rất sớm trong hoạt động quản lý chuyên ngành, đặc biệt tại các đơn vị thuộc Bộ có tổ chức bộ máy từ cấp Trung ương đến địa phương như: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước. Trước đây, các hệ thống thông tin được triển khai theo mô hình phân tán, các đơn vị thực hiện GDĐT thông qua cơ chế truyền số liệu. Từ năm 2000 đến nay, các hệ thống thông tin quan trọng của ngành Tài chính đều được triển khai theo mô hình tập trung

(hệ thống đặt tại Trung tâm dữ liệu, các đơn vị từ cấp Trung ương tới địa phương truy cập hệ thống thông qua mạng diện rộng của ngành Tài chính), tạo thuận lợi rất lớn cho việc áp dụng GDĐT.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai mạnh mẽ thủ tục hành chính điện tử, dịch vụ công điện tử, nhận được sự hoan nghênh của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ cũng đã triển khai thành công nhiều dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi cả nước, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, chứng khoán.

Tính đến hết quý I/2020, ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 cho 171/192 thủ tục hành chính (TTHC) chiếm 89% tổng số TTHC trong lĩnh vực hải quan. Trong đó, có 162 thủ tục đã được cung cấp DVCTT mức độ 4 (đạt tỷ lệ 84,4%). Việc sử dụng DVCTT không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế (tiết kiệm thời gian, chi phí) mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc áp dụng GDĐT. Khi thực hiện các TTHC qua hệ thống DVCTT doanh nghiệp giảm được thời gian đi lại, chờ đợi tại địa điểm thực hiện thủ tục, từ đó tiết kiệm được thời gian, chi phí. Khi sử dụng DVCTT, các hồ sơ TTHC cũng được số hóa, giúp doanh nghiệp có thể cắt giảm được các chi phí về hồ sơ, giấy tờ, in ấn.

Kho bạc Nhà nước đã triển khai cung cấp DVCTT cho tất cả các cơ quan nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Tính đến hết ngày 30/4/2020 đã có 73.595 trên tổng số 92.456 đơn vị sử dụng ngân sách đăng ký tham gia sử dụng DVCTT, đạt tỷ lệ 79,6%. Số lượng giao dịch thanh toán chi ngân sách nhà nước gửi qua DVCTT khoảng 100.000 chứng từ thanh toán và khoảng 50.000 hồ sơ. Tổng số chứng từ, bảng kê gửi qua DVCTT tính từ đầu năm 2020 đến 21/4/2020 là 4.614.269, trong đó số chứng từ thanh toán 3.053.501, đạt tỷ lệ 66% trên tổng chứng từ chi ngân sách nhà nước.

Triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Bộ Tài chính đã cơ bản triển khai hệ thống quản lý văn bản điện tử trong phạm vi toàn ngành, hiện đang nâng cấp hệ thống để đáp ứng các quy định kỹ thuật của nhà nước và áp dụng chữ ký số cá nhân. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã triển khai kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử của Bộ Tài chính với trục trao đổi văn bản của Văn phòng Chính phủ, thông qua đó thực hiện trao đổi văn bản điện tử với các cơ quan nhà nước khác.

Trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 cục thuế và 100% chi cục thuế trực thuộc; đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tại 63/63 cục thuế; đẩy mạnh hoàn thuế điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.

Tổng cục Thuế đang xây dựng kế hoạch triển khai nâng cấp các thủ tục hành chính về hoàn thuế, miễn giảm, ưu đãi, khấu trừ thuế theo các Hiệp ước, Hiệp định về thuế lên dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, dự kiến hoàn thành triển khai trong năm 2020. Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ áp dụng giải pháp sử dụng chữ ký số tương tự như quy trình nộp hồ sơ khai thuế hiện tại.

Đặc biệt, từ ngày 01/01/2018, Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến ngày 20/4/2020, Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 09 nước ASEAN. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai mở rộng trao đổi các chứng từ điện tử khác qua Cơ chế một cửa ASEAN, cũng như mở rộng kết nối với các đối tác thương mại khác của Việt Nam như: Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á Âu, New Zealand.

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo số liệu phát triển Chính phủ điện tử của Bộ Tài chính gửi Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ hàng quý, từ quý II/2018 đến nay.

2. Báo cáo số liệu phát triển CPĐT quý I/2020 được gửi kèm theo công văn số 2492/BTC-THTK ngày 05/3/2020.

(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 3+4 Tháng 5/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đưa Luật Giao dịch điện tử vào thực tế trong lĩnh vực tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO