Gia Lai ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo bền vững

Duy Phạm| 12/08/2020 07:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Chương trình Mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo của tỉnh Gia Lai đạt được hiệu quả đáng ghi nhận, đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các nguồn lực từ ngân sách nhà nước được huy động, sự nỗ lực vươn lên của từng cá nhân, hộ gia đình trong toàn tỉnh.

Ưu tiên công tác xóa đói, giảm nghèo

Những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả khả quan. Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016-2020 là 1.268 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 19,7% năm 2015 giảm còn dưới 4,5% vào cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng  dân tộc thiểu số từ 40,1% giảm còn dưới 6,25%. Cơ sở hạ tầng vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư; đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 Ông Huỳnh Vĩnh Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: Từ các nguồn kinh phí của trung ương và địa phương, huyện Ia Pa đã tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho chương trình xóa đói giảm nghèo. Địa phương đã tạo điều kiện cho nông dân vay vốn sản xuất, hỗ trợ cung cấp giống cây trồng vật nuôi, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, phục vụ người dân phát triển sản xuất, nhờ đó đã đem lại hiệu quả trong chương trình xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm dần qua từng năm.

Huy động nhiều nguồn lực để giảm nghèo 

Dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các ban ngành, đoàn thể đã tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 như: hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi; hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế... Cùng với đó, các ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo được thành lập nhằm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ từng thôn, làng, hộ nghèo; giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, huy động cán bộ, đảng viên cùng vào cuộc. 

Gia Lai ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Gia Lai vận động hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình (Ảnh: T.L)

Hội Phụ nữ các cấp thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức cho hội viên, phụ nữ; phối hợp với phòng kinh tế, trạm khuyến nông mở các lớp bồi dưỡng chuyển giao khoa học-kỹ thuật, tổ chức các nhóm trao đổi kinh nghiệm làm ăn kết hợp với việc tuyên truyền về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, giáo dục con em. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tăng cường vận động hội viên, nông dân tích cực sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình; ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi mùa vụ. Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các phường, xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí, vật chất hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, giếng nước sạch…

Ông Lương Nam Xuất Thế - Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa-cho biết: Đầu năm 2016, huyện có 4.455 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17,62% thì đến đầu năm 2019 đã giảm còn 2.391 hộ nghèo, chiếm 9,1%. Để đạt kết quả này, ngoài tranh thủ các nguồn lực, tích cực triển khai các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2016 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã vận động giúp hơn 900 hội viên vay vốn ưu đãi, quyên góp hỗ trợ hàng trăm con giống, vật nuôi, giúp hội viên nghèo vươn lên, kết quả có 170 hội viên có kinh tế khá giả.

Tương tự, Huyện Đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan mở hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật về trồng cà phê, cây ăn quả, tre lấy măng cho các hộ gia đình trẻ, đồng thời nhận đỡ đầu, giúp đỡ hàng trăm gia đình thanh niên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; Hội Chữ thập đỏ huyện hàng năm tổ chức thăm, tặng hàng ngàn suất quà giúp cho hộ nghèo có thêm điều kiện trang trải sinh hoạt...

Còn theo ông Trần Đình Phùng-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kông Chro, nhờ triển khai hiệu quả chính sách xóa đói giảm nghèo nên đến nay đời sống của nhiều hộ dân ở huyện nghèo nhất tỉnh này đã được cải thiện đáng kể, bộ mặt các xã đặc biệt khó khăn có sự thay đổi rõ nét, nhất là về hạ tầng cơ sở phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa. Đồng thời, các chương trình giảm nghèo cũng tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ phát triển sản xuất, dịch vụ xã hội thuận lợi, chất lượng hơn. Đến cuối năm 2018, toàn huyện còn 3.437 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 30,09%-một tỷ lệ còn cao nhưng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của địa phương. 

Tiếp tục đề xuất giải pháp giảm nghèo bền vững

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc tập trung các nguồn lực cho Chương trình xóa đói, giảm nghèo, nhưng thực tế hoạt động này chưa có tính bền vững, một vài địa phương có nguy cơ tái nghèo cao. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo còn cao; tỷ lệ tái nghèo ở một số vùng khó khăn gia tăng. Nhiều địa phương đã đưa ra giải pháp chống tái nghèo và giảm nghèo bền vững, trong đó chú trọng tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn vay để người dân phát triển sản xuất, đem lại thu nhập kinh tế gia đình ổn định.

Gia Lai ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Để giảm nghèo bền vững, nhiều địa phương phải tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn vay để người dân phát triển sản xuất (Ảnh: THGL)

Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hiện nay là dưới 4,5%, nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số vẫn còn cao, do vậy các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang cần lắm những chính sách thiết thực hữu hiệu của các cấp, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục giảm nghèo và giảm nghèo một cách bền vững.

Ông Nguyễn Cẩm – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã H'Bông, Chư Sê, Gia Lai cho biết: "Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay là 33%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95% tổng số hộ nghèo của xã, do vậy địa phương mong muốn các cấp tiếp tục đưa ra những chính sách ưu tiên cho người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là tiếp tục thực hiện cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, để đem lại hiệu quả trong sản xuất".

Với thực tế đang tồn tại hiện nay, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến vấn đề này. Trong giai đoạn 2020-2025, Gia Lai tiếp tục quan tâm thực hiện Chương trình giảm nghèo, đặc biệt quan tâm các giải pháp giảm nghèo bền vững.

Theo dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Gia Lai tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2020- 2025, Gia Lai phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm dưới 1%/năm; đặc biệt quan tâm các giải pháp giảm nghèo một cách bền vững.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO