Hà Nội có thể trở thành trung tâm an ninh mạng, AI, dữ liệu lớn của ASEAN

Lan Phương| 08/06/2020 08:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Hà Nội, với những điều kiện, lợi thế riêng, có thể trở thành trung tâm an toàn, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn của ASEAN.

Đây là nội dung được Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT trao đổi tại buổi làm việc giữa Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT ngày 5/6 về kết quả triển khai các nội dung tại Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND TP. Hà Nội về hợp tác phát triển TT&TT; các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất các nội dung cần thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Lợi thế phát triển TT&TT hậu Covid-19

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết, thời gian qua, khi đại dịch Covid đến, rồi đi qua, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của thế giới. Nhiều tổ chức, trong đó có Politico, một cơ quan nghiên cứu về kinh tế - chính trị ở Mỹ, đánh giá Việt Nam là nước có tiềm năng nhất trong việc phục hồi, phát triển kinh tế tốt hơn và chăm sóc y tế cho người dân tốt hơn.

Hà Nội có thể trở thành trung tâm an ninh mạng, AI, dữ liệu lớn của ASEAN - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Huy Dũng: Hà Nội có lợi thế trở thành trung tâm an ninh mạng, AI, dữ liệu lớn của ASEAN

Nhìn từ góc độ phát triển CNTT-TT, ông Dũng cho biết: trong 35 năm qua và 10 năm tới, thế giới đã chứng kiến 3 làn sóng phát triển, mỗi làn sóng có chu kỳ khoảng 15 năm.

Làn sóng đầu tiên được đặc trưng bởi sự phát triển phổ biến của máy vi tính và tương ứng với đó là hoạt động số hóa thông tin, từ các bản tài liệu giấy có thể dễ dàng số hóa thành các bản tài liệu điện tử.

Làn sóng thứ hai được đặc trưng bởi sự phát triển bùng nổ của điện thoại di động, kết nối Internet và tương ứng với đó là hoạt động số hóa quy trình nghiệp vụ, hay còn gọi là tin học hoá. Các cơ quan, tổ chức "tin học hoá" quy trình nghiệp vụ của mình, cung cấp dịch vụ trực tuyến phục vụ xã hội.

Làn sóng thứ ba được đặc trưng bởi các công nghệ đột phá mới, được biết đến với tên gọi chung là cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, và tương ứng với đó là hoạt động số hóa toàn bộ cả một cơ quan, tổ chức, gọi là chuyển đổi số. Đây là quá trình đưa toàn bộ cả một cơ quan, tổ chức từ môi trường truyền thống sang môi trường số, từ không gian truyền thống sang không gian mạng.

Theo ông Dũng, chính làn sóng phát triển thứ 3 kiến tạo thêm một kịch bản phát triển mới cho một nền kinh tế: Kịch bản chuyển đổi số. Theo kịch bản này, CNTT-TT có khả năng sẽ tạo ra một giá trị GDP tăng thêm khoảng 170 tỷ USD cho nền kinh tế.Như vậy, có thể coi chuyển đổi số là giải pháp đột phá để phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam theo hình chữ V.

Ông Dũng cho biết, giai đoạn Covid vừa qua một lần nữa đã chứng kiến tiềm năng mạnh mẽ, to lớn của lĩnh vực CNTT-TT Việt Nam khi chúng ta huy động 16 doanh nghiệp (DN) - khoảng 1000 kỹ sư trong 3 tháng chống dịch vào cuộc, viết ra 22 phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch, theo kịp những nước tiên tiến nhất trên thế giới, thậm chí vượt trội, đi trước ở một số lĩnh vực. Tận dụng thời cơ từ đại dịch này, câu chuyện hậu Covid có thể được viết tiếp.

Hạ tầng TT&TT quan trọng trong chuyển đổi số

Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Để chuyển đổi số, lĩnh vực TT&TT được coi là hạ tầng quan trọng nhất cho tiến trình chuyển đổi số. Hạ tầng TT&TT gồm hạ tầng bưu chính, viễn thông, an toàn - an ninh mạng, công nghiệp - CNTT.

Về hạ tầng bưu chính, ông Dũng cho hay, Hà Nội có thể phát triển đồng bộ hạ tầng mạng lưới bưu chính, có chính sách ưu tiên để các DN bưu chính chuyển phát gói, kiện hàng hóa thương mại điện tử (TMĐT),… trở thành trung tâm cho các vùng lân cận, qua đó tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng TMĐT. Đồng thời, Hà Nội có thể nhanh chóng hoàn thiện nền tảng Vpostcode (gắn với bản đồ số Vmap) làm cơ sở để thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động bưu chính, phục vụ phát triển TMĐT.

Về viễn thông, trong thời gian tới, hạ tầng viễn thông dịch chuyển theo xu thế: từ cung cấp các hạ tầng viễn thông truyền thống chuyển thành cung cấp các hạ tầng số. Vì vậy, Hà Nội có thể tiến tới mục tiêu "Mỗi nhà một đường Internet cáp quang tốc độ cao, mỗi người một máy điện thoại thông minh", để hạ tầng viễn thông trở thành công cụ thiết yếu, là đường giao thông huyết mạch của xã hội số.

Thời gian sắp tới cũng sẽ có xu hướng chuyển dịch cung cấp dịch vụ điện tử, dịch vụ công trực tuyến sang cung cấp các dịch vụ số, dịch chuyển từ Chính phủ điện tử (CPĐT) sang Chính phủ số, và việc phát triển chính quyền số sẽ gắn liền với các dịch vụ đô thị thông minh. Hà Nội có thể đặt mục tiêu cao về phát triển CPĐT, chính phủ số cũng như chính quyền số.

Đối với lĩnh vực công nghiệp - CNTT, đây là điểm đột phá mà Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có lợi thể cạnh tranh đặc biệt so với các địa phương khác trên cả nước.

Hà Nội có thể trở thành trung tâm an ninh mạng, AI, dữ liệu lớn của ASEAN - Ảnh 2.

Hà Nội có lợi thế phát triển công nghiệp - CNTT (Ảnh: An ninh thủ đô)

Trao đổi về kịch bản chuyển đổi số trong 5 năm cho Hà Nội, ông Dũng cho biết: trong xu hướng, làn sóng CMCN lần thứ 4 nếu nhìn từ góc độ kiến tạo của sự phát triển thì trái tim của CMCN lần thứ 4 là chuyển đổi số và trái tim của chuyển đổi số là dữ liệu và AI.

Theo phân tích của ông Dũng, dữ liệu lớn phụ thuộc vào quy mô của dân số của quốc gia. Việt Nam có được số lượng lớn dữ liệu theo quy mô dân số. Trong khi đó, an toàn an ninh mạng trong thời gian qua đã có đột phá. Theo đó, Hà Nội có thể trở thành trung tâm, toàn an ninh mạng và AI, dữ liệu lớn của ASEAN.

Hà Nội cũng có thể trở thành 1 trong những thành phố của Việt Nam thu hút đầu tư công nghệ mới cho giai đoạn tới. Nếu TP. Hồ Chí Minh định vị là TP thứ 5 toàn cầu gia công phần mềm toàn cầu và Hà Nội với tiềm năng có thể trở thành thành phố lọt vào top các thành phố về đổi mới sáng tạo, công nghệ số trên toàn cầu

Hiện nay, cả nước có 5 Khu CNTT tập trung. Theo quy hoạch, đến năm 2025, cả nước có ít nhất 7 Khu CNTT tập trung. Hà Nội có 2 Khu CNTT tập trung, 1 khu đang hoạt động còn 1 khu chưa xây dựng xong. Khu Hà Đông có tiềm năng R&D an ninh mạng, AI của thành phố vì tập trung 4 trên 8 trường đại học.

Theo ông Dũng, Hà Nội có thể hành động để thực hiện chuyển đổi số với 03 trụ cột chính là phát triển chính quyền số gắn liền với đô thị thông minh, phát triển kinh tế số, TMĐT và phát triển xã hội số gắn với đào tạo kỹ năng số cho toàn thể người dân.

Bài liên quan
  • 7 chiến lược ngăn chặn ransomware từ chuyên gia an ninh mạng
    Trong thời đại số hóa ngày nay, ransomware đã trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các doanh nghiệp (DN) và tổ chức trên khắp thế giới. Với khả năng gây ra thiệt hại nặng nề từ mất dữ liệu đến gián đoạn hoạt động kinh doanh, việc bảo vệ khỏi ransomware là một ưu tiên cấp bách.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội có thể trở thành trung tâm an ninh mạng, AI, dữ liệu lớn của ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO