Hiện trạng chế độ lưu chiểu truyền hình trên thế giới

TH| 11/11/2020 10:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Để quản lý các xuất bản phẩm truyền hình, trên thế giới nhiều nước áp dụng chế độ lưu chiểu cho truyền hình, hầu hết các kênh truyền hình đều được các cơ quan quản lý nhà nước lưu trữ làm tài liệu để đối chiếu, phục vụ mục đích kiểm tra, quản lý ngành phát thanh, truyền hình, góp phần bảo vệ tác quyền. Sau đây là thực tế triển khai tại một số nước trên thế giới về luật lưu chiểu các chương trình truyền hình.

- Tại Úc (Australia): Cơ quan Lưu trữ Phim và Tiếng Quốc gia Úc (The National Film and Sound Archive of Australia) tiền thân là Hình và Tiếng Úc (Screen Sound Australia) chịu trách nhiệm thu thập các di sản của nước Úc được miêu tả trên phim ảnh, sóng phát thanh và truyền hình hơn 30 năm qua (www.nfsa.gov.au). Hiện nay, tất cả các chương trình phát thanh , truyền hình của Tập đoàn truyền thông Úc (Australia’s Broadcasting Corporation) đều phải được số hóa và lưu trữ .

- Tại Canada: Tại Canada, đạo Luật về Lưu chiểu là một phần của Luật Thư viện Quốc gia (National Library Act of Canada RS - 1985) và Quy chế về Lưu chiểu Thư viện Quốc gia (National Library Book Deposit Regulation of 1995). Các đạo Luật này quy định lưu chiểu đối với tất cả các loại xuất bản phẩm in hoặc không in, bản chất và miêu tả bao gồm các tài liệu, giấy, bản ghi, băng từ và tất cả các xuất bản phẩm được xuất bản bởi các Nhà xuất bản hoặc các thông tin được viết, ghi chép, lưu trữ và sao chép. Tập đoàn Truyền hình Canada (Canadian Broadcasting Corporation) và Trung tâm lưu trữ phát thanh, truyền hình Canada (Radio Canada Broadcast Material Archive) chịu trách nhiệm thu thập, bảo trì, cung cấp các nghiên cứu, sản xuất và phương thức truy cập đối với các chương trình truyền hình được lưu trữ. Đạo Luật này tiến bộ ở chỗ cung cấp chế tài để lưu chiểu tất cả các xuất bản phẩm truyền thông bao gồm cả những hình thức truyền thông đã biết đến hoặc chưa biết đến.

- Tại Trung Quốc (China): Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành 02 văn bản luật liên quan tới lưu chiểu gồm có Quy định về quản lý xuất bản (Regulations on Publication Administration) và Quy định về Quản lý các sản phẩm nghe nhìn (Regulations of the People’s Republic of China on the Administration of Audio-Visual Products). Theo đó, các ấn phẩm trước khi được xuất bản phải gửi các sản phẩm lưu chiểu về Thư viện Quốc gia (National Library of China) và Thư viện Lưu trữ của Cục Quản lý xuất bản Trung Quốc. Đối với các ấn bản điện tử và sản phẩm phát thanh, truyền hình việc lưu chiểu được quy định tại Quy định về Quản lý xuất bản của các ấn phẩm điện tử (Regulations on Publishing Administration of Electronic Publications) theo đó các đơn vị xuất bản, phát sóng các ấn phẩm điện tử có trách nhiệm lưu trữ các ấn phẩm này trong thời gian ít nhất là 30 ngày kể từ ngày xuất bản.

- Tại Đan Mạch (Denmark): Năm 1995, Bộ Văn hóa Đan Mạch (Danish Ministry of Culture) đã khuyến nghị gia hạn pháp lý và bổ sung Bộ Luật Lưu chiểu năm 1927 để bao gồm các bản in, bản ghi audio, video, phát thanh và truyền hình, các sản phẩm truyền thông đa phương tiện, vi phim, các ấn phẩm điện tử tĩnh và động

Kết quả là sự ra đời của Đạo Luật Lưu chiểu 1997, đạo Luật này yêu cầu lưu chiểu đối với tất cả các ấn phẩm, xuất bản phẩm tại Đan Mạch không phân biệt các kỹ thuật sản xuất hay các truyền tải các ấn phẩm ấy. Các chương trình phát thanh, truyền hình được lưu chiểu tại Trung tâm Lưu trữ Đa phương tiện Quốc gia .

- Tại Pháp (France): Pháp là một trong những nước tiên phong về lưu chiểu, bộ Luật về lưu chiểu của nước Pháp ra đời từ năm 1537 đối với các ấn phẩm. Hiện nay, các nhà xuất bản ở Pháp được yêu cầu lưu chiểu tất cả các ấn phẩm, đồ họa, âm thanh, các sản phẩm nghe nhìn, đa phương tiện, hoặc bất cứ xuất bản phẩm nào, ngay lập tức khi chúng được đưa ra công chúng. Các xuất bản phẩm ở đây bao gồm cả phát thanh và truyền hình. Centre national du cinéma et de l'image animée (Trung tâm điển ảnh quốc gia) và Institut national de l'audiovisuel (Viện nghe nhìn quốc gia) giữ chức năng lưu trữ các xuất bản phẩm âm thanh và hình ảnh.

- Tại Đức (Germany): Nước Đức để cho các Đài Phát thanh, truyền hình tự lưu các kênh phát sóng công cộng dựa trên một tổ chức của Đài, và điều này áp dụng cho cả những Đài tư nhân. Công chúng có quyền truy cập vào các dữ liệu này bất cứ lúc nào.

- Tại Ý (Italy): Ở Ý tất cả các tài liệu được xuất bản và hướng tới công chúng thông qua các phương thức thụ hưởng như đọc, nghe, nhìn, tài liệu đa phương tiện, bản ghi tiếng hoặc hình, phim ảnh và các chương trình phát thanh truyền hình đều được lưu trữ tại Trung tâm Thư viện Quốc gia (Biblioteca Nazionale Centrale).

- Tại Hà Lan (Netherlands): Hà Lan có một cách tiếp cận lưu chiểu hoạt động rất tốt, họ để cho các nhà xuất bản tự lưu các xuất bản phẩm và hiện đã mở rộng cả cho những ấn bản điện tử. Trước năm 1997, các kênh truyền hình phổ thông do các Đài tự lưu trữ, nhưng sau đó trung tâm lưu trữ của 28 Đài truyền hình công này được tập trung lại. Năm 1999, Tổ chức Truyền hình công cộng Hà Lan (Netherlands Public Broadcasting) kết hợp với NOB (Thư viện Hà Lan) và Viện Nghe nhìn Hà Lan để thành lập hệ thống lưu trữ số hóa tích hợp. Hiện sử dụng hệ thống dựa trên IMMIX, Hà Lan đã tạo một hệ thống lưu trữ ảo để tích hợp tất cả các hệ thống lưu trữ quốc gia, hệ thống lưu trữ truyền hình, phim ảnh, hệ thống bảo tàng truyền thông và hệ thống chuyên gia.

- Tại Na Uy (Norway): Mục tiêu lưu chiểu của các nhà làm luật ở Na Uy là lưu trữ các chương trình của Đài phát thanh, truyền hình Na Uy, trong khi đó các nhà Đài tư nhân sẽ phải gửi bản lưu theo yêu cầu của các nhà quản lý. Thực tế đây là một luật mở tạo hành lang pháp lý cho nhà quản lý khi yêu cầu cung cấp một đoạn lưu trữ thực tế của nhà Đài theo thời gian cụ thể. Các bản lưu truyền hình sẽ được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Rana (National Library Rana). Từ năm 1990 đến nay đã có hơn 400 nghìn giờ phát sóng được lưu trữ tại đây.

- Tại Nga (Russia): Tại Công Hòa Liên Bang Nga, trách nhiệm lưu trữ các dữ liệu truyền hình thuộc về Cục Điện ảnh, truyền hình và âm thanh (Motion Picture, Broadcast and Recorded Sound Division), tại đây, họ thực hiện lưu trữ các dữ liệu truyền hình từ những giữa những năm 70. Các sản phẩm lưu trữ bao gồm băng từ video, bản tin tivi, các phim tài liệu và cả các chương trình thông thường lẫn đặc biệt.

- Tại Slovenia: Slovenia là một trong những nước lưu trữ dữ liệu phát thanh và truyền hình sớm nhất, kể từ khi được phát sóng lần đầu năm 1928 của đài Tiếng nói Ljubljana và đài Tiếng nói tự do Ljubljana năm 1945, sau đó là chương trình truyền hình đầu tiên năm 1957. Các bản lưu và tài liệu được thu thập và phân loại bởi Đài phát thanh, truyền hình Sloven. Các bản lưu của Slovenia đươc sắp xếp rất tốt họ có đăng ký và lưu trữ đầy đủ các chương trình phát sóng thử nghiệm trước năm 1957 và các chương trình thông thường từ 1958 tới nay.

- Tại Thụy Điển (Sweden): Đạo luật Lưu trữ, lưu chiểu năm 1978 đã thành lập Trung tâm lưu trữ Quốc gia cho các bản ghi âm, điện ảnh theo đó các video và audio nhất định sẽ được lưu trữ và bảo quản, và trong đó bao gồm cả những chương trình truyền hình và phim. Điều này có nghĩa là Thụy điển sử dụng lưu trữ chọn lọc cho các chương trình phát thanh, truyền hình.

- Tại Thụy Sỹ (Switzerland): Thụy Sỹ không có pháp luật liên bang cho việc lưu chiểu, mặc dù các Thư viện quốc giá có trách nhiệm thu thập các thông tin liên quan theo bất kỳ phương tiện truyền thông nào có liên quan tới Thụy Sỹ và đảm bảo công chúng có thể truy cập được.

- Tại Anh (United Kingdom): Việc thu thập và lưu trữ các dữ liệu phát thanh, truyền hình ở Vương Quốc Anh được giao cho các Đài thực hiện riêng biệt, Tổ chức lưu trữ âm thanh quốc gia (British National Sound Archives) lưu trữ các chương trình phát thanh, trong khi đó các chương trình truyền hình là trách nhiệm của Viện Phim Anh (British Film Institute). Các tổ chức này lựa chọn lưu trữ các chương trình truyền hình hoặc do các Đài tự giác để lưu chiểu, nghĩa là các nguồn lưu trữ sẽ do yêu cầu hoặc thỏa thuận. Năm 2004, chính phủ Liên hiệp Anh thảo luận về luật lưu trữ và xuất bản cho các ấn phẩm di sản tại Anh, tuy nhiên đáng ngạc nhiên là các chương trình phát sóng không được đưa vào đối tượng nghiên cứu của Luật này, do vậy đến nay những chương trình được lưu trữ vẫn là những chương trình được chọn lọc hoặc tự nguyện lưu trữ. Tập đoàn phát thanh, truyền hình Anh Quốc là một trong những đơn vị lâu đời nhất trên thế giới trong lĩnh vực này, và họ có một kế hoạch trong 10 năm để số hóa và lưu trữ tất cả các bản lưu phát sóng của họ, và lưu trữ các chương trình phát sóng số hiện nay.

- Tại Hoa Kỳ (United States of America): Pháp luật Hoa Kỳ yêu cầu lưu trữ tất cả các xuất bản phẩm mà không có ngoại lệ. Theo đó tất cả các xuất bản phẩm được bảo vệ bản quyền tại Hoa Kỳ phải được lưu chiểu tại Thư viện Quốc hội (Library of Congress). Thư viện Quốc hội đã thu thập và bảo quản tất cả các phim ảnh bắt đầu từ năm 1894, và bắt đầu lưu trữ các chương trình truyền hình từ năm 1949. Dù vậy, một số các chương trình phát sóng không đăng ký bản quyền sẽ không nhất thiết lưu trữ tại Thư viện, tuy nhiên hiện nay, theo Bộ pháp điển các quy định liên bang (Code of federal regulations) được phê duyệt năm 1993 về lưu chiểu các xuất bản phẩm không in, Thư viện Quốc hội sẽ thu thập các di sản quốc gia theo ý thức bảo vệ chúng bao gồm cả phim truyền hình, điện ảnh, giải trí, tin tức, vv… Thư viện Quốc hội đang trong quá trình số hóa tất cả các tài sản của họ tất nhiên bao gồm cả các chương trình phát sóng .

Các kinh nghiệm về lưu trữ dữ liệu truyền hình được nghiên cứu ở trên cho thấy sự cần thiết về lưu trữ và lưu chiểu dữ liệu truyền hình, nhiều nước đã xem các kênh chương trình truyền hình là một phần của tài sản quốc gia và hầu hết các nước đưa lưu trữ và lưu chiểu dữ liệu truyền hình vào Luật, trong đó phổ biến là Luật Lưu chiểu, lưu trữ và Luật Bản quyền. Có nhiều quốc gia có hệ thống lưu trữ dữ liệu truyền hình lâu đời như Hoa Kỳ, Slovennia.

Đối với cơ quan thực hiện lưu trữ dữ liệu truyền hình, hầu hết các nước đều có cơ quan riêng biệt để thực hiện và quản lý dữ liệu này, các nước trước đó chưa xây Trung tâm dữ liệu truyền hình riêng thì hiện nay hầu hết đã xây dựng trung tâm riêng biệt, một ví dụ đáng học hỏi là Hà Lan, họ xây dựng một hệ thống để kết nối tất cả những dữ liệu truyền hình được lưu trữ ở các Đài PTTH riêng biệt để hình thành trung tâm dữ liệu Quốc gia sau khi Luật lưu chiểu được ban hành.

[1] Copyright Convergence Group of Australia, National strategy for provision of access to Australian electronic publications, http://www/nla.gov.au/policy/paep.html.

[1] Canada: National Library Act of Canada RS 1985 and  National Library Book Deposit Regulation of 1995

[1]China: Regulations on Publication Administration, Regulations of the People's Republic of China on the Administration of Audio-Visual Products ,  Regulations on Publishing Administration of Electronic Publications.

[1] Legal Deposit in Denmark Act 423 of 10 June 1997 và Legal Deposit Act of 1927.

[1] France: Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works (Paris, 1971)

[1] US: Section 407 of the Copyright Act of 1976 Title 17 USC and 14 Code of Federal Regulations of 1993.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hiện trạng chế độ lưu chiểu truyền hình trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO