Hiệp định EVFTA có hiệu lực - dấu mốc quan trọng trong hội nhập quốc tế

M.P| 06/08/2020 09:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 1/8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới, đồng thời cũng là sự kiện có ý nghĩa khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam - EU thiết lập quan hệ ngoại giao (1990 - 2020).

Hiệp định EVFTA có hiệu lực - dấu mốc quan trọng trong hội nhập quốc tế - Ảnh 1.

Dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam – EU

Trải qua ba thập kỷ với nhiều biến động trong tình hình thế giới và tại hai châu lục Á - Âu, quan hệ Việt Nam – EU đã không ngừng phát triển, ngày càng sâu sắc và thực chất hơn, với dấu mốc lịch sử là việc hai bên thiết lập quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện vào năm 2012 và phê chuẩn Hiệp định khung về Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (Hiệp định PCA) vào năm 2016.

Trong lĩnh vực kinh tế, EU là đối tác thương mại lớn thứ ba, nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất và một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt mức 56,45 tỷ USD trong năm 2019, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng trưởng với tốc độ trung bình 16% trong hai thập kỷ qua.

Hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu... cũng được thúc đẩy và đạt nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, Việt Nam và EU cũng phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn, cơ chế đa phương, góp phần thúc đẩy hợp tác và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ vì hòa bình, ổn định và phát triển.

Với những nền tảng phát triển vững chắc sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, việc triển khai EVFTA sẽ góp phần xây dựng các khuôn khổ hợp tác quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU.

EVFTA đi vào thực thi khẳng định quyết tâm của Việt Nam và EU nhằm nâng tầm và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện, góp phần tăng cường gắn kết giữa hai khu vực.

Ngoài ra, việc triển khai EVFTA cũng thể hiện sự coi trọng của Việt Nam và EU với nhau trong chiến lược đối ngoại, phát triển và hội nhập của mỗi bên. Đồng thời, sẽ tạo những dấu mốc mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đóng góp vào xu thế chung về thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực - dấu mốc quan trọng trong hội nhập quốc tế - Ảnh 2.

Việt Nam trao Công hàm thông báo việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA tới Phái đoàn EU tại Việt Nam. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Hiệp định EVFTA - đòn bẩy cho các doanh nghiệp trong nước

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, thời điểm cả hai bên đều xác định nỗ lực tối đa để đồng hành với doanh nghiệp nhằm khai thác thị trường rộng lớn với hơn 450 triệu dân của EU và tận dụng sức hấp dẫn của thị trường 95 triệu người tiêu dùng Việt Nam.

EVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do toàn diện và tham vọng nhất từng được ký giữa EU và một quốc gia đang phát triển. Hiệp định có mức cam kết cao nhất một đối tác lớn dành choViệt Nam, EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn, cân bằng giữa Việt Nam và EU như xóa bỏ rào cản thương mại và các dòng thuế theo lộ trình; tạo môi trường đầu tư cởi mở và thuận lợi, giúp doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường tiềm năng của nhau, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm…

Theo đó, EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho quan hệ thương mại Việt Nam - EU, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định này. Có thể nói, đây là cơ hội lớn của các doanh nghiệp Việt trong bối cảnh đầy khó khăn do đại dịch COVID-19 quay trở lại lần 2 và đang diễn biến phức tạp.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực, 99% các dòng thuế sẽ được cắt giảm trong một thập kỷ tới. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp châu Âu tiếp cận vào thị trường tiêu dùng mới của Việt Nam. Hàng hóa của châu Âu từ ô tô đến rượu vang có thể cạnh tranh công bằng trên thị trường Việt Nam cùng với các đối tác khác.

Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các ưu đãi từ thị trường tiêu dùng lớn và thu nhập cao của châu Âu. Việc giảm thuế sẽ dẫn đến một dòng chảy gia tăng hàng hóa của Việt Nam như: cà phê, hải sản, máy móc, linh kiện, giày dép, dệt may… đến 27 quốc gia thành viên EU.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực - dấu mốc quan trọng trong hội nhập quốc tế - Ảnh 3.

EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may sẽ được EU xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm. (Ảnh: Đ.H)

Cụ thể, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, 84% các dòng thuế, chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm xuống mức 0%.

Sau 7 năm, 99,2% các dòng thuế, chiếm 99,7% xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU, hàng dệt may sẽ được EU xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm, 22,7% kim ngạch còn lại cũng sẽ được EU xóa bỏ thuế quan sau 7 năm.

Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi 65% giá trị xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được loại bỏ theo các lộ trình cam kết 10 năm...

Việc triển khai EVFTA diễn ra suôn sẻ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tính tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, Việt Nam không chỉ có cơ hội tiếp cận tốt hơn hàng hóa dịch vụ châu Âu mà còn hưởng lợi từ tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu, chuyển giao kiến thức, ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế...

Đúng vào thời điểm EVFTA đi vào thực thi sau hơn 9 năm hai bên nỗ lực đàm phán để ký kết và phê chuẩn hiệp định, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.

Nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng suy giảm mạnh, và châu Âu cũng như Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Do đó, lợi ích kinh tế mà EVFTA mang lại trong giai đoạn đầu triển khai có thể sẽ không được như kỳ vọng vì các doanh nghiệp hai bên chưa thể tận dụng hết các ưu đãi do gián đoạn chuỗi cung ứng, gián đoạn lưu thông và nhu cầu của nền kinh tế hai bên vẫn còn yếu.

Tuy nhiên, trong tương lai dài hạn, khi dịch bệnh được kiểm soát và các gói kích cầu kinh tế của hai bên đi vào hoạt động, thương mại hai bên sẽ bùng nổ trở lại, tới lúc đó chúng ta có thể nhìn thấy rõ hơn những tác động to lớn của EVFTA đối với quan hệ thương mại Việt Nam - EU.

Bên cạnh nhiều thuận lợi, Hiệp định EVFTA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Đó là việc thực thi các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ cho EU sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Đó là thách thức về năng lực thực thi cam kết của các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp do lộ trình thực thi các cam kết mở cửa thị trường ngắn hơn so với các FTA chúng ta đã triển khai trước đây, cùng với những quy tắc, thủ tục chặt chẽ liên quan đến các lĩnh vực "thế hệ mới" như sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, phát triển bền vững, lao động…

Đó là việc thực thi EVFTA đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ "luật chơi" theo tiêu chuẩn cao thì mới có thể tận dụng được những cơ hội và hạn chế được các tranh chấp kinh tế - thương mại với các đối tác.

Với EVFTA, tất cả mới chỉ đang bắt đầu một sự khởi đầu mới đầy hứa hẹn nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức mà hai bên phải khắc phục để có thể tận dụng hiệu quả lợi thế mà EVFTA mang lại.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được khởi động đàm phán từ năm 2012 và được ký cùng Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) vào tháng 6/2019. Sau khi được Nghị viện châu Âu (EP), Hội đồng châu Âu (EC) và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn trong năm nay, EVFTA chính thức đi vào hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hiệp định EVFTA có hiệu lực - dấu mốc quan trọng trong hội nhập quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO