Hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam: Nhiều quy định mới cần biết

Bình Minh| 10/09/2020 22:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Cá nhân, tổ chức Việt Nam, nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cần tuân thủ nhiều quy định mới từ ngày 15 tháng 10 năm 2020.

Lập Văn phòng trái phép sẽ bị phạt tới 50 triệu đồng

Ngày 26/8/2020, Chính phủ mới ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực từ 15 tháng 10 năm 2020.

Mục 11 của Nghị định quy định rõ về hành vi vi phạm về thành lập và hoạt động thương mại thương nhân nước ngoài và người ngoài.

Cụ thể, Điều 67 về hành vi vi phạm về thành lập và hoạt động của Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Văn phòng đại diện) nêu rõ: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Kê khai không trung thực các nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh hoặc gia hạn giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Không thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định khi chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện.

Hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam: Nhiều quy định mới cần biết - Ảnh 1.

Các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân nước ngoài sẽ được tăng cường quản lý tại Việt Nam trong thời gian tới. (Ảnh: Bình Minh)

Mức phạt tiền từ sẽ tăng lên từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm gồm: Không có địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện hoặc cho thuê lại trụ sở Văn phòng đại diện hoặc hoạt động không đúng địa chỉ ghi trong giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Không thực hiện báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không trung thực về hoạt động của Văn phòng đại diện với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép theo quy định.

Tương tự các mức phạt trên cũng áp dụng với hành vi: Không thực hiện báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của Văn phòng đại diện theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không làm thủ tục điều chỉnh hoặc cấp lại giấy phép thành lập Văn phòng đại diện trong các trường hợp pháp luật quy định; Viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong giấy phép thành lập Văn phòng đại diện được cấp.

Khi thành lập và hoạt động Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Văn phòng) nếu có vi phạm về kê khai không trung thực, không chính xác nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, cấp lại, gia hạn giấy phép thành lập Văn phòng hoặc không thực hiện thông báo công khai hoạt động của Văn phòng tại Việt Nam sau khi được cấp, cấp lại, sửa đổi, gia hạn giấy phép thành lập Văn phòng theo quy định sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Mức phạt tiền sẽ tăng lên từ: 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Không thực hiện báo cáo hoặc thực hiện báo cáo không đúng thời hạn quy định hoặc không cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của Văn phòng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép thành lập Văn phòng hoặc người đứng đầu Văn phòng kiêm nhiệm người đứng đầu Văn phòng đại diện của thương nhân, tổ chức nước ngoài khác tại Việt Nam.

Các trường hợp: Tiếp tục hoạt động sau khi giấy phép thành lập Văn phòng bị cơ quan cấp giấy phép thu hồi hoặc hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép thành lập Văn phòng mà chưa được gia hạn hay tiếp tục hoạt động sau khi tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài đã chấm dứt hoạt động cũng bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Tiếp đó, mức phạt tiền sẽ tiếp tục tăng lên từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Thành lập Văn phòng đại diện trực thuộc Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại tại Việt Nam; Tiến hành các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại tại Việt Nam mà không thành lập Văn phòng tại Việt Nam theo quy định; Lập Văn phòng trái phép tại Việt Nam; Trực tiếp thực hiện các hoạt động nhằm sinh lời tại Việt Nam.

Hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam: Nhiều quy định mới cần biết - Ảnh 2.

Nhà ga, bến cảnh là các khu vực cần tăng cường kiểm soát các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo quy định pháp luật. Ảnh: Bình Minh

Phạt 40 triệu nếu mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu trái phép

Liên quan tới hành vi vi phạm về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định mới quy định: "Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Kê khai không trung thực nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép lập cơ sở bán lẻ; Không khai báo về việc mất giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép lập cơ sở bán lẻ với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Hoặc không thực hiện báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định".

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu trái với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam trái với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Mức phạt tương tự cũng được áp dụng với các hành vi: Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam hoặc không phù hợp với pháp luật Việt Nam; Hoạt động ngoài phạm vi nội dung được ghi trong giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép lập cơ sở bán lẻ; Lập cơ sở bán lẻ trái phép tại Việt Nam.

Mức phạt tiền tăng lên từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sau khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy phép lập cơ sở bán lẻ hoặc giấy phép kinh doanh, giấy phép lập cơ sở bán lẻ hết hạn, không được gia hạn.

Các trường hợp thương nhân nước ngoài không được xuất, nhập khẩu

Đối với hành vi vi phạm về thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu hoặc giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu hết hạn không được gia hạn sẽ bị xử phạt từ 40.000.000 – 50.000.000 đồng.

Trong khi đó, tại Điều 72 của Nghị định mới nêu rõ: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với người nước ngoài thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Hoạt động thương mại trái phép có tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam; Tiêu thụ trái phép trên lãnh thổ Việt Nam phương tiện đi lại, phương tiện vận tải, máy móc thông tin, thiết bị văn phòng, thiết bị nội thất nhập khẩu miễn thuế để sử dụng theo tiêu chuẩn quy định và tiêu thụ trái phép trên lãnh thổ Việt Nam phương tiện đi lại, phương tiện vận tải tạm nhập cảnh vào Việt Nam...

Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương mình theo thẩm quyền quy định tại Điều 81 Nghị định này.

Các lực lượng: Quản lý thị trường; Công an Nhân dân; Hải quan; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển Việt Nam và Thanh tra có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định khi Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15 tháng 10 năm 2020.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam: Nhiều quy định mới cần biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO