Học viện Công nghệ BCVT: 20 năm đào tạo sau đại học

Lan Phương| 23/03/2019 18:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Khoa Đào tạo Sau Đại học (ĐH) - Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) đặt mục tiêu phát triển trở thành một đơn vị tổ chức giáo dục - đào tạo, nghiên cứu theo mô hình đào tạo sau ĐH của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới.

Ngày 23/3/2019, tại Hà Nội, Khoa đào tạo Sau Đại học - Học viện công nghệ BCVT đã kỷ niệm 20 năm thành lập (1999 - 2019).

Tới dự Lễ kỷ niệm có GS. TSKH. Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT; nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Đặng Đình Lâm, các nguyên Thứ trưởng Bộ TTTT Trần Đức Lai, Nguyễn Minh Hồng, lãnh đạo Học viện qua các thời kỳ, các giáo sư, tiến sĩ trong và ngoài ngành cùng đông đảo các thế hệ nghiên cứu sinh (NCS), học viên cao học.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm nhân kỷ niệm 20 năm thành lập khoa Sau ĐH

Thành tựu sau 20 năm đào tạo sau đại học

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, PGS, TS. Lê Nhật Thăng, Trưởng khoa Sau ĐH cho biết sau hơn 20 năm được giao nhiệm vụ đào tạo sau ĐH, công tác đào tạo Sau ĐH của Học viện đã đạt được những thành tựu đáng kể như đã đào tạo được 96 tiến sĩ; 2.857 thạc sĩ, trong đó 1099 thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Viễn thông, 827 thạc sĩ chuyên ngành Hệ thống thông tin, 268 thạc sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính và 663 thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh.

PGS, TS. Lê Nhật Thăng, Trưởng khoa Sau ĐH phát biểu

Được thành lập vào năm 1999, với chỉ với 02 chuyên ngành đào tạo trình độ Tiến sĩ, 01 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ, từ năm 2015, Học viện đã thực hiện chuyển đổi thành công 05 chương trình đào tạo các chuyên ngành trình độ thạc sĩ (Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật Viễn thông, Hệ thống thông tin, Khoa học máy tính và Quản trị kinh doanh), 05 chương trình đào tạo các chuyên ngành trình độ tiến sĩ (Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật Viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin và Quản trị kinh doanh) từ niên chế sang đào tạo tín chỉ. Các chương trình đào tạo này được hiệu chỉnh một cách toàn diện, chú trọng cập nhật công nghệ, kỹ thuật và quản lý mới.

Nhằm hỗ trợ công tác đào tạo học viên cao học theo định hướng nghiên cứu và hoạt động nghiên cứu chuyên sâu của các NCS, Học viện đã đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm chuyên sâu về Toán ứng dụng và tính toán, Học máy và ứng dụng, Thông tin vô tuyến, An toàn thông tin, Hệ thống vô tuyến và ứng dụng, Blockchain...

Học viện đã có hợp tác rất thành công với Viện nghiên cứu Điện tử, Viễn thông Hàn Quốc (ETRI) kể từ năm 1999 thông qua chương trình gửi NCS đi thực tập trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Cho đến nay, 21 NCS đã được cử đi thực tập dài hạn tại ETRI, 16 NCS đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.

Học viện cũng thực hiện trao đổi NCS, học viên cao học thành công với Tập đoàn Viễn thông Pháp (France Telecom) về mạng và dịch vụ Viễn thông từ năm 2009, ĐH Bưu điện Moscow, Saint Petersburg (Nga) về tự động hóa Bưu chính, với ĐH bang Arizona về an toàn bảo mật thông tin, Telecom ParisTech (Pháp), ĐH Công nghệ Sydney-Australia (UTS)…

Tháng 07/2015, Học viện đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo song bằng trình độ thạc sĩ 1 1 với trường Đại học Aizu (Nhật Bản). Theo đó, hàng năm ĐH Aizu lựa chọn, hỗ trợ học bổng cho 2-3 học viên cao học chuyên ngành Kỹ thuật Viễn thông đã học 1 năm tại Học viện (đã học 1 trong số 7 học phần được Aizu công nhận tương đương) được tiếp tục học 1 năm tại Aizu để hoàn thành chương trình học tập, bảo vệ luận văn tốt nghiệp và nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành chuyên ngành Khoa học Máy tính hoặc Kỹ thuật Máy tính do Aizu cấp.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm

PGS. TS. Lê Nhật Thăng nhấn mạnh: “Các luận án tiến sĩ nghiên cứu tại Học viện được đánh giá là các công trình nghiên cứu chuyên sâu, có tính thời sự, mang tính cấp thiết; sử dụng phương pháp, công cụ nghiên cứu hiện đại, phù hợp với điều kiện nghiên cứu của Việt Nam. Trongkhi đó, nhiều luận văn tốt nghiệp thạc sĩ được đánh giá có hàm lượng nghiên cứu khoa học, ý nghĩa thực tiễn cao, có thể áp dụng triển khai vào hoạt động thực tế tại đơn vị nghiên cứu, sản xuất kinh doanh.

Về Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ, khoa đã kết hợp hiệu quả công tác đào tạo sau ĐH với công tác nghiên cứu khoa học của các giảng viên, cán bộ nghiên cứu của Học viện thông qua các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước, đề tài Nghị định thư, đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản của Quỹ khoa học công nghệ quốc gia, đề tài cấp Bộ TTTT, nhiệm vụ khoa học công nghệ của Tập đoàn VNPT...

Trở thành đơn vị giáo dục - đào tạo, nghiên cứu tiên tiến trên thế giới

Tại buổi Lễ, PGS. TS. Vũ Văn San, Giám đốc Học viện công nghệ BCVT cho biết với nhiệm vụ đào tạo sau ĐH, Khoa Đào tạo Sau ĐH đã làm rất tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của một trường ĐH đào tạo chuyên sâu về CNTT-TT; cung cấp nhiều cán bộ có trình độ Tiến sỹ và Thạc sỹ không chỉ cho ngành TTTT mà còn nhiều ngành quan trọng của đất nước. Nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý giỏi, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực BCVT, CNTT và Quản trị kinh doanh, một số tiến sĩ đã được phong chức danh Phó Giáo sư.

PGS. TS. Vũ Văn San, Giám đốc Học viện công nghệ BCVT

Qua từng giai đoạn phát triển, hoạt động đào tạo Sau ĐH của Học viện liên tục được đổi mới và là một minh chứng thuyết phục về sự phát triển, về quy mô, tầm vóc, uy tín và chất lượng đào tạo của Học viện. Hoạt động này phù hợp với những chuẩn mực đào tạo sau ĐH trên thế giới, đã và đang thu hút, tập trung, phát huy được sức mạnh tổng hợp từ các nguồn lực trong và ngoài Học viện, trong và ngoài nước, từ đó cung cấp cho xã hội một nguồn nhân lực mới có trình độ, chất lượng, năng lực và phẩm chất tốt, đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu ngành TTTT, phục vụ nhu cầu phát triển nhanh chóng và bền vững của đất nước.

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang đặt ra những thách thức mới, theo PGS. TS. Vũ Văn San đây cũng là vận hội mới cho các ngành công nghệ, kỹ thuật tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực ICT với những lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế số là: Trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (big data). Để chuẩn bị có những bước tiến nhảy vọt về công nghệ, các tổ chức Việt Nam cần sự đầu tư lớn cả về công nghệ và cả về nguồn nhân lực.

Giám đốc Học viện tin tưởng khoa sau ĐH sẽ khẳng định vị thế và vai trò của mình trong việc cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như ngành TTTT trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

Khoa Sau ĐH cần phải đặt mục tiêu phát triển trở thành một đơn vị tổ chức giáo dục - đào tạo, nghiên cứu theo mô hình đào tạo sau ĐH của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới, gắn kết đào tạo - nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế số, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển trong lĩnh vực TTTT và xã hội”, Giám đốc Học viện Vũ Văn San nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Học viện Công nghệ BCVT: 20 năm đào tạo sau đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO