Hơn 7.200 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp trong tháng đầu tiên thực hiện EVFTA

Ánh Dương| 04/09/2020 19:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 đã tạo ra những cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử,...

Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU đã cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (7 năm).

Nhờ Hiệp định EVFTA, hàng hóa xuất xứ Việt Nam sẽ nâng cao được lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa xuất xứ từ các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU.

Hơn 7.200 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp trong tháng đầu thực hiện EVFTA - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong vòng một tháng, kể từ ngày 1/8 đến hết 31/8 khi EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước thuộc EU. 

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là: Giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như: Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

Hơn 7.200 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp trong tháng đầu thực hiện EVFTA - Ảnh 2.

Các mặt hàng được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa chủ yếu là: Giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê...

Trên thực tế, số lượng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp và tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Trước quan ngại của một số doanh nghiệp xuất khẩu về việc màu nền trên C/O không đúng là màu xanh lá cây, có thể ảnh hưởng đến việc hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu vào một số thị trường EU, Bộ Công thương cũng đã trao đổi với đầu mối của EU về vấn đề này.

Ngày 31/8, phía EU đã có ý kiến phản hồi, theo đó, EU chấp nhận các C/O với màu nền hiện tại như mẫu mà Việt Nam đã thông báo tới EU. Việc này cũng đang được EU thông báo tới cơ quan hải quan các nước thành viên để đảm bảo các C/O theo mẫu hiện tại mà tổ chức cấp C/O của Việt Nam cấp cho doanh nghiệp sẽ không bị từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, triển khai những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ, nghiên cứu, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ...

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với EU để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi EVFTA.

Việc triển khai EVFTA diễn ra suôn sẻ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tính sẽ tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Trong một thập kỷ qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU đã phát triển nhanh chóng và hiệu quả.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thành viên EU (28 nước) đạt 56,39 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong năm ngoái.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 41,48 tỷ USD giảm 1% so với năm 2018 nhưng vẫn chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi nhập khẩu của Việt Nam là 14,91 tỷ USD, tăng 7,4%, chiếm 5,9% kim ngạch cả nước.

Như vậy, trong quan hệ thương mại với EU, nước ta đang có được mức xuất siêu đáng kể là 26,57 tỷ USD vào năm ngoái.

Trong 8 tháng đầu năm, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU ghi nhận ở mức 22,9 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hơn 7.200 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp trong tháng đầu tiên thực hiện EVFTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO