Kinh tế Internet Việt Nam, Indonesia tăng trưởng hai con số

Hoàng Linh| 10/11/2020 17:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Các nền kinh tế số ở Việt Nam và Indonesia đã đạt mức tăng trưởng hai con số bất chấp những sóng gió từ đại dịch Covid-19, trong khi đó Singapore giảm 24%.

Theo báo cáo Đông Nam Á e-Conomy năm 2020 của Google, Temasek và Bain & Co, nền kinh tế Internet của Việt Nam tăng trưởng 16%, đạt mức 14 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (Gross Merchandise Value - GMV), trong khi Indonesia tăng 11% đạt mốc 44 tỷ USD.

Tuy nhiên, nền kinh tế Internet của Singapore lại giảm khoảng 24% xuống còn 9 tỷ USD, từ 12 tỷ USD vào năm 2019. Điều này là do sự sụt giảm tới 70% của ngành du lịch trực tuyến nước này so với một năm trước, chiếm gần như một nửa GMV của nước này.

Các lĩnh vực khác trong nền kinh tế Internet của Singapore (không bao gồm du lịch) tăng trưởng trung bình khoảng 20% so với năm ngoái, chủ yếu được thúc đẩy bởi mức tăng đột biến 87% từ các doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử (TMĐT).

Theo báo cáo, Singapore sẽ vẫn là "nhân tố thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực", bất chấp sự sụt giảm GMV trong ngắn hạn vì nước này là nơi đóng trụ sở của nhiều kỳ lân, bao gồm Lazada và Sea. Điều này đã giúp Singapore trở thành một trung tâm khu vực cho nhiều lĩnh vực như công nghệ tài chính (fintech) và xây dựng một "hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ" .

Singapore đã ghi nhận 325 thương vụ trong nửa đầu năm 2020, với tổng giá trị thương vụ là 2,5 tỷ USD.

Nền kinh tế Internet của Singapore dự kiến sẽ đạt 22 tỷ USD vào năm 2025, trong khi nền kinh tế số của Indonesia dự kiến đạt 124 tỷ USD, tăng 23%. Philippines dự kiến sẽ có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) cao nhất là 30%, đạt 28 tỷ USD vào năm 2025.

Báo cáo cũng cho biết trong khu vực Đông Nam Á, người tiêu dùng, cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang áp dụng các dịch vụ tài chính số "chưa từng có".

Kinh tế Internet Việt Nam, Indonesia tăng trưởng hai con số - Ảnh 1.

Ảnh: AFP

Khoảng hơn 40 triệu người trong khu vực đã tham gia Internet trong năm nay trong bối cảnh giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, so với 100 triệu người lên mạng trong 4 năm trước đó. Điều này nâng tổng số người trực tuyến - vốn chỉ vào khoảng 260 triệu người cách đây 5 năm - lên 400 triệu người, chiếm 70% dân số khu vực.

Người tiêu dùng ngày càng dành nhiều thời gian trực tuyến hơn kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội, với thời gian trực tuyến trung bình cho mục đích cá nhân mỗi ngày là 4,7 giờ, nhiều hơn ít nhất 1 giờ/ngày so với trước đây.

Báo cáo cho biết với dân số lên mạng ngày càng tăng, nền tảng mạnh mẽ, nguồn cung trực tuyến và hệ sinh thái hỗ trợ rộng lớn hơn, triển vọng tổng thể dài hạn hiện đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhiều người dùng đã bắt đầu chuyển lên môi trường mạng để mua sắm thực phẩm, hàng tạp hóa, học từ xa, giải trí.

Tuy nhiên, cũng có những thách thức đối với các nước trong khu vực. Báo cáo cho biết nhân tài tiếp tục là một trở ngại quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế Internet, có thể bị kìm hãm do thiếu lao động có kỹ năng phù hợp.

"Có một nhu cầu cấp thiết và cơ hội để đào tạo lại (reskill) và nâng cao trình độ (upskill) cho người lao động để họ có thể tìm được việc làm trong các lĩnh vực Internet đang phát triển trong bối cảnh môi trường việc làm ngày càng khó khăn", báo cáo cho biết.

Cũng theo báo cáo, các yếu tố khác từng là trở ngại tiềm ẩn - truy cập Internet, lòng tin của người tiêu dùng, tài trợ, thanh toán và hậu cần - đã đạt được những tiến bộ đáng kể so với năm trước.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Internet Việt Nam, Indonesia tăng trưởng hai con số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO