Kinh tế thế giới năm 2020 vẫn tiếp tục “bấp bênh”

Bảo An| 20/03/2020 16:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2019 khép lại với nhiều mảng màu xám trên bản đồ địa chính trị thế giới. Bước vào năm 2020, vẫn còn đó nhiều bất ổn chưa được giải quyết, một loạt biến động chính trị trong năm bầu cử Mỹ, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, trừng phạt, nguy cơ chiến tranh mạng, cùng tính chất "khó lường" trong cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung khiến 2020 được dự báo là một năm nhiều rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.

Kinh tế thế giới vẫn bấp bênh

Theo dự báo của các tổ chức kinh tế lớn như: OECD, WTO, ECLAC, IMF, WB, ADB,... đều có nhận định chung: tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2020 tiếp tục suy giảm, bấp bênh bởi nhiều nguyên nhân, trong đó bao trùm nhất vẫn là thương chiến Mỹ - Trung kéo dài và ẩn chứa nhiều nguy cơ. Vì rằng, trên thực tế, 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã tác động đến thương mại của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia kinh tế, Mỹ và Trung Quốc khó có thể tiếp tục đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện trong năm 2020 bởi Trung Quốc sẽ khó chấp nhận cải tổ cơ cấu đất nước theo yêu cầu của Mỹ. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước hoàn tất sẽ có hiệu lực trong năm 2020 nhưng những bất đồng xung quanh việc diễn giải và thậm chí những tiềm ẩn căng thẳng leo thang quy mô nhỏ vẫn có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, dự báo trong năm 2020, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Âu cũng sẽ tạm đình trệ do bất đồng xung quanh vấn đề nông sản và Mỹ sẽ áp thêm thuế quan lên hàng hóa châu Âu. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (tháng 11/2020) sẽ có những tác động tới chính sách kinh tế của Mỹ từ đó ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế lớn khác.

OECD và IMF đều dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng giảm sút, nhưng mức tăng có sự khác nhau với 2,9% và 3,4% cho năm 2020. WTO sau khi hạ dự báo tăng trưởng thương mại năm 2019 xuống chỉ còn một nửa và dự báo năm 2020 là 2,7%, giảm so với mức 3% trước đó.

Đối với Mỹ Latinh ngày 11/11/2019, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên Hợp Quốc (ECLAC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực năm 2019 còn 0,1% và năm 2020 là 1,4%, bởi 17/20 quốc gia có tốc độ chậm lại. Với châu Á, ngày 11/12/2019, ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 5,2% cho cả 2 năm 2019 và 2020.

Trong khi đó, WTO dự báo tăng trưởng thương mại năm 2020 là 2,7%, giảm so với mức 3% trước đó. Tăng trưởng kinh tế ở Tây Âu sẽ đắm chìm trong khủng hoảng kinh tế. Brazil và Ấn Độ sẽ phải vật lộn cải cách cơ cấu hệ thống để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Điều đáng chú ý là, cả OECD và IMF đều nhận định kinh tế thế giới năm 2021 vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi với mức tăng chỉ là 3,0%, thậm chí, IMF cho rằng, "kinh tế thế giới đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ năm 2008 - 2009", còn Tổng Giám đốc WTO lại đánh giá triển vọng là "không mấy tươi sáng".

Đối với khu vực khác như Eurozone cũng tăng trưởng chậm lại. Theo đó, khu vực Eurozone năm 2020 chỉ tăng ở mức 1,4%, giảm 0,2% so với dự báo trước đó. Đức và Anh cũng bị điều chỉnh giảm xuống còn 1,2% và 1,4% trong năm 2020.

Trung tuần tháng 12, một tín hiệu được cho là "lóe sáng" khi việc Thủ tướng Anh Boris Johnson thắng lớn trong cuộc bầu cử ngày 12/12 dẫn tới có thể có "một Brexit trọn vẹn" - khi nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - cũng được coi là tín hiệu tốt cho kinh tế thế giới - ít ra là đối với châu Âu. Khi "luật chơi mới" được EU và nước Anh xác định rõ ràng sẽ tạo niềm tin cho thị trường chung. Tuy nhiên, những điểm sáng đó chưa thuyết phục được giới nghiên cứu kinh tế. Theo các nhà nghiên cứu kinh tế toàn cầu, năm 2020 vẫn sẽ nhọc nhằn chặn đà suy giảm trước đó.

Thêm vào đó, sự nổi lên của các ông lớn công nghệ với lượng dữ liệu khổng lồ có khả năng sẽ tái định hình công việc của thế giới trong năm 2020. Đấu trường trực tuyến có thể xem như một mặt trận khác trong các cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump khơi mào, sau khi ông đe dọa đánh thuế đối với hàng hóa của Pháp, vì Paris ban hành thuế kỹ thuật số đối với các "ông lớn" công nghệ đến từ Mỹ như Amazon, Facebook và Google. Châu Âu đang đe dọa sẽ có một đáp trả chung trong vấn đề này.

Kinh tế thế giới năm 2020 vẫn tiếp tục “bấp bênh” - Ảnh 1.

Khó lường kinh tế châu Á

Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á năm 2020 hiện vẫn ở mức yếu sau khi giảm tốc đột ngột từ năm 2019 cũng như chịu nhiều tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc. 

Trong suốt năm 2019, những đáp trả thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây xáo trộn lớn trong thương mại thế giới, làm phân hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghệ, thực phẩm... Dù sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại lợi ích ngắn hạn cho một vài nước, nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp cho tổn thất chung của khu vực.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tình trạng này sẽ kéo tăng trưởng khu vực xuống chỉ còn 3% trong cả năm 2019 và cải thiện đôi chút trong năm 2020.

Các chuyên gia cho hay tăng trưởng năm 2020 của cả khu vực châu Á sẽ là 4,2%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo năm 2019, nhưng thua xa tốc độ tăng trưởng 5% hồi năm 2017 và 4,8% của năm 2018. Riêng tăng trưởng GDP của Trung Quốc đối trọng trực tiếp trong cuộc thương chiến với Mỹ, được dự báo sẽ đạt "thủng đáy" 6% trong năm tới, cũng sẽ là mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Trong khi đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á nỗ lực lôi kéo những nhà sản xuất tháo chạy khỏi Trung Quốc để tránh cuộc chiến thương mại.

Malaysia, Thái Lan đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế dành cho các doanh nghiệp nước ngoài và Indonesia cũng cân nhắc biện pháp tương tự. Giới chuyên gia đánh giá động thái này có thể làm thay đổi mạng lưới chuỗi cung ứng ở châu Á.

Tốc độ tăng trưởng của 5 nền kinh tế lớn thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được dự báo tăng lên mức 4,2% trong năm 2020 từ mức 3,9% của năm 2019. 

Theo đó, tăng trưởng kinh tế Malaysia được dự báo giảm xuống 4,7% trong năm 2018 và 4,5% trong năm 2019 và xuống 4,3% trong năm 2020. Chuyên gia thuộc Ngân hàng đầu tư Malaysia, ông Wan Suhaimie of Kenanga dự báo tăng trưởng năm 2020 sẽ ở mức vừa phải xét đến nhiều yếu tố bất ổn bên ngoài.

Dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan được điều chỉnh giảm 0,5 điểm xuống 2,4%, giảm 1,7% so với năm 2018, mức dự báo của năm 2020 được điều chỉnh giảm 0,4% xuống 2,6%.

Đối với năm 2020, các chuyên gia kinh tế cho rằng yếu tố căng thẳng Mỹ – Trung Quốc, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại và nhiều rủi ro địa chính trị sẽ khiến cho nền kinh tế toàn cầu tiếp tục "ảm đạm và bấp bênh". Vì thế, giới chuyên gia cho rằng, an ninh kinh tế toàn cầu sẽ diễn biến hết sức phức tạp và sự bất ổn có thể còn kéo dài sang cả năm 2021 là có cơ sở.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế thế giới năm 2020 vẫn tiếp tục “bấp bênh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO