Làm sao để tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Nhật Bình| 24/09/2020 09:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Câu hỏi làm sao để tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 lên cao hơn đã được đặt ra tại hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử (eGov) lần thứ 15 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua.

Liên quan đến DVCTT, trong vai trò điều phối phiên tọa đàm cấp cao duy nhất của hội thảo, ông Trương Gia Bình, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cho rằng: "Từ tháng 12/2019 đến nay đã có sự tăng trưởng mạnh về số DVCTT. Nhưng câu hỏi đặt ra là đã có bao nhiêu % người dân tham gia?

Theo ông Bình, tỉnh Thừa Thiên - Huế được đánh giá cao trong việc thu hút người dân tham gia sử dụng các DVCTT, nhưng tỷ lệ là 1 vạn người cũng chỉ có 4 người sử dụng. Vậy làm sao để người dân sử dụng DVCTT nhiều hơn? Nước ta có 5 bộ và 22 địa phương đang triển khai DVC mức độ 4 dưới 10%. Làm sao để tăng tỷ lệ DVCTT mức độ 4 lên cao hơn khi Bộ TT&TT đang thúc đẩy đến năm 2021, 100% DVCTT tại Việt Nam sẽ được triển khai ở cấp độ 4.

Làm sao để tăng tỷ lệ DVCTT mức độ 4 lên cao hơn? - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự phần tọa đàm cao cấp tại hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử (eGov) lần thứ 15.

Liệu Việt Nam có thể đạt được tỷ lệ DVCTT cấp 4 ở mức cao không?

Trả lời cho câu hỏi nêu trên, các lãnh đạo cũng như chuyên gia tham dự buổi tọa đàm đã chia sẻ nhiều ý kiến khác nhau.

Theo ông Nguyễn Thành Lợi, Chuyên gia cao cấp phụ trách phát triển thanh toán trực tuyến, Văn phòng Chính phủ (VPCP): "Quan điểm xuyên suốt của VPCP là tập trung vào các DVC thiết yếu, đảm bảo cung cấp lên mức 3 - 4. Về CPĐT, nên đánh giá về mục tiêu, tăng số lượng hồ sơ trực tuyến thay vì tăng số lượng DVCTT. Có thể ít DVC nhưng hiệu quả cao".

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT: "Trong điều kiện hiện nay, cấp độ 3 cũng tốt, vì thanh toán trực tuyến là bước khó khăn, không chỉ là hạ tầng, mà làm sao để người dân, đặc biệt ở vùng khó khăn, tiếp cận được các dịch vụ này lại là rào cản lớn. Vì thế, nên lựa chọn các DVCTT nào phù hợp với cấp độ 4 thì làm trước.

Đối với ngành GD&ĐT, có những DVC đã có gần 100% giáo viên, học sinh tham gia sử dụng, ví dụ như việc đăng ký xét tuyển đại học đã có 600.000 thí sinh tham gia. Chúng ta nên rà soát các TTHC để lựa chọn cái nào làm ở cấp 4, cái nào làm ở cấp 3. Nói chung cần có tính khả thi, và thực tiễn. Nếu lấy người dân làm trung tâm để triển khai các DVCTT thì khả năng họ sẽ tham gia vào nhiều.

Đối với ngành Công Thương, theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương: "Hiện 99% hồ sơ được Bộ Công thương tiếp nhận là qua hình thức trực tuyến, đã có 1,5 triệu hồ sơ được giải quyết trên cổng DVCTT của Bộ".

Vẫn theo ông Hải, muốn nâng cao tỉ lệ DVCTT được triển khai ở cấp độ 4 thì cần chú trọng đến vấn đề trải nghiệm. Quan trọng là DN phải có trải nghiệm đầu tiên về DVCTT. Ví dụ với DVCTT có hồ sơ nhiều nhất tại Bộ Công thương là cấp giấy chứng nhận xuất xứ, Bộ đã ra văn bản nêu rõ: Nếu làm bằng hình thức giấy thì 8 tiếng sẽ có giấy chứng nhận, nhưng nếu làm qua hình thức trực tuyến thì tối đa 4 giờ là có. Trên cơ sở này, DN mới có động lực để tham gia DVCTT. Đồng thời, khi sử dụng hình thức trực tuyến, các đơn vị nên tận dụng công nghệ số để đơn giản hóa TTHC. Vì trải nghiệm của DN, người dân thấy hay, đem lại lợi ích cho họ thì họ sẽ dùng nhiều.

Tạo cho người dân thói quen tương tác với chính quyền

Liên quan đến vấn đề xây dựng CPĐT, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát triển 1 ứng dụng mà DVC là 1 phần trong đó. Người dân có nhiều vấn đề cần tương tác với chính quyền ngoài các DVC, ví dụ như phản ánh các vấn đề bức xúc, hay bất kỳ vấn đề gì, người dân đều có thể tương tác với chính quyền trên ứng dụng này và sẽ có cơ quan chức năng xử lý ngay các phản ánh này.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa thiên Huế cho biết: "Chúng ta phải tạo ra được thói quen sử dụng DVCTT cho người dân. Tại Thừa Thiên - Huế, người dân cài đặt ứng dụng nói trên ngày càng nhiều, hiện đã có 135.000 người sử dụng (tương đương 10% dân số địa phương). Làm sao mỗi năm có thêm vài chục phần trăm, hướng tới 100% dân số thành phố cài ứng dụng này, tạo cho họ thói quen, kênh tương tác với chính quyền. Trên cơ sở đó, DVC nào đã được triển khai tốt thì người dân sẽ sử dụng".

Ngoài thói quen, việc tập trung vào chất lượng thay cho số lượng DVCTT cũng là điều cần thiết để các dịch vụ này thu hút được nhiều người sử dụng hơn. Nếu tập trung vào chất lượng thì người dân sẽ có niềm tin, khi đã có niềm tin thì họ sẽ sử dụng nhiều hơn. Ví dụ như tại Thừa Thiên - Huế, không chỉ là xây dựng hạ tầng công nghệ, mà chính quyền còn tập trung xử lý các vấn đề phản ánh của người dân, của nội bộ cơ quan công quyền. Nếu người dân đưa ra ý kiến trên các DVCTT mà chính quyền không xử lý thì sau đó họ cũng sẽ không muốn sử dụng các dịch vụ này nữa.

Sáng kiến nào để người có trách nhiệm tích cực giải quyết các vấn đề trên không gian mạng

Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng thường xuyên nhấn mạnh đến các vấn đề như thay đổi nhận thức, nguyên tắc hoạt động của DVCTT v.v.. Hầu hết các địa phương, các Bộ đã và đang tập trung xây dựng chương trình chuyển đổi số để thực hiện triển khai mạnh hơn các DVCTT, trong khi Chính phủ đã yêu cầu các bộ ban ngành phải đẩy số lượng DVC mức 4 được triển khai lên mức tối đa có thể. Thế nhưng vẫn còn một số vấn đề liên quan đến DVCTT chưa được giải quyết.

Để tích cực giải quyết các vấn đề phát sinh trên DVCTT, các chuyên gia cho rằng, hai từ khóa, biết và trải nghiệm là quan trọng. Cụ thể, đó là người dân cần phải được biết thông tin, muốn người dân biết thì phải truyền thông. Trong khi đó, trải nghiệm DVCTT phải mượt mà và có ích thì người dân mới sử dụng.

Theo ông Nguyễn Thành Lợi, "Trên cổng DVCTT quốc gia đã có công cụ chung để người dân phản ánh về việc chậm trễ xử lý DVC, và đã có qui định về việc các cán bộ xử lý, sau bao nhiêu ngày phải có phản hồi các phản ánh của người dân. Ở VPCP có hệ thống theo dõi tình hình thực hiện công việc, xử lý văn bản... Đây là tiêu chí để đánh giá, và có thể chế tài giám sát việc thực thi công vụ của công chức".

Cuối cùng, khi hạ tầng kỹ thuật đã được triển khai tốt, các cổng DVCTT của các bộ, ngành, địa phương cũng cần phải công khai minh bạch tiến trình xử lý TTHC. Các cổng này cũng nên có phần phản ánh các vấn đề mà người dân mong muốn. Quy định của Chính phủ, và giải pháp kỹ thuật về các nội dung này đều đã có. Việc tổ chức thực hiện là do người đứng đầu, thực hiện nghiêm thì người dân sẽ tin tưởng để sử dụng DVCTT nhiều hơn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Làm sao để tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO