Làm thế nào để dẫn đầu chuỗi cung ứng với các công nghệ mới?

15/08/2019 16:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Gần 50% dân số châu Á sẽ sống ở các khu vực đô thị vào năm 2026, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng chưa phát triển. Và chắc chắn trách nhiệm duy trì chuỗi cung ứng hiệu quả không chỉ thuộc về các công ty giao hàng mà là toàn bộ chuỗi giá trị logistics. Là một trong những khu vực có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đón khoảng xấp xỉ 70% lưu lượng container trên toàn thế giới tại các cảng.

Điều này đã làm tăng thêm khó khăn trong việc quản lý chuỗi cung ứng phức tạp so với các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, bằng cách tận dụng sự hỗ trợ từ các chính phủ và nắm bắt các công nghệ thông minh hơn, các doanh nghiệp logistics vẫn có thể cải thiện tính minh bạch và hiệu quả trong các chuỗi cung ứng của họ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nước.

Số hóa để giảm bớt sự phân mảnh

Chúng ta đã thấy công nghệ phát triển và biến đổi nhiều ngành công nghiệp. Chuỗi cung ứng cũng không phải là ngoại lệ. Các hệ thống quản lý chuỗi cung ứng được biết đến trước đây thường tuyến tính và lưu trữ dưới dạng silo, không cho phép sự linh hoạt với nhu cầu liên tục thay đổi. Chuỗi cung ứng cần phải đủ nhanh nhạy để thay đổi, cũng như kết nối kỹ thuật số giữa các điểm đầu-cuối. Tuy nhiên, khu vực châu Á rất phân mảnh và các doanh nghiệp tại đây đang phải xoay sở với những thách thức phức tạp - như sự chênh lệch về kinh tế, địa lý và cơ sở hạ tầng, sự đa dạng văn hoá, sự khác biệt về ngôn ngữ và quy định của từng quốc gia. Nằm giữa những sự phức tạp này, công nghệ kỹ thuật số có thể giúp giải quyết sự thiếu hiệu quả hiện có và các vấn đề tiềm ẩn khác trong lĩnh vực logistics. Trước đây, các hệ thống cũ dựa vào các bên cung cấp bên thứ ba để hỗ trợ các kênh cụ thể. Điều này gây ra những lỗ hổng trong tầm nhìn và những thách thức trong tính nhất quán của dịch vụ. Số hóa sẽ là công cụ tạo nên sự khác biệt - bằng cách chuẩn hóa các quy trình, tăng cường khả năng hiển thị đầu-cuối và trao quyền cho tất cả các đối tác logistics để tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hoá giữa tất cả các quốc gia trong khu vực được liền mạch.

Không làm gì không phải là một lựa chọn

Nhận ra được sự phức tạp đến từ ngành công nghiệp logistics trong nước, các chính phủ cũng đang tiến hành công cuộc số hóa ở châu Á. Họ nhìn thấy cơ hội để bắt kịp với các thị trường đã phát triển, song song với khả năng tích hợp được các quy trình giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giữa doanh nghiệp với chính phủ (B2G). Có thể kể đến như Singapore, quốc gia với thế mạnh về hàng hải và là một trong những trung tâm logistics hàng đầu thế giới, đang tự nâng cấp với dự án siêu cảng Tuas, khai thác các công nghệ như máy bay và các phương tiện không người lái hay máy học với mục tiêu tăng gần gấp đôi khối lượng xử lý hàng hoá hiện tại đến năm 2040. Với GDP tăng trưởng nhanh chóng, dân số trẻ trung sôi động và sẵn sàng thích nghi với các công nghệ mới, thị trường logistics tại Việt Nam đang ở trong một giai đoạn quan trọng. Sự chuyển đổi nhanh chóng này mang đến áp lực lớn trong việc tiếp tục phát triển và duy trì cơ sở hạ tầng chất lượng cao, hỗ trợ các dịch vụ vận tải và logistics đáng tin cậy cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, logistics điện tử (e-logistics) sử dụng các công nghệ hiện đại và mạng lưới phân phối trung tâm được hình thành xung quanh các địa điểm là rất cần thiết. Trong khi cơ sở hạ tầng giao thông cũ và chi phí logistics cao đang trở thành thách thức, sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử (e-commerce) tại đây sẽ là nguồn cảm hứng để các start-up sở hữu các công nghệ tiên tiến phát triển và đáp ứng được nhu cầu về các dịch vụ logistics hiệu quả hơn, giữ tính cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực giao hàng chặng cuối và các dịch vụ giá trị gia tăng. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ cho ngành công nghiệp logistics, đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp bắt kịp xu hướng để tiến hành số hóa hoặc phải đối mặt với nguy cơ đánh mất cơ hội đẩy nhanh dịch vụ logistics từ đầu đến cuối.

Chuyển chuỗi cung ứng lên đám mây

Bằng việc đưa vào các ứng dụng đám mây cung cấp khả năng theo dõi các đơn hàng vận chuyển theo thời gian thực, bất kỳ tổ chức nào trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng - từ chuyển phát bưu kiện đến phân phối thực phẩm - đều có thể kiểm soát chặt chẽ các dữ liệu được thu thập để xác định các vấn đề tiềm ẩn, quản lý hàng tồn kho và chất lượng, sau đó thông báo cho các nhà cung cấp khi có bất kỳ vấn đề nào nảy sinh. Một ví dụ điển hình là là tập đoàn logistics và vận chuyển toàn cầu Transworld. Tập đoàn đã hợp tác với Oracle để tạo ra một nền tảng công nghệ tích hợp trên đám mây nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vận tải và logistics trong hệ thống, và trên hết là để mang đến trải nghiệm khách hàng tuyệt vời hơn. Bên cạnh đó, các công nghệ thông minh đang giúp các nhà sản xuất tối ưu khả năng phân bổ nguồn lực. Chẳng hạn như doanh nghiệp Siam Brothers Việt Nam, đơn vị sản xuất hàng đầu về dây thừng và lưới phục vụ trong ngành đánh bắt thuỷ hải sản, vận tải biển và nông nghiệp, đã sử dụng Đám mây Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP Cloud) của Oracle để kiểm soát chi phí hoạt động rõ ràng hơn theo thời gian thực, từ đó, hỗ trợ tốt hơn cho việc hoạch định nguồn lực của công ty. Ngoài ra, các giải pháp đám mây đóng vai trò then chốt trong việc áp dụng các công nghệ mới nổi như Trí tuệ Nhân tạo (AI), Máy học và công nghệ rô-bốt, những công nghệ đang thúc đẩy các chuỗi cung ứng hoạt động chặt chẽ và hiệu quả hơn. Công nghệ AI và máy học có thể khai thác thêm dữ liệu được thu thập bởi các cảm biến Vạn vật Kết nối Internet Công nghiệp có khả năng giúp định vị, quản lý và kiểm soát các container và đội tàu vận chuyển từ xa, cho phép các doanh nghiệp tiếp cận ngay lập tức với lượng thông tin trong thời gian thực ở mức độ chưa từng có và xuyên suốt chuỗi cung ứng hiện đại.

Chuỗi cung ứng năng động trong một thế giới đám mây

Không thể phủ nhận rằng tương lai của quản lý chuỗi cung ứng là siêu kỹ thuật số (Hyper digital). Là nhà của hơn tám trong số 20 nền kinh tế hàng đầu toàn cầu vào năm 2050 với thị trường thương mại điện tử và di động dự kiến đạt 1.6 nghìn tỷ USD vào năm 2021, khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động cần phải chuyển chuỗi cung ứng lên đám mây để duy trì sức cạnh tranh trong lĩnh vực logistics. Tất cả “người chơi” trên toàn bộ chuỗi cung ứng - từ nhà bán lẻ điện tử ở tuyến đầu đến nhà cung cấp dịch vụ logistics cuối cùng - phải tận dụng đám mây để dễ dàng truy cập vào các công nghệ mới bao gồm Trí tuệ Nhân tạo, Máy học, Vạn vật Kết nối Internet và rô-bốt để cải thiện hiệu quả hoạt động, tự động hóa quy trình, trao quyền cho nhân viên, xây dựng lòng trung thành của khách hàng và góp phần vào một xã hội tốt đẹp hơn.

Nikhil Parambath, Giám đốc Mảng Ứng dụng, Khu vực các Nền kinh tế đang Phát triển tại Nam Á của Oracle

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Làm thế nào để dẫn đầu chuỗi cung ứng với các công nghệ mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO