Lê Anh Đạt và một lối đi riêng

Nguyễn Nhàn| 29/04/2020 20:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Với lối viết sâu sắc, triết lý và đầy tình cảm, những cuốn sách của nhà báo Lê Anh Đạt luôn gây được hiệu ứng mạnh từ bạn đọc và có đời sống sau xuất bản rất phong phú. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh về công việc viết sách, về những lối đi riêng trong nghề viết.

PV: Với cuốn sách "Người đi trong bão", tại sao anh lại có ý định tập hợp những bài báo thành sách?

Những bài báo tôi viết được tập hợp ở cuốn sách này đều có thể nói là độc quyền bởi các nhân vật được phản ánh có mối quan hệ "đặc biệt" với tôi. Có nhân vật là đồng nghiệp gắn bó cả chục năm, có nhân vật tôi gặp gỡ theo dõi một thời gian rất dài, chứng kiến bao thăng trầm của họ. Tôi không thể viết một cách sâu sắc, đầy xúc cảm nếu đó là nhân vật vãng lai, bất chợt gặp trong quá trình làm nghề của mình.

Lê Anh Đạt và một lối đi riêng - Ảnh 1.

Nhà báo Lê Anh Đạt

Bên cạnh đó, những vấn đề được phản ánh trong sách là ở những thời điểm nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của xã hội, với những luồn dư luận khác nhau, có người hiểu đúng, nhưng cũng có không ít người hiểu chưa đầy đủ. Tôi đã phản ánh cách chân thực sự vật, hiện tượng và góp phần định hướng dư luận trong bối cảnh thông tin có những nhiễu loạn.

Viết về những vấn đề vốn nhạy cảm, gai góc, tôi dường như đã thế chấp sinh mạng chính trị để cho ra đời cuốn sách, vì tôi muốn sách không chỉ dừng lại ở những bài báo "nổi trôi" theo dòng sự kiện mà đồng hành cùng độc giả ở những góc suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời.

PV: Theo anh, tâm thế của người viết sách khác với tâm thế của người viết báo như thế nào?

Đặc điểm của báo chí là giải quyết phần lớn các vấn đề thông tin ở thời điểm hiện tại, tuổi thọ tác phẩm không dài. Sách thì có độ bền của thông tin, tác giả phải chịu trách nhiệm với những gì viết ra, thể hiện góc nhìn không chỉ ở thời điểm hiện tại.

Tôi luôn nhìn nhận sự kiện dưới góc độ của giá trị sống, thân phận con người. Bởi vì hơn hết, đó là điều còn lại sau những thăng trầm giông bão của cuộc đời. Ví như bài viết về nhà báo Trần Đình Chính (công tác tại Báo Nhân Dân, tác giả bài thơ "Ở hai đầu nỗi nhớ" được Phan Hùy Điểu phổ nhạc) sau khi bán bản quyền bài thơ với giá 300 triệu đồng để lấy tiền chữa bệnh lúc cuối đời được chính anh Chính ví tình cảnh đó như "Lão Hạc bán chó", thì nó là thông tin bài báo phản ánh những vấn đề bạn đọc quan tâm về số phận của một nhà báo lúc đó. Nhưng khi xuất bản thành sách, bài viết về anh Trần Đình Chính lại nói lên số phận cuộc đời một con người trong một chủ đề tư tưởng chủ đạo của quyển sách là những thân phận, số phận con người. Câu chuyện của anh Chính nhắc nhở con người trân quý sức khỏe và yêu thương những người bên cạnh mình ngay và luôn, không chờ đợi.

Nhà báo Lê Anh Đạt, Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Gia Đình Việt Nam; Nguyên Ủy viên BCH TƯ Đoàn, Ủy viên BBT, Phó Tổng TKTS Báo Tiền Phong; Nguyên Phó Tổng Thư ký báo Lao Động; Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn kết.

Sức nặng của một bài báo là giá trị của thông tin, còn sức nặng của một cuốn sách là tri thức. Trách nhiệm của người viết sách lớn hơn về khả năng dự đoán với tâm thế là năm năm, mười nằm trong sự xét lại. Người viết phải đặt vào trang viết một trách nhiệm cả đời.

Sau cuốn "Người đi trong bão" được xuất bản là tập hợp những bài báo thì cuốn sách tiếp theo "Bão lòng" hoàn toàn là bản thảo sách xuất bản lần đầu tiên. Không chịu áp lực về thời gian và tính thời sự như khi viết báo, cuốn sách "Bão lòng" được viết bằng những trải nghiệm về cuộc đời, về con người. Những suy ngẫm, chiêm nghiệm trong đó là sự tĩnh tâm và tâm huyết của người cầm bút.

PV: Với anh công việc viết sách của mình gặp những khó khăn và thuận lợi gì?

Một nhà báo với nhiều năm làm nghề, được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều cảnh đời là những trải nghiệm quý giá. Tính chất nghề nghiệp cũng khiến mình luôn đối diện với những vấn đề lớn của xã hội, thời cuộc. Chất liệu viết vì thế cũng được tính chất nghề nghiệp bồi đắp theo những ngày tháng làm nghề. Đó chính là yếu tố thuận lợi cho việc viết sách.

Về khó khăn chung đối với người viết sách bây giờ đó là sự lên ngôi của các thiết bị cầm tay, người đọc bị cuốn hút và bị phân tâm trước nhiều luồng thông tin khác nhau. Vì vậy, sản phẩm của người viết phải có tính cạnh tranh rất cao nếu không sẽ khó đến được với bạn đọc cũng như khó được bạn đọc lựa chọn. Nếu người viết không có bạn đọc riêng, không có lối đi riêng thì khó tạo ra động lực để viết và khó phát hành sách.

Ngày trước sự lựa chọn của người đọc là không nhiều. Nhưng bây giờ với sự bùng nổ của công nghệ số, các phương tiện nghe nhìn, bạn đọc ở giữa vô vàn sự lựa chọn, thậm chí là "lạc" giữa rừng thông tin. Thêm vào đó là sự xuất hiện nhiều phương thức thông tin với tính cạnh tranh rất cao về độ nóng, mới, nên muốn mang lại điều gì mới, lạ cho bạn đọc là không dễ dàng. Qúa nhiều sự lựa chọn, và sách là 1 trong nhiều lựa chọn đó, nên khiến độc giả sao nhãng ít nhiều với việc đọc sách.

Tuy nhiên, trong khó khăn ấy, bạn đọc lại có xu hướng đi tìm sự chuẩn mực và sâu sắc ở những bài viết mang tính quan điểm, nhận định với những thông tin chính xác, tin cậy và sách là một trong những lựa chọn tốt nhất. Thêm vào đó, thói quen đọc sách truyền thống của nhiều người vẫn được duy trì với những niềm vui khi lật giở những trang sách, thư thái với mùi thơm của giấy như một vật quen thuộc gắn bó với đời sống tinh thần, đời sống tri thức. Chính vì vậy, đó cũng là một động lực và là thuận lợi của người viết sách.

PV: Là một nhà báo viết sách không nhiều nhưng anh lại được biết đến như một tác giả có nhiều fan hâm mộ, sau khi sách ra đời, những tương tác nào với bạn đọc khiến anh đáng nhớ nhất?

Cả hai cuốn sách "Người đi trong bão"và"Bão lòng" đều có đời sống sau xuất bản cực kỳ thú vị. Mình nghĩ rằng đó là trải nghiệm đáng quý bất cứ với một người viết sách nào.

Với cuốn sách "Người đi trong bão", ngay khi còn là những bài báo đã được bạn đọc tương tác mạnh mẽ, đôi khi là rất rát. Ví dụ những vấn đề liên quan ông Võ Kim Cự, về Fomosa thời điểm các bài báo xuất bản là cực kỳ nóng bỏng, nhạy cảm và dư luận là dữ dội. Mình đã có nhiều đêm mất ngủ để cân nhắc từng từ khi viết ra. Rất may, bên mình có những bạn đọc lớn họ chia sẻ liên tục khi các bài báo xuất bản. Những điều đúng, nên làm và có ý nghĩa xã hội từ bài báo đến một cuốn sách từ ấy mà có động lực để thực hiện. Sự khách quan trong phản ánh khiến cho những trang viết vì thế mà gây được nhiều hiệu ứng từ bạn đọc. Nhiều doanh nhân thành đạt ở trong nước và nước ngoài đặt mua sách, sách có tốc độ phát hành khá ngạc nhiên và đã tái bản lần thứ ba. Đó là một niềm vui của người viết.

Đối với "Bão lòng", như mình đã chia sẻ ở lời mở đầu là "rút ruột để viết ra". Bản thân các bài viết (có những bài đã đăng trên trang cá nhân) có sự tương tác với bạn đọc thông qua mạng xã hội, từ đó mình đã hoàn thiện hơn thêm nhiều về những ý nghĩa được viết ra sau mỗi chia sẻ. Nhưng khi sách được xuất bản thì đời sống tương tác đối thoại với độc giả mới thực thú vị.

Có cô giáo inbox qua hộp thư đặt mua sách để tặng cho học trò của mình, vì sách rất gần gũi với các em. Rồi khi sách đến được tay các em thì các em chủ động lập nhóm để hỏi về những khúc mắc của cuộc sống. Mình cẩn thận trả lời từng thắc mắc cho các em. Từ đây, giữa người viết và độc giả lại có một mối tương giao đầy đồng cảm. Mình vui, vì ít ra mình đã được đồng hành cùng nỗi niềm nhiều em nhỏ, trước ngưỡng cửa quan trọng của một đời người.

Rồi tâm sự của một người tật nguyền về giá trị và ý nghĩa thức tỉnh của cuốn sách mà bạn ấy ngộ ra khiến mình xúc động. Thậm chí có nhiều độc giả còn chỉ ra những lỗi chính tả, những điều chưa hợp lý để chỉnh sửa cho cuốn sách hoàn hảo cho lần sau. Hơn tất cả, những tương tác với mình với bạn đọc là sự chân thành, thoải mái và vì thế những hiệu ứng tích cực mà cuốn sách mang lại không ngừng lan tỏa, mình thấy hạnh phúc về điều này.

PV: Thông điệp chính mà anh muốn gửi gắm trong các cuốn sách của mình là gì?

Điều gì có ích, tốt đẹp cho xã hội thì mình sẽ cố gắng thực hiện. Những cuốn sách mà mình viết ra với hy vọng giúp mọi người sống bình tĩnh hơn, truyền tải nhiều thông điệp yêu thương hơn. Mình sẽ thực hiện nó như là sứ mệnh trong nghiệp viết của mình. Sức mạnh của yêu thương, của tình yêu là nhiệm màu, ví như một tình yêu đôi lứa có thể hóa giải hận thù giữa hai dòng họ, hàn gắn sự chia cắt của một đất nước, làm lay động con tim của những nhà cầm quyền hay những người hoạch định chính sách. Chỉ có tình yêu mới làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thông qua những trang viết, mình muốn gửi gắm đến người đọc thông điệp rằng quy luật của cuộc sống là hạnh phúc song hành cùng đau khổ. Đau khổ càng lớn thì hạnh phúc càng đáng trân quý. Khổ đau cũng là một phần của cuộc sống, vì vậy hãy dũng cảm đối diện, hóa giải để vượt qua.

Mong rằng giữa những bộn bề của cuộc sống, cuốn sách nhỏ bé của mình sẽ góp phần tác động đến sự lựa chọn thái độ sống, lời nói, hành vi trong những yêu thương. Hạn chế những lời nói cay nghiệt, hạn chế hành vi cáu gắt và năng lượng tiêu cực.

PV: Kế hoạch viết sách tiếp theo của anh là gì?

Mình cố gắng mỗi năm sẽ ra một cuốn sách. Năm nay mình đang có kế hoạch ra cuốn sách về chủ đề tình yêu và hôn nhân. Đấy là đề tài có nhiều câu chuyện và động chạm đến hoàn cảnh nhiều người.

Người ta thường nói, "Hôn nhân điền thổ vạn cổ chi thù". Có rất nhiều người lạc lối trong đau khổ của hôn nhân mà không tìm được lối ra. Có rất nhiều bi kịch và hoàn cảnh đặc biệt từ chính mối quan hệ tình yêu, hôn nhân. Người ta đã ứng xử, nhìn nhận và thích nghi với mối quan hệ này như thế nào và nên thực hành những hành vi tích cực nào để cùng vun đắp cho mối quan hệ ấy được tốt đẹp. Cuốn sách hứa hẹn trình làng bạn đọc những câu chuyện thú vị về đời thường mà nhiều người sẽ tìm thấy mình trong đó. Họ cũng sẽ tìm thấy lời giải cho những bế tắc nếu có trong hiện trạng mà họ mắc phải. Hy vọng rằng, đứa con tinh thần này sẽ được đón nhận.

Xin trân trọng cảm ơn anh!                                               

(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lê Anh Đạt và một lối đi riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO