Lèo lái công ty vượt qua 2 cuộc suy thoái, tôi đã học được cách đưa ra quyết định khó nhất đời mình: Tàn nhẫn đến đâu cũng phải có tình người

Ngọc Hà| 19/04/2020 18:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Lời khuyên từ một người đã phải tự tay cắt giảm rất nhiều nhân viên qua 2 đợt suy thoái của thập kỷ trước.

Tuần thứ hai của tháng 10/2008 là khoảng thời gian đau đớn và đầy cảm xúc nhất trong sự nghiệp của tôi. 

Với tư cách là COO của Zillow, tôi đã dẫn 50 nhân viên công ty đến một phòng hội thảo bên ngoài. Chúng tôi chuẩn bị sa thải họ - khoảng 1/4 số lao động. Cuộc khủng hoảng đã tác động nặng nề tới chúng tôi, đội ngũ quản lý chỉ còn cách tin vào trực giác và lời khuyên của các nhà đầu tư tại Benchmark Capital và TCV: cắt giảm thật sớm và sâu. 

Để mở một con đường thoát thân. Để bảo toàn tiền mặt. Để tồn tại. 

Tôi biết chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định khó khăn này nếu muốn đảm bảo Zillow còn tiếp tục phát triển sau này. 

Đây là kịch bản mà mọi CEO trên thế giới đều ghét cay ghét đắng, nhưng sẽ trở thành sự thực khi nền kinh tế bị tổn thất nặng nề vì Covid-19. Các quỹ đầu tư mạo hiểm tiếp tục cảnh báo cho các công ty chuẩn bị sẵn cho một giai đoạn suy thoái kéo dài. Các nhóm lãnh đạo tại các công ty lớn và nhỏ đang họp bàn để đưa ra quyết sách tiếp theo.

Tôi đã dẫn dắt các công ty vượt qua 2 đợt khủng hoảng lớn. Đầu tiên là Hotwire sau sự kiện 11/9/2001. Thứ hai là Zillow trong cuộc suy thoái kinh tế năm 2008. Dù nguyên nhân khủng hoảng là gì, những nguyên tắc cơ bản trong việc chuẩn bị cho một đợt suy thoái kéo dài cũng giống như những nguyên tắc cơ bản trong việc cắt giảm nhân viên một cách giàu tình người.

Trong vài tuần hay vài tháng tới, tôi dự đoán các công ty sẽ phải sa thải 10-20% số nhân viên của mình. Một số nơi đã cho lao động nghỉ phép, nhưng những đợt cắt giảm thực sự vẫn còn ở phía trước. Suốt hơn 10 năm nay, các công ty đã thuê một số lượng lớn lao động, đủ để họ sa thải 10% mà không gây tác động gì lớn đến công ty. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các công ty được phép xem nhẹ thiệt hại về người mà quyết định cắt giảm nhân sự gây ra. Họ phải xử lý vấn đề này một cách khéo léo và tử tế.

Là một người có nhiều kinh nghiệm đau thương về chủ đề này, tôi có vài lời khuyên như sau.

Lèo lái công ty vượt qua 2 cuộc suy thoái, tôi đã học được cách đưa ra quyết định khó nhất đời mình: Tàn nhẫn đến đâu cũng phải có tình người - Ảnh 1.

1. Cắt giảm nhân viên trong một lần

Việc cắt giảm nhân viên từng đợt một và thông báo tin tức nhỏ giọt sẽ chỉ khiến mọi người trong công ty mất dần tinh thần làm việc. Vì thế, hãy tập hợp tất cả những người bạn định cắt giảm và thông báo trong một lần. 

Đây là điều chúng tôi đã làm tại Zillow và Hotwire. Nó giúp cho các nhân viên ở lại cảm thấy an toàn hơn, can đảm hơn để tiếp tục công việc và tiến về phía trước. 

Tại Zillow, chúng tôi còn cho phép những nhân viên từng bị cắt giảm trở lại làm việc nếu công ty bắt đầu được một đợt tuyển dụng mới.

2. Đối xử với những lao động bị cắt giảm một cách hào phóng nhất có thể, trong khả năng chi trả của công ty

Việc cắt giảm là rất quan trọng, nhưng việc bạn đối xử với họ bằng tất cả sự chân thành và tôn trọng cũng cần thiết không kém. Nếu có thể, hãy hỗ trợ họ tìm một công việc mới, hoặc ít nhất cũng nên lập một danh sách nhân sự bị ảnh hưởng rồi gửi nó cho quỹ đầu tư mạo hiểm của bạn, nhờ họ điều phối giúp. 

Tôi đã thấy nhiều công ty làm rất tốt việc cung cấp thông tin về các nhân viên bị cắt giảm (tất nhiên là với sự cho phép của họ).

3. Kéo dài thời gian thực hiện quyền chọn mua cổ phiếu cho các nhân viên bị ảnh hưởng

Đây là một điều quan trọng mà bạn có thể làm được cho những nhân viên này. Hầu hết các kế hoạch chọn mua cổ phiếu đều yêu cầu nhân viên phải thực hiện quyền trong vòng 30-90 ngày sau khi nghỉ việc. Tuy nhiên, nếu làm vậy, họ sẽ phải đóng thuế ngay lập tức. 

Ở Hotwire và Zillow, chúng tôi gia hạn thời gian thực hiện quyền lên tới 2 năm. Những nhân viên bị cắt giảm sẽ biết ơn điều này vô cùng, nhưng bạn cũng nên nói với những người ở lại rằng đây là cách mà bạn nhượng bộ. Điều này sẽ giúp bạn lấy lòng họ.

Lèo lái công ty vượt qua 2 cuộc suy thoái, tôi đã học được cách đưa ra quyết định khó nhất đời mình: Tàn nhẫn đến đâu cũng phải có tình người - Ảnh 2.

4. Hỏi ý kiến nhân viên xem họ muốn rời đi hay ở lại

Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc cắt giảm, bạn cần phải nói chuyện với người lao động. Bạn sẽ không muốn rơi vào tình trạng giữ nhầm người muốn ra đi trong khi sa thải người muốn ở lại. Vì thế, trong quá trình chuẩn bị cho việc cắt giảm, hãy cho nhân viên quyền được lựa chọn ở lại hay ra đi. Tại Zillow và Hotwire, một số người đã chọn phương án cắt giảm.

5. Một khi việc cắt giảm đã được thông báo, hãy sử dụng cuộc họp đầu tiên để lên dây cót tinh thần cho những lao động ở lại

Hãy bày tỏ rằng đây là một quãng thời gian khó khăn và đầy bất trắc, thật tệ khi phải nói lời chia tay bạn bè và đồng nghiệp. Tuy nhiên, hãy nói với họ sự thật: quyết định khó khăn nhất đã được đưa ra và bạn sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo công việc cho họ trong thời gian tới. 

Một ngày nào đó nhìn lại, bạn sẽ thấy đây là khoảnh khắc quyết định trong sự nghiệp của mình. Mọi thứ rồi cũng sẽ qua đi.

6. Suy thoái không phải là tin hoàn toàn xấu

Bạn vẫn có thể xây dựng một công ty tuyệt vời ngay cả trong tình hình khó khăn như thế này. Cả Zillow và Hotwire đều đã tăng trưởng nhờ một số thay đổi diễn ra trong các cuộc khủng hoảng trước đây. Đó là bởi vì khi kinh tế bị gián đoạn, hành vi và thói quen buộc phải thay đổi, cho phép những nhân tố mới tham gia, những lĩnh vực mới phát triển. 

Giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ này sẽ làm thay đổi động lực kinh doanh theo nhiều hướng khác nhau. Điều đó có thể khó khăn, bất ổn và đầy đáng sợ, nhưng cũng chứa không ít những cơ hội to lớn.

Bài chia sẻ của Spencer Rascoff - sáng lập viên kiêm cựu CEO của Zillow Group, công ty cơ sở dữ liệu bất động sản trực tuyến tại Mỹ.

(Theo Medium)

Lèo lái công ty vượt qua 2 cuộc suy thoái, tôi đã học được cách đưa ra quyết định khó nhất đời mình: Tàn nhẫn đến đâu cũng phải có tình người - Ảnh 3.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lèo lái công ty vượt qua 2 cuộc suy thoái, tôi đã học được cách đưa ra quyết định khó nhất đời mình: Tàn nhẫn đến đâu cũng phải có tình người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO