Liệu Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu 90% giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt?

Đoàn Thị Yến, Trịnh Hồng Hải| 10/07/2019 20:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Sẽ mất nhiều thời gian nhưng chắc chắn, Việt Nam sẽ hiện thực hóa được mục tiêu này. Các nhà cung cấp ví điện tử Việt Nam đang có những động thái để giành thu hút người dung trên cả nước.

Trong những năm vừa qua, người tiêu dùng tại Hà Nội đã áp dụng những cách thanh toán mới cho việc mua sắm của mình. Ở một số nơi trong thành phố, người dân không còn cần tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng thông thường. Tản bộ xuống phố Nguyễn Hữu Huân, nơi được biết đến với các cửa hàng cà phê nổi tiếng và bạn sẽ thấy nhiều khách hàng thanh toán hóa đơn bằng điện thoại thông minh sử dụng cách quét mã QR.

Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tờ rơi và bảng hiệu đầy màu sắc của các ví điện tử phổ biến như Moca và Momo xuất hiện dày đặc trên các mặt tiền cửa hàng. Đây là một dấu hiệu cho thấy người dân thành thị Việt Nam đang áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhưng thực tế này mới chỉ xuất hiện ở hai thành phố lớn. Nhìn chung, gần 90% giao dịch trên toàn quốc vẫn sử dụng tiền mặt. Chính phủ Việt Nam đã cởi mở về ý định của mình để đảo ngược thực tế này. Năm 2017, chính phủ đã quyết định thực hiện các biện pháp nhằm giảm các giao dịch tiền mặt xuống chỉ còn 10% vào năm 2020, cho phép sự thay thế của các phương thức kỹ thuật số. Đó là một kế hoạch đầy tham vọng, nhưng có lý do chính đáng để tin rằng mục tiêu này có thể đạt được tại một thời điểm nào đó trong tương lai gần.

Khoảng 2/3 dân số Việt Nam có kết nối trực tuyến và đến năm 2018, 72% dân số đã sở hữu điện thoại thông minh. Thương mại điện tử đã phát triển với tốc độ chóng mặt từ 25 đến 30% trong những năm gần đây với một tầng lớp trung lưu đang phát triển sẵn sàng nhấp và chi tiêu. Tất cả các dấu hiệu đã chỉ ra tiềm năng đáng chú ý của Việt Nam trong vấn đề giao dịch không dùng tiền mặt.

Sự cạnh tranh khốc liệt

Với những điều kiện trên, các công ty fintech đã mọc lên như nấm ở Việt Nam để nắm bắt thị trường, đặc biệt là thanh toán điện tử. Hiện tại, các phần mềm đều miễn phí, với khoảng 35 công ty khởi nghiệp và nền tảng cung cấp thanh toán kỹ thuật số trong nước, tạo thành phần lớn nhất trong số các phân khúc fintech. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp phép cho 29 nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian và 27 nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử.

Một vài người chơi trong thị trường ví điện tử được biết đến nhiều hơn. Momo là công ty Việt Nam đầu tiên được biết đến trong số 100 công ty fintech hàng đầu và đã huy động 100 triệu USD từ Warburg Pincus vào tháng 1. ZaloPay là một phần của VNG. Moca đã thành lập quan hệ đối tác với Grab. ViettelPay được phát triển bởi nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và di động lớn nhất Việt Nam – tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Nhưng vẫn còn cơ hội cho những doanh nghiệp khác nhảy vào. Theo thống kê trích dẫn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: trong tổng số gần 96 triệu người dân Việt Nam, chỉ có khoảng 4.2 triệu người sử dụng ví điện tử được chứng thực.

Trong khi đó, các công ty fintech đang gấp rút chuyển đổi, không chỉ những người có thu nhập trung bình ở khu vực thành thị, mà còn hơn một nửa dân số không có quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, giáo sư tài chính và chuyên gia fintech tại Đại học Kinh doanh và Quản lý - Đại học RMIT tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hơn 20 ví điện tử cần phải xây dựng hệ sinh thái phù hợp để chiến thắng trong thị trường thanh toán điện tử khốc liệt. Khi chúng ta nhìn vào sự thành công của AliPay và WeChat Pay tại Trung Quốc, chúng ta có thể xác định rõ ràng hệ sinh thái đang mở rộng của họ là động lực chính để thành công”.

Ông Bình cho biết thêm: để đạt được điều này, các nhà cung cấp ví điện tử cần thu hút đủ nguồn vốn để mua hoặc sáp nhập với các nhà cung cấp khác. Điều này gần đây đã được nhìn thấy, thể hiện qua việc VinID, được sự hỗ trợ của tập đoàn Vingroup - mua lại MonPay, cũng như việc sáp nhập Vimo và mPOS vào NextPay trong Tập đoàn NextTech.

Niềm tin của người tiêu dùng

Bất chấp những nỗ lực từ trên xuống ở Việt Nam đối với thanh toán điện tử, và một loạt các nền tảng sẵn sàng biến thanh toán điện tử trở thành xu hướng, người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích sử dụng tiền mặt. Để giành được sự quan tâm và niềm tin của người tiêu dùng, có thể mất một thời gian nữa.

Ông Ngô Anh Tuấn, phó giám đốc công ty dịch vụ tài chính địa phương VNPAY, đã cho biết trong một sự kiện gần đây tại Hà Nội để quảng bá du lịch trực tuyến khi sử dụng thanh toán không tiền mặt: “Thị trưởng fintech bây giờ giống như thị trường đi xe ôm công nghệ cách đây vài năm, và đó là cách chúng ta có thể thay đổi thói quen của người tiêu dùng”.

Momo, được coi là ví điện tử phổ biến nhất Việt Nam, tuyên bố rằng họ đã thành lập một mạng lưới 100.000 cửa hàng trong nước. Nguồn tài trợ mới nhất của công ty đã giúp Momo có thể mở rộng phạm vi ra cả nước.

Một trong những đối thủ đáng chú ý của Momo, là Moca, hợp tác với Grab vào tháng 9 năm 2018, khiến nó trở thành một trong những ứng dụng hàng đầu trong không gian ví điện tử. Ngoài Grab, Moca tuyên bố có 1.500 đối tác thương gia tại Hà Nội và 2.000 đối tác khác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trần Thanh Nam, đồng sáng lập và CEO của Moca, tin rằng việc chấp nhận và sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt có liên quan đến “thói quen và niềm tin”, và đây là vấn đề mà các nhà cung cấp ví điện tử ở Việt Nam phải giải quyết. Ông cho biết: “Chúng tôi tin rằng người Việt Nam đã sẵn sàng với việc thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là các giao dịch nhỏ và thường xuyên, nếu công nghệ phù hợp với nhu cầu hàng ngày của họ. Những gì chúng ta cần làm là làm phong phú hệ sinh thái thanh toán của mình và tạo ra nhiều trường hợp sử dụng hơn, để người tiêu dùng thấy rằng thanh toán không dùng tiền mặt đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều”.

Sự giúp đỡ từ chính phủ

Tại một hội nghị chào mừng Ngày không tiền mặt Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã được truyền thông dẫn lời cho biết rằng: Các nhà cung cấp dịch vụ fintech không được tập trung vào lợi nhuận ngay từ đầu, vì họ cần cố gắng thu hút nhiều người dùng hơn để họ từ bỏ thói quen sử dụng tiền mặt.

Bám sát cam kết năm 2020 của mình, chính phủ Việt Nam cũng đang đặt nền móng để hỗ trợ cho việc chuyển đổi sang các giao dịch không dùng tiền mặt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang soạn thảo một bộ điều chỉnh quy định cho các công ty fintech để thử nghiệm các công nghệ mới. VNPT và Viettel, hai trong số các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn của đất nước, cũng đã được bật đèn xanh để khám phá việc triển khai tiền điện thoại di động, có khả năng được chuyển giữa người dùng di động, ngay cả những người không có điện thoại thông minh.

Giáo sư Bình tại Đại học RMIT tin rằng chính quyền cũng có thể giúp đỡ để tạo điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách cho phép ví điện tử tách rời khỏi tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, yêu cầu tất cả các ví điện tử phải được liên kết với tài khoản ngân hàng chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, tạo ra một trong những trở ngại cho Chính phủ trong việc đạt được mục tiêu không dùng tiền mặt.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Liệu Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu 90% giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO