Loa truyền thông cơ sở: Góp sức đẩy lùi dịch bệnh

Đỗ Minh| 06/04/2020 16:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Có lẽ chưa bao giờ, hệ thống loa phát thanh cơ sở phát huy tối đa hiệu quả như hiện nay. Trong giai đoạn này, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, gây nên những hậu quả khó lường, loa phát thanh cơ sở đã trở thành một công cụ quan trọng góp phần tuyên truyền các quyết sách, chủ trương phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Truyền thông mùa dịch bệnh

Giờ đây mỗi sáng thức giấc, ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn, bên tai đã nghe thấy tiếng loa phường (loa truyền thanh cơ sở). Những thông tin, bài viết về tình hình dịch bệnh Covid-19 được phát sóng liên tục hàng ngày vào nhiều múi giờ khác nhau. 

Qua giọng đọc trầm bổng của đội ngũ phát thanh viên, các thông báo, hướng dẫn cách vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh… là những thông tin bổ ích cho mọi người dân, trở thành lời "nhắc nhở" vô cùng tâm huyết, trách nhiệm. Nhờ có lời nhắc nhở ấy, chúng ta có ý thức hơn trong việc phòng, chống bệnh Covid-19 - một trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân!

Như chúng ta đều biết, hệ thống loa truyền thanh cơ sở có chức năng là phương tiện truyền thông tin của một địa phương, các thông tin mang tính nội bộ của một phường xã, đôi khi loa phường còn tiếp sóng phát thanh - truyền hình về các sự kiện chính trị - xã hội lớn như Đại hội Đảng các cấp, những ngày kỷ niệm lớn trong năm, cập nhật - cung cấp chi tiết một số văn bản quan trọng mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành… Thực hiện chức năng thông tin - truyền thông cho nhân dân trong mùa dịch bệnh Covid-19, hệ thống loa truyền thanh cơ sở đang làm trọng trách của mình.

Trong giai đoạn phòng, chống dịch quan trọng như hiện nay, khi toàn dân nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc cách ly trên toàn quốc 15 ngày, cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong"… thì việc tuyên truyền qua loa truyền thanh cơ sở thực sự có hiệu quả. 

Trong lúc phải thay đổi cách thức làm việc, tránh tập trung đông người, ở yên trong nhà thì thông tin về dịch bệnh phát trên loa truyền thanh cơ sở sẽ thu hút được một số lượng lớn người nghe. Và trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều tin giả như hiện nay thì những thông tin tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh cơ sở về dịch bệnh cũng được bà con quan tâm hơn, vì nó vừa chính thống, gần gũi và thiết thực với mỗi người hơn cả.

LOA TRUYỀN THÔNG CƠ SỞ: GÓP SỨC MẠNH TRUYỀN THÔNG ĐẨY LÙI DỊCH BỆNH - Ảnh 1.

Loa truyền thông cơ sở góp phần đẩy lùi dịch bệnh trên mặt trận trận thông tin

Nếu tính từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lúc dịch bệnh mới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, những thuật ngữ như "viêm đường hô cấp…", "virus corona", "cách ly xã hội", "Covid-19"… luôn xuất hiện trên các bản tin, bài viết của hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Điều này rõ ràng có tác dụng giúp người dân nhận diện, gọi tên đúng về một "thảm họa" mới và nhắc họ không nên chủ quan trước dịch bệnh.

Với đồng bào, bà con vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, xa, hệ thống loa truyền thanh cơ sở đã trở thành người "bạn" thân quen. Trải khắp đầu làng, cuối xóm, khu chợ đông người, nơi nhà văn hóa thôn, bản… ta luôn thấy những chiếc loa hướng về bốn phía. Đều đặn sáng, trưa, chiều, tối đưa những bản tin về tình hình dịch bệnh và cách phòng chống dịch bệnh cho bà con. 

Cái hay từ hệ thống loa truyền thanh cơ sở này là đồng bào được nghe thông tin dịch bệnh mọi lúc, mọi nơi, cả khi đang làm việc, lao động, sản xuất. Khi thông tin được nhắc đi nhắc lại, mọi người dễ nhập tâm, dễ nhớ, dễ biết và thực hiện các phương án phòng chống...

Một thời lịch sử và nay…

Hệ thống loa truyền thanh cơ sở đã có một lịch sử lâu dài. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nó là nguồn động viên cổ vũ cho toàn dân, toàn quân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời báo tin thắng trận nơi tiền tuyến, báo động hiểm nguy… Trong thời đại CNTT, những chiếc loa vẫn lên sóng, nắng, mưa bền bỉ trước bầu trời.

Cách đây vài năm, Hà Nội từng thực hiện việc lấy ý kiến người dân về việc cần sắp xếp mạnh mẽ hơn, tiến tới loại bỏ loa phường (gọi chung là Đề án 5133)… nhiều ý kiến đã đồng tình, đề xuất chỉ cần duy trì từ 5-10 cụm loa, tương đương 10-20 ở mỗi một cấp phường để làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. 

Lý do việc giảm số lượng loa phường là vì người dân có nhiều điều kiện hơn tiếp nhận thông tin trên Internet, sóng truyền hình và nhiều loại hình báo chí. Có ý kiến còn nói thẳng rằng, sự tồn tại của những chiếc loa phường đang là thừa, không cần thiết, gây ô nhiễm tiếng ồn đến cuộc sống của nhiều người dân, nhất là thế hệ trẻ.

Chúng ta, không bàn sâu về nhược điểm của hệ thống loa truyền thông cơ sở qua mỗi thời kỳ, bởi nó liên quan đến góc nhìn, điểm đúng, công việc của mỗi người (vốn không ai giống ai…). Chỉ biết, trong giai đoạn hiện nay, khi việc phòng, chống dịch bệnh đang được coi là một nhiệm vụ chính trị hàng đầu thì hệ thống truyền thanh cơ sở đã làm tốt công việc của mình.

Trả lời phỏng vấn trên báo Lao động, đánh giá về sự thiết thực, hiệu quả trong việc chống dịch, ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng cho rằng: "Loa phường, xã đã có từ lâu, phát huy tác dụng nhiều mặt. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm, nó có vị trí, vai trò, tác dụng, cách thức hoạt động khác nhau. Ngay cả bây giờ, khi mà các phương tiện truyền thông hiện tại phát triển mạnh: Phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, mạng xã hội… thì loa phường, xã vẫn có vai trò, có chỗ đứng riêng của mình. Trong những tình huống khẩn cấp, đặc biệt cần thiết thì sử dụng những chiếc loa này. Ở nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, trạm truyền thanh cơ sở (có dây và không dây) vẫn rất cần thiết; "loa xã", "loa xóm", "loa thôn", "loa bản" vẫn rất cần thiết, tất nhiên, phải đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao tính hiệu quả, tính phù hợp". 

Cũng trên số này, nói về vai trò trong việc phòng chống dịch, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: "Loa truyền thanh gần gũi với chúng ta bởi người Việt có thói quen truyền khẩu, đây là một dạng truyền tin nhanh và dễ tiếp thu. Trong những năm tháng chiến tranh, đất nước khó khăn, loa truyền thanh cơ sở có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ngày nay cuộc sống phát triển, công nghệ ra đời, loa truyền thanh cơ sở ít nhiều đang giảm dần vị trí ở các thành thị phát triển. Đã có giai đoạn ở thành phố lớn, chúng ta kêu gọi nên xem xét thay thế loa phường bởi nó đã "hoàn thành sứ mệnh.

"Chúng ta không bàn luận đúng sai, bởi mỗi giai đoạn đều có tính đúng đắn, phù hợp của riêng nó.Tuy nhiên, giờ đây khi dịch Covid-19 xảy ra, chúng ta lại thấy vai trò của loa truyền thanh cơ sở sống lại, phát huy được vai trò không thể thay thế của mình… đó là sự thay đổi rất tốt với người dân và xã hội".

Để loa phường phát huy hiệu quả khi mùa dịch qua đi

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các loa truyền thanh cơ sở, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho cán bộ quản lý, điều hành, các biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên, chúng ta cần một "cú hích" đổi mới, sáng tạo trong cách làm, ngay từ khâu kịch bản, dàn dựng chương trình phát sóng. Cần hơn nữa sự đổi mới các chương trình phát sóng, các tin bài phản ánh cần phải ngắn gọn, chính xác, từ ngữ sử dụng đúng, giọng đọc phải rõ ràng, truyền cảm. 

Bên cạnh đó, tùy khả năng mà lựa chọn việc tiếp sóng đài Trung ương, tỉnh, quận, huyện để ưu tiên các chương trình gắn liền với thực tế đời sống nhân dân, chọn lọc hơn nữa những thông tin hữu ích, phù hợp với trình độ dân trí, điều kiện sống từng vùng miền. 

Chúng ta cần có sự điều chỉnh hợp lý, nghiên cứu khoa học để có thời gian phát loa và tần số phát loa đảm bảo yếu tố thông tin và không gây bức xúc cho người dân. Không thể phủ nhận vai trò của loa truyền thanh cơ sở, nhưng làm thế nào để những "chiếc loa" có sức sống phát giọng đọc, gọi mời, cuốn hút được người nghe và phát huy hiệu quả cả khi mùa dịch qua đi luôn là điều chúng ta mong muốn, suy ngẫm!

UNESCO đánh giá, phát thanh vẫn luôn là một phương tiện truyền thông phổ cập toàn cầu, có tính đồng nhất, đặc biệt là phổ cập tới những khu vực nghèo, khu vực chưa được quan tâm đầy đủ, khu vực nông thôn và những khu vực khó tiếp cận. Phát thanh vẫn là một trong số ít những nguồn thông tin giải trí sẵn có, chi phí thấp đáng tin cậy. Đối với một số khu vực, đây còn là nguồn thông tin duy nhất. Phát thanh trao cho tất cả mọi người, không kể trình độ học vấn hay địa vị kinh tế xã hội, những cơ hội để tưởng tượng, để giải trí và để tham gia vào những cuộc tranh luận công khai, tương tác trên làn sóng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Loa truyền thông cơ sở: Góp sức đẩy lùi dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO