"Mạng xã hội thu nhỏ" về chính phủ điện tử

Minh Thiện| 30/11/2019 10:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử (CPĐT) như một mạng xã hội thu nhỏ, nhằm đẩy mạnh truyền thông nội bộ trong khối các cơ quan nhà nước (CQNN), là công cụ rất mới của Việt Nam để giải quyết các trở ngại trong lĩnh vực triển khai CPĐT.

Công cụ hỗ trợ hữu ích và cần thiết

“Việc triển khai Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai CPĐT là cái rất mới của Việt Nam để giải quyết các trở ngại trong lĩnh vực triển khai CPĐT. Có nhiều đơn vị triển khai CPĐT nhưng không biết bắt đầu từ đâu, không biết hỏi ở đâu và không đồng nhất trong triển khai hệ thống. Tại phiên họp cách đây hơn 1 tháng, các thành viên trong tổ công tác CPĐT, đặc biệt là Bộ trưởng BộThông tin và Truyền thông(TTTT), nhận ra điều này và Bộ trưởng quyết rất nhanh sau 1 tháng phải xong. Ngày hôm nay, sau 1 tháng, Trung tâm một cửa đã chính thức ra mắt”, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Anh Tuấn đại diện cho Bộ TTTT, chia sẻ tại Lễ khai trương Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai CPĐT diễn ra ngày 29/11/2019 tại Hà Nội.

Tham dự Lễ khai trương còn có đại diện Lãnh đạo Cục Tin học hóa - Bộ TTTT; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – VNPost; Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) - Văn phòng Chính phủ,… cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ TTTT và đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành, các Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một số doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực CNTT.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai trương

Đẩy mạnh phát triển CPĐT là việc làm cấp thiết hiện nay của CQNN các cấp để cải cách hành chính, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, cung cấp thông tin, dịch vụ cho người dân và DN tốt hơn, tạo sự minh bạch, nhanh chóng, hướng tới xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”.

Cùng với sự phát triển CPĐT, nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn, những câu hỏi cần giải đáp về CPĐT tại các CQNN cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Tuy nhiên, việc xin ý kiến, hỏi đáp hay đóng góp ý kiến về CPĐT đối với các cơ quan có thẩm quyền chủ yếu vẫn là trao đổi trực tiếp, chưa được tập hợp thành một kho tri thức chia sẻ, giúp truyền tải kinh nghiệm cũng như các giải pháp triển khai CPĐT được nhanh chóng, hiệu quả.

Vì vậy, để góp phần tăng tốc và đẩy nhanh tiến trình phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số, Bộ TTTT đã giao Cục Tin học hóa phối hợp cùng VNPost và Công ty CP Công Nghệ DTT xây dựng Hệ thống thông tin “Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai CPĐT” và sẽ chính thức đi vào hoạt động tại địa chỉ: http://egov.mic.gov.vn/.

“Chúng ta đã đưa Trung tâm vào hoạt động, đương nhiên lúc đầu vận hành sẽ chưa hoàn hảo. Việc tiếp theo phải duy trì và hoàn thiện, phải bổ sung thêm các tính năng để đảm bảo độ chuyên nghiệp và chuyên sâu. Ví dụ ứng dụng AI và các công cụ tự động khác. Quan trọng hơn cả là các đồng chí phải để cho các DN, các đơn vị tổ chức và người dân biết được chúng ta có cổng thông tin hỗ trợ này. Như vậy, những người quan tâm chưa rõ vấn đề gì thì vào đây hỏi, tìm câu trả lời. Tôi rất ủng hộ quan điểm là chúng ta cần thực hiện tương tác 2 chiều vì nó sẽ góp phần hoàn thiện và nâng cao chât lượng của Trung tâm, đồng thời thu hút được nhiều ý tưởng hay”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chỉ đạo . 

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, tham dự nghi thức khai trương Trung tâm

Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai CPĐT hoạt động theo cơ chế một cửa, hỗ trợ cộng tác và quản trị tri thức. Hệ thống bao gồm nhiều tính năng được bổ sung liên tục nhằm đảm bảo việc hỗ trợ triển khai CPĐT được minh bạch, kịp thời và cùng chia sẻ.

Tính năng đầu tiên là một cửa điện tử hỗ trợ giải đáp về CPĐT với chức năng chính là tiếp nhận, xử lý, chuyển câu trả lời, giải đáp đến đơn vị, cá nhân đã hỏi. Đây là những Câu hỏi/Kiến Nghị/Phản ánh hoặc Xin ý kiến Bộ TTTT về các lĩnh vực do Bộ quản lý trong phát triển CPĐT như:

- Các cơ chế, chính sách, pháp luật về CPĐT;

- Xây dựng, triển khai Chương trình, Kế hoạch CPĐT;

- Nền tảng, công nghệ, hạ tầng kỹ thuật phát triển CPĐT;

- Triển khai các HTTT/CSDL quốc gia;

- Kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu CPĐT;

- Nguồn lực phát triển CPĐT;

- Đánh giá, xếp hạng, đo lường phát triển CPĐT;

- Các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật liên quan CPĐT;

- An toàn, an ninh mạng trong phát triển CPĐT;…

Đồng thời, Hệ thống cũng sẽ là kênh lưu trữ dữ liệu các câu hỏi và nội dung trả lời được cung cấp, chia sẻ về mọi vấn đề phát triển CPĐT. Hệ thống bao gồm danh mục các cơ chế, chính sách, hướng dẫn kỹ thuật về CPĐT để các CQNN tiện tra cứu; Tìm kiếm, kết xuất nội dung trả lời tự động khi câu hỏi mới nhận được tương tự câu hỏi đã được trả lời trước đó; Thực hiện các phân tích, thống kê, báo cáo mong muốn dựa trên kho dữ liệu (ví dụ thống kê tần suất các vấn đề được hỏi để đánh giá độ nóng của vấn đề; thống kê mức độ hài lòng về trả lời câu hỏi theo nhóm nội dung, theo đơn vị trả lời…) .

Tiếp tục hoàn thiện và phát triển công cụ đa kênh

Tại phiên tọa đàm, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DTT, chủ trì buổi tọa đàm, chia sẻ: Chúng ta đều biết rằng từ khi triển khai CPĐT với tốc độ nhanh hơn sẽ phát sinh có hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn đầu mối cần phải thúc đẩy triển khai. Chúng ta vẫn vẫn có một thông điệp luôn luôn ghi nhớ là “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”. 

Tuy nhiên việc đấy rất khó. Để người dân DN là trung tâm thì phía nội bộ các cơ quan quản lý nhà nước phải làm rất tốt mới phục vụ được.

Toàn cảnh phiên tọa đàm

Có thể từ trước nay chúng ta quên mất một chuyện là nội bộ chúng ta hỗ trợ nhau như thế nào để đảm bảo việc lấy người dân người dân và DN là trung tâm.

Dịch vụ phải luôn được cải thiện chất lượng là rất quan trọng. Chính vì thế tổ công tác họp cách đây một tháng có đưa ra một sáng kiến và lúc đó Bộ trưởng cũng như lãnh đạo Bộ TTTT cũng thấy được vấn đề, đồng thời đã có ý định làm việc này từ lâu rồi, nhưng đây là thời điểm mà chúng ta cần phải thúc đẩy và triển khai nhanh hơn. Hệ thống này sẽ hỗ trợ cho các đơn vị trong Nhà nước có thể làm việc của mình tốt hơn.

Hệ thống bước đầu được thiết kế dành cho người dùng thuộc các CQNN cần tham vấn về các lĩnh vực CPĐT, thực hiện kết nối đến Trung tâm để gửi câu hỏi, kiến nghị về phát triển CPĐT. Theo đó, các đơn vị của Bộ TTTT sẽ thực hiện tiếp nhận, trả lời câu hỏi kiến nghị thuộc lĩnh vực quản lý một cách nhanh chóng, hiệu quả. Về lâu dài, Hệ thống sẽ hỗ trợ đo lường các chỉ số triển khai CPĐT để chủ động tìm ra các điểm nóng, điểm nghẽn, giúp Bộ TTTT hỗ trợ được nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Bộ Y tế là một nơi đang triển khai cùng lúc rất nhiều hệ thống về CPĐT và y tế điện tử, y tế thông minh. Ông Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế, chia sẻ: CPĐT là một bài toán rất lớn, rất rộng liên quan đến tất cả mọi người trong xã hội, bao gồm từ người dân cho đến DN và tới mỗi công chức, viên chức.

Bài toán rộng, khó và rất mới, không những với nước ta mà cả với thế giới, những vấn đề đặt ra là vô cùng nhiều: Từ chủ trương, chính sách, các quy định có liên quan cho đến các vấn đề kỹ thuật công nghệ.

Có những vấn đề mặc dù Bộ Y tế đã nỗ lực cố gắng nhưng vẫn không tự giải quyết được. "Rất may là chúng tôi có những nơi đồng hành như Bộ TTTT, trước hết là Cục Tin học hóa, bên cạnh đó còn có Văn phòng Chính phủ mà cụ thể là Cục kiểm soát TTHC. Tôi thấy vướng rất nhiều mà không có sự giúp đỡ của Bộ TTTT thì không thể hoàn thành được", ông Phạm Xuân Viết cho biết.

 Ông Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế

Ông Viết khẳng định: "Khai trương cổng thông tin ngày hôm nay đi thẳng vào cái cần thiết nhất giúp cho chúng tôi và ngay cả với Bộ TTTT cũng như các DN, người dân đỡ mất thời gian tìm kiếm các vấn đề về CPĐT".

Hệ thống cũng sẽ kết nối, tích hợp với các hệ thống CPĐT để cung cấp trực tuyến các thông tin về chỉ số phát triển CPĐT như Chỉ số về dịch vụ phục vụ người dân, DN; về hoạt động nội bộ của CQNN và an toàn, an ninh mạng trong phát triển CPĐT…

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TTTT, cho biết: "Có gợi ý là trung tâm này sau này sẽ thành một cổng tích hợp chia sẻ thông tin tri thức về CPĐT nói chung chứ không chỉ là giải đáp thắc mắc hay tư vấn hỗ trợ triển khai. Tôi thấy đây là gợi ý rất là đúng và cũng trong ý tưởng của chúng tôi. Do thời gian triển khai tương đối ngắn cho nên chúng tôi chưa kịp phát triển".

Dự kiến, nội dung mà cổng thông tin sẽ đưa lên những thông lệ tốt trong triển khai CPĐT chứ không phải chỉ là giải pháp kỹ thuật, không chỉ giới thiệu phần mềm nào tốt. Để triển khai thành công một ứng dụng thì ngoài giải pháp phần mềm tốt thì quy trình, quy định, quy chế và sự tham gia vào cuộc của lãnh đạo cơ quan mới thành công được.

"Cùng một phần mềm triển khai ở cơ quan này thành công nhưng ở cơ quan khác có thể không thành công. Chúng ta phải chỉ ra được những nguyên nhân thành công hay thất bại", ông Phúc chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Phúc,Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TTTT

Ông Phúc cho biết thêm: Trong kế hoạch triển khai CPĐT của Bộ TTTT đã đưa ra một chương trình đào tạo 100 chuyên gia nòng cốt triển khai CPĐT nhắm vào đối tượng là Trưởng phòng CNTT của các Sở TTTT hoặc Giám đốc Trung tâm CNTT-TT của các Sở TTTT và Trưởng phòng ứng dụng CTTT của các cơ quan chuyên trách về CNTT như Cục CNTT hoặc các trung tâm CNTT của các bộ.

Chương trình này sẽ ra mắt vào ngày 20/12 này. Cách xây dựng nội dung trong đó cũng thiên về đào tạo trực tuyến, e-learning, chỉ có một số ít phải đào tạo trực tiếp. Những bài giảng này sẽ được chia sẻ lên cổng thông tin một cửa.

Ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc VNPost, nhận xét: Chúng ta khai trương cổng thông tin có nét giống contact center để tiếp xúc, giải đáp, đồng thời lại giống một kho tri thức và cũng giống một cộng đồng, một mạng xã hội thu nhỏ giúp các thành viên có thể là trao đổi, giải đáp vướng mắc trong việc giải quyết các TTHC và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến hay là liên quan đến các vấn đề CPĐT. Đó là một công cụ hết sức hữu hiệu trong thời đại số hiện nay.

Ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc VNPost

VNPost cũng là đơn vị được tham gia trong việc xây dựng CPĐT. Với góc độ Trung tâm là cổng để hỗ trợ triển khai CPĐT, VNPost là thành phần thuộc về back office, phần đằng sau để tham gia trả lời các vấn đề giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc phục vụ của bưu điện trong các dịch vụ công trực tuyến cũng như các vấn đề liên quan đến CPĐT và chính quyền điện tử. Như vậy, VNPost trong tương lai cũng rất mong muốn được tham gia sâu hơn đối với nền tảng này.

Thực tế, đây là giải pháp cần thiết cho công tác truyền thông nội bộ trong các cơ quan QLNN trên phạm vi toàn quốc về mọi vấn đề xây dựng CPĐT. Chỉ có truyền thông nội bộ tốt mới thống nhất được cách làm, thống nhất được sức mạnh tổng thể để xây dựng CPĐT một cách hiệu quả nhất, đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Mạng xã hội thu nhỏ" về chính phủ điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO