Ngành dệt may gặp khó với EVFTA

Quang Thanh| 26/08/2020 16:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Dệt may là một trong những ngành được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), nhưng để được hưởng mức thuế suất ưu đãi, ngành này sẽ phải vượt qua nhiều thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất vẫn là quy tắc xuất xứ.

Bộ Công thương dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định EVFTA. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.

Không thể phủ nhận những ưu điểm của EVFTA mang lại, nhưng đa phần các sản phẩm may mặc của Việt Nam hiện đang có mức thuế suất ưu đãi là 9%, trong khi mức thuế suất cơ bản được EVFTA sử dụng theo nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) là 12%, vì vậy hầu hết các sản phẩm may mặc của Việt Nam sẽ không được giảm thuế ngay lập tức.

Bên cạnh đó, các sản phẩm dệt may chỉ được hưởng mức thuế suất thấp hơn từ năm thứ 2 kể từ khi EVFTA có hiệu lực (8% đối với các sản phẩm loại B5 và 9% đối với các sản phẩm loại B7 trong năm thứ 2).

Hơn nữa, để được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA, các doanh nghiệp (DN) phải đảm bảo, nguyên liệu vải để sản xuất sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc châu Âu hay Hàn Quốc, vốn là những quốc gia đã có FTA với EU và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam.

Gặp khó về quy tắc xuất xứ

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt hơn 39 tỷ USD nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu chiếm tới 22,36 tỷ USD. Điều này cho thấy dệt may Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài, phản ánh sự mất cân đối trong chuỗi toàn cầu khi chúng ta mới tham gia công đoạn cắt may thuê là chính, bởi DN ngại đầu tư các trang thiết bị hiện đại, chiếm nguồn vốn lớn, hiệu quả hoạt động không cao.

Do đó, quy tắc xuất xứ từ vải sẽ khiến ngành dệt may Việt Nam khó được hưởng lợi từ Hiệp định này. Bởi thực tế, ngành dệt may hiện chưa chủ động được nguồn vải đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào EU. Theo nguyên tắc cộng gộp trong EVFTA cho phép DN Việt Nam sử dụng vải của Hàn Quốc hoặc một nước thứ 3 mà hai bên cùng ký Hiệp định Thương mại Tự do, tuy nhiên, giá thành cao và chủng loại nguyên liệu không phong phú cũng là vấn đề cần tính toán của DN.

Ngành dệt may gặp khó với EVFTA - Ảnh 1.

Quy tắc xuất xứ "từ vải trở đi" của Hiệp định EVFTA vẫn là thách thức trong ngắn hạn đối với ngành dệt may Việt Nam. (Ảnh: Enternews.vn)

Hiện nay, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan, có giá thấp hơn nhiều so với vải nhập khẩu từ Hàn Quốc. Theo tính toán của các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước, nếu chuyển sang sử dụng nguồn vải của Hàn Quốc sẽ không đạt hiệu quả kinh tế ngay cả khi được hưởng mức thuế suất 0% từ EVFTA. Điều này khiến các công ty trong nước gặp trở ngại trong việc tận dụng thuế suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, tình trạng ngành dệt may chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu vải còn có lý do từ một số địa phương không tiếp nhận dự án dệt nhuộm vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), Quy tắc xuất xứ "từ vải trở đi" của Hiệp định EVFTA vẫn là thách thức trong ngắn hạn đối với ngành dệt may Việt Nam.

Theo thống kê, EU chiếm 34% tổng nhập khẩu hàng dệt may thế giới với nhu cầu hàng may mặc tăng 3%/năm. Việt Nam hiện đang chỉ chiếm 2,2% thị phần. Còn đối với Việt Nam, EU là thị trường dệt may lớn thứ 2, chiếm 16,3% tổng kim ngạch năm 2019.

Cần có chiến lược để tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA

Ngày 1/8, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, đây được coi là cơ hội lớn đối với ngành dệt may Việt Nam. Bởi theo cam kết của EVFTA, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU, hàng dệt may sẽ được EU xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm, 22,7% kim ngạch còn lại cũng sẽ được EU xóa bỏ thuế quan sau 7 năm.

Ngành dệt may gặp khó với EVFTA - Ảnh 3.

Các DN cần đầu tư bài bản từ nhà xưởng, máy móc công nghệ đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định. (Ảnh: Vlr.vn)

Ngoài việc hưởng lợi thế về thuế suất, Hiệp định này còn hứa hẹn mang lại cho DN dệt may Việt Nam cơ hội nhập khẩu máy móc chất lượng cao, tiếp cận nguồn nguyên liệu đạt chuẩn tại EU…

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cũng cho rằng, những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA là một con đường tương đối sáng cho Việt Nam nhưng chúng ta chỉ có thể tận dụng tốt các cơ hội khi Chính phủ quyết liệt chỉ đạo bởi các FTA thế hệ mới như CPTPP hay mới đây là EVFTA quy định rất khắt khe về nguyên liệu và quy trình sản xuất. Trong khi đó, nhiều DN dệt may vẫn chưa minh bạch được vấn đề về vùng nguyên liệu, ông Giang cho hay.

Để giải quyết vấn đề này nhằm tối đa hóa lợi ích thu được từ EVFTA, Việt Nam cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt, nhuộm và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may để nâng dần tỷ lệ số lượng vải sản xuất trong nước thay thế vải nhập khẩu từ các nước ngoài Hiệp định. Theo đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi thông thoáng để tạo sức hút cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tham gia triển khai xây dựng các dự án đầu tư vào dệt, nhuộm, theo quy trình khép kín. Điều kiện sản xuất đảm bảo được về yêu cầu vệ sinh môi trường, trách nhiệm xã hội như; xử lý nước thải tập trung; Ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, vốn vay đầu tư...

Ngoài ra, cần chú trọng cải cách hành chính nhằm tháo gỡ những thủ tục về xuất nhập khẩu cho DN; đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và châu Âu.

Về phía DN, những việc các DN dệt may cần làm là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh tại thị trường EU; Các DN cần đầu tư bài bản từ nhà xưởng, máy móc công nghệ đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng để đón đầu Hiệp định, mong muốn tận dụng được các cơ hội từ Hiệp định EVFTA, nhiều DN dệt may cũng đã sẵn sàng tâm thế "đón sóng" để tận dụng được lợi thế tối đa về thuế quan khi Hiệp định đi vào hiệu lực.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành dệt may gặp khó với EVFTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO