Nhà báo Phan Quang - tấm gương lan tỏa nhiều giá trị nghề nghiệp

Yên Viên| 11/11/2020 20:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Phan Quang, một người anh, đồng nghiệp, nhà quản lý, nhà báo tài năng luôn đóng góp cho công việc bằng trí tuệ, sáng tạo, tri thức văn hóa vững chắc, toàn diện.

 Tại buổi toạ đàm "Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam" ngày 11/11, các đại biểu đánh giá nhà báo Phan Quang là một tấm gương điển hình, có tầm ảnh hưởng và lan toả nhiều giá trị nghề nghiệp, cần tuyên truyền, học tập và tri ân. 

Dự Toạ đàm có Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Nguyễn Thế Kỷ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, cùng các đại biểu, các cơ quan đơn vị báo chí, truyền hình…

Nhà báo Phan Quang – Người chép sử thời đại Hồ Chí Minh qua các trang báo - Ảnh 1.

Nhà báo Phan Quang

Nhà báo của Đảng, nhà nước, nhân dân

Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết, đây là hoạt động tiếp theo của các buổi tọa đàm về các nhà báo nguyên lãnh đạo cấp cao của Hội được tổ chức mỗi năm một lần. Đồng thời, toạ đàm là hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2020), 70 năm Hội Nhà báo Việt Nam (1950-2020); 75 năm VOV (1945-2020) và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam (12/2020).

"Buổi tạo đàm cũng là dịp tạo điều kiện để các nhà báo, các nhân chứng, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau có cơ hội gặp gỡ, trao đổi các vấn đề lịch sử báo chí Việt Nam, lịch sử Hội Nhà báo Việt Nam; coi đây là một hình thức hoạt động tri ân và học tập các bậc nhà báo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam", Chủ tịch Thuận Hữu nhấn mạnh.

Nhà báo Phan Quang – Người chép sử thời đại Hồ Chí Minh qua các trang báo - Ảnh 2.

Chủ tịch Thuận Hữu: nhà báo Phan Quang có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng tọa đàm còn có ý nghĩa góp phần thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu, hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí, về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng, bảo vệ đất nước, đóng góp tư liệu cho Bảo tàng báo chí Việt Nam.

Đánh giá về công lao, sự cống hiến, của nhà báo Phan Quan với báo chí, nhất là đối với Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Thuận Hữu nhấn mạnh: nhà báo Phan Quang có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện, đồng thời là nhà báo tiêu biểu hàng đầu trong lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam. Đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, nhà báo Phan Quang thực sự là tấm gương điển hình có tầm ảnh hưởng và lan tỏa nhiều giá trị nghề nghiệp cần tuyên truyền học tập và tri ân.

Nhà báo Phan Quang – Người chép sử thời đại Hồ Chí Minh qua các trang báo - Ảnh 3.

Tổng Giám đốc VOV: nhà báo, nhà văn Phan Quang là một tấm gương lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ.

Ghi nhận những đóng góp, cống hiến to lớn của nhà báo Phan Quang, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: nhà báo, nhà văn Phan Quang là một tấm gương lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ, đồng thời là một chính khách, dịch giả tài năng, đa diện, người thủ trưởng gần gũi, nhân hậu, thân thiết, tình cảm với đồng nghiệp, độc giả trong và ngoài nước.

"92 năm qua, dù ở bất cứ cương vị nào, Phan Quang luôn lao động sáng tạo, viết hàng ngàn bài phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, tùy bút, truyện ngắn - vừa, tản văn, chính luận, nghiên cứu… góp phần làm rạng ranh giới báo chí, văn nghệ Việt Nam. Đây là điểm là điểm cốt yếu để nhiều người quý mến, nể trọng, ngưỡng mộ và biết ơn ông".

PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ dẫn lời nhận xét đánh giá của GS. NGND Hà Minh Đức về nhà báo Phan Quang: "Anh là nhà báo lão thành, gạo cội, uyên bác. Là con nước chảy giữa báo chí và văn chương. "Đúng như vậy, Phan Quang là một nhà báo, nhà văn xuất sắc nối liền hai thế kỷ. Sự nghiệp của ông không chỉ làm vẻ vang cho bản thân, gia đình, quê hương mà còn tạo nên vị thế, uy tín vẻ vang của nghề báo, nghề văn trong xã hội".

Cũng theo Tổng giám đốc VOV, nhà báo Phan Quang còn có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát thanh, được coi là người "khai sơn phá thạch" đài phát thanh quốc gia và ngành phát thanh Việt Nam. Năm 1988 - 1997, nhà báo Phan Quang là Tổng Giám đốc VOV, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tốt, hiệu quả mà việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tập chung đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nâng cao trình độ, năng lực… điều này góp phần tạo uy tín, phát triển cho đài ngay từ trong những giai đoạn đầu lịch sử ấy.

"Phan Quang ở tuổi hưu nhưng ông chưa bao giờ ngừng viết, vẫn luôn nghiên cứu, sáng tạo. Ở bất cứ cương vị nào, Phan Quang cũng tâm huyết làm tròn trách nhiệm của mình. Với Phan Quang, tài năng là một sự tích lỹ có chủ đích, căn cơ, lâu dài, có ích cho Đảng, nhà nước, nhân dân", Tổng Giám đốc VOV cho biết .

Người hội đủ Đức - Tâm - Tài - Trí tuệ

Tại buổi tọa đàm, còn nhiều bài tham luận được trình bày, tiêu biểu với các chủ đề về nhà Báo Phan Quang như: Nhà báo của cách mạng, Đảng, nhân dân; Tấm gương ham đọc sách và tự học; Hội tụ tình người, tình văn; một tầm vóc văn hóa; Yêu nghề với từng con chữ; cây viết uyên bác đa tài…

Tựu chung trong các bài viết tham luận trình bày tại tọa đàm là đều xuất phát từ những tình cảm chân thành của những thế hệ người làm báo, những nhà lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực báo chí, những nhà tri thức, văn hóa, hoạt động xã hội… hướng về người đồng nghiệp, người thầy, người cha Phan Quang với một lòng quý mến, kính trọng, biết ơn.

Trong số các bài viết tham luận kể trên, trên quan điểm, góc nhìn biết ơn, kính trọng về người thầy, cây đại thụ trong làng báo đối với nhà báo Phan Quang, PGS. TS Nguyễn Văn Dững Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí & Tuyên truyền nhấn mạnh (HVBC&TT), năm nay "nhà báo đại thụ" Phan Quang đã ngoài 90 tuổi, nhưng quá trình tìm hiểu về sự nghiệp báo chí – văn chương và những cống hiến của ông cho sự nghiệp này mới chỉ bắt đầu. Đó là công việc hết sức có ý nghĩa nếu được tất cả các chúng ta chung tay, đồng hành, nhất là lớp các nhà báo trẻ vào cuộc một cách nhiệt thành.

Tuy nhiên, theo TS. Dững, điều trân trọng, giá trị, phi thường về một bậc thầy của nghề báo đối với Phan Quang còn là ở chỗ: Từ một thanh niên yêu nước, theo Đảng vào rừng, ra trận, lăn lộn khắp mọi chiến trường và mọi vùng đất gian khó, không có cơ hội được học hành tập trung tại trường lớp bài bản, nhưng lại có được một Phan Quang lừng lững giữa đời văn, đời báo với những tác phẩm văn dịch tái bản hàng chục lần, những tác phẩm báo chí đầy chất trí tuệ và cảm xúc, ấn tượng với đầy chất nghiên cứu và cả những công trình khảo cứu từ Trung Hoa đến tận Ả-rập, Trung Đông…

Để có được những giá trị hội tụ to lớn đó, TS. Dững cho rằng đó là do các giá trị nền tảng văn hóa gia đình, năng khiếu, khí chất và chịu trui rèn luyện trong thực tiễn…

Cũng trên quan điểm đánh giá, nhận xét về người thầy, người thủ trưởng, cây "bút sáng" Phan Quang, Nhà báo Phạm Quốc Toàn, Nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhớ lại: Bác Phan Quang khuyên tôi: "Viết được gì cứ viết, hay thì công chúng đọc, chưa hay thì người thân đọc, viết dở thì ta đọc". Đó là cách dạy viết, dạy nghề chứa đựng tình cảm, sự ân cần, ẩn chứ lời nhắc nhở, động viên thực sự là tài tình trong con người Phan Quang.

Theo nhà báo Toàn, bác Phan Quang là một cây bút đầy trách nhiệm với từng con chữ, trang viết, trong ông hội đủ những giá trị đối nhân xử thế, nhân văn, đoàn kết trên dưới, trong ngoài.

Nhà báo Phan Quang (SN 1928, quê quán huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin; nguyên phó chủ nhiệm Uỷ Ban Đối ngoại của Quốc hội; nguyên tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; nguyên Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khoá V); Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam (khoá VI); Phó chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); Thành viên Ban Lãnh đạo Liên đoàn nhà báo ASEAN (CAJ); đại biểu Quốc hội khóa VII (1987-1992), khóa IX (1992-1997) và khóa X (1997-2002) cùng nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Phan Quang - tấm gương lan tỏa nhiều giá trị nghề nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO