Nhà mạng Hàn Quốc thực hiện thành công kết nối mạng 5G với vệ tinh

TH| 26/11/2019 16:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Công ty viễn thông KT của Hàn Quốc cho biết đã thực hiện thành công việc truyền dữ liệu 5G với kết nối vệ tinh đầu tiên trên thế giới.

Các kỹ thuật viên thực hiện thành công việc truyền dữ liệu 5G với kết nối vệ tinh từ Seoul, Hàn Quốc.

Theo đó, KT đã thực hiện truyền dữ liệu qua mạng của mình với vệ tinh Mugunghwa 6, do công ty con KT SAT vận hành, nằm trong không gian cách trái đất 36.000 km.

KT SAT và Viện Công nghệ Hội tụ KT đã cùng thực hiện dự án. Họ đã triển khai "truyền dẫn vệ tinh 5G mặt đất lai", kết hợp các mạng khác nhau để cung cấp dữ liệu tốt hơn dịch vụ 5G thông thường và "truyền dẫn đám mây biên 5G sử dụng liên kết truyền dẫn vệ tinh".

Chìa khóa để truyền 5G vệ tinh mặt đất lai là một bộ định tuyến được Viện KT và KT SAT phát triển. Thiết bị đầu cuối 5G được kết nối với thiết bị này có thể đồng thời truyền và nhận dữ liệu khác nhau hoặc sử dụng các tuyến riêng biệt, đến và từ mạng 5G và vệ tinh.

KT SAT, bằng cách sử dụng công nghệ này, đã duy trì thành công các hoạt động dịch vụ bình thường chỉ với KOREASAT 6, sau khi mạng 5G bị ngắt kết nối có chủ ý.

Hiện tại, KT SAT vận hành 5 vệ tinh liên lạc là KOREASAT 5, 5A, 6, 7 và 8, có phạm vi phủ sóng tới khoảng 60% tổng diện tích bề mặt trái đất.

Bằng cách sử dụng các liên kết truyền thông vệ tinh, KT SAT đã truyền dữ liệu phát trực tuyến thời gian thực và cảnh quay video trực tiếp từ Trung tâm Dịch vụ Vệ tinh Kumsan đến đám mây biên 5G tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển KT ở Umyeon-dong, Seoul. Việc truyền tải thông qua KOREASAT 6, giúp việc truyền dữ liệu liền mạch đến nhiều thiết bị đầu cuối 5G.

"Công nghệ kết nối vệ tinh và 5G dự kiến sẽ tạo ra một môi trường liên lạc mà không có khoảng cách giữa các khu vực trong tương lai và góp phần lớn vào khôi phục thảm họa, hỗ trợ liên lạc khẩn cấp và các thị trường nội dung trong đó liên lạc liên tục là quan trọng", CEO Han Won-sik của KT SAT cho biết.

Công nghệ mới nhất này cho phép truyền nội dung đồng thời tới tất cả các điện thoại thông minh có thể truy cập trong cùng một băng thông, trong khi truyền thông vệ tinh thông thường chỉ có thể truyền các cảnh quay video độ phân giải cao (HD) đến một điện thoại thông minh trong một băng thông nhất định.

Các đài phát sóng và các công ty nội dung lớn chỉ có thể sử dụng các rơle phát sóng dựa trên vệ tinh vì truyền thông vệ tinh bị hạn chế về băng thông và tốn kém.

KT SAT dự đoán rằng nếu hai công nghệ được thương mại hóa, truyền thông vệ tinh với tốc độ tương đối chậm có thể được tăng cường để cung cấp truyền dữ liệu nhanh hơn, không bị gián đoạn. Nó sẽ mở rộng cơ hội cho nhiều người dùng ở các quốc gia có hệ thống truyền thông kém phát triển hơn để truy cập nội dung chất lượng cao.

KT SAT cho hay mục tiêu nghiên cứu của họ về vệ tinh 5G là đạt được sự kết nối hoàn chỉnh giữa 5G NR (New Radio) và thông tin vệ tinh, bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn toàn cầu cho công nghệ kết nối vệ tinh và 5G.

KT SAT và Viện KT đang cố gắng báo cáo kết quả thử nghiệm cho tổ chức 3GPP trong nửa đầu năm 2020. Vệ tinh 5G là một trong những đối tượng nghiên cứu được khuyến khích theo sáng kiến năm 2018 "3GPP Realease 16" của tổ chức 3GPP.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà mạng Hàn Quốc thực hiện thành công kết nối mạng 5G với vệ tinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO