Nhà văn Phùng Văn Khai: còn phải làm nhiều việc về văn học cho lịch sử

Thu Hiền| 17/07/2020 17:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Tiểu thuyết lịch sử vốn là thể loại tương đối kén độc giả vì nhiều lý do. Một tiểu thuyết lịch sử thường được đầu tư rất công phu, vì liên quan đến việc thu thập ráp nối các dữ liệu chính sử rồi mới chuyển thể thành văn học.

Ngày 17/7, Khoa Viết văn Báo chí - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp với Viện Nhân học Văn hóa tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu Tiểu thuyết lịch sử "Nam đế Vạn Xuân" và "Triệu vương phục quốc" nằm trong bộ Tiểu thuyết dài tập "Vương triều tiền Lý" của Nhà văn Phùng Văn Khai. 

Đây là hai cuốn tiểu thuyết tiếp nối mạch nguồn của tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương (NXB Hội nhà văn, 2015, NXB Văn học tái bản năm 2018) và Ngô Vương (NXB Văn học, 2019).

Nhà văn Phùng Văn Khai: Viết tiểu thuyết lịch sử ngoài sự đam mê cần phải có một khoảng thời gian - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, nhà văn Phùng Văn Khai tâm sự: "Viết tiểu thuyết lịch sử ngoài sự đam mê cần phải có một khoảng thời gian. Thời gian để đi đến các di tích lịch sử, thời gian để tìm hiểu và thấm nhuần lịch sử… Có thể nói, thời gian vô cùng đáng quý. Suốt thời gian nghỉ Covid-19, ngày nào tôi cũng phải dậy từ sáng sớm để ngồi viết. Là người cầm bút, tôi nghĩ rằng mình cần có một trách nhiệm nào đấy đối với lịch sử dân tộc theo cách riêng. Tôi cho rằng, chúng ta còn phải làm rất nhiều việc về văn học cho lịch sử".

Nhà văn Phùng Văn Khai bắt đầu với "Phùng Vương" viết về cuộc đời và những biến cố, biến thiên lịch sử liên quan đến vị anh hùng Phùng Hưng, sau đó đến "Ngô Vương" viết về Ngô Quyền và vừa qua là "Nam đế Vạn Xuân" viết về cuộc đời và sự nghiệp của Lý Bí (Lý Nam Đế), và "Triệu vương phục quốc" viết về cuộc đời lẫm liệt của Triệu Quang Phục.

Như vậy có thể thấy, nhà văn Phùng Văn Khai đang có những đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện những trang sử "còn mờ nhòe của dân tộc" bằng bút pháp của văn học. Điều đáng mừng là, chính những tác phẩm của nhà văn Phùng Văn Khai đã góp phần khép kín "một vòng lịch sử bằng văn học".

Nhà văn Phùng Văn Khai: Viết tiểu thuyết lịch sử ngoài sự đam mê cần phải có một khoảng thời gian - Ảnh 2.

Nhà văn Phùng Văn Khai tại buổi Tọa đàm

Giúp bạn đọc thêm tự hào về lịch sử dân tộc

Tiểu thuyết Lịch sử "Nam Đế Vạn Xuân" đã tái hiện một cách sinh động lịch sử nước nhà xoay quanh triều đại của nhà nước Vạn Xuân (544-602). Với bộ nhân vật lịch sử đồ sộ của cả ta lẫn địch như: Lý Nam Đế, Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Túc, Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa… hay Lương Vũ Đế, Vũ lâm hầu Tiêu Tư, Dương Phiêu, Lý Tắc… với nhiều tình tiết móc ngoặc, những cuộc đấu trí gay cấn hay những lời thoại sinh động của từng nhân vật.

Nam Đế Vạn Xuân như một con tàu thời gian đưa ta ngược trở về từng quãng của lịch sử từ khi Lý Bí tu tập tại chùa Cổ Pháp đến thời điểm làm Giám quân ở Đức Châu và cuối cùng là đuổi giặc Lương lên ngôi tại điện Vạn Thọ. Đó cũng là lần đầu tiên Việt Nam có hoàng đế và niên hiệu Thiên Đức là niên hiệu riêng đầu tiên để chứng tỏ nước ta đã giành lại độc lập từ tay Trung Quốc.

Với hơn 500 trang, 15 hồi gay cấn, sinh động trong từng câu thoại của các nhân vật lịch sử, "Nam Đế Vạn Xuân" đưa bạn đọc như đang được trở về thời điểm cách đây gần 1500 năm để ta thêm hiểu, thêm tự hào về lịch sử đánh giặc hào hùng của dân tộc.

Điều hấp dẫn ở một tiểu thuyết lịch sử đối với bạn đọc, nằm ở khả năng của tác giả trong việc kết hợp hài hòa giữa các yếu tố chính sử, dã sử, đồng thời giữ một biên độ hư cấu hợp lý để không đánh mất tính trung thực lịch sử.

Chọn một đề tài lịch sử thuộc giai đoạn Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, Phùng Văn Khai ưu tiên các dẫn liệu chính sử để làm xương sống cho "Nam Đế Vạn Xuân". Bên cạnh đó, nhà văn sử dụng huyền tích một cách vừa phải không thừa thãi, chủ yếu nhằm tạo ra sự dị biệt đặc thù cho nhân vật lịch sử, điển hình như tình tiết hổ vàng rơi lệ ở hồi một.

Cùng với đó là những chi tiết mang yếu tố truyền thống dân gian vùng Bắc Bộ để tăng tính thuần Việt cho tiểu thuyết. Đơn cử là những màn giao đấu trên các xới vật. Việc mở rộng ra các chủ đề văn hóa, cụ thể là văn hóa thuần Việt, như văn hóa chính trị, văn hóa tâm linh, văn hóa dân gian, văn hóa làng xã, sẽ đi đến một sự biểu đạt của nghệ thuật nhìn từ văn hóa, khiến nhà văn không đơn thuần chỉ còn là một tiểu thuyết gia, mà còn là một nhà văn hóa.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Viết tiểu thuyết lịch sử ngoài sự đam mê cần phải có một khoảng thời gian - Ảnh 3.

Hai cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Phùng Văn Khai

Tiểu thuyết "Triệu vương phục quốc" viết về cuộc đời lẫm liệt của Triệu Quang Phục, tiêu biểu cho khí phách quật cường, quyết đánh đuổi ngoại xâm, chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc ở giai đoạn lịch sử vô cùng đau thương và bi tráng của dân tộc. Tên tuổi của ông lưu danh sử sách cùng những bậc anh hùng hào kiệt thời kỳ này như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền…

Triệu Việt Vương tên thật là Triệu Quang Phục, trị vì đất nước từ năm 548 đến năm 571. Triệu Quang Phục sinh ra trong một gia đình đời đời làm hào trưởng vùng đất Chu Diên. Năm 542, Triệu Quang Phục theo cha là Triệu Túc đem quân tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí. Sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế lập ra nước Vạn Xuân, Triệu Quang Phục được trao chức Tả tướng quân.

Huyện Khoái Châu ngày nay (xưa thuộc huyện Chu Diên) là quê hương của đấng anh hùng cứu nước, quét sạch quân Lương ra khỏi bờ cõi: Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương). Ông đã ra đi hơn một nghìn năm nhưng danh thơm thì còn mãi với non sông.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Phùng Văn Khai: còn phải làm nhiều việc về văn học cho lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO