Những đánh giá thực tiễn và khung triển khai để thực hiện thành công các dự án IoT

TS. Trần Tuấn Hưng| 11/05/2020 08:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Rất thường xuyên, thời đại của chúng ta được nhìn nhận là kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, của chuyển đổi số, trong đó sự kết hợp của nhiều công nghệ mang tính đột phá sẽ thay đổi cuộc sống hàng ngày. Các công nghệ điển hình thường được nhắc đến là kết nối vạn vật (IoT: Internet of Things), trí tuệ nhân tạo (AI: Artificial Intelligent), dữ liệu lớn (Big data). Đặc biệt, IoT được coi là một trong những công nghệ cốt yếu của CMCN 4.0.

Những đánh giá thực tiễn và khung triển khai để thực hiện thành công các dự án IoT - Ảnh 1.

Ảnh: es.weforum.org

Mở đầu

Sự phát triển của công nghệ IoT và hệ sinh thái IoT như Liên minh LoraWAN [1], hệ sinh thái Sigfox [2], nhiều diễn đàn và tổ chức IoT quốc tế [3], [4], đã thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng nghiên cứu phát triển và ứng dụng các sản phẩm, giải pháp IoT vào đời sống hàng ngày của cộng đồng cũng như vào các ngành công nghiệp sản xuất. Đây hiện đang là xu hướng chung trên thế giới và Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Các thuật ngữ CMCN 4.0, chuyển đổi số, IoT, AI, Big Data gợi cho người nghe liên tưởng đến xu hướng công nghệ cao, nhưng nhiều khi dường như chúng được nhắc đến chỉ cho khớp với ngôn ngữ thời thượng. Bản chất thật sự của các khái niệm này là gì trong nhiều trường hợp vẫn là vùng kiến thức khá mờ nhạt đối với phần lớn cộng đồng. Từ góc độ và cách tiếp cận thực tiễn, chúng thường chưa được minh họa bằng những ví dụ cụ thể hay bằng những trường hợp áp dụng dễ hình dung. Đây là một thiếu sót rất hay xảy ra ở các nước đang trên đà phát triển mà Việt Nam là một ví dụ. Vì thế, thay vì chỉ dừng lại ở mức nêu ra các thuật ngữ thời thượng cho hợp xu thế, rất cần có những góc nhìn sâu hơn, giải thích kỹ hơn, và những đánh giá mang tính thực tiễn về bản chất của các khái niệm và công nghệ, về thực tế nghiên cứu phát triển các sản phẩm thật, giải pháp thật mà ở đó các lợi ích của IoT, AI, Big Data, đươc tận dụng.

Bài viết này mong muốn đóng góp vào mục tiêu ở trên xuất phát từ kinh nghiệm thực tế và khuyến nghị về khung phương pháp luận triển khai chế tạo các giải pháp sản phẩm trong lĩnh vực IoT (chúng tôi gọi chung là các dự án IoT).

Thứ nhất, chúng tôi đưa ra một số nhận định và đánh giá thực tiễn liên quan đến các dự án IoT. Chúng tôi hy vọng các ý kiến này sẽ giúp ích cho cộng đồng IoT lưu ý khi tài trợ hoặc\và tự nghiên cứu phát triển các sản phẩm/giải pháp IoT với mục đích phục vụ cộng đồng, đưa ra thị trường thương mại hóa.

Thứ hai, chúng tôi khuyến nghị một khung phương pháp luận triển khai chặt chẽ mà các dự án IoT nên đi theo nhằm mang lại tỷ lệ thành công cao hơn cho dự án, bao gồm các giai đoạn Khởi tạo, Lên Kế hoạch & Thiết kế, Phát triển sản phẩm, Thương mại hóa, triển khai và vận hành diện rộng.

Các ví dụ về dự án IoT rất đa dạng. Đó có thể là các dự án nghiên cứu trong trường đại học nhằm mục đích phát triển nguyên mẫu cho các thiết bị/giải pháp IoT mẫu (giám sát môi trường, định vị đồ vật, các giải pháp IoT cho đô thị thông minh); các dự án do các doanh nghiệp (DN) khởi xướng để chế tạo sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm IoT (nhà thông minh, các thiết bị giải pháp IoT cho nông nghiệp, giao thông, du lịch, y tế…). Vì vậy, các bên có liên quan đến các dự án IoT, có thể là bên tài trợ dự án, các nhà nghiên cứu, đội ngũ kỹ thuật phát triển sản phẩm, đội ngũ marketing, các nhà quản trị dự án.

Hiểu ngắn gọn về IoT

Hiểu một cách cơ bản và logic, IoT là sự kết nối và trao đổi thông tin giữa mọi thực thể (người hoặc sự vật) trong cuộc sống, tạo ra mạng lưới kết nối giữa mọi thực thể với nhau, cho phép bất cứ thực thể nào cũng có thể liên kết đến các thực thể khác trong mạng lưới. Sử dụng sự kết nối giữa các thực thể và dữ liệu mà các thực thể trao đổi với nhau qua kết nối đó, rất nhiều ứng dụng khác nhau có thể được xây dựng và mang lại các tiện ích đời sống và tiện ích sản xuất đa dạng.

Khi nói về thiết bị IoT (IoT devices), chúng ta chỉ nghĩ đến các thiết bị vật lý có khả năng thu thập dữ liệu từ môi trường xung quanh (thường là qua các cảm biến) và được tích hợp các tính năng tạo kết nối đến các thực thể khác bằng các công nghệ như LPWAN (LoraWAN, SigFox, NB-IoT) [5], WiFi, Bluetooth, Zigbee, Cellular 4G, 5G (xem Hình 1 về các công nghệ kết nối IoT, tốc độ truyền dữ liệu và khoảng cách kết nối tương ứng). Khi chúng ta nói về ứng dụng IoT (IoT application), chúng ta nói về các ứng dụng được lập trình để xử lý khối lượng dữ liệu được thu thập từ các thiết bị vật lý IoT, đưa ra các kết quả thống kê và cao hơn là tự động hóa một số tiện ích dựa trên dữ liệu thu thập được. Thiết bị IoT và ứng dụng IoT khi kết hợp cùng nhau sẽ tạo ra giải pháp IoT (trong bài viết này hai cụm từ "giải pháp IoT" và "sản phẩm IoT" được sử dụng với cùng ý nghĩa).

Những đánh giá thực tiễn và khung triển khai để thực hiện thành công các dự án IoT - Ảnh 2.

Hình 1. Các công nghệ kết nối IoT

Mô hình tổng quan của giải pháp IoT (hay sản phẩm IoT) được trình bày trong Hình 2. Các thiết bị IoT có thể là thiết bị đầu cuối (end-device) hoặc các thiết bị trung chuyển (gateway/base station). Các ứng dụng IoT xử lý dữ liệu (thu thập từ các thiết bị IoT) được cài đặt tại hệ thống xử lý (máy chủ, lưu trữ) trung tâm. Ngoài chức năng thu thập, lưu trữ, xử lý thống kê dữ liệu, ứng dụng IoT còn có thể lập trình để điều khiển ngược lại hành vi của các thiết bị đầu cuối, từ đó tạo ra các tiện ích tự động hóa cho của toàn bộ hệ thống. 

Những đánh giá thực tiễn và khung triển khai để thực hiện thành công các dự án IoT - Ảnh 3.

Hình 2. Mô hình tổng quan các giải pháp IoT

Các lĩnh vực có thể sử dụng tiện ích của thiết bị IoT và ứng dụng IoT trải rộng trong các ngành dọc như nông nghiệp, y tế, giáo dục, du lịch, môi trường, giao thông, tự động hóa trong các ngành sản xuất chế tạo… cũng như các tiện ích đời sống và cộng đồng trong khuôn khổ nhà thông minh (smart home), thành phố thông minh (smart city).  Một số tiện ích cụ thể do các sản phẩm IoT mang lại có thể nhắc đến như theo dõi, định vị người, phương tiện, hàng hóa; đồng hồ thông minh đo tiêu thụ điện/nước; chiếu sáng thông minh (cho đô thị công cộng, cho nhà ở); tự động hóa tiện ích trong nhà (chiếu sáng, điều khiển thiết bị dân dụng, cảnh báo trộm, cảnh báo cháy); quan trắc mực nước, chất lượng nước, thành phần nước (nước sinh hoạt, nước nuôi trồng thủy sản vv.); quan trắc chất lượng không khí…

Tùy vào mục đích và lĩnh vực sử dụng của các tiện ích mà giải pháp IoT cung cấp, chúng ta có thể phân biệt IoT phục vụ đời sống (Consumer IoT) và IoT phục vụ ngành công nghiệp (Industrial IoT). Như tên gọi cũng đã chỉ rõ, Consumer IoT mang lại các tiện ích phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất hàng ngày của cộng đồng, còn Industrial IoT cung cấp các tiện ích cho ngành sản xuất công nghiệp đặc thù.

IoT có một thị trường đầy tiềm năng với dự báo rất lạc quan cho doanh thu, số lượng thực thể kết nối, lượng dữ liệu được trao đổi giữa các thực thể. Hình 3 thể hiện các con số dự báo được các công ty tư vấn và phân tích thị trường có uy tín hàng đầu đưa ra.

Những đánh giá thực tiễn và khung triển khai để thực hiện thành công các dự án IoT - Ảnh 4.

Hình 3: Dự báo về quy mô mạng lưới và thị trường IoT (số liệu từ các công ty tư vấn và phân tích thị trường quốc tế)

Tình hình triển khai IoT ở Việt Nam

Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong nhiều sự kiện trong và ngoài ngành viễn thông, CMCN 4.0 và công nghệ IoT được nhấn mạnh nhiều, nhưng tình hình triển khai thực tế lại không hẳn như vậy. Cho đến cuối năm 2019, theo quan sát của chúng tôi, sự đón nhận và áp dụng IoT ở Việt Nam chưa thể nói là đã có độ bao phủ sâu rộng. Điều này không chỉ đúng cho Consumer IoT mà cả cho Industrial IoT. Không nhằm hướng tới những nhận định tổng quát và tạm thời không tập trung vào Industrial IoT, trong ý kiến của chúng tôi, những rào cản và khó khăn chủ đạo sau đây có thể giải thích cho sự hiện hữu còn hạn chế của Consumer IoT.

Chất lượng đời sống chưa đạt đến mức tạo ra những nhu cầu về tiện ích IoT thông minh

Consumer IoT hướng tới cung cấp các tiện ích tự động và thông minh, làm cuộc sống của cộng đồng dân chúng trở nên tiện lợi hơn. Tuy nhiên, sự áp dụng rộng rãi của consumer IoT đặt nền móng trên giả thuyết là đời sống cộng đồng đã đạt mức nhất định về chất lượng và độ tiện lợi, khi đó người dân sẽ muốn có thêm ngày càng nhiều sự tiện lợi hơn nữa mà IoT có thể thực hiện. Một khi chất lượng cuộc sống trung bình và sự tiện lợi chưa đạt đến ngưỡng nhất định đó, không có nhiều ý nghĩa để đưa thêm các tiện ích IoT. Thực tế là một tỷ lệ lớn dân chúng hiện tại chưa quan tâm và chưa cần đến các tiện ích thông minh IoT, vì hiện tại họ vẫn đang chỉ quan tâm để có được các tiện ích hàng ngày. Độ lan tỏa còn hạn chế của các tiện ích nhà thông minh là ví dụ điển hình cho nhận định của chúng tôi.

Cộng đồng người dùng chưa sẵn sàng sử dụng các sản phẩm IoT vì giá thành chưa hợp lý hoặc chưa đủ thông tin tin cậy về chất lượng sản phẩm

Trên thị trường Việt Nam, đã xuất hiện một số sản phẩm và giải pháp consumer IoT được thương mại hóa. Tuy nhiên, một trong những cản trở lớn nhất để các sản phẩm này có được thị phần rộng rãi là giá thành cao so với mức trung bình của người sử dụng thông thường, đi kèm với sự băn khoăn của họ về chất lượng sản phẩm. Nói cách khác người dân lưỡng lự khi mua các sản phẩm IoT vì họ cho rằng sản phẩm có giá thành cao, và họ cũng chưa thật sự tin tưởng các sản phẩm IoT có chất lượng tốt có thể dùng lâu dài. Đây cũng là điều dễ hiểu khi trên thị trường có khá nhiều các nhãn mác sản phẩm của các nhà sản xuất khác nhau, và không phải nhãn mác nào cũng chiếm được sự tin tưởng của cộng đồng người dùng.

Các chương trình và cách thức quảng bá sản phẩm chưa đủ hiệu quả để tạo ra hiệu ứng domino cho sự đón nhận các sản phẩm IoT

Đây cũng là một trong những lý do chính dẫn đễn các sản phẩm IoT chưa được đón nhận và sử dụng rộng rãi. Theo chúng tôi, với cộng đồng người sử dụng thì bản thân thuật ngữ IoT, hay Internet vạn vật sẽ không phải là nhân tố cần được nhấn mạnh trong các quảng bá. Thay vào đó cần quảng cáo về các tiện ích vượt trội mà sản phẩm IoT mang lại, được diễn giải trong những bối cảnh sử dụng quen thuộc của cộng đồng người dùng.

Trong khó khăn luôn có cơ hôi. Thực trạng về thị trường IoT còn đang hạn hẹp ở Việt Nam lại chính là cơ hội cho nhiều DN và nhà cung cấp giải pháp. Nếu DN sở hữu sản phẩm IoT giải quyết được bài toán thiết thực của xã hội, của cộng đồng người dùng, và nếu sản phẩm được quảng bá hiệu quá, có giá thành hợp lý, thì thành công sẽ nằm trong tầm tay. Tất nhiên, đạt được các yếu tố đó cho các sản phẩm IoT là sự thách thức không hề nhỏ. Chấp nhận các thách thức, thực hiện các dự án IoT để hướng tới thành công hiện đang là sự lựa chọn của nhiều DN Việt Nam trong thời gian gần đây, khi họ bắt tay vào phát triển các sản phẩm giải pháp IoT phục vụ cộng đồng. Trong bài viết này chúng tôi dùng cụm từ dự án IoT để nói về những sự khởi xướng như vậy, bao hàm từ các ý tưởng về sản phẩm IoT, đến thực thi nghiên cứu phát triển sản phẩm, triển khai dự án, thương mại hóa sản phẩm.

Nhận định về các rào cản khó khăn cho các dự án IoT

Trong quá trình tham gia các cộng đồng IoT cũng như phát triển, triển khai thử nghiệm các giải pháp IoT, chúng tôi đúc kết được một số quan sát đáng lưu ý. Theo đó, một phần không nhỏ các dự án IoT với quy mô khác nhau được các DN khởi xướng đã không thành công như mong đợi về mặt kỹ thuật và/hoặc về mặt thương mại do một trong hoặc do sự kết hợp những lý do sau đây.

Thiếu một khung triển khai phù hợp thực tiễn: dự án phát triển sản phẩm/giải pháp IoT được thực hiện với cách tiếp cận phức tạp, không rành mạch, thiếu nhất quán và không phù hợp với thực tiễn. Từ đó phát sinh các vấn đề khó khăn rất khó kiểm soát, các biện pháp xử lý vấn đề cũng không có hiệu quả.

Chất lượng sản phẩm không tốt do thiết kế chưa tốt: kể cả khi khung triển khai cho dự án được xây dựng và tuân thủ, việc lên kế hoạch và thiết kế sản phẩm không được coi trọng đúng mức. Việc bỏ qua các chi tiết nhẽ ra cần phải đươc cân nhắc trong thiết kế tính năng sản phẩm IoT dẫn đến nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh mà không thể xử lý triệt để. Từ quan điểm thực tiễn, một khung triển khai tốt chưa đủ để đảm bảo sự thành công của dự án IoT. Quan trọng là các giai đoạn của khung triển khai, đặc biệt là chất lượng thiết kế sản phẩm cần phải được đầu tư công sức và thực thi một cách kỹ lưỡng, trọn vẹn.

Tính ổn định, khả năng mở rộng, tính bảo mật dữ liệu của sản phẩm IoT không tốt: đặc thù của IoT là sự kết nối rất nhiều cá thể, dữ liệu được trao đổi giữa các cá thể có thể xảy ra với tần suất lớn, và đòi hỏi sự bảo mật và riêng tư. Sự ổn định của sản phẩm IoT chính là yếu tố đặc thù vì có liên quan trực tiếp đến tiện ích đem lại cho cộng đồng người dùng. Rất thường xuyên, mức độ ổn định của sản phẩm IoT không đáp ứng được yêu cầu của người dùng. Một số tính năng sản phẩm (tuy có thể chỉ là những tính năng bổ trợ) không hoạt động tốt, lúc hoạt động, lúc không hoạt động, gây ra sự không hài lòng của người dùng.

Khả năng mở rộng là một đặc thù khác của sản phẩm IoT mà nhiều khi không được chú ý đúng mức, nhất là trong giai đoạn thiết kế và kiểm thử sản phẩm. Khi sản phẩm IoT được đưa vào hoạt động, quy mô hệ thống tăng lên do số lượng thiết bị đầu cuối nhiều lên, số lượng người dùng, số lượng kết nối tại cùng thời điểm tăng lên là khi các vấn đề lỗi về hiệu năng xuất hiện. Trong trường hợp xấu, cả hệ thống IoT có thể bị lỗi ngừng hoạt động do không đủ khả năng xử lý đồng thời nhiều thực thể, nhiều kết nối trong mạng lưới IoT.

Bảo mật dữ liệu trong các giải pháp IoT hiện cũng chưa được quan tâm đúng mức.Việc coi nhẹ việc bảo mật dữ liệu có thể dẫn đến sự không tuân thủ các quy định chính sách quản lý về an toàn thông tin, các nguy cơ làm lộ thông tin và hành vi của người dùng sản phẩm IoT cho bên thứ ba.

Thiếu chiến lược và chương trình marketing hiệu quả: Sản phẩm IoT không nhận được sự đón nhận của khách hàng tiềm năng trong quá trình bán hàng do cách tiếp cận quảng bá hoặc quá nghèo nàn hoặc quá thổi phồng. Trong trường hợp đầu, khách hàng không biết đến sự tồn tại của sản phẩm IoT, không rõ về tính năng tiện ích mà sản phẩm đem lại. Trong trường hợp sau, thổi phồng tính năng sản phẩm sẽ gây ra sự nghi ngờ của khách hàng về khả năng thực sự của sản phẩm, dẫn đến sự lưỡng lự để mua sản phẩm.

Giá thành sản phẩm cao do chi phi nghiên cứu phát triển và chi phí sản xuất cao hoặc định vị sản phẩm IoT không chính xác: Giá thành sản phẩm IoT khi đưa ra thị trường cao hơn nhiều so với mức độ chấp nhận và khả năng chi trả của cộng đồng người dùng. Nguyên nhân là do giá thành đầu vào cao hoặc do kỳ vọng lợi nhuận không thực tế. Bản chất IoT là lĩnh vực mới, sản phẩm mới chưa có tiền lệ, nên sản phẩm IoT dễ bị DN định vị quá cao trên thị trường.

Rõ ràng, để giải quyết tất cả các vấn đề ở trên sẽ cần nhiều công sức và phải kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tiếp cận đến vấn đề đầu tiên, đó là khuyến nghị một khung phương pháp luận triển khai mang tính thực tiễn cho các dự án IoT, làm nền tảng để từ đó có thể xử lý các vấn đề còn lại trong danh sách rào cản ở trên.

Khung phương pháp luận triển khai cho các dự án phát triển sản phẩm IoT  

Xuất phát từ những bài học thực tế, chúng tôi khuyến nghị các dự án IoT nên được triển khai theo khung phương pháp luận chặt chẽ, gồm nhiều giai đoạn nối tiếp nhau, mỗi giai đoạn có sự tập trung vào các đầu việc nhất định, để tăng cơ hội thành công. Các giai đoạn của dự án, như hiển thị trong Hình 4 bao gồm Khởi tạo (Initiative), Lên kế hoạch và Thiết kế (Planning & Design), Phát triển sản phẩm (Development), Thương mại hóa & Triển khai vận hành diện rộng (Mass Sales & Deployment/Operation).

Những đánh giá thực tiễn và khung triển khai để thực hiện thành công các dự án IoT - Ảnh 5.

Hình 4: Khuyến nghị khung phương pháp triển khai cho các dự án IoT

Giai đoạn khởi tạo

Trong giai đoạn này, cần thực hiện các hành động để xây dựng một cách tường minh nhất có thể mục đích và tầm nhìn của dự án IoT: xây dựng sản phẩm IoT phục vụ mục đích gì, với các tính năng ra sao. Các cuộc thảo luận, nghiên cứu thị trường, khảo sát nhu cầu là các đầu việc điển hình để đánh giá tiềm năng thị trường, công nghệ có thể sử dụng, các nhà cung cấp và đối tác (kỹ thuật và tài chính) phù hợp. Các phân tích đa chiều để thiết lập chiến lược hành động cũng cần được thực hiện như phân tích các yếu tố vĩ mô (PESTLE analysis), các yếu tố cạnh tranh (SWOT analysis, 5-force analysis).

Trong giai đoạn khởi tạo của dự án IoT, rất quan trọng là sự kết hợp linh hoạt giữa cách tiếp cận làm-đi-làm-lại (spiral approach) và hãy-cứ-làm (just-do-it). Một mặt, sự phân tích và thảo luận nên được lặp lại nhiều vòng, ghi nhận kết quả và các kết luận của vòng trước để các vòng phân tích sau sẽ mở rộng hoặc bổ sung các kết luận đó. Lý do nên lặp lại nhiều vòng thảo luận là vì IoT là lĩnh vực khá mới mẻ, và còn đó những yếu tố có thể chưa thực sự rõ ràng cả trong và ngoài công nghệ (như chính sách tần số cho kết nối LPWA, chính sách cho các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng IoT…). Nhưng mặt khác, đến một thời điểm nào đó, quyết định cần được đưa ra về việc bắt đầu hoặc không bắt đầu, hủy dự án. Đây là thời điểm cần cách tiếp cận just-do-it, vì có thể sẽ là quá muộn, mất cơ hội thị trường nếu kéo dài thêm nữa thời gian chờ đợi nhiều thêm thông tin phân tích mới đưa ra quyết định. Đặc thù của các dự án IoT là bắt buộc cần có sự kết hợp linh hoạt giữa hai cách tiếp cận làm-đi-làm-lại (spiral approach) và hãy-cứ-làm (just-do-it) trong quá trình ra quyết định và thúc đẩy dự án.

Kết quả đầu ra của Giai đoạn khởi tạo là các kết quả Nghiên cứu đánh giá và khảo sát thị trường, Phân tích chiến lược tiếp cận thị trường, Định hình sản phẩm, mô tả kỹ thuật mức cao cho sản phẩm. Kết luận có thực sự khởi động dự án hay không được đưa ra dựa trên các kết quả đầu ra. Trường hợp quyết định đầu tư, khởi động dự án, dự án sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn lên kế hoạch và thiết kế

Khi quyết định khởi động dự án là kết quả của Giai đoạn khởi tạo, dự án bước vào Giai đoạn lên kế hoạch và thiết kế.

Kế hoạch dự án một mặt là kế hoạch triển khai, bao gồm nhiều khía cạnh liên quan đến triển khai như phạm vi công việc của dự án, lịch trình phát triển, hoàn thiện, kế hoạch nhân sự, tổ chức dự án, rủi ro và các biện pháp xử lý. Mặt khác kế hoạch dự án cũng bao hàm kế hoạch kinh doanh, những yếu tố tài chính thương mại như kế hoạch nguồn vốn, kế hoạch quảng bá, kế hoạch chi phí lợi nhuận, thời điểm hòa vốn dự kiến. Các nội dung về kinh doanh khác cũng cần có như mô hình bán hàng dự kiến sẽ triển khai, kênh bán hàng, nguồn lực kinh doanh.

Kế hoạch cho chiến lược quảng bá sản phẩm cũng là một phần quan trọng của kế hoạch dự án. Như đã phân tích trong Mục 3, để khách hàng tiềm năng có nhận thức và chào đón những tiện ích mà sản phẩm IoT mang lại, kế hoạch tiếp cận, quảng bá, thay đổi hành vi và nhận thức khách hàng là công việc rất thách thức cần được xử lý trong kế hoạch quảng bá sản phẩm IoT.

Kế hoạch triển khai và kế hoach kinh doanh cùng nhau sẽ tạo nên kế hoạch dự án, là bản kế hoạch nền cung cấp thông tin tổng quan và các chi tiết nhất định về dự án IoT cho tất cả các bên liên quan. Trong quá trình triển khai dự án, dựa theo tình hình thực tế, bản kế hoạch dự án nền sẽ được làm chi tiết và có thể có cả những điều chỉnh nếu cần.

Bên cạnh kế hoạch dự án là thiết kế cho sản phẩm IoT. Phần việc thiết kế có thể coi là thuần túy kỹ thuật cho các tính năng và công nghệ sử dụng để phát triển sản phẩm IoT. Thiết kế của sản phẩm IoT được khuyến nghị đầu tư công sức kỹ lưỡng, chú trọng đến các tiểu tiết và các khía cạnh khác nhau, đặc biệt là các tiêu chí về tính ổn định, khả năng mở rộng, tính bảo mật, phương án vận hành, bảo trì nâng cấp sản phẩm. Nhiều khi đội ngũ kỹ thuật thường có xu hướng bỏ qua một số yêu cầu khi thiết kế hoặc thực hiện không thấu đáo vì cho rằng không cần tốn qua nhiều thời gian cho thiết kế. Tuy nhiên đây là quan điểm không thực sự hợp lý. Kinh nghiệm thực tế cho thấy nếu thiết kế không được chuẩn bị kỹ lưỡng, những lỗi phát sinh khi thử nghiệm nguyên mẫu, thử nghiệm thực địa, vận hành thật của sản phẩm IoT sẽ tiêu tốn nhiều công sức và chi phí để xác định được nguyên nhân lỗi và sửa lỗi triệt để.

Đặc thù của dự án IoT là cần rút ngắn nhất có thể thời gian đến thời điểm thương mại hóa, và nhiều khi nhu cầu tiện ích của cộng đồng có thể không hoàn toàn giống như định hướng ban đầu của sản phẩm IoT. Vì vậy, thiết kế sản phẩm IoT nên làm thành nhiều vòng, các chức năng quan trọng cần được ưu tiên thiết kế trước để thực hin phát triển các tính năng này, thử nghiệm nguyên mẫu, thử nghiệm thực địa, lấy ý kiến phản hồi của khách hàng tiềm năng tham gia thử nghiệm. Từ đó, hoàn thiện các chức năng ưu tiên theo nhu cầu người dùng. Sau đó tiếp tục thêm vào sản phẩm các chức năng tiếp theo phù hợp với yêu cầu người dùng theo các ý kiến phản hồi đã thu thập. Lặp lại vòng lặp từ khâu thiết kế với các chức năng thêm vào đó.

Sản phẩm đầu ra của Giai đoạn lên kế hoạch và thiết kế là Bản kế hoạch triển khai dự án, Kế hoạch kinh doanh của dự án, Thiết kế sản phẩm.

Giai đoạn phát triển sản phẩm

Trong giai đoạn này các công việc phát triển, tích hợp sẽ diễn ra để trước hết đưa ra được nguyên mẫu của sản phẩm (prototype) và đảm bảo nguyên mẫu này hoạt động tốt trong môi trường phát triển (phòng lab) theo các nguyên tắc đã thiết kế ở giai đoạn trước. Sau đó, từ nguyên mẫu hoạt động tốt, sản phẩm IoT cần được đưa ra môi trường thật để chạy thử nghiệm thực địa (pilot).

Khuyến nghị là tất cả các công đoạn phát triển, thử nghiệm nguyên mẫu, thử nghiệm thực địa cần được thực thi theo chu trình vòng lặp của các hành động: đo kiểm các yếu tố chất lượng sản phẩm (KPI: Key Performance Indicators) cho từng nhóm chức năng theo thứ tự ưu tiên, rút ra các kết luận và đánh giá, hoàn thiện nhóm chức năng dựa trên đánh giá.

Với thử nghiệm thực địa, cần lựa chọn môi trường thực địa điển hình nhất có thể, giống nhất có thể so với môi trường mà sản phẩm IoT sẽ hoạt động sau này khi được thương mại hóa. Mục tiêu là để có thể phát hiện sớm nhất có thể các vấn đề chất lượng sản phẩm nếu có. Chính vì vậy, khuyến nghị là cần tránh chọn địa điểm thử ngiệm thực địa theo cách dễ dãi chỉ vì lý do tiết kiệm chi phí thử nghiệm hoặc dễ cho lắp đặt triển khai.

Kết quả đầu ra của giai đoạn Phát triển sản phẩm theo thứ tự là: nguyên mẫu sản phẩm, thử nghiệm thực địa thành công, sản phẩm sẵn sàng cho thương mại hóa.

Giai đoạn thương mại hóa, triển khai và vận hành diện rộng

Khi giai đoạn Phát triển sản phẩm kết thúc cũng có nghĩa là sản phẩm IoT đã đạt đến trạng thái sẵn sàng để thương mại hóa. Bước tiếp theo là quảng bá đưa ra thị trường với mục tiêu chốt thành công các đơn hàng/hợp đồng và hỗ trợ vận hành sản phẩm IoT cho khách hàng.

Công đoạn thách thức nhất trong giai đoạn này là chu trình thương mại hóa, để khách hàng tiềm năng biết đến, tin tưởng, và mua sản phẩm IoT. Thông thường các biện pháp marketing khác nhau cần được cân nhắc để thực hiện như quảng cáo online, quảng bá trong các cộng đồng, hiệp hội, các sự kiện, quảng cáo trên các phương tiện đại chúng.

Khi đã có hợp đồng, việc triển khai sản phẩm IoT cho khách hàng sẽ được thực hiện. Sau đó là chu trình vận hành và hỗ trợ. Để chu trình vận hành và hỗ trợ sản phẩm IoT hiệu quả, khuyến nghị thiết lập đội kỹ thuật hỗ trợ với nguồn lực có trình độ chuyên môn IoT tốt. Trong trường hợp sản phẩm IoT có sử dụng công nghệ hay phần cứng/phần mềm đặc thù từ hãng công nghệ, sự liên hệ chặt chẽ đến đầu mối hỗ trợ kỹ thuật từ hãng là không thế thiếu trong mô hình tổ chức vận hành hỗ trợ.

Đáng lưu ý là trong giai đoạn này, chu trình vòng lặp của các hành động: đo kiểm các yếu tố KPI, rút ra kết luận bài học, hoàn thiển sản phẩm cũng cần được áp dụng cho cả chất lượng sản phẩm IoT và cho dịch vụ vận hành hỗ trợ. Tuy nhiên, khác so với vòng lặp của Giai đoạn phát triển sản phẩm, mỗi vòng lặp của Giai đoạn vận hành hỗ trợ thường sẽ có thời gian vòng đời lớn hơn.

Kết luận

Mặc dù IoT hay kết nối vạn vật trong một vài năm trở lại đây đã trở thành cụm từ công nghệ quen thuộc cho cộng đồng, nhưng con đường thực tiễn để nghiên cứu, phát triển, sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm IoT không hề dễ dàng. Các DN mong muốn tự nghiên cứu phát triển, xây dựng và sở hữu sản phẩm IoT cần vượt qua không ít khó khăn và thách thức để có thể thành công. Bài viết này đã chia sẻ những khó khăn điển hình cản trở sự thành công của các dự án IoT ở Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi đã đưa ra khuyến nghị về một khung phương pháp luận thực tiễn để triển khai các dự án IoT, giúp các bên liên quan quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm IoT, từ đó tăng cơ hội thương mại hóa thành công sản phẩm.

Tài liệu tham khảo

[1] LoRa ecosystem information available at: www.lora-alliance.org/

[2] Sigfox ecosystem information available at: www.sigfox.com/en/coverage/.

[3] IoT Asia Business Platform information available at https://iotbusiness-platform.com/

[4] The Next Generation Internet of Things (NGIoT), information available at https://www.ngiot.eu/

[5] K. Mekki, E. Bajic, F. Chaxel, F. Meyer. A comparative study of LPWAN technologies for large-scale IoT deployment. ICT Express, Volume 5, Issue 1, March 2019, pp 1-7.

[6] O. Gassmann, K. Frankenberger, and M. Csik. Revolutionizing the Business Model. In O. Gassmann, and F. Schweitzer, (Eds.), Management of the Fuzzy Front End of Innovation, Springer, New York, pp. 89-98, 2014.

(Bài viết đăng trên ấn phẩm in Tạp chí Thông tin và Truyền thông số tháng 4/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những đánh giá thực tiễn và khung triển khai để thực hiện thành công các dự án IoT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO