Những hành động để CMCN 4.0 trở nên bao trùm tại Việt Nam

Lan Phương| 15/05/2019 21:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Đại diện thường trú của UNDP đã có bài phát biểu “Thúc đẩy tính bao trùm của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” tại Hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” diễn ra sáng 15/5/2019, tại Hà Nội.

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam

Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh: Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của sự tăng trưởng Việt Nam cho đến nay là mức độ bao trùm.

Báo cáo Phát triển Con người Việt Nam UNDP-VASS năm 2016 đã chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế từ cuối thập niên 80 đến năm 2015 là tương đối cao, và quan trọng là điều này đi kèm với bất bình đẳng tương đối thấp và những cải thiện rõ rệt trong phân phối thu nhập.

“Chất lượng của sự bao trùm trong sự tăng trưởng của Việt Nam là chìa khóa thành công lớn trong giảm nghèo của Việt Nam, đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận”, bà Caitlin Wiesen nhận xét.

Nhìn về phía trước, trong giai đoạn phát triển tiếp theo của nước thu nhập trung bình thấp, trong quá trình chuyển đổi toàn cầu sang cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, câu hỏi lớn được đặt ra là liệu tăng trưởng của Việt Nam có tiếp tục (tương đối) bao trùm, xanh và bền vững, tạo cơ hội cho người dân Việt Nam tham gia, đóng góp và hưởng lợi từ sự tăng trưởng của đất nước.

Trong quá trình chuyển sang giai đoạn phát triển mới, bà Caitlin cho biết, Việt Nam phải đối mặt với một số rủi ro và thách thức chính, bao gồm: Những thách thức về sự không chắc chắn về kinh tế; xu hướng dịch chuyển chế biến, chế tạo ngược trở lại các nền kinh tế phát triển; cuộc chiến tranh thương mại với sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc; rủi ro biến đổi khí hậu ở cấp toàn cầu và những thay đổi do CMCN 4.0 tạo ra trong chuỗi giá trị toàn cầu; việc làm và phát triển con người.

4 thách thức trong quá trình chuyển đổi sang giai đoạn phát triển mới

Cụ thể hơn về các thách thức, bà Caitlin cho biết 4 thách thức chính gồm:

Thứ nhất, rủi ro bẫy thu nhập trung bình thấpvà thách thức chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ tình trạng phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động kỹ năng thấp/giá rẻ sang mô hình tăng trưởng mới với năng suất cao, giá trị gia tăng cao hơn. Đổi mới sáng tạo và bền vững môi trường như là những động lực mới, quan trọng cho tăng trưởng, tạo ra nhiều việc làm với năng suất và thu nhập cao hơn cho người dân Việt Nam.

Thứ hai, CMCN 4.0 tăng tốc mang lại cả cơ hội lẫn rủi ro về việc làm trong tương laikhi Việt Nam chuyển sang mô hình tăng trưởng mới. Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) được dự đoán là sẽ lấy đi việc làm trong một số ngành (ví dụ như trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thực phẩm và đồ uống, may mặc, đồ da, giày dép, điện tử, bán buôn, bán lẻ, khách sạn và ngân hàng) là những ngành động lực thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam. Đồng thời, có thể dự đoán rằng nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra, nhưng với các chức năng và tính chất khác.

Thứ ba, giai đoạn phát triển tiếp theo và CMCN 4.0 cũng có nguy cơ dẫn đến gia tăng bất bình đẳng và làm yếu đi khả năng ứng phó. Bên cạnh lợi nhuận từ vốn và tài sản sản xuất, lợi nhuận từ các kỹ năng mới và ý tưởng sáng tạo sẽ tăng cao hơn. Điều này cũng có nghĩa là những người không có (tiếp cận tới) kỹ năng mới, khả năng sáng tạo và vốn sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Thứ tư, hiểu biết của chúng ta ngày càng nhiều hơn về những rủi ro liên quan đến suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu cũng như tác động của chúng đến triển vọng thịnh vượng lâu dài.

Việc giải quyết thành công các vấn đề như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và biến đổi khí hậu cũng sẽ làm giảm các rủi ro mà chúng gây ra đối với sức khỏe và các chức năng nhận thức của con người – các chức năng rất quan trọng trong bối cảnh của CMCN 4.0”, bà Caitlin nhấn mạnh.

Việc Việt Nam có tránh được những rủi ro này hay không, theo bà Caitlin, phụ thuộc rất nhiều vào việc các DN tư nhân của Việt Nam, hiện bao gồm chủ yếu là nhỏ và vừa và siêu nhỏ, các DN hoạt động trong khu vực phi chính thức, có thể tăng trưởng cả về quy mô, năng suất cùng khả năng cạnh tranh. Sự tăng trưởng nàybao gồm cả mở rộng sản xuất kinh doanh ứng dụng một cách sáng tạo các công nghệ 4.0, công nghệ xanh để tạo ra nhiều việc làm có giá trị cao hơn và xanh hơn.

Ngoài ra, liệu sự tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam có tiếp tục đi kèm với sự bất bình đẳng ở mức tương đối thấp, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau hay không, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào:

- Việc trang bị cho trẻ em và người lao động Việt Nam các kỹ năng Thế kỷ 21 để họ vừa có thể tạo ra và nắm bắt cơ hội việc làm mới với các chức năng mới đang hình thành.

 - Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam cùng với các dịch vụ y tế và giáo dục có thể giúp bảo vệ, xây dựng khả năng ứng phó cho những nhóm người dễ bị tổn thương và thúc đẩy họ phát triển hơn nữa.

Những hành động để CMCN 4.0 trở nên bao trùm

Theo bà Caitlin, nền tảng của khái niệm phát triển con người là phát triển lấy con người làm trung tâm hoặc vì con người, của con người và do con người - đây là nguyên tắc chính để đảm bảo tính bao trùm của CMCN 4.0.

Điều này có nghĩa là con người phải được coi là nguồn giá trị sáng tạo, không phải chỉ là một đơn vị lao động như trong các cuộc CMCN trước đây (CMCN lần 1, CMCN 2.0 và CMCN 3.0), hoặc như nền kinh tế hiện nay và trong tương lai gần chỉ coi con người như là chi phí sản xuất đơn thuần.

Đảm bảo tính bao trùm của CMCN 4.0 - một quá trình chuyển đổi trong đó tất cả mọi người đều có thể tích cực tham gia, đóng góp và hưởng lợi từ CMCN 4.0 - sẽ liên quan đến các hành động trong 4 trụ cột chính sau:

Thứ nhất, tạo ra các động lực tăng trưởng mới giúp tạo ra các luồng việc làm mới cho tất cả mọi người.

Thứ hai, tăng cường khả năng của mọi người dân trong việc tạo ra và nắm bắt cơ hội việc làm mới: Để tăng cường khả năng tạo ra và nắm bắt cơ hội việc làm mới trong quá trình thực hiện CMCN 4.0, cần cung cấp cho tất cả mọi người các kỹ năng của thế kỷ 21.

Hệ thống đào tạo, đặc biệt là đào tạo kỹ năng, cần được xây dựng lại để trở thành “cơ sở hạ tầng” quan trọng để mỗi người trở thành chủ nhân cuộc sống của chính họ và trở thành nguồn đổi mới và sáng tạo trong thời đại tự động hóa.

Đối với Việt Nam, theo bà Caitlin, điều này đòi hỏi phải chuyển đổi hệ thống giáo dục sang một mô hình mới dựa trên các cộng đồng thực hành mở và kết hợp giữa học lý thuyết trên lớp, rèn kĩ năng trong thực tế học nghề và học trực tuyến, nhằm tạo điều kiện: Phát triển các khả năng như sáng tạo và khả năng thích ứng; Học tập theo hướng mở, theo ngữ cảnh, trên cơ sở kết nối mạng lưới và kĩ năng định hướng hành động.

Thứ ba, xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bao trùm hơn: Là "cơ sở hạ tầng" quan trọng tại thời đại của những công nghệ đột phá gây ra nhiều bất định và rủi ro, hệ thống an sinh xã hội mới phải bao trùm hơn, có phạm vi bao phủ rộng hơn và mức trợ giúp cao hơn, như một khoản đầu tư để khơi dậy các tiềm năng của con người trên phạm vi toàn xã hội, cũng như quản lý rủi ro xã hội.

Thứ tư, đầu tư vào các điều kiện môi trường dài hạn để con người hưng thịnh: Là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Biến đổi khí hậu, Việt Nam nên xây dựng mô hình tăng trưởng có khả năng duy trì và thậm chí tăng cường tài sản sinh thái, giảm ô nhiễm và hủy hoại môi trường sống trong khi giảm thiểu tác hại, thích nghi với khí hậu thay đổi.

Cuối cùng, bà Caitlin bày tỏ niềm tin chắc chắn rằng:"Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội có một không hai này để tạo ra sự chuyển đổi sang CMCN 4.0 bao trùm, có khả năng: Tạo ra bước nhảy vọt trong chuyển đổi công nghệ và tăng năng suất cùng với quản trị dự báo sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo của tất cả các bên, đạt kết quả một Việt Nam phát triển và thịnh vượng, nơi không ai bị bỏ lại phía sau".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những hành động để CMCN 4.0 trở nên bao trùm tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO