Những ngôi sao không dễ thấy ban ngày

Ánh Hồng| 13/03/2020 11:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Đó là một buổi sáng chủ nhật đáng nhớ hồi tôi ở 26 Điện Biên Phủ trong căn phòng khoảng 10 m2 sát vách tường nhà thơ Huy Cận và Xuân Diệu. Thấy bóng người, tôi vội ra mở cửa: A! Em chào anh. Sao anh không nhắn em tới, đến làm gì cho vất. Tôi nhìn ông dáng cao gầy, ăn mặc tuềnh toàng với chiếc áo sơ mi bỏ trong quần, tay cầm chiếc túi vải nhỏ.

Ông cười hiền như một nhà giáo: Vất vả gì đâu, hôm nay nghỉ, mình tranh thủ đi thăm mấy người bạn, sực nhớ tới Hồng ghé vào thăm thôi. Ông khom người bước vào, nhìn quanh ái ngại: Mưa có dột không? Dạ! Nhà có một mái nhưng em lợp giấy dầu kỹ nên có dột cũng chỉ vài giọt. Ông lặng lẽ uống hớp trà rồi nói: Mình mới viết cuốn sách, tiện đây mình tặng Hồng. Đọc xong thẳng thắn cho ý kiến nhé! Tôi cảm động đón cuốn sách vẫn thơm mùi mực, đó là cuốn “Dưới bóng giáo đường”.

Sau này đọc, tôi hiểu ra nhiều điều về cuộc sống chiến đấu của nhân dân và cán bộ ta ở vùng Hà Nam Ninh hồi Pháp tạm chiếm bởi các chi tiết sinh động rất đời thường, lời văn trong sáng giản dị. Tặng sách xong, ông đứng dậy về không cần tôi tiễn. Vào nhà, nhìn cuốn sách trên bàn có chữ ký đề tặng của ông, tôi vô cùng cảm động, không ngờ ông Dương Thông đến tận nhà tặng sách. Vì ông là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Thường trực Tổng cục An ninh, Bộ Công an, người có quân hàm cao nhất trong ngành An ninh thời đó.

Ông Dương Thông, tên đầy đủ là Dương Trọng Thông, sinh năm 1924 quê ở Khương Đình, Thanh Trì, Hà Nội. Sau ngày Giải phóng thủ đô, ông Dương Thông về công tác tại Hà Nội thuộc Cục 72, sau chuyển sang Cục 78 và A25 (Cục Bảo vệ Văn hóa) và đảm nhiệm vai trò lãnh đạo bảo vệ an ninh nội bộ các cơ quan khối văn hóa, văn học nghệ thuật…

Một lần ông mời tôi tới 15 Trần Bình Trọng bàn việc phối hợp với Tổng cục ra số tạp chí đặc biệt về “Vượt biên và hồi hương” vì hồi này địch mở rộng việc kích động người Việt vượt biên, di tản… nhằm tập hợp lực lượng thực hiện âm mưu chống phá Việt Nam lâu dài. Ông Thông nhìn thẳng vào tôi nói: Việc xuất bản số đặc biệt là việc làm cấp bách, mình đã trao đổi với anh Nguyễn Trọng Tháp, Cục trưởng A16, Hồng cứ tới gặp anh Tháp trao đổi để tạp chí ra nhanh nhất. “Cứ thẳng thắn, chân tình, cả hai phải chịu trách nhiệm trước mình và Tổng cục”. Vụ này ông đọc rất kỹ, bài sửa vài chữ, bài bỏ vài câu. Riêng bìa 4, tôi đưa bài hát “Quê hương” nhạc và lời của Giáp Văn Thạch - Đỗ Trung Quân phủ kín cả trang được giữ nguyên, chỉ có chữ ký duyệt…

Xong việc, ông đột nhiên hỏi: Hồng đã đọc xong cuốn “Dưới bóng giáo đường” chưa? Dạ! em đã đọc xong. Thấy thế nào, cứ nói đừng ngại. Dạ, em rất thích, nhất là các chi tiết khá cuốn hút, “đời” quá.

Ông Thông mỉm cười: Liệu mình có thể làm nhà văn và nên làm nhà văn không? Tôi từ tốn: Anh thừa sức làm nhà văn nhưng anh không nên làm. Vì sao? Ông Thông hỏi. Tôi thưa: Anh đã tin, cho phép em bày tỏ ý nghĩ của mình, có gì không phải mong anh bỏ qua. Ừ, cứ nói. Thưa anh, nếu làm nhà văn, cùng lắm anh cũng viết thêm được 5 - 7 tác phẩm nữa, chẳng bõ bèn gì với nền văn học nước nhà.

Nếu anh cứ làm công việc của mình như hiện nay, đất nước có lợi nhiều mặt. Anh nên làm một “bà đỡ” cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Tình hình hiện nay rất cần những “bà đỡ” như anh. Công tác an ninh vừa qua khá tốt, nhưng em nói thật, còn nặng về chống, nhẹ về xây. Chúng ta cần có các văn nghệ sĩ tài năng, cần nhiều tác phẩm hay để nâng tầm Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, có người nhìn nhận lệch lạc dẫn đến sai lầm, thậm chí chống đối; nhưng làm sao để họ hiểu, tỉnh ngộ, yêu nước, yêu xã hội ta bằng cả tấm lòng mới khó. Có lẽ đây là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, phức tạp. Ông Dương Thông lẳng lặng nghe tôi nói. Tôi đứng dậy chào ông, ông bắt tay tôi tiễn ra cửa, xuống sân, vẫn đứng nhìn theo…

Sau này, tôi được biết thêm ngoài cuốn “Dưới bóng giáo đường”, ông Dương Thông còn viết chung với ông Lữ Giang (Báo Người Công giáo Việt Nam cuốn “Vùng biển sóng gió” (NXB Hà Nội 1984), viết chung với ông Lê Kim cuốn “Những hoạt động phá hoại và lật đổ của CIA tại Việt Nam”, (NXB CAND, 1990).

Ngoài ra, ông còn chủ biên cuốn “Một số vấn đề về diễn biến hòa bình ở nước ta” (NXB CTQG, 1995)… không kể các bài của ông đăng báo và tạp chí! Có lần làm việc với đại diện tổ chức HCR (Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn), đại diện Liên Hợp Quốc và đoàn Việt Nam, một số phóng viên nước ngoài, trong đó có phóng viên BBC tại phòng VIP sân bay Nội Bài khi về, tôi viết bài “Sự thật về vượt biên và hồi hương” đăng kín hai trang báo Văn Nghệ. Không hiểu ai phản ánh, Đại sứ quán Anh mời tôi đến. Tới Sứ quán, sau khi chào xã giao, tôi nói thẳng với hai tùy viên sứ quán: Tôi biết các ngài mời tới về vấn đề gì.

Tôi không miệt thị hãng BBC, ngược lại còn tôn trọng vì BBC là hãng thông tấn lớn trên thế giới. Nhưng người Việt Nam chúng tôi có câu: “Rừng tốt, chưa chắc cây đã tốt”. Tại buổi làm việc hôm ấy, phóng viên Seven Marteen của BBC không chỉ cư xử thiếu văn hóa  mà còn thể hiện sự non kém về nghiệp vụ. Tiện thể, tôi cũng cho các ngài biết, Seven Marteen không chỉ làm việc cho BBC, mà còn làm việc cho tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng). Nếu các ngài muốn bằng chứng, tôi sẽ chứng minh ngay tại đây.

Nói xong, tôi thò tay vào túi định lấy cái băng Sony loại nhỏ ra. Thấy thái độ dứt khoát của tôi, một tùy viên đứng cạnh xua tay nói: No need (không cần). Tôi chào ra về. Chuyện đến tai ông Dương Thông, ông mời tôi lên. Tôi tới đã thấy ông Quang Phòng ngồi ở phòng. Tôi bật băng ghi âm cả ba người cùng nghe rồi gửi lại băng cho ông Dương Thông.

Ông nói: Thế là đã rõ, Ánh Hồng đúng! Nhà thơ Huy Cận nói: “Dương Thông, Quang Phòng là người bạn thân thiết của văn nghệ sĩ”. Riêng với tôi, ông còn là người anh kính mến, tin cậy để bày tỏ nỗi niềm. Giờ tôi càng hiểu vì sao một người muốn thành nhà văn như ông đành gác lại ước mơ.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chụp ảnh kỷ niệm với tác giả Ánh Hồng, năm 1997.

Giữa năm 1982, tôi được cử đi công tác Kiên Giang 3 tháng. Tới nơi, tôi xin gặp Bí thư Tỉnh ủy để báo cáo nội dung làm việc. Ai ngờ Bí thư là ông Ba Hương (Lâm Văn Thê), Phó ban An ninh Trung ương Cục xưa. Sinh năm 1922, năm 1944 ông là người sáng lập và phụ trách "Thanh niên tiền phong xã" An Trạch, Giá Rai, Bạc Liêu, (nay thuộc Cà Mau). Ông rất am hiểu tôn trọng phong tục, tập quán, tôn giáo, địa lý sông nước miền Tây để dựa vào dân, thuyết phục nhân dân trở thành tai mắt của cách mạng. Là Trưởng ban An ninh Khu IX (1960 - 1967), ông đã xây được những "căn cứ lòng dân", "làng rừng - làng chiến đấu", xây dựng An ninh vũ trang ở rừng U Minh, góp phần đánh bại “Kế hoạch Phụng Hoàng của địch”…

Gặp tôi, ông trố mắt: Hóa ra là mày. Nghe tôi nói mục đích về Kiên Giang, ông nhìn tôi như nhớ lại kỷ niệm nào đó, rồi cười: Kỳ cục thế mày, cầm cây đun đen (loại thuốc lá Dunhill, vỏ màu đen) về hút chơi! Đợi tao ba ngày nữa mới làm việc được. Nhưng nhớ trước khi làm việc, mày phải đi hết sông rạch Kiên Giang, về nói gì hãy nói. Tôi cầm cây thuốc, lẳng lặng chào ông.

Mấy hôm sau, tôi cùng một cán bộ của tỉnh đi bobo về cơ sở. Vừa về tới Văn phòng Tỉnh ủy, ông Thê hỏi ngay: Tình hình thế nào? Tôi nói: Nhìn chung cũng ổn, địa hình Hà Tiên địch dễ xâm nhập từ ngoài biển và người ta cũng dễ vượt biên. Đặc biệt người Hoa đã sinh cơ lập nghiệp ở đây từ khi cha ông họ (Mạc Cửu) trốn chạy sự đàn áp của phong kiến Trung Quốc và lập nên hội “Thập bát anh” dưới danh nghĩa Tao đàn nên ta cần thận trọng, xử lý khéo.

Về phong tục, tín ngưỡng không có gì, đa số đồng bào chỉ thờ “Ông Tảng”, “Ông Địa”. Riêng có một đền thờ ở thị xã Rạch Giá, anh nên cho xem xét. Em đến thấy đề “Đền thờ Tô Định” chưa ổn. Em đã gặp Ban quản lý đền hỏi. Tô Định là tướng giặc Hán đánh ta, sao không thờ những vị anh hùng có công với dân với nước vùng này, như cụ Trương Định? Nghe em nói, họ nói, xin sửa thành “Đền thờ Trương Định”, cam kết sẽ cho sửa, bố trí lại nội dung từ bài vị, tượng thờ, hoành phi và một số câu đối. Nghe tôi kể vài chuyện nữa, với tác phong Nam bộ thuần hậu vốn có, ông Thê rất chia sẻ và đồng tình. Chất gần dân, lắng nghe cán bộ của Thượng tướng Lâm Văn Thê - nguyên Thứ trưởng Công an, Ủy viên Trung ương Đảng khóa V, VI, mất năm 1990 - làm tôi kính trọng.

Tôi rất tự hào về quê mình: Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, một vùng quê lặng lẽ góp phần cùng cả nước tạo nên sự bình yên cho Tổ quốc. Đã có người âm thầm rơi nước mắt trước sự hy sinh của đồng đội, đồng chí. Đó là ông Mười Hương (Trần Quốc Hương), tên thật là Trần Ngọc Ban. Ông sinh năm 1924 tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lạc, tỉnh Hà Nam, nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương (khóa VI), Phó Ban Tổ chức Trung ương. Ông Mười Hương 19 tuổi đã là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (1943). Sau tôi mới biết, hóa ra ông còn là đạo diễn tài ba đứng sau những nhà tình báo xuất sắc: Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn…

Tôi may mắn được trực tiếp gặp ông Mười Hương ngay ở quê nhà khi ông Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) mới lên Tổng Bí thư về gặp gỡ cán bộ chủ chốt và nhân dân Hà Nam Ninh, lúc đó anh Đinh Gia Huấn làm Chủ tịch tỉnh, anh Nguyễn Văn An làm Bí thư Tỉnh ủy… Giờ giải lao, cụ Hoạt, đảng viên lão thành năm 1930 kéo tôi tới bên người đàn ông dong dỏng dáng túc nho, rỉ tai: Đây là anh Trần Quốc Hương…

Ăn trưa xong, ông Hương vẫy tôi lại bên ông hỏi chuyện, đột nhiên ông nói: Em có biết ai lập ra tỉnh Hà Nam? Tôi lắc đầu. Ông Hương tiếp: Cháu với chắt! Là Cụ tổ nhà em đấy. Đó là cụ Nguyễn Đức Năng, người có công với nước được nhà vua phong Trạng, cấp đất và Cụ đã lập nên tỉnh Hà Nam đấy. Thầy giáo dạy chữ nho cho ông Hương và cũng là người dìu dắt ông theo cách mạng, chính là ông Nguyễn Đức Quỳ, cố Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Từ đó, tôi có nhiều dịp gặp ông Mười Hương. Một lần vào Sài Gòn công tác, bất ngờ tôi lại gặp ông Mười Hương ở T78. Tối đó chẳng biết nói chuyện với ai, tôi bạo gan tới trước phòng ông Hương gõ cửa. Ông Hương mở hé cửa, ra hiệu mời vào. Ông Hương rót tách trà, đẩy về phía tôi hỏi: Em tìm anh có việc gì? Thực ra, chẳng có chuyện gì, chủ yếu đến thăm anh thôi. Thế thứ yếu là gì? Ông Hương dí dỏm.

Biết không qua được sự nhạy cảm của ông, tôi đành thưa: Dạ! Mấy hôm nay em có đọc tài liệu lưu trữ của chính quyền cũ thấy nhiều tài liệu nói về Đại tá Phạm Ngọc Thảo, có gì bất ổn. Có tài liệu nói ông Thảo là người của ta, tài liệu khác bảo là của địch… Em mạnh dạn tìm anh hỏi. Nếu người của mình, sao mãi đến ngày 30/8/1995, mới được công nhận là Liệt sĩ và Anh hùng LLVT Nhân dân? Ông lặng yên nghe tôi nói, vẻ mặt đăm chiêu. Ông nhìn tôi như nhìn thằng em út bướng bỉnh, cái gì cũng muốn đi đến tận cùng. Thôi, uống nước đi, sau này em sẽ rõ. Nhưng anh khẳng định: “Phong mười lần Anh hùng cho Phạm Ngọc Thảo cũng xứng đáng”. Nếu ai hỏi, em cứ bảo Mười Hương nói.

Nhìn ông lúc này, tôi thấy có cái gì thật khó tả… Nếu đọc tài liệu và hồi ký về cuộc đấu trí giữa ông Mười Hương và Ngô Đình Cẩn hay Ngô Đình Nhu, nhiều người nghĩ ông Mười Hương là người sắt đá, lạnh lùng chỉ biết có nguyên tắc… Nhưng thực ra ông rất tình cảm, độ lượng, bao dung với đồng đội, đồng chí, đồng bào, nặng nghĩa với quê hương.

Mặt trận an ninh và những cán bộ an ninh có những ngôi sao không dễ thấy ban ngày; đó là đặc trưng của nghề nghiệp, của sứ mệnh mà nhân dân, đất nước giao phó. Nhìn ra cổng, cây trạng nguyên đã trổ hoa thắm đỏ. Một năm mới sắp tới. Bất chợt tôi lại nghĩ đến ngành an ninh nói riêng, công an nói chung mấy năm gần đây và chủ trương của Đảng, Nhà nước đưa cán bộ, chiến sĩ công an về xã, phường là hoàn toàn đúng đắn. Để họ gần dân hơn, hiểu rõ lòng dân hơn. Việc xem xét, xử lý dứt khoát, nghiêm túc các cán bộ sai phạm, từ cấp cao đến cấp thấp là việc làm vô cùng cần thiết. Để năm mới đến, các ngôi sao trên vai bớt rụng, mãi là sao sáng, những ngôi sao ngày và đêm lấp lánh trên bầu trời đất Việt.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những ngôi sao không dễ thấy ban ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO