Những người nông dân làm giàu nhờ internet

Nguyễn Nhàn| 07/12/2019 08:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Tích cực áp dụng công nghệ vào sản xuất, chủ động kết nối thị trường, học hỏi, giao thương qua mạng Internet. Chuyện những nông dân làm việc nơi ruộng đồng nhưng vẫn biết check mail, lướt web để nắm bắt thông tin nay không còn là chuyện “hiếm có, khó tìm” ở Hà Tĩnh...

Làm giàu nhờ internet

Khát vọng làm giàu lĩnh vực nông nghiệp chưa bao giờ nguội tắt trong anh Đậu Tiến Sỹ. Người nông dân chân chất ngày nào, giờ đã là giám đốc một doanh nghiệp ăn nên làm ra, song, anh  không cho phép mình thỏa mãn với hiện tại. Với anh, phát triển Công ty TNHH Khánh Giang cũng chính là để thỏa mãn giấc mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Chấp nhận mạo hiểm, dám đương đầu với khó khăn, anh mạnh dạn bàn với  vợ đầu tư 48 tỷ đồng trên diện tích 27 ha ở xã Đức Dũng (Đức Thọ) để làm trang trại chăn nuôi bò sữa. Bắt đầu  hành trình đó là điều không hề đơn giản, anh cần mẫn như con ong sẵn sàng xách ba lô đi đến các miền để tìm hiểu thị trường, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu từ khâu chọn giống, thức ăn, cách chăm sóc từ internet và những giáo sư, tiến sĩ trong lĩnh vực nông nghiệp. Trời không phụ lòng người, sau 6 tháng xây dựng, anh đã tìm được nguồn giống đảm bảo, tiến hành thả nuôi lứa đầu tiên với 210 con bò sữa nhập khẩu từ Australia, dự kiến doanh thu đạt 15–20 tỷ đồng/năm. Đây cũng là trang trại chăn nuôi bò sữa đầu tiên và cũng là mô hình chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn huyện Đức Thọ từ trước tới nay. Ngoài ra gia đình anh Sỹ còn sở hữu cơ ngơi nhiều người mơ ước với  với trang trại nuôi lợn liên kết quy mô 1.200 con/lứa  ở Thuận Lộc (thị xã Hồng Lĩnh) với doanh thu 8–10 tỷ đồng/năm, từ hai trang trại này đã tạo công ăn việc làm cho 30 lao động với thu nhập 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.

Điều đặc biệt, khi bắt tay thực hiện hay khi đã thành danh anh Sỹ luôn tâm niệm: “Làm gì cũng cần có khoa học công nghệ, chịu khó tìm hiểu. Người nông dân trong xu thế hội nhập phải  biết liên kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau với quan điểm “biết cho đi mới là người giàu có”. Đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi thì công tác bảm đảm môi trường và dịch bệnh phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt. Đó là “chìa khóa” dẫn đến thành công.

“Sắp tới trang trại sẽ đón thêm 300 chú bò sữa từ  Australia  về và dự định không xa tôi sẽ làm thêm nhà máy chế biến sữa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương”.Anh Đậu Tiến Sỹ cho biết thêm.

Không chỉ là anh Sỹ bắt nhịp thời đại, những người nông dân ở Hà Tĩnh không còn bị động, trông chờ vào sự hỗ trợ hay bằng lòng với quy luật “được mùa - mất giá”. Họ tỉ mẩn trong từng công đoạn, áp dụng khắt khe yêu cầu kỹ thuật, chứ không còn sản xuất “nhờ trời” như trước. Đây cũng là “chìa khóa” để ông Nguyễn Thế Long chọn cây thanh long cho vườn mẫu của mình trên vùng đất Hồng Lĩnh (Vượng Lộc, Can Lộc).

Ông Long chia sẻ: Qua mạng internet và được hai con đang công tác ở Hà Nội trợ giúp, tôi đã ra tận Ba Vì (Hà Nội) để mua giống thanh long ruột đỏ. Thời gian đầu, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn từ khâu chăm sóc đến cách phòng, trị bệnh nhưng tôi mày mò, học hỏi kỹ thuật qua các trang web. Từ đó đến nay, cây thanh long bén duyên với gia đình tôi và đã cho thu nhập, với 750 gốc, cứ 15 ngày nở hoa thì sau 1 tháng đã cho thu hoạch.

Ðến tìm kiếm thị trường tiêu thụ

Nói về việc bao tiêu sản phẩm, ông Long cho biết: “Qua các trang mạng xã hội thì sản phẩm thanh long ruột đỏ của gia đình đã được kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh. Với giá 50.000 đồng/kg, thu nhập từ vườn thanh long từ 50 – 70 triệu đồng mỗi năm”.

Cũng với mục đích tìm kiếm thông tin qua mạng, Anh Nguyễn Văn Tiến - nông dân “chính hiệu”, chuyên sản xuất các sản phẩm từ hươu hàng chục năm nay, chủ cơ sở cơ sở sản xuất Nhung Tiến - Hương Sơn hồ hởi chia sẻ: “Nuôi hươu là nghề truyền thống từ mấy đời của gia đình tôi. Qua sự giới thiệu của bạn bè, tôi tham khảo thêm và tiến hành xây dựng trang web website nhunghuouhuongson.com để quảng bá sản phẩm. Đến nay, tuy mới đưa vào sử dụng được gần 1 năm nhưng thị trường đã mở rộng hơn, có đơn hàng ở các tỉnh miền Nam”.

Giờ đây, sản phẩm của cơ sở anh Tiến có thể cung cấp khắp nơi nếu được đặt hàng qua email hay một cuộc điện thoại. Thị trường mở rộng đồng nghĩa với việc hiệu quả sản xuất ngày một tăng, nâng cao thu nhập cho gia đình anh khi hiện nay số lượng lên đến 50 con và cho sản phẩm hàng ngày. Cũng theo anh Tiến, chi phí xây dựng ban đầu của 1 website là 4 triệu đồng, tiền duy trì hoạt động tính ra mỗi tháng chưa đến 100 ngàn đồng cũng là một thuận lợi để các cơ sở kinh doanh vừa có thể thực hiện được.

Anh Trần Quốc Hòa - chủ trang trại nuôi gà cho thu nhập “khủng” ở Thành phố Hà Tĩnh nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm kinh doanh trên các phương tiện truyền thông, cộng với sự nhanh nhạy của bản thân đã xây dựng được kiểu liên kết sản xuất và quảng bá sản phẩm rất hiệu quả. Ngoài việc chăn nuôi ở trang trại, anh mở thêm một nhà hàng chuyên về chế biến món ăn từ gà thu hút khá nhiều khách, từ đó quảng bá thêm thương hiệu gà sạch mà cơ sở đang sản xuất. Anh cũng đang triển khai xây dựng trang web riêng để giới thiệu sản phẩm ra thị trường.

Hồi sinh trang trại Sét

Còn câu chuyện của ông Lê Văn Bình sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, trăn trở với suy nghĩ sẽ làm gì để nuôi vợ nuôi con và thoát nghèo. Vốn xuất thân từ gia đình thuần nông nên thâm tâm ông luôn muốn gắn bó với ngành nông nghiệp. Lúc bấy giờ vùng đất trại Sét được giao Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân phát triển trại dược liệu nhưng bị bỏ hoang lâu năm, trong đầu ông lóe lên ý tưởng làm trang trại từ đó.

Khi đưa ý tưởng này bàn với vợ con, người thân ai cũng bảo ông khùng, bởi cả vùng đất lau sậy, giang nứa um tùm, nhìn đâu đâu cũng âm u làm sao mà phát triển được, trong khi vốn liếng là hai bàn tay trắng.

Nào ngờ năm 1993 ông làm đơn xin xã Xuân Mỹ khoanh nuôi 5 ha đất đào ao nuôi cá, sản xuất lúa và cây trồng ngắn ngày. Theo thời gian, đất Sét dần hồi sinh, nuôi cá được cá, cấy lúa được lúa..

Năm 1998 ông Bình tiếp tục làm thủ tục thuê thêm 60 ha đất lâm nghiệp mở rộng quy mô trang trại theo mô hình vườn - ao - chuồng. Thời gian này, ông cùng vợ và ba người con trai “ăn rừng, ngủ rú”, đào đất trồng keo, mở rộng ao nuôi cá, cày bừa ruộng gieo cấy lúa..., lấy công làm lãi. Nỗ lực suốt nhiều năm bắt đầu được đền đáp bằng những món tiền lời hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Khi có chút vốn lận lưng năm 2003 ông mạnh tay đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống kênh mương, hồ chứa nước; xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê, bò sinh sản, lợn nái, lợn thương phẩm... Quy mô trang trại cứ thế mở rộng theo thời gian, từ đầu tư 1 tỷ, 2 tỷ, đến nay đạt hơn 10 tỷ đồng.

Thành công là vậy nhưng làm trang trại cũng có nhiều rủi ro nhất là chăn nuôi khi năm 1998 đợt dịch bệnh hỏng mắt trên đàn dê Bách thảo và tụ huyết trùng trên bò đã có hàng trăm con chết như ngả rạ, thiệt hại gần 400 triệu đồng, năm 2010 trận “đại hồng thủy” một lần nữa cuốn sạch sành sanh gần 5 ha NTTS; công trình chuồng trại hư hỏng nặng ước thiệt hại gần 2 tỷ đồng.

 “Sau những thất bại đó nhiều lần anh em, bạn bè khuyên từ bỏ, một số người đến ngã giá chuyển nhượng trại nhưng tôi kiên quyết lắc đầu, tôi bảo với vợ con dù có chết tôi cũng phải chết ở trại Sét này. Quyết tâm của tôi rồi cũng được đền đáp bằng thành quả ngày hôm nay”, ông Lê Văn Bình chia sẻ.

Với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ đắc lực từ tỉnh, huyện thông qua các chính sách, trang trại của ông Bình phát triển mạnh, trở thành điểm nhấn không chỉ của huyện mà còn của tỉnh Hà Tĩnh nhất là từ năm 2010, khi phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động sâu rộng.

Cũng chính từ trang trại đẹp như… bên Tây của ông Lê Văn Bình đã tạo nguồn cảm hứng để UBND huyện Nghi Xuân chỉ đạo ngành văn hóa nghiên cứu xây dựng tour, tuyến du lịch trải nghiệm làng quê NTM. Du khách được tìm hiểu nền văn hóa lúa nước mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng.

Giờ đến ông Bình còn có nhà lưu trú, nghỉ dưỡng “mộc” ngay trong khuôn viên trang trại. Du khách sẽ có thời gian trải nghiệm cuộc sống thực tế sản xuất nông nghiệp của nông dân xưa và nay, như: Đánh bắt cá, ném cổ vịt, bắt lươn trong chum, xay lúa, giã gạo theo phương thức truyền thống; cùng chế biến, thưởng thức các sản phẩm vừa thu hoạch…

Ngoài mang lại lợi nhuận cao cho gia đình, mô hình trở thành nơi học tập kinh nghiệm của rất nhiều nông dân khác trong và ngoài tỉnh. Ông Bình cũng là người đầu tiên mạnh dạn liên kết với Cty cổ phần C.P (Thái Lan) nuôi lợn gia công quy mô 1.800 con/lứa, làm tiền đề giúp cho Xuân Mỹ mở rộng quy mô nuôi kiên kết cho C.P lên 12.000 con/năm/4 hộ tham gia.

Ông Bình bảo: “Tôi làm trang trại khi chưa ai dám làm, thất bại, đắng cay đã nếm đủ. Bây giờ có thể tự hào rằng mình có của ăn của để nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục đầu tư nâng quy mô để làm nông nghiệp sạch, các con sẽ cùng tôi gắn bó với vùng đất Sét, với những dự định tâm huyết cả đời tôi gửi gắm vào đây”.

Sản xuất rau, củ công nghệ cao

Sản xuất những cây trồng, vật nuôi chưa thỏa chí làm giàu từ nông nghiệp của ông Bình. Hiện ngoài phát triển chăn nuôi lợn, trang trại này đang sản xuất hiệu quả 5 ha NTTS; 100 keo; 1ha cây ăn quả; nuôi 100 con bò sinh sản và thương phẩm; 1.000 con gia cầm/lứa... 

Năm 2017 ông lập hẳn dự án sản xuất rau củ quả công nghệ cao trên diện tích 1ha; tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Quy mô giai đoạn 1 xây dựng trên 5.000m2 (trong đó 3.000m2 nhà lưới); kinh phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Hiện rất nhiều doanh nghiệp từ TP Vinh đã chủ động đến đề nghị hợp tác sản xuất nông sản sạch theo chuỗi, bằng cách cung cấp giống, quy trình và bao tiêu phần lớn sản phẩm...

Theo ông Bình, những sản phẩm nông nghiệp trang trại Sét sản xuất ra đều nói không với chất cấm, hạn chế tối đa sử dụng thuốc BVTV nên có rất nhiều người tìm đến đặt hàng, đặc biệt là các trường học. Thậm chí nhiều du khách đến đây vừa tham quan mô hình du lịch trải nghiệm NTM vừa đặt hàng mua rau, thịt gà, lợn, bò, cá...

Chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, chủ trang trại này cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là phải có sự đam mê và kiến thức. Đam mê mà “hổng” kiến thức thì sớm muộn gì cũng thất bại. Ngoài ra, người làm chủ phải có máu “liều”, dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm. Tất nhiên liều cũng phải có cơ sở, nhạy bén nắm bắt thời cuộc, các điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như việc xây dựng nhà lưới trồng rau công nghệ cao. Với các tỉnh phía Bắc, phía Nam làm nhà lưới chỉ cần thiết kế chịu được sức gió cấp 10 nhưng ở Hà Tĩnh thì phải thiết kế sức chống chịu đến cấp 13 mới đáp ứng được.

Những tâm huyết, nỗ lực trong phát triển kinh tế của ông Lê Văn Bình đã được Chủ tịch nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về phong trào thi đua yêu nước; các Bộ ngành Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân cũng đã vinh danh bằng hàng chục bằng khen, giấy khen ý nghĩa khác.

Hình ảnh người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “con trâu đi trước, cái cày theo sau” dần lùi vào dĩ vãng. Với  sự năng động, nhạy bén bắt kịp với xu thế phát triển thời đại những người nông dân thời hội nhập đã biết tìm hướng đi cho mình. Cũng từ đó các sản phẩm từ vườn, trang trại được tiêu thụ một cách nhanh chóng nhờ vậy đã xuất có nhiều ông chủ, bà chủ trên mãnh đất “chảo lửa túi mưa” Hà Tĩnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những người nông dân làm giàu nhờ internet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO