Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong ASEAN

Vân Khánh| 13/08/2020 11:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội để tiếp tục các nỗ lực chung, đóng góp vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực.

Kể từ khi ASEAN thành lập đến nay, phụ nữ ASEAN đã có những cống hiến rất tích cực vào tăng trưởng và thịnh vượng của các nước thành viên.

Tuổi thọ của phụ nữ đã tăng lên đáng kể, tỷ lệ nữ trong độ tuổi từ 60 - 64 đến năm 2015 đã tăng 3,7%, tỷ lệ sinh sớm của phụ nữ trong độ tuổi 15 - 19 ở khu vực đã giảm từ 77% xuống 37%. Các cơ hội giáo dục được mở rộng.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội tại nhiều quốc gia ASEAN đã đạt mức trên 20%. Số lượng phụ nữ làm chủ doanh nghiệp cũng đã tăng đáng kể gần đây, nhiều phụ nữ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị hay Giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh những thành tựu đó, có một thực tế rất rõ là dù phụ nữ chiếm 45% lực lượng lao động ở khu vực Đông Nam Á (với dân số gần 650 triệu người và quy mô GDP hàng năm tăng khá đồng đều), nhưng mức thu nhập của phụ nữ trong khu vực nói chung vẫn thấp hơn nam giới làm cùng một công việc, chênh lệch trung bình lên tới 25% ở một số quốc gia.

Do đó, các quốc gia ASEAN cần chung tay hành động và có các giải pháp hiệu quả để nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời đại mới.

Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong ASEAN - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 dự Phiên họp đặc biệt chiều 26/6. (Ảnh: Trần Hải)

ASEAN nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 26/6/2020, lần đầu tiên một hoạt động về chủ đề tăng quyền năng cho phụ nữ được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN. Phiên họp cấp cao đặc biệt này cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 110 năm Ngày quốc tế Phụ nữ, 45 năm thành lập Ủy ban ASEAN về Phụ nữ, 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới và 20 năm thông qua Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.

Phiên họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, xuất phát từ sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định cam kết của các Nhà lãnh đạo ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng cộng đồng.

Với những đặc thù và thế mạnh riêng, phụ nữ có vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực chung của nhân loại ứng phó với các thách thức đe dọa ổn định và phát triển của các quốc gia, từ xung đột vũ trang, bạo lực cực đoan, đến biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội...

Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong ASEAN - Ảnh 2.

Phụ nữ ASEAN ngày càng có vai trò quan trọng đối với các vấn đề trong khu vực. (Ảnh: ASEAN)

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ. Chính vì vậy cần hành động để giải phóng tiềm năng của phụ nữ, tạo điều kiện để họ phát huy được các thế mạnh, đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển của mỗi quốc gia và Cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay.

"Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mở ra nhiều cơ hội to lớn cho nhân loại và trao cho phụ nữ nhiều quyền năng to lớn, giúp họ giải phóng được tiềm năng tuyệt vời của mình để vượt qua các rào cản và thách thức hiện tại, tạo ra sự thay đổi cần thiết của tương lai. Tuy vậy, kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng mang đến nhiều thách thức, đặc biệt đối với phụ nữ.

Việc phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đang làm thay đổi cách thức làm việc truyền thống, gây nguy cơ phá vỡ thị trường lao động, gia tăng áp lực về chuyển dịch lao động. Đó chính là những nguy cơ đối với nhiều người phụ nữ khi họ không được trang bị những tri thức mới, kỹ năng mới, phương thức làm việc mới phù hợp" – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam ưu tiên thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch tổng thể, gắn kết các cơ chế về phụ nữ; đồng thời cam kết bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, nâng cao vai trò của phụ nữ trong hòa bình, an ninh… sẽ được nhấn mạnh và thể hiện đậm nét trong quá trình xây dựng các định hướng phát triển của ASEAN giai đoạn tới, nhất là Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh và tái khẳng định quyết tâm cao nhất của ASEAN trong thực hiện hiệu quả Cương lĩnh Bắc Kinh và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.

Nhằm thúc đẩy và đề cao hơn nữa vai trò, đóng góp của phụ nữ trước những chuyển đổi sâu sắc, mạnh mẽ của thời đại số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nước tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ tham gia đầy đủ trong tất cả các tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như trong hoạch định các chương trình, chính sách về hòa bình, an ninh, phát triển cấp quốc gia và khu vực; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy năng lực sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm và kinh doanh, thích ứng với những yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế số.

Phát biểu về chủ đề "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn" tại Phiên họp đặc biệt của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định vai trò của phụ nữ trong tiến trình phát triển của khu vực ASEAN và thế giới, nhất là phụ nữ trong vai trò lãnh đạo, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của ASEAN thông qua các chương trình bảo đảm bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Theo đó, ASEAN cần tiếp tục có những sáng kiến thiết thực nhằm trao quyền cho phụ nữ và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

"Để tăng quyền cho phụ nữ các quốc gia ASEAN nói chung và trong thời đại công nghệ số nói riêng, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả của các thiết chế Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các định chế quốc tế nhằm xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới như một giá trị phổ quát, cốt lõi vốn có trên toàn cầu đến mọi thực thể trong khu vực, các quốc gia và cộng đồng xã hội" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ.

Và để phát huy vai trò của phụ nữ trong thời đại số, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng: "ASEAN cần phải tăng cường trang bị các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho phụ nữ. Đó chính là chính sách hữu hiệu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nam giới và nữ giới".

Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong ASEAN - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 phát biểu tại phiên đối thoại. (Ảnh: Vietnamnet)

Hay trong cuộc họp của Nhóm Phụ nữ ASEAN vì Hòa bình đã diễn ra theo hình thức trực tuyến vào tháng 6 vừa qua, các đại diện Nhóm Phụ nữ ASEAN về hòa bình của Việt Nam đã chia sẻ các ưu tiên của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giai đoạn 2020 - 2021 trong việc thúc đẩy hợp tác về phụ nữ, hòa bình và an ninh ở bình diện khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc triển khai chương trình nghị sự ASEAN về Phụ nữ - Hòa bình - An ninh cần đặc biệt chú trọng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng bị ảnh hưởng sâu sắc do dịch bệnh, đồng thời góp phần đẩy mạnh triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và giải quyết các nguồn gốc của xung đột như đói nghèo, phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới, dịch bệnh, các nguy cơ của chủ nghĩa cực đoan, bạo lực, khủng bố…

Việt Nam đạt nhiều thành tựu về bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ

Năm 2020, là năm cuối cùng của Chiến lược quốc gia đầu tiên về bình đẳng giới và Chính phủ sẽ chuẩn bị chiến lược bình đẳng giới mới trong giai đoạn 2021 – 2030.

Trong 25 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm thực hiện hóa các mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các cam kết quốc tế khác về bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và củng cố luật pháp, chính sách của quốc gia.

Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt thành tựu cao về thực hiện bình đẳng giới. Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác bình đẳng giới đạt được nhiều thành tựu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, Chính phủ Việt Nam đã chủ động triển khai, lồng ghép các sáng kiến, ưu tiên khu vực liên quan đến phụ nữ vào các chương trình, đề án ở cấp quốc gia.

Hàng năm, Chính phủ dành khoảng 2,6% tổng GDP cho các chính sách, chương trình về trợ giúp xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái.

Việt Nam cũng đã có những nỗ lực đáng kể nhằm giảm thiểu quy định mang tính chất phân biệt đối xử đối với cả phụ nữ và nam giới; nỗ lực trong lĩnh vực bình đẳng giới của Việt Nam đã cải thiện rõ rệt vai trò và địa vị của phụ nữ. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1% cao hơn mức trung bình của cả khu vực lẫn toàn cầu.

Theo đánh giá của quốc tế, hiện nay, tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp của Việt Nam đạt 31,3% trên tổng số chủ doanh nghiệp. Tỷ lệ tạo việc làm mới cho lao động nữ luôn đạt ở mức hơn 48% trong 5 năm qua.

Đặc biệt, một trong những điểm nổi bật là nỗ lực thực hiện Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên Hợp Quốc về Xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Việt Nam cũng ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Nhiều quy định của Luật Bình đẳng giới đã được Việt Nam triển khai trong thực tế, đem lại kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tỷ lệ nữ tham gia các hoạt động chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

Lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á. Tỷ lệ nữ tham gia bảo hiểm xã hội chiếm gần 50% trong tổng số người tham gia.

Với xu thế của cuộc cách mạng 4.0, một nền kinh tế bao trùm hơn và nhân văn hơn thì vai trò của phụ nữ rất là quan trọng. Cùng với việc nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về đảm bảo và thúc đẩy quyền con người nói chung, phụ nữ nói riêng, Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong ASEAN.

Bài liên quan
  • Tương lai của ASEAN là ASEAN số
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận định về tương lai của ASEAN là ASEAN số và chia sẻ 3 quan điểm hợp tác số trong ASEAN tại Diễn đàn Tương lai ASEAN được tổ chức ngày 23/4/2024.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO