Nông sản đặc sản giúp nông dân Lạng Sơn vươn lên làm giàu

Chu Minh| 26/08/2020 19:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa sản phẩm đặc sản nông nghiệp tại Lạng Sơn mang lại giá trị thu nhập cho người dân khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Điển hình trong đó là: sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn diện tích trên 34.000 ha, sản lượng đạt trên 15.000 tấn/năm; sản phẩm na Chi Lăng khoảng 3.200 ha tập trung ở các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng với sản lượng hằng năm trên 35.000 tấn; vùng sản xuất rau đặc sản các loại. 

Nông sản đặc sản giúp nông dân Lạng Sơn vươn lên làm giàu - Ảnh 1.

Thương hiệu na Chi Lăng đã được người tiêu dùng trong nước và thế giới biết đến nên bán được giá cao. (Ảnh: Chu Minh)

Riêng đối với diện tích trồng na, Lạng Sơn đã có trên 800 ha na được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; những diện tích trồng na còn lại đều được cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.  

Tỉnh Lạng Sơn xác định Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, với trọng tâm là phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tinh hoa, đặc biệt của mỗi vùng mà các địa phương khác không có, được chính quyền hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất. 

Thời gian qua, Chương trình OCOP đã được triển khai mạnh tại tỉnh Lạng Sơn. Trong năm 2019 đã có 13 sản phẩm đã được công nhận và dự kiến trong năm 2020 có thêm 25 sản phẩm được chuẩn hóa từ 3 sao đến 4 sao. 

Theo ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, do thời tiết khắc nghiệt nên sản lượng na năm 2020 giảm hơn 1.000 tấn so với năm 2019. Năng suất na năm ngoái đạt 113 tạ/ha; năm nay chỉ khoảng 100 tạ/ha. 

Thực tế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyện không tổ chức Ngày hội na Chi Lăng. Thay vào đó, cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX, thương lái đến thu mua, tiêu thụ na. 

Sở Công thương Lạng Sơn đã có văn bản gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong cả nước thông tin về tình hình mùa vụ thu hoạch na tới đông đảo doanh nghiệp, HTX liên kết thu mua, tiêu thụ. 

Năm nay, huyện Chi Lăng hỗ trợ cho người dân trên 35.000 hộp bao bì, 50.000 tem truy xuất nguồn gốc để góp phần quảng bá, tiêu thụ quả đặc sản quê hương. Từ đầu vụ đến nay, na thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Giá cả cũng rất cao, thời điểm hiện tại, giá na bở loại ngon bán được 80-100 nghìn đồng/kg, na dai loại to (3 quả/kg tròn, đẹp) có giá 75 nghìn/kg. 

Bên cạnh sản phẩm na Chi Lăng, tại huyện Hữu Lũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho 3 sản phẩm: Măng Bát độ, Nem nướng và Quả tươi Hữu Lũng – đây là những sản phẩm OCOP chủ lực của huyện.

Nông sản đặc sản giúp nông dân Lạng Sơn vươn lên làm giàu - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp và HTX ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm na Lạng Sơn. Ảnh: Chu Minh

Đến nay, các vùng chuyên canh hàng hóa tập trung với khoảng 20 loại (tiêu biểu là na, mít, dứa, bưởi, thanh long...) tại huyện Hữu Lũng đã hình thành với tổng diện tích khoảng 5.000 ha, chiếm 1/3 diện tích đất nông nghiệp, mang lại giá trị kinh tế hàng năm trên 800 tỷ đồng. Đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Không ít hộ còn vươn lên làm giàu từ trồng cây ăn quả.

Như vậy, đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng được một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa mang lại giá trị thu nhập cho người dân khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu đáng kể của tỉnh có các xã, huyện còn khó khăn. Trong đó, những nhân tố điển hình trong trồng cây ăn quả theo mô hình chuyên canh đã vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nút thắt lớn nhất hiện nay đối với trái cây tại Lạng Sơn là vấn đề liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Song song đó, tạo ra các không gian, môi trường thuận lợi kết nối người sản xuất và người phân phối. Tại đây, các nhà quản lý, nhà phân phối, kinh doanh các chuỗi nông sản sẽ chia sẻ những tín hiệu thị trường, giới thiệu những tiêu chuẩn kinh tế và kỹ thuật. 

Cùng với đó, cần đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm đối tác, kết nối giữa các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP và đại diện các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, kết nối các đội ngũ mua hàng của các đơn vị tiêu thụ sản phẩm trực tiếp trải nghiệm sản phẩm... 

Tại hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2020, một số doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh bày tỏ mong muốn được giao lưu, kết nối tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong đó, 6 doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh đã ký kết hợp tác, xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm na và nông sản tỉnh Lạng Sơn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nông sản đặc sản giúp nông dân Lạng Sơn vươn lên làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO