Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn và giải pháp căn cơ, bền vững

Tràng An| 09/03/2020 14:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Các đô thị lớn gánh chịu những hậu quả về ô nhiễm môi trường đòi hỏi cần phải có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt từ địa phương đến cơ quan quản lý Nhà nước.

Các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (HCM) phải gánh chịu những hậu quả về ô nhiễm môi trường trong năm qua đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt trước mắt từ chính quyền địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước, xa hơn là những giải pháp mang tính căn cơ, bền vững.

Nhận diện ô nhiễm môi trường tại hai đô thị lớn nhất

Nếu như TP. HCM phải đối mặt với nạn triều cường, vấn đề rác thải sinh hoạt tại đô thị quá lớn và các vấn đề ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí... Thì Hà Nội năm 2019 vừa qua cũng gánh chịu không ít những "tiêu cực" từ ô nhiễm môi trường như: ô nhiễm không khí có ngày ở mức nguy hại, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt từ sự cố nhiễm dầu bẩn từ Nhà máy nước sông Đà, sự cố cháy Nhà máy Rạng Đông khiến 1 lượng thủy ngân bị phát tán ra môi trường...

Thậm chí Hà Nội đã tự đánh giá hiện trạng cụ thể là quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng làm tập trung dân cư, phương tiện giao thông gia tăng phát sinh khí thải, bụi từ các phương tiện giao thông; hoạt động sản xuất, xây dựng phát triển; các hoạt động dân sinh đun nấu, sử dụng than tổ ong, đốt rác, đốt rơm rạ... đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí. Đặc biệt, trong những ngày qua do xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan: mây mù dày đặc, nhiệt độ xuống thấp và hiện tượng nghịch nhiệt, dẫn đến Chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Thành phố ở mức "xấu" và "rất xấu", ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và hoạt động du lịch, sản xuất, kinh doanh.

Hà Nội chỉ đạo tập trung, quyết liệt, cụ thể nhất là thời gian thường xảy ra diễn biến thời tiết cực đoan

Thực tế, sau một loạt tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường năm 2019 thì Hà Nội đã có giải pháp mạnh và quyết liệt để xử lý. Ngày 25/12/2019, địa phương này ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chỉ thị xác định các biện pháp cấp bách, quyết liệt để giảm thiểu nguồn phát sinh khí thải độc hại, bụi mịn tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí trên địa bàn Thành phố. Chính quyền Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội vận hành liên tục ổn định hệ thống quan trắc môi trường không khí, thường xuyên tổng hợp kết quả thông báo công khai các số liệu ô nhiễm không khí hệ thống quan trắc của Thành phố và một số cơ quan... để người dân biết, có kế hoạch hành động, phòng tránh.

Trong trường hợp khi ô nhiễm không khí chạm mức "Nguy hại" chỉ số AQI >300, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo tới Sở Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo các Trường mầm non, Trường Tiểu học cho các cháu học sinh sắp xếp lịch học phù hợp; tới Sở Y tế để có các biện pháp bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng ngừa bệnh về đường hô hấp; tới các Sở, ngành liên quan để có các biện pháp xử lý, khắc phục hạn chế phát thải.

Đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa Thể thao các Sở cũng như UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực, hưởng ứng tham gia: Không để người dân đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa; Các hộ gia đình trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp; Không vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định;...

TP. HCM kiên trì thực hiện tuyên truyền nhân tố, mô hình tích cực bảo vệ môi trường

Với những đặc thù riêng, TP. HCM cũng có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trong những năm gần đây. Trong đó, xác định tuyên truyền là một giải pháp mang tính dài hơi, "mưa dầm thấm lâu" đối với cộng đồng dân cư. Theo đánh giá của các chuyên gia thì đây cũng là giải pháp rất quan trọng nếu cộng đồng người dân thay đổi được nhận thức tiếp đó đến thay đổi thói quen thì các vấn đề ô nhiễm môi trường cơ bản do con người tạo ra sẽ tiến triển ngày một tốt lên.

Sau khi ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động "Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước", thì mới đây TP. HCM tiếp tục xác định các giải pháp để thực hiện Chỉ thị này.

Mục đích của TP. HCM là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động "Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước". Khắc phục các mặt tồn tại, hạn chế trong 6 tháng triển khai Chỉ thị số 19, xây dựng và đề xuất các giải pháp triển khai đến năm 2020.

Thành phố yêu cầu cụ thể đối với các Sở ngành, UBND 24 quận - huyện chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia Cuộc vận động. Đặc biệt cần gắn việc thực hiện Cuộc vận động với triển khai hiệu quả Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020.

Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn và giải pháp căn cơ, bền vững - Ảnh 1.

Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn cần giải pháp xử lý lâu dài, bền vững. (Ảnh: Internet)

Thành phố cũng xác định các tiêu chí xét công nhận danh hiệu "Khu phố - ấp sạch, không xả rác ra đường đường và kênh rạch" gồm: Có các hoạt động tuyên truyền thông tin về bảo vệ môi trường và 100% hộ dân ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch. 100% hộ dân đăng ký thu gom rác thải tại khu vực có tuyến thu gom. Riêng các địa bàn chưa có tuyến thu gom 100% hộ dân thực hiện xử lý rác thải hợp vệ sinh tại hộ gia đình. 100% hộ dân sinh sống, kinh doanh ở mặt tiền đường giữ gìn vệ sinh môi trường, tự trang bị thiết bị lưu chứa rác thải. 100% hộ dân giao rác đúng giờ, để rác đúng nơi quy định… Cũng như các tiêu chí danh hiệu "Phường - xã - thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch". Thành phố xác định tuyên truyền để tạo sức lan tỏa từ các "Công trình, giải pháp, sáng kiến xanh" đối với xã hội, cải thiện vệ sinh môi trường, phục vụ cộng đồng, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường…

Từ hai đặc thù tới hai cách làm, hai nhóm giải pháp khác nhau của hai đô thị lớn bậc nhất cả nước, Hà Nội và TP. HCM cho thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như tác động tiêu cực từ diến biến thời tiết cực đoan cần những giải pháp mạnh, quyết liệt không chỉ trước mắt mà còn cần cả những giải pháp mang tính căn cơ, bền vững, lâu dài.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn và giải pháp căn cơ, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO